28.- HÃY THEO DÕI TA TRONG MỖI KHOẢNH KHẮC

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 72726)
28.- HÃY THEO DÕI TA TRONG MỖI KHOẢNH KHẮC

Sống với cảm xúc

Khi nghĩ rằng ta có thể sống ngoài cảm xúc của mình, là điều không tưởng. Tưởng rằng mình sống ngoài cảm xúc của mình, là mình chưa biết mình hoặc tự dối mình, hay tự kềm hãm mình.

Sống tự nhiên là sống trong cái biết. Biết tất cả lục căn lục trần và sống với nó không có nghĩa là bị nó lôi kéo. Tưởng rằng sống ngoài lục căn lục trần, là sống trong mù quáng, u tối, mình chưa biết mình, mà chỉ tưởng rằng mình biết mình. Còn ở thế gian, còn mang thân xác nhân gian, thì còn sống với lục căn lục trần. Biết nó, sống với nó, và không bị nó lôi kéo, là sống trong Chánh Đạo. Biết nó, sống với nó, mà bị nó xô đẩy lôi kéo, là sống trong Tà Đạo. Biết nó càng rõ, càng thấy sự bỉ ổi tồi tệ của nó, càng giúp cho ta Giác Ngộ, càng giúp cho ta xa rời không tưởng, càng giúp cho ta hòa mình với thế gian, giúp cho ta biết nhún nhường. Những kẻ còn tự cho mình là đạo đức, trong sạch, thanh tao, xa rời nhân gian, là những kẻ sống trong ảo tưởng, sống xa với Đạo.

Sự biết rõ lục căn lục trần để ta lấy quyết định ở trường hợp nào phải hành theo nó, và lúc nào không, nhưng luôn luôn phải sống với nó vì không có nó, cái Biết của ta mất. Không có nó, ta bị mất tất cả những liên lạc với con người và vũ trụ, vì vậy những kẻ tật nguyền thiếu phần này thì phải phát triển phần khác để bổ túc.

Người tu là người sống với cảm xúc chớ không phải sống ngoài cảm xúc. Sống với cảm xúc mới sống trọn cuộc sống của mình. Sống với cảm xúc là ta sống trọn vẹn không đè nén cảm xúc. Khi cảm xúc xuất phát trọn vẹn, mình trở lại với không tánh. Đè nén cảm xúc thì ta không biết nó trọn vẹn, và không biết nó, ta cũng không biết ta. Cho nên có người nói mà không biết mình nói gì, làm mà không biết mình làm gì. Đó chính là không hiểu rõ lục giác của mình, nên không truy lùng đến được nguồn gốc. Biết rõ lục giác, ta mới biết nó từ khi phát khởi, ta mới làm chủ được nó, và đưa nó về không tánh.

Khi biết được những điều trên, ta không còn xem thường lục giác, ta nhìn lục căn lục trần như những gì Thượng Đế ban cho ta, và ta có sự lựa chọn để sử dụng nó như thế nào, để bước vào ánh sáng.

Con người dù làm những việc xấu, việc sai, nhưng khi biết rõ cái xấu cái sai, họ sẽ tìm thấy sự trong sạch đẹp đẽ, để trở lại chu kỳ không tánh. Vậy cái biết là cái tẩy (xóa), tự biết mình để giải tội hay giải nghiệp quả cho chính mình. Nếu tu mà không biết mình để tự giải cho mình thì dù có tu nghìn kiếp cũng không giải được nghiệp quả của mình, mà cứ phải luân hồi để trả quả.

Lòng tin và ý chí

Khi đứng trước mọi vấn đề, ta còn sợ cái đúng và cái sai, ta còn sợ dư luận, thì lòng tin ta chưa vững, chưa mạnh. Khi lòng tin ta vững như bàn thạch, điều gì ta thấy phải làm là ta làm. Nhưng khi quyết định làm điều gì, phải có sáng suốt để nhìn thấy hậu quả, và phải chấp nhận đương đầu với hậu quả và có lòng tin mạnh mẽ là việc mình làm đúng, thì mình nhận hậu quả một cách nhẹ nhàng tự nhiên, vì lòng tin đã hóa giải nó. Điều cần thiết là sự chịu đựng, và kiên nhẫn. Đó cũng là sự rèn luyện Lòng Tin và Ý Chí.

