NHỚ CON GÁI NUÔI

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 11258)
NHỚ CON GÁI NUÔI

Mission Viejo, 11-11-1991.

Trang thương,
Thấm thoát mà con đã rời ba mẹ để đoàn tụ với ba má ruột của con được sáu năm. Hôm chủ nhật vừa qua khi đến nhà con ăn đầy tháng thằng cháu ngoại đầu lòng, mẹ thấy nhớ con nhiều. Cả khoảng thời gian con ở trong vòng tay ba mẹ như sống lại.

Khi con rời trại tị nạn Phi Luật Tân qua Mỹ với ba mẹ tại căn nhà ở Long Beach thì mỗi tối Cường còn "tu" một chai sữa. Tựu trường năm đó con vào lớp chín trường Los Alamitos. Con gái nuôi của ba mẹ được mười ba tuổi. Cái tuổi con gái còn thơ ngây nhưng con đã trải qua nhiều kinh nghiệm thương đau do hoàn cảnh gia đình, đất nước.
Mẹ còn nhớ mỗi đêm sau khi ba mẹ và ba chị em con đi cúng, rồi ngồi yên niệm Phật xong, con hay kể chuyện "bên nhà" cho mẹ nghe. Con hay lo lắng không ai đạp xe chở má Vân của con đi bán vải, không ai lo cho các em con ở Việt Nam còn nhỏ dại. Con kể chuyện nuôi vịt, nấu cơm, giữ em. Con kể có một lần trời giông bão, căn nhà lá của gia đình con bị gió cuốn đi. Bỗng chốc mấy chị em con ngồi giữa trời, sợ quá ôm nhau mà khóc.
Xúc động nhất là lần mẹ phỏng vấn con về chuyện má Vân và bốn chị em con lặn lội ra Hà Nội thăm ba con đang bị học tập trong trại cải tạo. Hai mẹ con, kẻ nói người nghe mà khóc sướt mướt. Lúc mẹ viết bài, mẹ cũng khóc, khi báo đăng, đọc lại mẹ cũng khóc.

Con biết không, đọc giả của báo Đuốc Từ Bi, tới giờ vẫn có người biên thơ nhắc bài đó với mẹ, họ nói bài đó rất thương tâm. Trước khi con qua Mỹ, mẹ cũng có nuôi một đứa con nuôi tên Mỹ Tiên. Mỹ Tiên cũng con đầu đàn, ba là sĩ quan không quân đã chết vì rớt máy bay lúc ra trận, mẹ phải bán bánh nuôi cả đàn con.

Cũng như con, đêm nào Mỹ Tiên cũng kể chuyện Việt Nam. Chuyện người ta nghèo phải đi xin gạo, chuyện cộng sản ác, trẻ con đói, bơ vơ nên trở thành trộm cướp bất lương. Mỹ Tiên sống với ba mẹ năm đầu khi gia đình mới từ trại tị nạn bên Nhật qua Mỹ định cư. Sau thời gian khó khăn, Mỹ Tiên trở về sống với mẹ và các em ở Long Beach. Con và Mỹ Tiên tuy có khổ, nhưng còn may mắn là được đi học nên qua Mỹ không gặp khó khăn về vấn đề học vấn. Riêng Thanh Hằng và Thanh Vân, cháu của ba mới qua học rất vất vả. Hồi ở Việt Nam vì không có hộ khẩu, nên hai chị em phải nghỉ học nhiều năm, qua đây lại phải vào học lớp 7, lớp 8. Hằng, Vân theo bà nội và các cô qua đoàn tụ với ba vào tháng 9,1989.

