THẰNG LÙN

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 12894)
THẰNG LÙN

Thằng Lùn là biệt danh của Louis Trần Phú Cường. Louis là tên ông xì-pông-xo gốc Do Thái của gia đình tôi. Cường rất ghét ai gọi nó bằng cái tên Louis nên cái tên này bị "dẹp tiệm" ngay từ lúc nó còn nhỏ. Các cô, các thầy, các bạn Mỹ phải bẻ miệng chu môi khi đọc tên nó, mỗi người phát âm một cách, nhưng chẳng ai gọi đúng. Kẻ thì đọc "cung", "coong" v.v... Vậy mà thằng Lùn vẫn nhất định không chịu xài tên Louis. Mỗi khi tôi hoặc ông xã gọi nó bằng Louis để chọc ghẹo nó thì nó cười nói:"It sounds stupid!".

Có một lần tôi đọc nhật ký viết ở Đà Lạt cho cu Thịnh lúc còn nằm trong bụng mẹ. Thịnh không chú ý nhiều hoặc có vẻ hơi quê vì không đọc giỏi chữ Việt Nam, riêng Cường thì chú ý lắm. Cường hỏi: "Mẹ à, mẹ có viết gì về con không mẹ?" Tôi "ngớ" ra không biết trả lời sao. Chẳng biết tại sao tôi không viết gì về Cường. Có lẽ lúc mang bầu nó là lúc chúng tôi đang còn hoang mang với tâm trạng, nào mất nước, đổi đời, đầu óc còn nhớ lại chuyện lăn lóc tại các trại tị nạn, nay trại này, mai trại khác.

Chúng tôi quyết định có thêm một thằng nhóc để cho hai anh em nó có bạn khi gia đình chúng tôi ở trong trại định cư Fort Chaffee, Arkansas. Chiều chiều, sau khi xếp hàng lãnh cơm ăn xong, hai vợ chồng chúng tôi thường dắt Thịnh (lúc đó khoảng một tuổi rưỡi) đi dạo vòng vòng trong trại. Chúng tôi thường bàn chuyện tương lai trong lúc bách bộ. Hai đứa nghĩ nếu tôi không có bầu thì khi ra khỏi trại, bị cuốn vào "guồng máy xứ Mỹ" chúng tôi sẽ không dám có đứa thứ hai nữa. Cuộc sống xứ lạ quê người hẳn là sẽ khó khăn, vất vả, muốn có thêm con, chúng tôi phải có ngay trong thời kỳ chờ đợi này.

Vậy là một tháng sau tôi đi khám ở bệnh viện của trại và kết quả là chúng tôi sẽ có một thằng nhóc thứ hai. Sở dĩ biết trước có thêm một đứa con trai vì tôi có linh cảm và một phần nào ông thầy tử vi đã xem cho tôi lúc tôi mới sanh Phú Thịnh. Ông ấy bảo thằng em sẽ học khá hơn thằng anh, gia đình tôi sẽ xuất ngoại và nhập tịch ngoại quốc. Ông xã tôi không tin vì ông rất ghét thầy bói. Lúc đó tôi nửa tin nửa ngờ vì ông xã tôi đang dạy ở Võ Bị Đà Lạt. Tôi bảo đùa: "Chắc là anh xuất ngoại qua Kampuchia đánh giặc quá".

Thịnh được sinh ra ở Việt Nam mà lại cao và lớn nhanh như thổi. Còn Cường, sinh ngay trên đất Mỹ thì nhỏ con. Thằng anh mập mạp, chúng tôi phải canh cho nó đừng ăn nhiều. Thằng em, ngay khi còn nhỏ, cứ phải mang đi cân đi đo, rồi hỏi bác sĩ sao nó chậm lớn quá. Lúc nhỏ Cường bị dị ứng nên phải bú sữa Isomilk. Trẻ con uống sữa này ít khi sổ sữa. Cường không ăn cheese, không ăn mayonnaise, không thích uống sữa... Những gì mà Cường không thích, Thịnh lại mê. Nhiều bữa cơm tôi phải rầy la hò hét, Cường mới chịu ăn thêm, nếu không thì chỉ ăn một chén.