Lòng Tin và Ý Chí quan trọng vào bực nhứt cho việc tu sửa. Không có hai điều trên, thì cứ như ta bơi xuồng đi quanh quẩn trong ao, không đi đến đâu cả. Có ý chí và lòng tin, ta mới vượt đựơc những ghềnh thác, những khúc sông nguy hiểm, để đi đến biển cả. Biển cả là sự Hiểu Biết. Những chặng khó khăn nguy hiểm là sự đau khổ của cuộc đời, có chịu được nó, có vượt qua nó, mới biết Đạo, vì Đạo là cái Biết. Cái Biết giúp cho ta tự tại, cái Biết giúp cho lục căn lục trần không dấy động lên.

Trong mọi trường hợp và mọi hoàn cảnh. Cái Biết giúp cho hơi thở ta điều hòa luôn luôn trước mọi nghịch cảnh. Cái Biết cho ta thấy mọi vấn đề. Khi ta thấy, không những giúp ta mà còn giúp cho mọi người, mọi vật, đem lại sự cộng hưởng cho vạn vật chúng sanh. Những người chung quanh ta, tuy không biết, nhưng họ hưởng được sự nhịp nhàng trong cái Hòa của ta. Họ hoan hỉ và nhẹ nhàng thoải mái trong vô thức, còn ta hoan hỉ và nhẹ nhàng trong cái thức.

Người thực tâm tự đóng góp trong sự Yên Lặng của cái thức. Yên lặng hòa quang với vũ trụ, yên lặng luân chuyển thanh khí, ban phát thanh khí, buông tỏa sự yêu thương, và luôn sống nhịp nhàng với vũ trụ, thì quanh ta, tự nhiên mọi việc cũng được nhịp nhàng, và dĩ nhiên là nhịp nhàng cùng ta. Vì vậy, sự động loạn và rối rắm sẽ chấm dứt, trạng thái Định xuất hiện.

Đến đây ta bắt đầu thấy rõ hơn tại sao tâm chuyển mệnh.

Vậy tu là sửa, sửa là giúp ta đi đúng đường. Sự đi đúng đường giúp cho ta giải nghiệp quả. Nghiệp quả là tất cả những sai lầm của ta tích lũy từ nhiều tiền kiếp lẫn kiếp hiện tại. Kiếp hiện tại là hậu quả của nhiều tiền kiếp. Nếu biết tu để hóa giải ở kiếp này, thì đương nhiên có thể giải được nghiệp quả của các tiền kiếp, vì thế nên có câu Tu Nhất Kiếp Ngộ Nhất Thời là thế. Ngộ là biết. Biết là Xóa, là Tẩy. Xóa Tẩy ngay tức khắc.

Vậy mục đích của con đường tu là đi đến cái biết vậy.

Vượt cảm xúc

Khi đạt trình độ tu học cao hơn, ta sẽ có khả năng vượt cảm xúc.

Khi ở trình độ thấp, ta phải nhận rõ cảm xúc của mình do lục căn lục trần gây ra, ta không đè nén nó, để nó phát ra rồi qua các chu kỳ sẽ trở về trạng thái không tánh. Đó là giai đoạn biết: biết nhận, biết phản ứng và theo dõi để trở về không tánh. Đó chỉ là giai đoạn biết lập lại trật tự của từng chu kỳ nhỏ. Khi còn sống trong từng giai đoạn của chu kỳ nhỏ, là còn nằm trong từng giai đoạn của vòng tròn, tức còn sống trong sự Biến Thiên. Ta phải bước sang giai đoạn Đại Định, tức sống trong toàn thể của vòng tròn đó, tức bước vào sự Ngộ Giác của sự bất giai bất biến. Ta phải sống trong sự biến chuyển của sự Bất Giai Bất Biến đó.

