Mission Viejo, ngày 28-11-1991
Ba kính yêu,
Chưa viết được chữ nào mà nước mắt con đã ràn rụa tuôn rơi. Con nhớ ba quá vì ngày này năm rồi là ngày con, mẹ, Thu và chú Kỉnh đưa ba đi nhà thương. Hôm đó ba đã gầy yếu, cử chỉ bắt đầu chậm chạp, khuôn mặt của ba nghiêm nghị, buồn bã thâm trầm. Ba mệt và ít nói vì phải qua các thủ tục của nhà thương.
Con còn nhớ cách đó ít lâu, một buổi tối đang ngồi viết thì trong lòng con thấy bất an, bồn chồn, khó chịu như có lửa đốt vậy. Con bèn đứng dậy ra về. Chỉ năm phút sau thì có điện thoại cho hay là cả ngày ba đến văn phòng lo làm báo Đuốc Từ Bi. Khi lái xe về nhà ba vô nằm tại phòng khách, ba mệt, khó thở, như hụt hơi. Vợ chồng con cấp tốc chạy lại nhà ba mẹ. Khi đến nơi thì thấy ba đang khó khăn trả lời điện thoại, tiếng mất tiếng còn. Ba khẩn khoản nói với vị nào ở đầu giây bên kia: "Thưa cụ, tôi mệt lắm, không thể nào tiếp chuyện với cụ được. Xin cụ để cho dịp khác..." Và kể từ đó bệnh ba nặng dần và nặng dần.
Con vừa có ý định mua máy video để thu hình vì con thấy ba mẹ và má chồng con cũng như dì ba Lê Hoài Nam, chú Kỉnh đều trọng tuổi. Con muốn ghi lại kỷ niệm và hình ảnh cho các con cháu sau này xem để nhớ những người thân yêu. Nhưng máy chưa mua, con đã phải bỏ việc làm, bỏ gia đình để về sống với ba mẹ những ngày sóng gió đau khổ nhất trong gia đình mình. Những nỗi lo âu sóng gió hơn cả những lần phải xa quê hương lưu vong thời Đệ Nhất Cộng Hòa lên Nam Vang, bị lính kín Cao Miên làm khó theo dõi, những ngày mình chạy vào lúc mất nước, những lúc đau buồn lặng câm của ba mẹ khi phải sống xa quê hương lần thứ hai. Ba thường than thở: "Trước kia ở Nam Vang mình còn thấy được ngày về, còn bây giờ thì..." Rồi ba lặng thinh... Con còn nhớ bài thơ "Giấc Mơ Cố Hương" của ba khi mình rời trại Fort Chaffee, Arkansas để qua Minnesota sinh sống năm 1975. Ba hay ngâm:
Canh tàn rồi lại canh tàn
Nửa mê, nửa tỉnh theo hồn mộng du
Về đâu? Ơi hỡi! Về đâu?
Không là du mục, cũng Do Thái rồi.
Hoặc:
Giấc mơ chợt tỉnh, bàng hoàng
Bỗng dưng nước mắt dâng tràn nửa đêm
Xót xa thân phận đỗ quyên
Mái đầu đã bạc, truân chuyên vẫn nhiều.
Qua bao sóng gió gian truân của cuộc đời mà con đã trải qua với ba mẹ và sau bao lần gia đình mình xây dựng rồi mất mát, ba chỉ cười lạt. Đôi khi ba cười có vẻ thích thú khi kể lại với các con chuyện ba gài số, cho xe chạy tuốt xuống sông Cần Thơ để chánh quyền không lấy được. Mình đã bỏ tất cả để chạy thoát thân lên Nam Vang. Ba vượt biên giới trước mấy chị em con và mẹ. Ba can đảm bò qua chỗ Việt cộng đang đóng binh nghỉ để qua Miên. Những giây phút đó rất nguy hiểm cho ba vì trong một tích tắt ba có thể bị họ phát giác. Khi đến biên giới, bị lính Miên rượt, ba phải bỏ quần áo, mặc quần đùi giả làm thường dân. Mỗi lần hồi tưởng lại, con thương ba vô cùng! Thân ba gian truân, chìm nổi nơi xứ lạ quê người nhưng vẫn luôn luôn nghĩ đến bổn phận đối với quê hương. Ba khổ sở, buồn rầu, có lúc con nghe ba ngâm:
Lạy trời mau tắt loạn ly
Cho bao nhiêu kẻ đã đi tìm về
Rồi trong những buổi chiều quê
Ngồi trên bến cũ, lắng nghe tiếng lòng!