Gia đình tôi đến Minnesota vào tháng 6, 1975. Công ty xuất nhập cảng Weinstein đã bảo trợ cho đại gia đình chúng tôi. Thế là sau khi định cư được một tuần, ba và ông xã tôi đi làm ngay. Đây là giai đoạn hạnh phúc nhất vì đại gia đình tôi sống gần nhau và ba luôn luôn gần gũi mẹ và chúng tôi. Lúc đó mang bầu nên tôi quanh quẩn trong nhà nấu nướng, chỉ ra ngoài khi đi chợ và ban đêm đi học Anh văn.

Tôi bắt đầu học hỏi cuộc sống Mỹ và có cảm tình với người Mỹ qua hai vở kịch trong truyền hình "Search for Tomorow" và "The Young and The Restless". Riêng Thịnh thì hay xem Fonji với các cậu, nên ở nhà hay bắt Thịnh bắt chước bộ điệu của tài tử Fonji. Thế là Thịnh đứng ẹo một bên, một ngón tay cái chỉ ra phía sau lưng.

Gia đình chúng tôi ở trong hai căn chung cư, mỗi căn được hai phòng. Sau đó gia đình ông bạn thân của ba tôi, một người anh họ và hai người cháu của ba mẹ tôi cũng về đó, nên nhà tăng lên mười sáu người mà chỉ có một chiếc xe hơi. Thời đó, điều mà chúng tôi mừng nhất là mua được nước mắm. Tôi và cô em họ hay chặt gà để nấu gà xào mặn. Mỗi lần làm món này thì cứ y như ở tầng dưới dộng cây lên rầm rầm phản đối tiếng khua chặt gà. Vì đông người, nên tiếng chân nhiều và nhất là cu Thịnh chạy tới chạy lui nên chúng tôi hay "bị" than phiền. Thế là mỗi lần làm gà xào mặn, sườn ram, giò heo hầm măng... cậu em họ lại phải bưng thớt, bưng thịt xuống tận dưới hầm chỗ đậu xe để chặt.

Lúc Cường được sáu tháng, tôi đi học tại Đại học Minnesota. Lúc đầu tôi định theo ngành báo chí nhưng sau đổi qua ngành truyền hình. Tôi biết hai ngành đó đều khó nhưng quyết học, vì tôi tức giới truyền thông Mỹ lúc đó làm như quên chuyện chúng tôi bị mất nước, nhất là khi đọc những bài báo nói không đúng về chiến tranh Việt Nam hay các chương trình truyền hình xuyên tạc sự thật. Bực nhất là khi xem chương trình truyền hình "Vietnam 30 Months, After Thirty Years of War". Tôi nghĩ rằng dù không viết hay nói giỏi tiếng Mỹ, mình cũng vẫn có thể thực hiện những chương trình truyền hình nói về Việt Nam một cách xác thực. Vậy là tôi đổi sang học truyền hình. Nhưng khi ra trường đi làm truyền hình, tôi mới vỡ mộng và chuyển sang ngành cắm hoa không một chút luyến tiếc. Giả thử mà tôi không có lý tưởng gì cả, chỉ học truyền hình, rồi kiếm việc đi làm, chắc cuộc đời tôi đã khác biệt lắm rồi...

Tội nghiệp cho gia đình nhỏ bé của tôi. Hai anh em thằng Lùn lúc còn nhỏ phải đi săn tin với mẹ. Nào là biểu tình 30 tháng tư, đánh dấu ngày mất nước, rồi hội thảo, văn nghệ đấu tranh... Lúc dọn về Cali ở Long Beach tôi đi học toàn thời gian, lại viết cho hai tờ báo tiếng Việt, nên lúc nào cũng bận rộn. Ông xã tôi thì lái xe đi theo giữ con. Không biết thuở xưa mà anh ấy biết có vợ viết báo cực như vậy thì anh có đợi tôi đến bảy năm hay không?

Lúc mới đậu tú tài, tôi ghi tên học luật. Ba tôi muốn tôi học ban kinh tế để đi làm ngân hàng. Tôi thấy học luật vất vả quá. Mỗi ngày phải đến sớm để "giành chỗ". Lúc học thì đè lên lưng lên cổ nhau để ghi "cua", nên tôi qua đại học Vạn Hạnh xem thử. Tôi thấy không khí ở đây thật là thoải mái, không giành giựt chen lấn, không phải "gạo" bài dày cộm và nhất là tôi biết tánh tôi không học được lối từ chương.