Khi bước vào giai đoạn Toàn Năng Toàn Giác, cái Biết đó là Chánh Giác, không còn phản ứng nữa. Vì còn phản ứng là còn hành động sai lầm như trong chu kỳ nhỏ. Khi bước vào trạng thái của Chánh giác, ta không còn sống trong phản ứng của lục căn lục trần nữa, mà sống trong cái lý tự nhiên. Lý Tự Nhiên khác với sự lý luận phải trái do thành kiến cá nhân hay thành kiến chủng tộc, hay tình cảm vui buồn gây nên. Sống trong Đại Định luôn luôn có sự yêu thương thật sự và tự nhiên. Tự nhiên yêu thương lẫn nhau, yêu thương tất cả, đó là từ bi tánh của Phật. Đó là thời Thượng Ngươn Thánh Đức. Vì vậy mới có câu "Phật hóa chúng sanh đồng thành Phật Đạo" là vậy.

Lý tự nhiên

Làm thế nào để con người sống trong thể không tánh, hành xử theo lý tự nhiên, mà lại có thể hòa hợp với người đời?

Sống ở thể không tánh thì không bị ảnh hưởng. Vì bị ảnh hưởng mới gây xáo trộn. Thí dụ như sống hòa hợp với thiên nhiên, là không bị ảnh hưởng của thời tiết thay đổi, nóng hay lạnh, làm ta vui hay buồn, thích hay khó chịu. Trời lạnh ta mặc áo ấm, trời nực ta mặc áo mỏng. Đối với con người cũng vậy. Ta sống, nhìn và thấy mọi việc xẩy ra, tâm tính và hành động của những người chung quanh lúc họ vui lúc họ buồn, lúc họ tử tế, lúc họ lạnh nhạt, lúc họ thương lúc họ ghét, lúc họ nặng nhẹ, lúc họ ngọt ngào. Người ở thể không tánh sẽ được thanh nhẹ, và không bị ảnh hưởng của các thể tánh của những người chung quanh... Khi không có ảnh hưởng tới mình thì sẽ không gây xáo trộn ngược lại, ta sẽ không vì họ vui mà ta vui, không vì họ ghét mà ta giận, hay họ ngọt thì ta mừng. Tất cả đến với ta đều để thử thách, để ta nhìn rõ chân tướng của con người. Có biết, có sửa, mới có tiến. Không có trải qua không biết, không ngộ được chân tướng của mình, thì không sửa được mình.

Phải trau dồi và sửa mình luôn luôn. Hãy buông bỏ những vui buồn hờn giận, ghét bỏ của quá khứ. Khi nhìn được lỗi lầm của mình, ta sẽ bỏ qua lỗi lầm của người. Mọi việc đều có nguyên nhân, vì có khi lỗi lầm của người là do nguyên nhân của mình. Buồn vui hờn giận chỉ là để cho những kẻ chưa biết mình là ai. Ta phải là kẻ luôn luôn tỉnh thức, kẻ đã biết được nguồn cội của mình. Nguồn cội của ta là ánh sáng, là minh giác, là chân thiện mỹ, là chân như. Đó là chân lý, là sự tự do toàn diện bất giai bất biến.

Nhân quả

Làm sao nhận biết rằng những đau buồn đến với mình là do tiền kiếp của mình gây nên, hay do những người làm mình đau buồn là ân nhân của mình?