Ba ơi! Ba là một người cha xứng đáng của chúng con, thân ba lưu lạc nơi đất khách quê người mà ba lo tìm công ăn chuyện làm để lo cho gia đình đoàn tụ. Con còn nhớ ba mua cho má một cái giấy lăn tay của một bà Việt Nam sanh đẻ ở Cao Miên đã chết, để má giả làm người Việt kiều nơi xứ Miên đặng má lên ở với ba. Ba bán hết nữ trang của má con, rồi ba lại cực khổ xây dựng tạo lập lại sự nghiệp nơi xứ người. Ba cùng với hai người bạn lập ra hãng SOCFEIC nhập cảng đồ Pháp về bán, có búp bê biết đi, dầu thơm, phấn son, thuốc làm cho tóc mấy người đầu quăn như Tây đen thành ngay ra. Rồi có cả lều để cắm trại, áo tắm biển, chén dĩa không bể v.v... Đủ mọi thứ gì mà ba nghĩ là bán được.
Khi qua Mỹ con vẫn còn giữ được một cái áo tắm của ba nhập cảng lúc mình ở Nam Vang. Con nhớ ba biểu diễn các loại chén dĩa không bể của ba bằng cách lót ván và chạy chiếc Deux Cheveaux ọp ẹp của mình lên. Con không ngờ "Ông Ba chánh trị" của con lại thật nhiều sáng kiến khi ba bước sang lãnh vực kinh doanh. Lúc đó, con lớn hơn các em nên được ba cho nhiều hàng mẫu nhất. Bây giờ con vẫn còn cái hình bế búp bê biết mở mắt nhắm mắt đó ba. Hình này con đứng trên sân thượng nhà mình lúc mình mướn nhà ở Ô-Cà-Xây của ông bà chủ chuyên sản xuất lu đựng nước. Con còn nhớ con chụp hình lúc mùa xoài. Họ nấu xoài chín rồi cán ra phơi để dành ăn. Ối cha ruồi ơi là ruồi! Kỷ niệm mà con yêu nhất là lúc mình cắm trại ở bờ biển Komponsom. Ba lựa chỗ vắng vẻ, cảnh đẹp, biển yên sạch sẽ để đừng ai "quấy rầy" gia đình mình. Ba quay phim cho tụi con, ba mướn tàu đi câu cá về cho mẹ con nướng ăn. Chỉ có vài con cá mà thấy vui ghê hở ba. Mình chỉ có cái khó khăn là không có nước ngọt nên phải mướn người gánh nước thôi.
Ba à, con yêu nước mình lắm. Nhưng con chỉ thích lúc ba không làm chánh trị, vì những lúc đó gia đình mình thật là hạnh phúc. Mẹ và các con có ba bên cạnh luôn luôn. Ba có thời giờ nhiều với gia đình, ba đi biển, ba đi lội hay đánh vợt với tụi con và ba luôn cạnh mẹ.
Ba thường nói, cuộc đời ba "lên voi xuống chó" rồi ba cười. Lúc nào ba cũng nhìn cuộc đời với khía cạnh khôi hài. Ba kể cho con nghe lúc chính quyền cho người theo đuổi bắt ba. Ba nói mỗi lần họ theo ba là ba lừa một cách. Ba kể mỗi lần ba rời Hội Quán Phật Giáo Hòa Hảo ở đường Bùi Thị Xuân là khi mở cổng ra ba luôn luôn cho hai xe đi hai ngã ra trước, để cho họ theo rồi ba mới đi xe sau chạy ngõ khác. Vậy mà vẫn có một lần họ liệng được một trái lựu đạn vô xe mà may quá nó không nổ. Có lẽ họ vội quá nên không mở chốt. Đôi khi con có cảm nghĩ riêng là ba có vẻ lý thú về những chuyện vào sanh ra tử.