Sau khi đọc kỷ yếu ngành báo chí, tôi thích quá nên về nhà xin ba đổi ngành. Ba tôi nói làm báo "nghèo" lắm. Ba hỏi hay là ba cho tôi đi qua Nhựt học sửa sắc đẹp. Tôi bảo làm nghề này chỉ sửa cho các cô các bà bề ngoài thôi mà tôi muốn giúp cho mọi người về tinh thần cơ. Tôi nhớ có một giáo sư bảo viết báo có thể giúp được hàng triệu người gì đó. Tôi mê cái ý này lắm nên nhất định học báo chí.

Tôi cố thuyết phục ba. Tôi nói: " Con thấy học báo chí con sẽ được mở mang kiến thức về rất nhiều vấn đề. Vả lại có kiến thức con sẽ dạy cho con của con, và nghề này vừa đi làm vừa có thì giờ lo cho con ba ạ." Thế là ba tôi đồng ý. Khi ở Việt Nam lúc tôi viết phóng sự cho báo Chính Luận, mỗi bài được trả 3.000 đồng tiền nhuận bút. Lương ký giả tờ báo này theo tôi được biết là khoảng 60 ngàn. Cũng gần ngang với lương phụ tá giám đốc của tôi tại công ty hải sản đông lạnh PASEFOCO bên kia cầu chữ Y.

Qua xứ Mỹ ông xã tôi lại phải nuôi tôi để tôi đi học truyền hình và viết báo. Viết cho báo tị nạn không có nhuận bút nên phải có thiện chí và lý tưởng lắm mới viết được. Cuối tuần, ngoài việc đi chơi với gia đình, nghỉ ngơi, dọn dẹp nhà cửa hay lo chợ búa, người viết báo còn phải đi săn tin vì các sinh hoạt cộng đồng chỉ nhằm vào những ngày nghỉ. Ngoài ra còn phải tốn kém nhiều thứ như gởi thư hỏa tốc, mua phim, rửa hình lấy liền, để gởi về tòa soạn cho kịp lên khuôn. Đã học về báo chí và viết lách chuyên nghiệp, lại cứ phải viết "chùa" tháng này qua năm khác nhiều khi cũng tủi thân. Nhưng báo chí Việt ngữ hải ngoại, những năm đầu, có được là do sự hy sinh chung từ nhiều phía.

Nhiều lúc tôi cằn nhằn ông Đinh Thạch Bích chủ nhiệm báo Việt Nam Hải Ngoại khi có dịp đến thăm tòa soạn. Ông ấy bảo báo của ông không có quảng cáo, mỗi lần in báo ông đều phải đắp tiền túi vào. Tòa soạn của ông rất nhỏ, nằm tầng dưới căn nhà ông đang ở và ông cùng các cộng tác viên đều phải thức đêm để làm báo. Tờ báo khác mà tôi cộng tác cũng thế, lúc lên San Jose thăm, tôi thấy tòa soạn báo Người Việt Tự Do ấn bản Mỹ Châu không có sưởi nên mùa đông anh Đỗ Thông Minh bệnh. Vậy là viết bài đã không có lãnh nhuận bút, lại còn phải mua thuốc bổ mang đến biếu các anh, vì thấy họ làm việc cho lý tưởng.

Khi hai tờ báo tôi đang hăng say cộng tác đứng về hai phía, tôi rất buồn nên gác bút một thời gian khá lâu. Tờ Người Việt Tự Do đóng cửa chuyển qua làm tờ Kháng Chiến của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam do Tướng Hoàng Cơ Minh lãnh đạo, còn tờ Việt Nam Hải Ngoại chống lại Mặt Trận này. Lúc bấy giờ báo Việt Nam Hải Ngoại ủng hộ Lực Lượng Quân Dân (bị Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi ký văn thư giải thể để gia nhập Mặt Trận QGTNGPVN) còn lại của Đại Tá Lục Phương Ninh.

