GIÂY PHÚT QUÝ BÁU

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 10997)
GIÂY PHÚT QUÝ BÁU

Mission Viejo, 13-7-1992

Trang thương,
Lâu quá mẹ chỉ thì thầm một mình mà không có tâm sự với con. Hôm nay mẹ bắt đầu làm việc lại vì tuần rồi mẹ dành cho bà ngoại. Tuần trước ba mẹ đưa bà nội và bà ngoại đi San Jose dự lễ 18 tháng 5 trên đó. Bà nội ở lại Oakland chơi thêm một tuần. Ba mẹ đưa bà ngoại về nhà mình nghỉ ngơi một tuần. Mẹ đưa bà đi biển, chuyện trò với bà hoặc đi mua sắm. Hồi sáng mẹ đã đưa bà ngoại trở về nhà ở khu Bolsa rồi.

Mẹ nghĩ rằng điều gì mẹ muốn, mẹ có thể thực hiện được với nhiệt tâm và ý chí mạnh mẽ. Tuy có một việc mẹ cảm thấy bất lực, mỗi lần nghĩ đến tim mẹ se thắt, đó là níu kéo lại tuổi già của ngoại. Thịnh, Cường càng lớn, sắp đến ngày trưởng thành, ba mẹ đối diện với tuổi già, tóc ba mẹ bắt đầu bạc, thì tuổi hạc của nội và ngoại lại càng cao. Mẹ không sợ thời gian làm cho mẹ già, nhưng chỉ sợ thời gian cướp đi người mà mẹ thân yêu. Có lẽ ngày đó mẹ sẽ cô đơn lắm trên cõi đời này.

Nếu thấy được việc gì quan trọng nhất trong cuộc đời, mình sẽ biết phải làm gì để sau này khỏi hối hận. Ông ngoại mất đi mẹ thương tiếc, nhưng xét lại mẹ không bị lương tâm cắn rứt vì có một thời gian ông bà sống với mẹ và mẹ đã làm cho ông bà vui. Tuy nhiên có vài sơ xuất nhỏ, khiến mẹ nghĩ đến hoài, chẳng hạn chiếc nệm ông ngoại nằm hơi cũ nên ông ngoại bị đau lưng. Mẹ cứ tự trách sao lúc đó mẹ không mua một cái nệm mới. Máy lạnh thổi ngay chỗ ông ngoại nằm, nên có khi ông ngoại bị cảm v.v... Lúc ông ngoại đau thì mẹ rời gia đình về sống với ông bà ở gần khu Bolsa và săn sóc ông ngoại cho đến lúc ông mất. Mẹ đã đau khổ và trưởng thành trong niềm đau của mình.
Mẹ.
*
Mission Viejo, 15-7-1992

Trang thương,
Hôm nay mẹ lạy Phật trễ quá vì bận làm thức ăn sáng cho Thịnh, Cường, và Johnathan, trước khi tụi nó đi Wild River trượt nước. Johnathan, con dì Thư, năm nay 11 tuổi mới từ bên Anh qua. Vậy là Cường có thêm một đấu thủ để đánh quần vợt rồi. Cũng như bình thường, mẹ luôn luôn nguyện vái Thầy Tổ, chư Phật hướng dẫn mẹ trên con đường đạo và đường đời. Hai con đường đó đều khó và quan trọng cả. Đường đời mà không có đạo hướng dẫn sẽ đi vào khổ não, sai lầm, mà đường đạo cũng không thể thiếu đời để phát triển và trở nên hữu dụng.