Mỗi lần nhớ lại chuyện lính kín Miên theo dõi ba để làm tiền là con bắt tức cười. Trong lúc mẹ lo sợ thì ba lặng lẽ theo dõi ngược lại họ và chụp hình mấy cái anh chàng lính kín, rồi khi họ mời ba lên văn phòng thì ba đưa hình cho họ xem. Ba còn cười nói: "Các ông theo tôi làm chi để cho tôi chụp hình mà không hay?". Bây giờ mỗi khi xem phim trinh thám là con cứ cười vì nhớ đến chuyện này. Ba nói với con tại tụi lính kín Miên nó hay "làm le" nên dễ biết. Người ta làm mật vụ thì phải kín đáo, còn họ lại làm tàng muốn cho người khác biết là mình quan trọng. Lúc nào họ cũng mang kiến đen, mặc áo bành tô, đội nón xụp xuống thì "bố ai" mà không biết.
Ba thương, trong lúc khổ hay nghèo ba cũng đều tìm cách khôi hài chọc mẹ, hay trêu các con cho nhà mình vui hơn. Con nhớ ba viết thơ gạt mẹ là ba lo xong nhà cửa rồi mới rước mẹ con lên Cao Miên. Lúc đó có lẽ là năm 1955. Khi mẹ con lên đến Nam Vang thì chỗ hẹn của mình là nhà ngủ và dĩ nhiên là chưa nơi nương tựa. Sau đó mình dọn về ở nhờ nhà ông Năm ở chợ Cây Táo, do bà Tư Cần Đuớc giới thiệu. Lúc đó con và mẹ phải đi may thêm quần áo ở nhà một bà Miên. Có một lần đến may quần áo thì gặp họ đang ăn cơm. Thức ăn họ để trên những miếng lá, ở giữa là một tô canh. Họ ăn bằng tay, và lấy tay tát nước canh ra cơm ngoài miếng lá. Họ là những người bình dân, còn những người hoàng tộc thì ăn cơm bằng dĩa và muỗng nĩa. Con và mẹ đợi họ ăn xong thì bà chủ đến đo áo cho con. Con rất thấy khó thở vì tay của bà còn dính mùi mắm "bò hóc". Con sợ mùi này lắm cho đến khi lớn lên dần ở Cao Miên, khi đi với mẹ ra chợ ăn bún Num-bò-chóc con mới hết sợ mắm này, nhất là được xem phim dân đánh cá làm lưới ở Biển Hồ. Cảnh lưới cá về rồi phân chia loại nào để bán, loại nào để làm mắm và cách thức làm mắm như thế nào. Mắm bò hóc của thường dân làm bằng cá nhỏ nguyên con. Còn mắm bò hóc của vua ăn thì bỏ xương bỏ da chỉ lấy thịt cá, rồi họ muối để làm mắm, kho hay chưng, mùi bay thơm lắm. Có lẽ thức ăn của dân tộc nào cũng ngon, cũng có cái đặc thù của nó, nhưng cái khác là "cách ăn" phải không ba? Con còn nhớ ông Năm Nón sống bằng nghề mua nón cũ làm lại nón mới. Ông hấp, giặt, tẩy, chải nỉ lại để "băng đô". Màu ông làm xong thì cái nón giống y như mới vậy. Ông Năm da đen mặt rỗ, giọng đồng. Ông có cái tật ít tắm và dĩ nhiên không gội đầu. Lâu lâu ông lấy lược dầy chải hết đất rồi trét brillantine lên. Tóc ông bóng mượt và sát da đầu. Người ông có xâm nhiều hình. Ông nóng tánh và có "nghề võ". Mỗi lần ông đánh bà Năm nghe "bình bịch" mà bà làm thinh, tỉnh bơ vì nghe nói bà ta có học "gồng".