Đối với những kẻ có căn tu, tất cả những khó khăn đau khổ đều là kim chỉ nam giúp ta hướng tâm đến đạo pháp, đến giải thoát. Nếu biết được điều trên, thì kẻ thức tỉnh ngộ đạo đều có thể hóa giải được tất cả đau khổ nghiệp quả của chính mình, để giải thoát. Khó khăn càng nhiều đau khổ càng nhiều, bước tiến càng vững. Sự đau khổ sẽ trở thành nhẹ nhàng bình thản, vì nó giúp ta thức tỉnh ngộ giác, thoát vòng u minh. Những khó khăn trở thành những bực thang, những cây cầu giúp ta tiến bước. Tất cả những người sống quanh ta và ta đều có nghiệp duyên tiền kiếp. Mỗi người đều có nghiệp quả riêng, tự tạo và tự giải. Người có căn tu là kẻ đã biết tự giải nghiệp của mình qua nhiều tiền kiếp, nên nghiệp quả của họ càng ngày càng ít. Kẻ tạo đau khổ cho ta cũng không phải người ơn của ta, mà cũng không phải người thù của ta, mà họ chỉ tạo nghiệp cho chính họ, hay tự giải nghiệp cho chính họ. Tất cả mọi sanh linh đều nằm trong qui luật ấy không ai thoát được. Người và người tha thứ nhau được, nhưng quy luật tự nhiên, mà người ta gọi là luật trời, không tha thứ một ai. Không ai giải tội giải nghiệp cho ai được, mà chính mỗi người tự thanh lọc, tự nhận các thử thách để tự giải tội giải nghiệp cho mình, tức tự mình đưa mình đến giải thoát. Người thật sự muốn thanh lọc, muốn hướng đến giải thoát, sẽ có thanh điển trợ lực cho mình. Các vị bề trên luôn luôn túc trực để giúp đỡ cho mọi sanh linh bất cứ giờ phút nào, họ không bao giờ nghỉ ngơi. Sự dốc tâm tu hành sửa đổi càng cao, thì sự trợ lực đó càng mạnh mẽ. Người hướng tâm tu như kẻ bước vào ánh sáng. Bước tiến càng xa, ánh sáng càng nhiều càng mạnh, càng chói lòa. Ánh sáng đó sẽ ảnh hưởng cho tất cả những kẻ chung quanh ta, gần ta.

Tâm ta thành, ta thật sự hướng tâm phục vụ đạo pháp, sẽ có sự trợ lực của bề trên đến giúp cho ta đạt thành ý nguyện.

Dứt nghiệp

Làm thế nào để dứt nghiệp?

Muốn dứt nghiệp, phải giải nghiệp. Muốn giải nghiệp ta phải sống trọn với cái nghiệp của mình. Người tu khi chấp nhận cái nghiệp của mình và quyết tâm giải nghiệp đó ở trần gian thì cứ như đi trên một bản đồ vô hình, với ánh sáng làm kim chỉ nam.

Người tu mà muốn tự dứt nghiệp trần của mình chỉ để cho được nhẹ nhàng tấm thân, an hưởng cuộc sống, thì cứ như đi dần vào cái bẫy vô hình, vì đó là sự trốn nghiệp. Vì tu là tự giải nghiệp, chớ không phải tu là để trốn tránh nghiệp. Tự chấp nhận khó khăn đau khổ, thì con đường chuyển từ tối tăm sang ánh sáng, càng sáng càng có lối thoát. Càng chạy trốn nghiệp quả, thì bằng cách này hay cách khác, nghiệp quả sẽ đeo đuổi; nghiệp quả càng đeo đuổi, ta càng bí lối.

Người tu, ngoài Lòng Tin và Ý Chí, phải có cái Dũng để chấp nhận và đương đầu với mọi khó khăn do nghiệp quả của mình tạo ra.

Sự trốn chạy sẽ không có lối thoát.

Sự trốn chạy sẽ đi đến vô minh

Khi quyết tâm tu, ta phải quyết tâm không tạo thêm nghiệp quả. Nhưng ta vẫn phải giải nghiệp quả mà ta đã tạo nên trong quá khứ. Khi ta vay thì ta phải trả, dù bằng cách này hay cách khác. Đó cũng là luật trời cho mọi người, và không có sự đặc biệt cho bất cứ ai.

Ta có sự lựa chọn

Tất cả chúng ta đều có sự lựa chọn con đường mình đi. Ơn Trên không vạch sẵn con đường và bắt buộc ta phải đi con đường đó. Ta phải tự khổ công học hỏi, tìm tòi để đi đến sự sáng suốt, bình tâm mà nhìn cho ra con đường chính mình phải đi, rồi phải có ý chí để đi con đường đó. Vì Biết và Thấy chưa đủ, phải có Ý Chí để theo đuổi, vượt mọi trở ngại. Vậy ý chí là điều kiện tất yếu để ta đi đến nơi đến chốn. Mọi ý nghĩ, hành vi, lời nói đều tạo nên nghiệp lực. Vậy phải đúc rèn ý chí luôn luôn, để luôn luôn tỉnh ngộ, dứt trừ nghiệp lực chấm dứt nghiệp quả, thì con đường đi sẽ bớt chông gai, sẽ tránh sự lệch lạc đắn đo bởi những vấp ngã làm ta chùn bước.