Mẹ cũng không biết tự khi nào, có lẽ từ nhỏ, mẹ luôn cầu nguyện Ơn Trên "hướng dẫn mẹ trên con đường phục vụ tha nhân và hòa bình thế giới trong đó có quê hương Việt Nam". Ước nguyện này to lớn quá, sao mẹ vẫn nguyện hoài mỗi khi khấn vái trước bàn thờ. Mẹ cố gắng làm việc lại bình thường nhưng trong người vẫn còn buồn buồn, uể oải. Mỗi khi gặp chuyện buồn, tâm hồn bị xáo trộn, con nên nắm giữ lấy nó để học hỏi về mình. Con phải theo dõi các sự thay đổi của tâm tư, tánh tình cùng những phản ứng từ lời nói đến hành động của mình. Hãy kiểm soát đừng cho chúng đi quá đáng, tuy nhiên cũng đừng kềm hãm dồn nén chúng. Đó là cơ hội để mình học hỏi về con người thật của mình. Tốt xấu, hay hiền dữ, đó là lúc chúng được dịp xuất hiện. Nếu có tánh xấu, tánh dữ, hiện ra con đừng buồn, đừng chán, vì là dịp may hiếm có để học hỏi sửa đổi. Mẹ đã học hỏi qua nhiều người đi trước mình. Cũng như các lần trước, mỗi khi gặp khó khăn, để tìm hiểu về mình, mẹ lại có được mấy quyển sách trong tay hết sức là lợi ích. Đó là quyển "No Ordinary Moments? A Peaceful Warrior’s Guide to Daily Life" (mẹ tạm dịch: "Những Giây Phút Quý Báu - Con Đường Của Người Chiến Sĩ Hòa Bình Trong Đời Sống Hàng Ngày") của Dan Millman, quyển " Đại Trí và Độ Luạ⮢ của Long Thọ Đại Sĩ do Thầy Vân Nguyên dịch.

Mẹ nhớ hồi con ở với mẹ, mẹ cho con đọc quyển "Think On These Things" (Suy Nghĩ Về Một Số Vấn Đề Về Đời Sống) của Krishnamurti. Lúc con về Long Beach, mẹ đã gởi cho con sách của Ken Keys; và Shakti Gawain có bài tập để giúp con sửa đổi sao cho có một đời sống hòa hợp với mọi người. Sách của Dan Millman có trình độ cao hơn nên mẹ không gửi cho con. Dan Millman thực tế hơn Carlos Castaneda. Sách của Dan Millman cũng có tính cách huyền bí nhưng không phù thủy như Carlos Castaneda; ông thầy của Castaneda là Don Juan, phù thủy. Còn thầy của Dan Millman là người làm việc ở trạm xăng mà Millman đặt tên là Socrates. Qua những câu chuyện của họ, mẹ học được rất nhiều, nhứt là lúc bị "bế tắc" về tư tưởng. Con nên nhớ, trên con đường học đạo để phát triển tâm thức, con càng bị bí, bị ngu chừng nào càng tốt chừng đó, vì như vậy con mới tiến được. Những lúc mình bị "nghẽn" thì vô cùng khó chịu, bực bội, nhưng lúc mình tháo được những gút mắt thì tâm thức mình mở rộng sáng choang. Mình sung sướng vô cùng nhưng rồi lại... đau khổ tiếp để học hỏi, tiến hóa.

Sau này, không biết 5 hay 10 năm gì nữa mẹ sẽ xuất bản một cuốn sách đã viết năm 1982 kể chuyện như Millman, nói lên sự thay đổi, những đớn đau khi tâm thức của con người chuyển động để bước vào con đường đạo, một con đường đầy chông gai mà bất cứ một người nào muốn dấn thân vào phải có đủ nghị lực và can đảm phá bỏ hết thành kiến lẫn học thức của mình. Khởi đầu mẹ đặt tên quyển sách là "Human Love" (Tình Người), rồi đổi thành "Love" (Tình yêu). Vài năm sau mẹ thấy hễ có love (thương) thì có hate (ghét), nên mẹ sửa tên nó là Understanding (Sự Cảm Thông). Bây giờ mẹ muốn gọi nó là "The Lonely Search" (Sự Tìm Kiếm Cô Đơn). Một trong những người đã cho mẹ một điểm tựa để tiến bước lúc đó là Fritjof Capra qua quyển "The Tao of Physics" của ông.

Có lẽ mẹ nên chụp chương ba của quyển "No Ordinary Moments" cho con. Chương này nói đến những phương thức giúp cho mình "biến đổi" như: Quân bình thể xác, giải phóng trí óc và chấp nhận những xúc động của mình. Mẹ đang đọc qua một chương khác nói về sự tự giới hạn khả năng của mình. Mẹ thấy Dan Millman nói thật đúng. Nhiều khi mình bị người khác chê hay lúc mình làm điều gì sai là mình cứ "có thành kiến đối với mình". Mình yên trí là mình dở và không có khả năng, rồi mình không làm, không cố gắng học hỏi thêm để phát triển.