Hình ông ngoại chụp hôm đi rước bà nội trông còn khỏe mạnh tươi cười vậy mà tháng 12 năm đó ông ngoại mất. Sau đó một tháng, gia đình dượng Sang, cô Út cùng Phượng, Hoàng, bé Phương cũng qua.
Dạo đó con theo chồng ở xa nên không về thăm mẹ thường. Ông ngoại mất, bà ngoại buồn, ốm và đau nhiều nên mẹ xuống tinh thần lắm. Hai em con là con trai, chỉ lo đi học rồi lại chơi banh. Phải chi có con ở gần để an ủi mẹ...


Mission Viejo, 25-11-1992.

Trang thương,
Sau nhiều năm sống gần mẹ, có bao giờ con thấy mẹ to tiếng trong nhà không? Vậy mà người mẹ "dịu hiền" của tụi con lúc sau này có dạo "phát khùng". Có những lúc Thịnh làm mẹ giận mẹ la. Có khi mẹ đập ly, đập dĩa lúc rửa chén cho hạ cơn nóng.

Có thể mẹ nóng nảy, hoặc yếu đuối. Nhưng sao đến nỗi như vậy? Có lẽ phải nói như vầy thì đúng hơn: Mình có những bản tính ẩn tàng mà khi có hoàn cảnh nó mới bùng vỡ ra.

Mẹ đọc lại nhật ký hồi nhỏ và cảm thấy xấu hổ. Mẹ thích đi tu, mẹ thích cứu đời. Nếu được ở cảnh chùa tĩnh mịch, được tu hành theo đúng giới răn, chắc mẹ sẽ tưởng mẹ là người hoàn toàn thoát tục. Không ngờ mẹ thích đi tu mà lại "quên" nên đi lấy chồng, có con rồi trôi nổi đến tận xứ Mỹ này. Ôi chao vật đổi sao dời! Thử nhìn lại lúc còn thơ ngây ngồi viết nhật ký với bao ước mơ, mẹ đâu có ngờ đã trải qua bao nhiêu bài học vui, buồn trong đời sống?

Trang thương,
Con cố gắng hưởng hạnh phúc của một đứa con còn đủ cha mẹ và làm tròn bồn phận của mình. Mẹ biết, dĩ nhiên có những điều khó khăn, dị biệt giữa hai thế hệ trẻ và già, nhưng con cố hành xử sao cho thật tốt đẹp, để sau này khỏi hối tiếc.

Nếu ông ngoại chưa mất, có lẽ mẹ chưa nếm được sự đau khổ tột cùng của một đứa con mất cha. Lúc ông ngoại đau ở nhà thương mỗi ngày một trầm trọng, thần kinh của mẹ căng thẳng, mẹ có cảm tưởng nó có thể đứt bất cứ lúc nào. Ông ngoại mất rồi, mẹ cảm thấy như cạn sức đề kháng, người cứ rũ riệt, đi đứng chênh vênh như còn có một chân. Lúc đó mẹ mới biết sự hiện diện của ông ngoại có tầm quan trọng đến mức nào trong đời sống của mẹ.

Sau đám tang, mẹ càng cảm thấy yếu đuối hơn. Mỗi lần bà ngoại đau thì mẹ đau theo. Gia đình như gặp phải một trận "sóng thần". Ba đồng ý cho mẹ "nhập thất" hai lần và việc này giúp mẹ lấy lại phần nào sự quân bình. Gọi là "nhập thất" cho vui chứ mẹ không làm đúng luật gì cả. Mẹ không "nhập thất" ở chùa vì sợ làm phiền các ni sư. Nếu để người khác phải lo chợ búa, cơm nước dùm mình thì tâm mẹ chắc lại bất an, vì vậy nên mẹ nhập thất ở ... nhà.

Nhập thất ở nhà thật thoải mái, vì không làm trở ngại cho bổn phận của mẹ đối với gia đình. Buổi sáng ba đi làm sớm, Thịnh, Cường, Hằng, Vân đi học. Sau khi cúng lạy xong, mẹ dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm để sẵn. Mẹ không nghe điện thoại, ba có cần gì thì nhắn vào máy, bà nội qua nhà cô Út chơi một tuần. Có những lúc nắng ấm, mẹ đi bộ xuống đồi phía sau nhà, ngồi nhìn trời mây, cây cỏ, trong lòng thấy nhẹ nhàng lắng dịu. Khi các em về, mẹ vào phòng. Đó là căn phòng ngủ của con ngày xưa, bây giờ thành phòng đọc sách, có đặt bàn thờ Phật và ông bà.