* *
Có lẽ thằng Lùn sẽ giận tôi. Nó sẽ hỏi tôi viết về nó hay viết về tôi cũng nên. Lúc tôi tốt nghiệp đại học Long Beach, Lùn được bốn tuổi mà còn ôm chai sữa. Tôi thường bắt các con đi cúng, rồi ngồi niệm Phật năm mười phút trước khi đi ngủ. Thịnh thì có da có thịt nên lúc nào cũng ngọ nguậy còn Cường ngồi tham thiền rất yên. Thịnh hay chắp tay trên ngực còn Cường thì để hai tay trên đầu gối, ngón cái và ngón trỏ giao nhau. Có lần Cường nói: "Con feel được energy, mẹ ơi".

Cường bị tai nạn hai lần do trẻ con hàng xóm gây nên. Một lần Cường đang đạp xe ba bánh bằng mủ thì chú bé Mễ hàng xóm xô Cường té bể trán mang xẹo. Lần khác, Cường đang cùng trẻ con hàng xóm chạy xe đạp trên các ụ đất của căn nhà bên kia đường thì bị một đứa bạn xô té gãy chân.Tính Cường can đảm, ít nhỏng nhẻo than thở khi đau như Thịnh. Lúc Cường gãy chân là khoảng thời gian tôi đang cảm thấy những biến chuyển tâm linh rất mạnh mẽ và đang cố ghi lại những cảm nhận, kinh nghiệm về các trạng thái tâm linh của mình. Thời gian này tôi bỏ nửa chừng chương trình cao học về truyền hình giáo dục cho trẻ con tị nạn mà tôi đang theo để lấy các lớp về tôn giáo, thiên văn học... và đọc rất nhiều sách, cũng như gặp nhiều người để thảo luận và học hỏi. Tôi nghĩ rằng những đứa bé ở Việt Nam mới cần tôi chứ ở xứ Mỹ chương trình giáo dục trẻ em trên truyền hình thiếu gì.

* *
Anh Lùn của tôi có lẽ sẽ cho rằng mẹ nó lại lạc đề rồi. Cường còn có một cái biệt danh nữa là "ông già hà tiện". Cường xài tiền rất kỹ và cất rất ngăn nắp. Đôi khi muốn tập cho con để dành tiền, tôi mở trương mục cho con để tiền lì xì vào sau mỗi dịp Tết. Trong khi tiền của Cường càng ngày càng tăng thì Thịnh rút lần rút hồi và xài cho đến hết.

Tuy nhiên Cường hà tiện rất đúng cách. Cường để dành tiền mua xe đạp, hoặc đồ chơi hay món gì Cường thích. Vì vậy để thưởng công cho con, chúng tôi thường trả phân nửa hay một phần món gì mà Cường muốn mua. Thịnh ăn xài lớn nên chỉ còn cách chơi ké đồ chơi của em. Một hôm tôi hỏi hai anh em khi lớn lên tiền kiếm được để làm gì? Thịnh nói phân nửa cho trẻ em ở Phi Châu, phân nửa số tiền còn lại cho người nghèo, còn lại chút ít Thịnh xài. Tôi hỏi Cường thì "ông già hà tiện" nói: "Không cho ai đồng nào hết vì cho thì không đủ tiền xài". Tôi hỏi: "Vậy con không giúp trẻ em ở Phi Châu sao?" Cường thản nhiên trả lời: "Để cho Micheal Jackson lo". Lúc đó Micheal Jackson và Lionel Richie phát hành dĩa nhạc "We Are The World" để lấy tiền cho trẻ em Phi Châu. Có thể Cường có lý vì chỉ sáng tác có một bản nhạc mà Micheal Jackson đã thu được nhiều triệu bạc.