Theo kinh nghiệm của Millman thì tài năng không quan trọng bằng sự áp dụng. Điều tiên khởi là phải đập vỡ thành kiến sai lầm và giới hạn về chính mình và tìm nguồn khởi của ý tưởng mà mình tự gán cho mình (có thể qua những sự bình phẩm của người khác hay qua sự thất bại của mình trong quá khứ).
*
Mission Veijo, 17-7-1992

Con thương,
Con có thể tưởng tượng? Sự xao động xoay chuyển của tâm thức làm con người mình mệt nhoài. Thân thể mẹ như mất trọng lượng, tay chân mình mẩy yếu hẳn đi. Tâm hồn trống rỗng như mất cả tư tưởng. Mẹ cảm thấy như đang sống xa rời với đời sống hàng ngày, mặc dù mẹ vẫn nấu ăn, lau bếp, dọn dẹp nhà cửa như bình thường. Cảm giác như mình bị lơ lửng, "làm" mà không làm. Một cảm giác thật bềnh bồng...

Bác Thiện thường cho mẹ sách Phật đúng lúc. Con còn nhớ bác Phạm Công Thiện? Bác ấy vừa từ bên Úc về cho mẹ quyển Đại Trí Độ Luận. Theo bác thì "đây là một công trình khả kính đưa ta trở về lại tinh túy của nền đạo lý vĩ đại nhất Đông Phương, một nền đạo lý đã quyết định trọn vẹn tất cả lịch sử dân tộc". Trong khi Dan Millman giúp mẹ tìm những khuyết điểm sâu kín của mẹ để khai phóng, giúp cho mẹ mạnh mẽ, can đảm lên để đối phó với con người, nhất là những người làm thương tổn mình, thì những bài học trong quyển Đại Trí Độ Luận hãm bớt chất dũng sĩ quả cảm tiềm tàng của mẹ lại. Đó là lòng từ bi, sự ngộ giác. Một đêm, mẹ thức đến bốn giờ sáng để đọc chương ba: Sần Đề Bà La Mật. Chương này nói về sự nhẫn nhục gồm Sanh Nhẫn và Pháp Nhẫn.

"Bồ Tát hành Sanh Nhẫn, đắc vô lượng phước đức, hành Pháp Nhẫn, đắc vô lượng trí tuệ. Phước đức cùng trí tuệ đầy đủ tức được như sở nguyện. Thí dụ như người có mắt có chân, tùy ý đi đâu cũng được." "Bồ Tát nếu gặp kẻ nghịch hại, mắng chửi đánh đập, suy nghĩ biết tội phước nghiệp nhân duyên, các pháp trong ngoài đều không, vô ngã, vô ngã sở. Dùng Tam Pháp Ấn mà quán nhập các pháp, sức tuy có thể đối trả với kẻ nghịch hại nhưng không sanh ác tâm, không sanh ác khẩu, các tâm số pháp sanh khi ấy gọi là Nhẫn" (trang 67).

Trong sách có giảng:
"Tâm Bồ Tát bất động, không sanh vui thích những chúng sanh cung kính cúng dường, cũng không buồn giận những chúng sanh não hại. Ấy gọi là Sanh Nhẫn" (trang 68)
"Tất cả chúng sanh vì có nhân duyên tội lỗi mới xâm hại nhau. Hôm nay ta nhận thọ mọi khổ não này, ấy bởi nhân duyên đời trước cảm ứng nên mới vậy..." (trang 69).
"Vì nếu không có những người não hại ta như thế, làm sao ta thành tựu được hạnh nhẫn nhục này, bởi thế họ là những người rất đáng cho ta thân cận, là thầy ta, là người đã thương ta" (trang 71).
"Lại nữa, trong các phiền não, sân là tối trọng. Trong các quả báo xấu xa, sân báo cũng là lớn nhất, các kiết sử khác không sánh bằng, như Thích Đề Bà Na Dân dùng kệ hỏi Phật rằng:
Giết ai, tâm an ổn?
Giết ai, tâm không hối?
Ai, cội nguồn độc hại?
Ai, diệt phá phước lành?
Giết ai được ca ngợi?
Giết ai, lòng vô tư?"
Phật đáp kệ rằng:
"Giết sân, tâm an ổn
Giết sân, tâm không hối
Sân, cội nguồn độc hại
Sân, diệt phá phước lành
Giết sân Phật tán thán
Giết sân lòng vô tư" (trang 71).
Nếu khởi sân hận, tự mình đã đánh mất đi sự an vui thì làm sao có thể mang sự an vui đến cho người khác?
Lại nữa, chư Phật và Bồ Tát xuất sanh từ Đại Bi, lấy Đại Bi làm căn bản mà sân hận là loại cực độc tiêu diệt Từ Bi. Nếu còn ôm lòng sân hận thì sao có thể gọi là Bồ Tát? Bởi vậy, cần tu Nhẫn Nhục!" (trang 72).