Con biết không? Lúc nhập thất mỗi khi mẹ cần gì mẹ viết giấy. Chỉ có Hằng và Vân là làm đúng lời mẹ dặn còn Thịnh, Cường hay gọi mẹ ơi, mẹ à hoài. Mấy ngày đầu Thịnh gọi mãi không được còn tông cửa vào tìm mẹ nữa. Có hôm muốn xin đi chơi banh, Thịnh mở cửa nói: "Mẹ à, viết giấy mất công quá. Mẹ cho con đi chơi banh nhe. Mẹ chỉ cần gật đầu là được rồi." Hễ hôm nào Thịnh, Cường làm ồn hay cãi nhau mét mẹ um xùm thì mẹ viết giấy "mét ba". Mỗi chiều đi làm về ba đều hỏi: "Bữa nay có đứa nào làm phiền mẹ không?" Hễ ngày nào có "thơ" của mẹ là ba gọi hai cậu lại rầy.

Mặc dù buồi chiều và tối hơi ồn nhưng mẹ được nửa ngày yên tĩnh thật tuyệt vời. Mẹ hay đọc Bát Nhã Tâm Kinh khi ngồi nơi bàn viết cạnh cửa sổ. Mẹ thích nhìn cây cau và hàng dương trước nhà mình trong khi tai nghe chim hót líu lo. Buổi sáng nắng rực rỡ chiếu vào nơi mẹ ngồi, mẹ cảm thấy toàn thân ấm áp, sáng trong, quên đi bao nỗi lo lắng, phiền muộn. Mỗi thời cúng sáng chiều, sau khi đọc bài nguyện Cửu Huyền Thất Tổ và Tây Phương Ngũ Nguyện, mẹ đọc kinh Phổ Môn hay kinh Địa Tạng. Tâm hồn mẹ hướng nhiều về ông ngoại. Kỳ giỗ thứ nhì khi nhập thất, mẹ đọc thêm kinh Sám Hối. Nói là nhập thất để cầu nguyện cho ông ngoại nhưng người hưởng lợi sau các tuần lễ này chính là mẹ.


Mission Viejo, 12-12-1991.

Trang thương,
Các em Thịnh, Cường thường hỏi mẹ: "Sao mẹ nói Việt Nam bây giờ nghèo khổ mà mẹ cứ muốn con về. Bộ mẹ muốn con khổ sao?" Mẹ nói với hai em: "Việt Nam nghèo khổ vì chiến tranh, nhưng là đất nước của mình, mình phải về xây dựng lại."

Từ ngày Cường vào Liên Hiệp Quốc Mẫu (Model United Nation) ở trường, nó biết nhiều về tình hình thế giới, trong đó có tin tức về Việt Nam và trại tị nạn. Mẹ thấy cũng mừng. Mẹ không ép các em con điều gì, ngay cả tôn giáo. Mẹ quan niệm, điều gì chính chúng nó tự tìm hiểu và ưa thích mới đúng và có ích cho đời sống của chúng nó. Bổn phận mẹ là chỉ gieo hạt giống tốt vào tâm hồn các em con và hướng dẫn chúng, rồi chúng tự phát triển lấy.
Mẹ thường khuyên các em đừng nên phung phí tiền bạc hay thức ăn. Mẹ lấy thí dụ những nơi nghèo, đói khổ, trong đó có Việt Nam và các trại tị nạn để giảng dạy. Tuy nhiên mẹ nghĩ không thể nào các em con có thể hiểu tường tận bằng mắt thấy tai nghe.