Ba thương, rốt cuộc rồi mình cũng mướn được một căn nhà ở tầng dưới đất. Vì nhà sàn lót ván nên mấy đứa nhỏ Miên ở trên lầu cứ đái xuống hoài. Vậy mà ba còn đùa là trời mưa. Mẹ và con rất "phiền", nhất là phải đi cầu tiêu hầm vừa đầy vừa dơ vừa có dòi làm con sợ xanh mặt. Sau đó gia đình mình mướn xe ngựa dọn nhà lên ở Cầu Lầu, nơi có rất nhiều Việt kiều. Ở đây thì sạch sẽ hơn nhưng có điều mình phải ở tầng dưới đất của nhà bà Chín Song. Con nhớ mẹ hay để băng nhạc Ngọc Cẩm, Nguyễn Hữu Thiết nghe. Mỗi lần Ngọc Cẩm hát "Vì đâu trăng vui nên trăng rụng xuống cầu". Ba lại nhăn mặt tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi mẹ: "Sao vậy mình, tại sao mà răng lại rụng xuống cầu". Mẹ cãi: "Trăng mà, ai hát răng hồi nào". Mấy lần sau mẹ biết ba chọc nên làm lơ giả bộ không nghe.
Thời gian này con hay theo mẹ đi chợ, Minh Thư và Thanh Thu còn nhỏ nên ở nhà với chị vú, còn ba đi làm. Con hay đi ăn ngoài chợ với mẹ, có khi con chạy ra chợ mua quà vặt một mình. Con thích nhất là ăn xôi bắp. Có lẽ xôi bắp trên Cao Miên ngon hơn bất cứ chỗ nào. Bắp họ xát ra nấu rồi rưới mỡ hành và nước cốt dừa lên, vừa ngọt, vừa thơm lại vừa béo. Còn một món mà con thích nữa là chuối nướng. Con phải ngồi bên lò than để canh chừng vì đứng dậy đi là có đứa khác dành ngay. Chuối ta chỉ hơi chín, xỏ vào cây, quẹt một lớp nước muối. Khi chuối chín thì bên ngoài có một lớp bột trắng, đó là muối khô lại. Có lúc con chỉ thích ăn như vậy. Chuối hơi chín nên vừa dẻo, vừa ngon ngọt, vừa mằn mặn, vừa thơm, lớp da bên ngoài lại hơi dòn. Có lúc đổi "gu" con để cho chị bán chuối lấy thớt đè dẹp rồi chế nước dừa thắng với mỡ hành lên. Thật là một món quà vặt tuyệt hảo.
Ba làm ăn khá dần nên mình dọn nhà căn nhà sàn mướn của ông quan Năm người Miên. Ngang nhà mình có nhà cô năm Cây Gòn và xéo bên kia ngang nhà ông Năm Nón, là nhà ông năm Giáo. Ở nhà dưới của cô năm Cây Gòn có mấy đứa con nít hay rủ con qua "đá tràm", nhảy "cò cò" hoặc chơi "u". Con thì ốm o, tong teo nên hay thua lắm.
Quanh vùng đó có nhiều gia đình Việt kiều nên mấy cô giáo người Việt mở trường làng, chỉ có hai lớp học cho trẻ nhỏ. Phòng học ngăn bằng vách lá, có hai chương trình Việt và Miên. Ngôi trường nhỏ núp bóng dưới cây ô môi. Trong mấy người bán hàng vặt có "bà Liệu" bán chuối chiên là đáng tội nghiệp hơn cả. Mấy trẻ nít thường hay theo chọc bà. Hễ chúng la lớn là bà giật mình la theo rồi chúng nó nói cái gì, làm gì là bà nói theo, làm theo. Con thấy bất nhẫn nên thường kể cho ba nghe, vì có khi bà liệng hết tiền trong túi và trẻ con bu lại lượm.