Mission Viejo, 22-7-1992 (5 giờ sáng).

Trang ơi,
Mẹ thấy buồn vô cùng, tối qua mẹ cứ trăn trở thở dài mãi rất khó ngủ, sau khi đọc những lá thơ của đồng bào mình viết từ trại Pulau Galang, Nam Dương, vào những ngày cuối tháng 6-92. Thực phẩm đã bị cắt giảm tàn tệ và đồng bào mình bữa đói bữa no. Những người được sống sung sướng, tự do thì đối với người trong trại, không khác gì súc vật. Lương tâm họ ở đâu? Người khác ngôn ngữ ngoảnh mặt với người Việt Nam đã đành. Còn người Việt Nam với nhau thì sao? Bao nhiêu đoàn thể đâu rồi mà chỉ còn mấy hội đoàn học sinh, sinh viên trẻ? Người quan tâm đối với người tị nạn còn được bao nhiêu? Mẹ đọc những dòng chữ buông xuôi, tuyệt vọng, mỉa mai, hận đời, mà đau lòng. Họ kêu gào quá rồi, đến độ mệt mỏi...

Những lá thơ than thở trên được viết cho một nữ tu phục vụ người tị nạn Việt Nam. Không biết dì phước này đã đọc bao nhiêu lá thơ như vậy rồi? Mẹ rất muốn đi La Mã, dự buổi Cầu Nguyện Hòa Bình cho Việt Nam. Ba vẫn chưa trả lời cho mẹ là đồng ý hay không, nhưng hôm qua mẹ đã mua được một cuốn sách viết về La Mã cho khách du lịch, có cả bản đồ. Mẹ đã bắt đầu đọc và ghi chú sẵn để viết phóng sự. Chừng nào ba nói đồng ý, mẹ sẽ rủ Thái và Trang, đài truyền hình Little Saigon cùng đi để làm phóng sự.

Hôm nọ lúc đang nói chuyện điện thoại với Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (S.O.S) ở Hoa Thạnh Đốn, mẹ nảy ra ý kiến xin chữ ký đồng bào để đệ trình lên Đức Giáo Hoàng, xin Ngài can thiệp cho người tị nạn. Thắng bảo mẹ là tốt hơn hết nên có Thỉnh Nguyện Thơ và chữ ký của chính người trong trại.

Mẹ có gọi chú Hòa một thành viên của LAVAS ở nhà in ABC nhờ chú thảo lá thơ gởi cho Đức Giáo Hoàng, vì mẹ nghĩ rằng những người đã từng hoạt động cho đồng bào tị nạn, sẽ thông hiểu vấn đề hơn. Thỉnh Nguyện Thơ này cần nêu lên vấn đề nhân đạo, chớ không phải chánh trị. Mẹ sẽ viết thơ cho các Hội Quán Phật Giáo Hòa Hảo trong trại tị nạn, nhờ đồng đạo mình vận động các đoàn thể, hội đoàn, xin chữ ký. Có lẽ trước sau gì ba cũng đồng ý cho mẹ đi. À, bà ngoại cũng có định đi nữa.