Trang thân,
Hơn lúc nào hết, mẹ tự hứa cũng như lúc ở Nam Vang, mẹ sẽ trở về Việt Nam sau khi đất nước thanh bình, không còn chế độ cộng sản. Mẹ mong rằng tiện nghi vật chất thiếu thốn và đời sống khổ cực tại xứ mình không làm mẹ đổi ý. Mẹ sẽ bắt chước ông bà ngoại đem các em con về xứ sở, quê hương. Nhờ sự quyết định của ông bà ngoại trước kia mà mẹ không biến thành người mất gốc. Nhờ sự trở về đó mà mẹ biết yêu quê hương và gắn bó với hai chữ Việt Nam.

Thịnh và Cường có thể không biết Việt Nam như mẹ ngày xưa xa xứ lúc mười mấy tuổi. Chúng nó hoàn toàn lớn lên tại Mỹ nhưng nếu thương mẹ, sớm muộn chúng cũng sẽ theo mẹ về quê hương. Mẹ mong rằng ước vọng của mẹ sẽ thành đạt. Có một hôm, sau cơn động đất lớn ở San Francisco, Cường nói với mẹ: "Mẹ à, con không sợ gì cả, even earthquake (dù động đất), nhưng con sợ mất ba mẹ."

Mẹ biết mỗi thời mỗi khác, nhất là trước kia mẹ và các cậu, dì ở xứ Cao Miên, đời sống không khác Việt Nam cho lắm. Việt Nam ngày xưa cũng không nghèo đói, tan hoang như bây giờ, cho nên khi về nước, mẹ và cậu dì dễ dàng hội nhập hơn. Còn xứ Mỹ so với Việt Nam thì sự cách biệt quá lớn về đủ mọi phương diện. Mẹ sợ rằng các em sẽ khó hội nhập.
Mẹ quan niệm việc gì dù khó mà mình cố gắng, cuối cùng sẽ đạt được kết quả. Nếu các em không về Việt Nam luôn, nó sẽ về chơi, rồi dần dần sẽ quen và ít nhất nó còn biết đến xứ sở quê hương, còn hơn cứ tưởng là Mỹ rồi hãnh diện về cái quốc tịch Mỹ của nó.

Mẹ nghĩ nếu muốn con của mẹ làm điều gì, ít nhất mẹ cũng phải làm điều đó trước. Mẹ không thể lo thụ hưởng, rồi biểu con mẹ hãy hy sinh, yêu nước, yêu quê hương. Trang, con nghĩ mẹ nói có đúng không?

Con thương, có một điều mẹ hết sức muốn chia xẻ cùng con. Qua các kinh nghiệm trong cuộc sống mà mẹ đã trải qua, mẹ nghiệm thấy rằng "điều khiến cho con người hạnh phúc nhất là chấp nhận và sống giản dị như một người bình thường. Điều khiến cho con người luôn luôn khổ là muốn mình như thế này hoặc như thế kia, và sau hết là đừng nên che dấu những khuyết điểm mà chỉ phơi bày những ưu điểm của mình". Vì làm như thế sẽ đào sâu mặc cảm và biến mình thành con người giả tạo. Và con người giả tạo ấy dĩ nhiên luôn luôn có sự sợ hãi sẽ bị người ta lột mặt nạ. Khi con người muốn che dấu thì càng chống đỡ. Và khi càng chống đỡ thì càng tạo nên những rối rắm đau khổ cho chính mình và những người sống chung quanh.


Mission Viejo, 13-12-1991.

