Lời giới thiệu của Giáo Sư Phạm Công Thiện

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 77430)
Lời giới thiệu của Giáo Sư Phạm Công Thiện

NGUYỄN HUỲNH MAI

Và Quyển

“HỒN THIÊNG DÂN TỘC”

Phạm Công Thiện

Từ lâu Nguyễn Huỳnh Mai muốn tôi viết đôi lời giới thiệu bất cứ quyển sách nào mà bà định xuất bản; tôi đã từ chối nhiều lần vì nhiều lý do và lý do quan trọng nhất là khó viết lời giới thiệu cho một tác giả quá thân thuộc với chính mình.

Từ lâu tôi đã được quen biết quá thân thuộc đối với cả gia đình bà, từ ông bà cụ thân sinh cho đến chồng con, từ lúc bà còn là một cô sinh viên lặng lẽ ban cử nhân ở Sài Gòn cách đây gần 30 năm và tôi cũng chẳng nhớ đã giảng dạy cô những gì trong mấy năm đại học mà sau đó từ Paris trở lại Hoa Kỳ cách đây 12 năm tôi đã được dịp gặp lại cô (trở thành bà), và cả gia đình bà (từ ông bà cụ thân sinh cho đến chồng con) đều đã sung sướng đón tiếp và trọn vẹn chấp nhận tôi như người gần ruột thịt trong đại gia đình của bà.

Từ 12 năm nay tại Hoa Kỳ, tôi được nhiều dịp để tìm hiểu cô học trò của tôi cách đây gần 30 năm.

Tôi nhận thấy Nguyễn Huỳnh Mai sống hai thế giới hoàn toàn mâu thuẫn, nếu không muốn nói đến nhiều thế giới hơn nữa.

- Một thế giới rất hữu hình: vui say phụng sự cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại bằng bất cứ phương tiện nào, sinh hoạt thường xuyên với nhiều tổ chức chánh trị, xã hội, tôn giáo, và nhất là hoạt động tích cực với đủ giới truyền thông ở hải ngoại, rồi về nhà là lo lắng chăm sóc cha mẹ, chồng con và cả đại gia đình.

- Một thế giới dường như vô hình: một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vô cùng trung kiên, vô cùng thuần thành với đức tin mãnh liệt trọn vẹn đối với Đức Huỳnh Giáo Chủ và giáo pháp của Ngài, đồng thời lúc nào cũng hết lòng cởi mở tìm hiểu tất cả tôn giáo và tất cả đạo lý khác.

Về cái thế giới rất hữu hình của Nguyễn Huỳnh Mai thì tôi vẫn kính trọng và ít khi quan tâm, vì trong lãnh vực ấy thì Nguyễn Huỳnh Mai bơi lội vùng vẫy như cá trong nước, mặc dù đôi lúc nước cũng không được sâu, thành ra cá cũng khổ nhọc trăm điều, thỉnh thoảng tưỏng chừng như mắc cạn. Còn về cái thế giới dường như vô hình thì tôi phải nhận rằng Nguyễn Huỳnh Mai đã từng sống chết hết mình với Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo. Chẳng những thế, tôi thấy rằng có một khía cạnh rất kín đáo của bà và ít ai nhận ra được: Bà thường hay sống trong một nỗi ám ảnh tâm linh kỳ diệu gì đó, dường như phải chịu mang một sứ mạng vô hình nào đó để thực hiện một đại nguyện Bồ Tát Hạnh nào đó, khiến nhiều lúc bà trỏ nên ngơ ngác lạc lõng trong những lộ trình tưởng chừng như bất tận...

Trong 12 năm tại California, tôi được biết rằng bà đã từng viết bao nhiêu ngàn trang về những thao thức vô tận của bà về những mê lộ trùng điệp của thế giới tâm linh. Bà đã sống trong từng giây phút cô tịch đối đầu với cái Bất Khả Tư Nghị của Thế Gian Pháp và Phật Pháp. Ít nhất bà cũng đã giấu kín ba bốn ngàn trang, vừa nhật ký tâm thức, vừa độc thoại, vừa đối thoại với một đấng hay một bậc vô hình nào đó. Tôi chỉ đoán vậy thôi, chứ tôi không dám động đến niềm bí ẩn nào đó trong đời sống tâm linh thầm kín của bà.

Bà có ý nhờ tôi đọc và sửa lại những gì bà viết; lúc đầu tôi đã bắt đầu ngồi sửa chữa lại những gì bà viết, nhưng sau đó tôi phải ngừng lại. Tôi không muốn can thiệp vào những gì bà đã viết, vì đây không còn là chuyện văn chương chữ nghĩa. Đây là một thế giới khác. Có thể ngôn ngữ diễn đạt có nhiều chỗ vụng về, nhưng chính sự vụng về ấy rất cần thiết.

Khi chúng ta đối mặt thẳng với trái tim của đời sống và cái chết, với cái gì vượt lên trên chuyện tử sinh thì chúng ta chỉ biết bập bẹ hoặc nói ngọng. Hoặc tuyệt nhiên im lặng...

Bất cứ điều gì Nguyễn Huỳnh Mai đã viết ra trong tập sách này, tôi đều có thể nói ngược lại hoàn toàn. Và thường khi, tôi không đồng ý.

Tuy nhiên có một điều duy nhất mà tôi phải kính trọng triệt để: Đó là sự ngây thơ và trong trắng tâm linh, sự sạch sẽ tâm hồn của Nguyễn Huỳnh Mai lúc va chạm thế giới đạo lý vô hình.

Đó cũng là điều duy nhất đáng nói ra trong lời giới thiệu này và tôi xin hoàn toàn nhận lãnh trách nhiệm tinh thần đối với một người học trò cũ mà bây giờ đã trở thành một kẻ lên đường bước theo Simone Weil (1), dù chưa được tuyệt đối lạ thường như Simone Weil, nhưng ít ra cũng đang bước một bước đầu trong lộ trình bất tận đến sự Bén Rễ toàn diện (L’ENRACINEMENT) cuủ Simon Weil giữa nỗi điêu linh vong tính của toàn thể nhân loại ở thế kỷ XX.

Chính cái bước đầu tiên mới là bước quan trọng nhất. Đại Nguyện Lên Đường và Sự Cất Bước Lên Đường thực sự cách biệt nhau như Bờ bên này và Bờ bên kia.

Hai bờ chỉ là một và không khác nhau, chỉ khi nào con cá trích hóa rồng.

Chỉ khi nào Nguyễn Huỳnh Mai va chạm tuyệt lộ và chợt thấy rằng tất cả đều là Sơn Cùng Thủy Tận thì lúc đó một rừng Mai vàng sẽ vụt xuất hiện.

PHẠM CÔNG THIỆN

Monterey Park, California

Ngày 1 tháng 8, 1995.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880