Tối hôm qua giáo sư Long cũng cho mẹ hay đã nhận được thơ của Đức Ông Trần Văn Hoài, Giám đốc Văn phòng Trung Ương Tông Đồ Mục Vụ Việt Nam Hải Ngoại tại Roma, mời tham dự lễ cầu nguyện. Ngày 6-10-92, mỗi phái đoàn đại diện tôn giáo sẽ trình bày một bài tham luận trong buổi họp mặt này. Ngày 7-10-92 sẽ là ngày yết kiến Đức Giáo Hoàng. Theo như tờ chương trình của ông Đinh Lưu Nhã, báo Diễn Đàn Chủ Nhật, đưa cho mẹ thì chi phí ăn ở, máy bay và hai bữa ăn cho năm ngày là $1.100 Mỹ Kim.

Con biết không? Chú Hòa có hỏi sao chưa thấy Bản Tin Tị Nạn số 3 tiếp tục, mà mẹ thì im hơi lặng tiếng. Mẹ nói thứ nhất là mẹ tranh đấu cho người tị nạn, nhưng khi nhờ chú Đinh Quang Anh Thái in hình rồi chú Hòa đánh máy trình bày, mẹ thấy làm phiền họ quá. Khi nhờ họ làm tiếp, mẹ cảm thấy là họ làm việc đó cho mẹ nên mẹ e ngại. Thứ nhì, mỗi khi có tin mẹ chạy lên đài truyền hình viết tin, đưa hình, rồi đợi phát hình, sang băng, xong mẹ lại chạy đi đưa bản tin cho các báo địa phương. Mẹ phải cố gắng đưa như thế nào, để không trễ đối với tuần báo, và không sớm cho nhật báo, để họ cùng đăng một lượt v.v... Thứ ba là mỗi khi chú Tường Thắng nhận được tin tức, thư từ gì thì đưa ngay cho mẹ. Chú Nguyễn Đình Thắng ở Hoa Thạnh Đốn có tài liệu gì, thỉnh nguyện thư cho ai, cũng gởi cho mẹ. Đọc càng nhiều mẹ càng đau khổ. Nặng vai vì thương đồng bào, mà không làm được gì cho họ, nên mẹ cảm thấy như bị "tê liệt", không viết lách nổi nữa.

Hôm nọ, mẹ đi làm phóng sự tại Trụ sở Cộng Đồng Người Việt, ông Cố Vấn Đại Sứ Mỹ tại Thái Lan, David Pierce, nói là có 25.000 người tự nguyện hồi hương mà ông "chưa nghe có ai than phiền". Điều ông ta nói trái ngược với các nguồn tin mà mẹ biết, nên cả tháng nay mẹ vẫn chưa lên đài truyền hình để ráp nối phóng sự này. Mẹ tự đặt câu hỏi làm thế nào để đưa sinh hoạt cộng đồng đến khán thính giả một cách trung thực? Mẹ nghĩ rằng mình phải trung thực với những gì xảy ra, mà các sinh hoạt đó cũng phải có tính cách xác thực. Nói rõ hơn là người làm thông tin phải trung thực và nguồn tin đưa ra cũng phải chính xác. Nếu người được phỏng vấn đưa ra những luận điệu sai, mà mình tường thuật, thì coi như mình đi quảng cáo cho một chính sách sai. Nếu mẹ đưa ra cuộc phỏng vấn thuận lợi cho sự cưỡng bức hồi hương, thì xem như mẹ cổ võ cho việc vô nhân đạo, xô người tị nạn chính trị trở về chỗ chết. Hôm qua Nguyễn Đình Thắng gởi cho mẹ một đơn thỉnh cầu của một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở Hồng Kông bị cưỡng bức hồi hương. Đáng lẽ ông ta đã bị buộc trở về Việt Nam trong chuyến 38 người, nhưng được ở lại và sẽ bị cưỡng bức vào những ngày tới. Thắng bảo mẹ phải gởi thơ cho giới chức thẩm quyền Hồng Kông, can thiệp gấp, nhưng mẹ chỉ là Tổng Thơ Ký báo Đuốc Từ Bi, mẹ đâu có làm gì được! Lát nữa mẹ sẽ chuyển đơn đó cho giáo sư Long, vì ông là Chánh Thơ Ký của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Hải Ngoại.
*
Mission Viejo, 22-7-1992

Trang ơi, ba có buồn thì mẹ cũng đành chịu vậy. Lúc một giờ rưỡi khuya, mẹ thức dậy thấy ba nằm đọc báo. Mẹ hỏi sao ba không ngủ, ba không trả lời. Sáng lúc ba đi làm mẹ thấy ba lắc đầu, mặt không vui. Bà ngoại thường dặn mẹ có làm gì thì làm nhưng hạnh phúc gia đình phải giữ.