Trang ơi, con có biết không? Con nít hàng xóm của mình càng ngày tụ tập càng đông, nhất là ban đêm. Hôm nọ hai phe con gái, một bên là bồ của Mark, một bên là vợ chưa cưới của nó gây gổ ấu đả nhau, hàng xóm phải gọi cảnh sát.
Mary than với mẹ là có yêu cầu cảnh sát bắt Mark nhưng cảnh sát nói nó chưa đủ mười tám tuổi, họ không làm gì được hết. Mary mong nó đủ tuổi để đuổi nó đi, vì bây giờ nó không đi học, cũng không chịu tìm việc. Khi Mary đi làm, ở nhà Mark kéo bạn trai, bạn gái về bày biện, ăn uống, không dọn dẹp. Mary mệt mỏi và chán nản quá sức. Hôm trước ông chồng dắt đứa con lớn và đứa út qua tiểu bang khác làm việc, định xa Mary một thời gian xem hai người có còn muốn ở với nhau nữa không? Ba cha con đều không thích ở tiểu bang đó nên trở về. Hiện ông ta tạm thất nghiệp và phải bồi hoàn cho hãng số tiền mà họ đã trả cho việc dọn nhà và mướn chỗ ở tạm cho ông mấy tháng. Hôm qua mẹ thấy thằng con út của Mary bây giờ học lớp sáu trốn học, ở nhà chơi với Mark rồi. Hôm nọ mẹ nghe Thịnh nói nó còn bỏ nhà đi vì ghét ba nó. Thịnh, Cường cứ đòi ba mẹ dọn nhà vì sợ nguy hiểm. Ba mẹ cũng chiều tụi nó và thật sự cũng "ngán", vì Thịnh nói "Mark đã vào băng đảng rồi".

Thịnh muốn dời đi nơi khác nhưng cũng ở vùng Mission Viejo vì hai đứa quen trường, quen bạn. Ba mẹ lại không muốn vì nhà khu an toàn có cổng rào ở đây rất mắc. Ba mẹ định dời qua Aliso Viejo, khu mới thành lập nằm giữa Laguna Hills và Laguna Beach. Nơi này giá nhà hạ hơn nhưng lại bị tiền thuế nhà rất cao, một năm khoảng năm sáu ngàn. Ba mẹ kêu hai hãng địa ốc đến định giá nhà mình thì mới hay giá nhà dạo này xuống kinh khủng.

Bây giờ mặc dù nhà mới xây cất xuống giá, lãi xuất thấp, nhà ở cạnh hàng xóm có trẻ con tụ tập, mà ba mẹ vẫn quyết định không dọn đi nữa. Ba mẹ không muốn tạo cho gia đình một hoàn cảnh khó khăn thiếu trước hụt sau, trong lúc kinh tế suy thoái. Ba mẹ phải chọn lựa và quyết định ở lại nhà này vì Thịnh sắp lên đại học, còn Cường sắp lái xe. Chỉ hai đứa con thôi mà mẹ thấy tốn kém ghê. Một mình Thịnh mà tốn rất nhiều, mỗi tháng nào là tiền xe, xăng nhớt, bảo hiểm, tiền ăn kiêng, tiền hội bóng chuyền, tiền giày, quần áo, nhất là Thịnh cứ to ra hoài. Chưa kể tiền phát để ăn trưa và đi chơi cuối tuần .

Con biết không? Hôm nọ mẹ thấy Thịnh lo tập Arobic, rồi theo cậu Nam đi Family Fitness Center tập thể dục, tập tạ, mẹ cũng mừng. Ai ngờ mẹ thấy Thịnh lại to ra hơn, mẹ hỏi. Thịnh cười nói: "Con tập, con mệt, đói bụng nên ăn nhiều quá trời". Hôm trước Thịnh ăn kiêng theo chương trình Jenny Craig xuống được mười mấy pounds. Bây giờ, sau sáu tháng lại lên cân như cũ nên mẹ phải dắt Thịnh đến đó mua thức ăn. Mỗi lần nấu, nướng, mẹ phải để khuất mắt Thịnh, không thôi Thịnh thèm. Hôm nọ Thịnh "nếm thử" nguyên một cục thịt kho nước dừa.