Thưa ba, có phải viết báo là "cái nghiệp" không ba? Con nhớ khi mình ở Cái Vồn sau là quận Bình Minh, lúc đó ba là "chủ bút" của tờ báo Chiến Đấu, ba làm thơ, ba viết chuyện ngắn, ba hay ký tên Xuân Mỹ và Thanh Huyền Lang. Loại bài mà độc giả say mê nhất là các phóng tác của ba về truyện trinh thám. Tối về ba viết say mê. Lúc đó con còn nhỏ mà hay nhỏng nhẻo quá. Ai cũng ghét con về cái tật hay khóc dai. Con có thể khóc từ lúc bị má rầy cho đến lúc ba về. Con ngồi ngay nấc thang rên ư ử đợi ba. Khi con nghe giày ba khua cộp cộp là con bắt đầu khóc lớn để gây sự chú ý của ba. Tới chùng ba rầy má là tại sao ăn hiếp bé Hai thì con mới nín.
Lên đến Nam Vang đất lạ, quê người, đời sống khó khăn, chung quanh thì Việt kiều thân cộng nhiều. Vậy mà ba lại còn tiếp tục làm báo... chống cộng. Phe kia thân cộng thì người ta có tờ Trung Lập, có tiền và đã lâu đời. Vậy mà tờ Hữu Nghị của ba lại dám "bút chiến" với họ. Con còn nhớ con phải đi bộ vòng vòng chợ Cây Táo làm bộ hỏi mua tờ Hữu Nghị thì mới biết họ dấu báo của mình không bán. Vậy mà tờ báo cũng sống được khá lâu và độc giả tăng dần. Con cũng phục sự kiên nhẫn của ba và bác Văn Kim. Tòa soạn phải ngụy trang kín đáo, mấy lần bị lính kín bao vây nhưng họ bắt hụt vì mình đã dọn đi trước rồi.
Lúc gia đình mình trở về Sài Gòn sau thời Đệ I Cộng Hòa, con đi các thư viện để tìm tờ báo Chiến Đấu của ba, xin vài bản làm kỷ niệm. Còn tờ Hữu Nghị thì đóng thành một tập lớn theo khổ báo hàng ngày. Khi gần mất nước, gia đình mình quyết định bỏ hãng xưởng, nhà cửa ra đi một lần nữa. Con cứ bưng các tờ báo ra ngắm nghía tiếc rẻ mãi. Ba mới biểu: "Thôi bỏ đi con, đừng tiếc, con nhìn xem bao nhiêu sự nghiệp, sách vở, tài liệu của ba, ba cũng phải bỏ vậy".
Qua xứ Mỹ, mặc dù tuổi đời chồng chất, ba lại gắng sức vươn lên tạo lập lại sự nghiệp cho các con, trong khi đó ba không ngừng tìm mọi cách liên lạc với các đồng đạo ở khắp nơi. Rồi thì một lần nữa ba lại... làm báo. Nhưng lần này thì báo Đạo. Cuốn Đuốc Từ Bi đầu tiên bộ mới màu vàng có in hình Độc Giảng Đường Phật Giáo Hòa Hảo. Trong lời trung lộ "tái tiếp truyền thống" ba đã ghi: "Tập san Đuốc Từ Bi phát hành ở hải ngoại, không phải một trạng thái khởi đầu, mà chính là một sự tiếp tục."
Trong vài hàng lịch sử ba viết: "Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo phục hoạt sau cuộc đảo chánh 1-11-1963, Ban Trị Sự Trung Ương quyết định phát hành một cơ quan truyền đạo và thông tin lấy tên là "ĐUỐC TỪ BI", phát nguyên từ hai câu thơ rút trong kinh giảng Phật Giáo Hòa Hảo:
"Khai ngọn đuốc Từ Bi chí thiện
Tìm con lành dắt lại Phật đường."
(Giác Mê Tâm Kệ - Đức Huỳnh Giáo Chủ).
Thưa ba, hôm nay lật lại tờ báo cũ, lòng bồi hồi xúc động nhớ ba, con mới biết ý nghĩa của tên tờ báo đã rút ra từ những câu giảng mà ba mẹ đã dạy con thuộc lòng khi còn bé. Ba mẹ đã có công ơn thắp cho con một ngọn đuốc, gieo vào lòng con một chủng tử TỪ BI. Con nguyện tiếp tục con đường mà ba mẹ đã vạch ra để mãi mãi ngọn ĐUỐC TỪ BI sẽ rực rỡ chói lòa.
Thương ba.
Bé Hai.