Tối qua khi soạn các bài vở, thư từ từ trại tị nạn xong mẹ đi ngủ thì mẹ thấy ba rất vui. Nhưng mẹ cứ nằm thở vắn than dài hoài, đầu óc để đâu đâu, khó dẹp bỏ sự suy tư lo lắng của mình trong chốc lát. Không lẽ lên giường ngủ mà mẹ còn đem việc này than thở với ba. Tuy không than, nhưng mẹ thức hoài làm ba cũng thức theo. Ba khuyên mẹ không được, nên ba buồn. Hôm qua mẹ có kể cho ba nghe ý nghĩ của chú Thắng là khi đi sang Vatican phải có mục đích, nếu các phái đoàn người Việt tại hải ngoại ngồi lại để cùng nhau bàn về một biện pháp hay một việc làm gì hữu hiệu cho người tị nạn thì chú ấy mới đi. Nếu không, số tiền chi phí cho chuyến đi đó chú để dành gởi cho đồng bào trong trại mua thức ăn. Ba hoàn toàn đồng ý. Ba không thích chỉ đi xuông. Còn mẹ muốn xin chữ ký đệ trình Đức Giáo Hoàng, và viết phóng sự về chuyến hành hương, tức mẹ đi với hai mục đích, nghề nghiệp và nhân đạo.

Trang thương, các thiền sư, các nhà tu học, ngay cả Dan Millman, cũng nói là "mình phải hạnh phúc, mới đem lại hạnh phúc cho người khác". Hôm qua mẹ đưa bà ngoại ra biển, rồi đến ăn trưa ở tiệm cà phê và bánh mì Tây tại Laguna Hills. Lúc vào tiệm, mẹ định hỏi bà ngoại có uống nước chocolate không? Khi mẹ vừa hỏi: "Mẹ có muốn uống...", bà ngoại cười nói tiếp: "Hot chocolate hả?" Mẹ khen bà ngoại hay quá, biết được mẹ muốn hỏi gì. Vậy thì ngoại tu học tiến xa rồi đó, nhận được cảm nghĩ của người khác.

Mẹ nhớ đến quyển "The Tao of Psychology: Synchronicity and The Self" của Jean Shinoda Bolen mà mẹ đọc hồi ở Long Beach. Mẹ rất thích quyển này, nó cắt nghĩa về thần giao cách cảm. Mẹ hay cãi với ba về chuyện này, mẹ nói nhiều khi mẹ nghĩ đến ai thì gặp người đó, còn ba thì cho đó là sự trùng hợp.

Mẹ và ngoại ngồi ăn bánh mì tây với bơ và mứt dâu, mứt cam, vừa kể chuyện về Dan Millman và Shakti Gawain. Mẹ kể đến đoạn mẹ đang đọc trong quyển sách của Millman. Ông ta nói về việc tạo sự liên hệ giữa ba giác quan là: nhìn, đụng, và nghe với trái tim. Theo ông, khi làm được việc đó, mình sẽ thấy sự mầu nhiệm xảy đến trong đời sống. Mẹ kể cho bà ngoại nghe nếu mình gặp bạn bè, người thân, mình chỉ cần vỗ nhẹ lên vai hay nắm tay, và khi làm cử chỉ đó mình nối kết với trái tim của mình thì sẽ tạo sự cảm thông và truyền tình cảm từ trái tim mình đến người đó. Khi mình nhìn hay nghe cũng vậy.

Mẹ phục Shakti Gawain về sự chân thật của cô ta. Cũng như Dan Millman sách của Shakti bây giờ bán được mấy triệu cuốn mỗi ấn bản và được dịch ra 12 thứ tiếng. Cô ta rất nổi tiếng nhưng không che dấu sự thật về mình. Trong quyển "Return to The Garden", Shakti tả hết về các mối tình cô đã trải qua.