Trang thân, mấy hôm nay mẹ đang đọc các bản tin và tài liệu để giúp đài truyền hình Little Sàigòn thực hiện các chương trình phỏng vấn về các sinh hoạt và việc tổ chức chợ Tết Nhâm Thân của Tổng Hội Sinh Viên Miền Nam California, và Ngày Đi Bộ cho Quyền Tị Nạn tại công viên Mile Square. Ngày đi bộ gây quỹ này do bảy đoàn thể thanh niên sinh viên tổ chức. Đó là: Hội Học Sinh Việt Nam tại Trung Học, Tổng Hội Sinh Viên Miền Nam California, Giới Trẻ Công Giáo, Project Ngọc, Gia Đình Phật Tử, các Trung Tâm Việt Ngữ tại Orange County và Liên Đoàn Hướng Đạo Việt Nam.
Sở dĩ mẹ thích đài này vì mẹ xem chương trình của họ thực hiện về ngày Quốc Hận 30-4. Nguyên một tuần, mỗi ngày họ đưa ra một chủ đề. Đầu tiên là Cuộc Chiến Việt Nam 1946-1975, sau đó đến chủ đề Sài Gòn Vĩnh Biệt, rồi Trên Mảnh Đất Tạm Dung, Thuyền Nhân và Trại Tị Nạn Đông Nam Á, và sau cùng là chủ đề Mơ Ngày Trở Về.

Mẹ xem và đã khóc, nhất là thấy các thuyền nhân sau khi chào quốc kỳ đã dùng dao tự sát, để chống cưỡng bách hồi hương. Máu đổ, tiếng la hét của trẻ con, người lớn nghe thật kinh hồn. Không hiểu sao dân tộc Việt Nam mình quá khổ.
Mấy tuần trước mẹ buồn ghê lắm vì mẹ đi phỏng vấn để viết về băng đảng Việt Nam. Ông điều tra viên của quận cảnh sát Westminster cho mẹ biết là chỉ riêng miền Nam California có bảy băng đảng con gái Việt Nam, không kể các băng đảng con trai. Có đảng lên đến 50 em và có nhiều em học mới tiểu học mà phần nhiều cha mẹ không hề hay biết. Mẹ thật sững sờ, xúc động. Giới trẻ ở Việt Nam đã bị băng hoại, thất học, trộm cướp, hút sách, nghèo đói lang thang, còn giới trẻ hải ngoại cơm no áo ấm, được đi học và có mọi phương tiện vật chất mà cũng băng hoại hay sao? Mẹ hỏi các băng con gái đã trộm cướp như các băng con trai chưa? Ông ta bảo hiện tại, chúng chỉ mới kình chống nhau, nhưng trong tương lai rồi "sẽ".

Con biết không? Trên vách của căn phòng ổng, đầy những hình ảnh các băng đảng Việt Nam. Trai có, gái có, họ đứng chụp hình, tay làm dấu hiệu riêng. Mấy đứa con trai với những vết xâm trên mình. Chúng chụp những động tác cầm súng núp sau cửa hay đang nằm rình dưới đất, như những phim trinh thám Tàu. Mặt mày tụi nó còn ngây thơ quá mà bị ảnh hưởng phim ảnh, tivi và hoàn cảnh xã hội nên mới trở nên như thế thật là tiếc. Nếu chúng được hướng dẫn trong một môi trường lành mạnh thì có ích cho gia đình, cộng đồng và quốc gia biết bao nhiêu Mẹ tự hứa với mình là chỉ sẽ làm truyền hình khi nước nhà độc lập thái bình không còn cộng sản. Hôm nay mẹ lại tự mình đánh vỡ lời hứa đó. Mẹ không hiểu có phải mẹ đang ở tình trạng của một người tuy yếu đuối, nhưng vì thấy những người trẻ đang cố gắng đẩy một chiếc xe, nên cũng muốn bước vào góp sức.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880