Ta đừng tưởng lầm là ta bị ràng buộc trong một bản đồ tiền định. Mỗi chúng ta đều có một bản đồ vô hình do hành trình tu học của chính ta vạch ra. Ta có công tu học, vẽ đúng, thì con đường đi sẽ từ từ dễ dàng để tiến bước. Vẽ đường sai, thì tự mình sẽ đạp bẫy té hố. Vậy Ơn Trên có hướng dẫn hay trợ lực ta hay không, đều có sự theo dõi chặt chẽ luôn luôn. Ta tự dối lòng thì được, mà dối Ơn Trên thì không được. Tưởng rằng mình bị bắt buộc làm điều này điều kia là hoàn toàn sai lầm vì tất cả đều do sự chọn lựa của mình, trong mỗi giai đoạn biến chuyển của tâm linh. Tưởng rằng mình có nguyện thì Ơn Trên mới cho, là sai. Phải do ý chí mình muốn đạt được, rồi khẩn nguyện để được Ơn Trên trợ lực thêm cho mình đạt được ý nguyện của mình mới đúng.

Vậy bản đồ cuộc đời do chính mình vẽ. Nghiệp quả của mình phải do chính mình giải. Nghiệp lực của mình phải do chính mình dứt.

Nếu có ý chí làm những việc đó, thì Ơn Trên sẽ trợ lực cho mình

Im lặng và tỉnh thức

Nếu muốn vẽ bản đồ cho cuộc đời mình, nếu muốn giải nghiệp quả và dứt nghiệp lực, thì phải Tỉnh Thức luôn luôn. Tỉnh Thức trong Im Lặng. Nhìn sự bất chợt có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Sự bất chợt này có thể là bất hạnh hay hạnh phúc, ta phải sống với nó trong mỗi giờ mỗi khắc, giữa sự Sống và cái Chết luôn luôn. Việc ta theo dõi ta, cần thiết như hơi thở cho cơ thể, cho sự sống toàn diện trong ta mỗi giây mỗi khắc. Sống như vậy mới thật sự là sự sống của chính ta, vì có thức luôn luôn ta mới biết ta là ai, ta biết ta đang sống. Không có giây phút thức đó là ta ngủ quên, ta mù.

Ta ngủ quên, ta mù, ta để cuộc đời ta trôi dạt không định hướng. Vì vậy mỗi tích tắc ngủ quên là ta buông trôi cuộc đời ta, ta không định hướng nó. Mỗi tích tắc tuy ngắn nhưng nó rất to tát, có khi quan trọng hơn cả cuộc đời, có thể làm gẫy đổ, phá hỏng một cuộc đời, đạp đổ một sự nghiệp, phá hủy một đời tu.

Khi định hướng cuộc đời mình, biết mình là ai, sẽ đi về đâu, đó là ta tự giải nghiệp cho đời mình. Vì mình không cột thêm, không tạo thêm, mà chỉ mở từ gút cho đến giải tỏa hết. Mở sự trói buộc từ bản thân cho đến tâm hồn. Vậy ngộ giác chưa đủ, mà phải thức giác để giải nghiệp.

Sự thức giác trong mỗi giây mỗi khắc cần thiết như hơi thở, vì sự phóng tâm trong mỗi khắc mỗi giây sẽ bị dập tắt ngay bởi thức giác. Thức giác cắt dứt ngay khi sự phóng tâm dậy khởi thoáng hiện.

Vậy sự thức giác luôn luôn trong ta, là câu trả lời toàn diện.

Sự thức giác là ánh sáng, và ta phải có ý chí để giữ ánh sáng đó luôn luôn trong ta.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880