À, có điểm này mẹ muốn nói luôn, mẹ quý mến những người viết về mình để chia xẻ kinh nghiệm đau thương của mình cho người khác học hỏi, chứ mẹ không thích những người vì muốn làm ra tiền lại đi viết sách bươi móc chuyện người khác. Mẹ cho đó là tàn nhẫn. Hôm trước vào tiệm sách, mẹ đứng trước hai cuốn sách viết về hoàng tử Charles và Diana, mẹ thấy bất nhẫn quá. Trên hai cuốn sách đều có tấm hình của Diana thật đẹp. Một cuốn tên "Diana, in Private, The Princess Nobody Knows" do Lady Collin Campbell viết; còn cuốn "Diana, A Princess and Her Troubled Marriage" của Nicholas Davies. Tác giả cũng cho là mình biết đúng, biết nhiều. Họ phỏng vấn bạn bè, bà con, các người làm việc trong hoàng gia v.v... về đời sống, gia đình của Diana.

Ngày xưa khi thấy đám cưới Diana thật to, thật đẹp, lộng lẫy, mẹ đã nghĩ bụng cô ta sẽ khổ vì đời sống vương giả, nhưng mẹ không ngờ cô lại đau khổ đến như vậy. Nếu cho rằng ai làm việc gì cũng có mục đích thì hai tác giả này có mục đích gì ngoài việc kiếm tiền? Họ đâu có biết họ đã chà đạp tinh thần của một người đàn bà vốn đã không có hạnh phúc đến nỗi phải tự tử (như họ nói). Rồi người đàn bà này sẽ đau khổ như thế nào nếu như thấy cả thế giới biết rõ đời tư của mình, nhất là những sách viết sai sự thật. Mẹ nghĩ rằng không ai viết đúng cuộc đời của Diana hơn chính cô.
Con có biết, bên cạnh hai quyển sách này có một quyển khác làm mẹ bất nhẫn hơn nữa. Đó là quyển "The Way I See It, an Autobiography" của Patti Davis, con của cựu Tổng Thống Reagan. Mẹ lật sơ qua vài trang đã thấy con gái bà Reagan viết về mẹ mình không ra gì, trách móc đủ thứ. Ngay cả lời chú thích của tấm hình cũng là những lời quá nhẫn tâm. Dưới tấm hình gia đình chụp lúc ông Reagan làm Tổng Thống, cô ta chú thích là gia đình cô ta là gia đình những người tài tử đóng phim, nên dù bất đồng ý kiến cũng phải làm ra vẻ hòa hợp hạnh phúc. Trong sách cô ta nói hiện nay cô đủ sống nhờ "viết lách". Con thấy có người con nào nhẫn tâm hơn không? Quyển sách này đã mang lại cho cô khoảng tiền gần 500,000 ngàn Mỹ Kim.
*
Mission Viejo, 23-7-1992

Trang à,
Dan Millman nói đúng lắm. Nếu mình xem mỗi phút giây thời gian qua đều đặc biệt quý báu như nhau, không xem lúc này quan trọng và lúc khác kém quan trọng hoặc bình thường, thì mình sẽ có một sự thay đổi rất lớn trong tâm hồn, nhất là mình tìm thấy và hưởng được hạnh phúc ngay trong lúc đó.

Nghe, thấy, nhìn, đều có giá trị chiều sâu. Từ đó mình biết thưởng thức, chiêm nghiệm ở mọi khoảng thời gian. Sau các buổi nói chuyện, những cuộc vui trôi qua, mình không còn cảm thấy tiếc rẻ là "mình chưa hưởng trọn" như trước nữa.
Ngoại lên chơi với mẹ mấy ngày nên mẹ lại dành nhiều thì giờ cho ngoại. Để mừng sinh nhật ngoại, mẹ và ngoại làm gỏi cuốn cho cả nhà ăn... Ngoại mặc áo chỉ đan màu kem có thêu nhiều hoa hồng, mua từ năm ngoái mà chưa bao giờ mặc. Thịnh, Cường hùn tiền mua một bó hoa hồng tặng bà ngoại. Ba mẹ mua bánh sinh nhật; trông ngoại trẻ hẳn ra. Mẹ bắt ngoại ôm hoa hồng cho mẹ chụp hình. Có lẽ ba năm nay, từ hồi ông ngoại mất tới giờ, hôm nay là ngày ngoại tươi nhất. Hôm qua mẹ chở ngoại đi chợ Sài Gòn Mới mua rau và các thứ về "đổ" bánh xèo, rồi đi chợ Đại Hàn California Market ở góc đường Garden Grove và Magnolia mua cải dún về làm kim chi. Sáng nay, ngoại nói với mẹ ngoại đau đầu và nhức cánh tay mặt quá, vì đổ bánh xèo. Mẹ vặn tivi, để băng video thể dục Aerobic lúc 6 giờ 30, bắt ngoại tập với mẹ, xong mẹ thoa dầu và bóp vai, bóp đầu, bóp tay cho ngoại.

Con biết không? Bây giờ lúc mẹ viết cho con thì ngoại đang nấu nước lèo, ướp xá xíu để nấu hủ tiếu cho con cháu ăn, rồi ngoại cắt cải để ướp muối làm kim chi. Bà ngoại vừa làm vừa hát bản "Trầu Cau" rồi đủ thứ bản khác. Mẹ giống bà ngoại ở điểm vừa làm việc vừa ca hát. Hồi mẹ làm việc ở tiệm hoa, ai cũng thích vì mẹ hay hát, có khi mẹ còn huýt gió nhiều bản nhạc Pháp như Histoire d’un Amour, Oui Devant Dieu, L’amour C’est Pour Rien v.v...

Hôm qua lúc đổ bánh xèo cho Thịnh ăn. Nó còn trách móc mẹ với ngoại là "mẹ con bây giờ không chịu nấu món lạ nữa, cứ nướng hoài". Bà ngoại thấy mẹ buồn thì khuyên lơn. Ngoại lên chơi, thấy mẹ làm công chuyện tối ngày, nhà toàn là đàn ông: ba, Thịnh, Cường, cậu Nam, rồi bây giờ thêm Johnathan, toàn ăn rồi để đó, không dọn. Mỗi lần mấy đứa kéo nhau đi đánh banh, đi biển về, (có nhiều lúc kéo thêm bạn) vào bếp ăn uống, chơi game, xem truyền hình, ly dĩa để đầy trên bàn, xong lại kéo nhau đi chơi. Mẹ lại phải dẹp. Lúc trước, có con lặt rau, lột tép, phụ xắt thịt, bây giờ tụi nó đã không dọn, không tiếp mà còn trách mẹ.

Tối qua trước khi ngủ Thịnh nhờ mẹ gãi lưng, nó bắt mẹ phải gãi bằng hai tay cơ. Nó ghiền gãi lưng lắm. Mẹ hay lựa lúc này để giảng dạy hay khuyên bảo. Mẹ nói nó nên bớt ăn đồ mập. Nó nói "Mẹ gãi đi mẹ, mẹ đừng nói". Mẹ vẫn cứ nói. Mẹ trách nó không chịu tiếp mẹ mà còn trách mẹ trước mặt bà ngoại. Nó cười bảo: "Tại mẹ cứ nấu đồ ăn thường hoài. Mẹ làm gà rô ti, xào mặn, sườn ram hoài, con thích món "lạ" hà".

Con biết Thịnh lúc nào cũng thích "hưởng thụ" hết ga. Sáng nay mẹ gọi nó dậy để đi tập thể dục ở Family Fitness Center thì nó nói làm biếng. Khi định chạy bộ thì lười chạy xa, nên nó lấy xe đạp ra đạp quanh khu nhà. Thôi được, vậy mẹ cũng mừng rồi. Mẹ thấy khi nào nó thật muốn làm điều gì thì nó làm được, nên mẹ có chút hy vọng là khi nào nó thật muốn gầy, chắc nó sẽ cố gắng.

Mẹ lấy làm lạ là sao nó mập mà nó không buồn. Nhiều khi tắm xong, nó mặc quần đùi, đứng trước tấm kiếng trong phòng của mẹ, ưỡn ngực, vung vai, ngắm nghía có khi phình bụng vỗ bình bịch, có vẻ khoan khoái lắm. Mỗi lần mẹ nhìn thì nó còn cười chọc tức (vì biết mẹ giận khi nó mập), nhướng lông mày hoặc đưa ngón tay cái lên, như lúc nhỏ bắt chước tài tử Fonze trong truyền hình vậy. Thôi mẹ xuống làm kim chi tiếp ngoại.

Hẹn con thơ sau

Mẹ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880