Thấy Cường có vẻ tính toán quá nên tôi buộc Cường phải tiếp tục học đàn. Cường nhất định chỉ học đàn hết năm lớp bảy rồi ngưng. Cường cho rằng học đàn mất thì giờ và điểm nhạc thấp làm cho điểm trung bình của Cường xuống. Tôi dụ Cường bằng cách thưởng tiền khi Cường đi trình diễn cho các ông bà già xem hay hòa tấu ở trường tiểu học cũ, để giới thiệu ban nhạc ở trường nó. Ông xã tôi hay "yếu lòng" nói với tôi: "Thôi em ạ, con nó không thích thì đừng ép tội nghiệp". Tôi bảo: "Nó tính toán quá nên phải cho nó học âm nhạc để cho nó có tình cảm, mơ mộng, nghệ sĩ tính một chút chứ. Con nít có khi nó biết nó thích, nhưng cũng có khi nó không biết nó có năng khiếu trừ khi nó thử anh ạ."

Lúc ở Minnesota, hai con còn nhỏ, tôi thường mở nhạc êm dịu cho con nghe suốt đêm. Tôi thấy xã hội tây phương cuồng loạn quá. Sách báo, phim ảnh toàn là bạo lực, khiêu dâm mà tôi không thể không cho con xem truyền hình được. Phim về giáo dục có giới hạn mà tôi còn phải đi học, đi làm không thể ngồi kế bên con hoài để kềm giữ nó. Nhất là lúc nó lớn, nó học những gì ở bạn bè, phim ảnh mình đâu có biết. Vì vậy, việc đưa vào tâm hồn chúng những âm nhạc êm dịu, những tình cảm thương yêu, tôi cho là cần thiết.

Thấy mướn đàn tốn kém quá, "ông già hà tiện" bèn đề nghị tôi mua cho cu cậu một cây đàn. Dĩ nhiên chàng lựa đàn hơi to hơn khổ người của chàng để "được xài lâu" và mẹ khỏi tốn thêm tiền mua cây khác. Thế là thằng lùn của tôi tiếp tục học đàn vĩ cầm cho đến năm nay lớp chín và đàn cùng ban hòa tấu với Thịnh ở trường trung học Mission Viejo.

Thịnh lúc nào cũng thích cả nhà xem chàng trình diễn với cây hồ cầm to tổ bố, xứng với chiều ngang và chiều cao của nó. Riêng Cường vì tự cho rằng mình đàn dở nên thường trốn ở hàng ghế phía sau và vì Cường nhỏ con nên mỗi lần đi xem, chúng tôi phải cố tìm mới thấy Cường.

Năm nay là năm tôi thấy kết quả nhất đối với việc hướng dẫn Cường. Tôi không thấy Cường than phiền về việc học nhạc nữa mà lại có vẻ thích thú khi đệm đàn cho các bạn trình diễn trên sân khấu. Mặc dù rất bận rộn vì mỗi chiều đều tập quần vợt hoặc qua các trường khác đấu giao hữu, Cường vẫn giữ đủ bốn hôm đi trình diễn ở trường và ở nhà hưu dưỡng Leisure World cho người già. Điều ngạc nhiên nữa của chúng tôi là Cường mở nhạc cổ điển rồi ngồi bên cạnh máy hát nghe hòa tấu hàng giờ, nhất là mấy bản nhạc độc tấu bằng vĩ cầm. Đôi khi tôi tự hỏi mình có sai không, khi tôi buộc con tôi học một môn học mà nó không thích? Tôi xét lại các môn khác Cường đều giỏi như cũ. Như vậy thì việc học đàn đâu có trở ngại việc học. Nếu mọi sự học hỏi của Cường đều tiến triển đều, năm tới Cường sẽ vào đội tuyển quần vợt của trường và Cường sẽ đoạt đẳng cấp Hướng Đạo Phượng Hoàng trước khi tốt nghiệp trung học. Vậy việc tôi ép Cường trở lại Hướng Đạo cũng đâu có chiếm thì giờ và gây trở ngại cho việc chơi quần vợt của Cường như Cường lo ngại.

Sau hết tôi ngại cho chiều cao của thằng Lùn (sợ các cô chê). Lúc này Cường cũng chịu khó ăn, có lẽ vì thấy bạn bè "nhổ giò" hết nên chàng cũng bắt đầu lo. Chàng cho tôi biết Harvey, người bạn Phi lai Mỹ của chàng nhờ uống thuốc bổ mà khá nên tôi cũng mua cho chàng uống, và chàng bắt đầu ăn nhiều thật. Khi tôi viết những hàng chữ này thì Lùn cao hơn một tí. Lùn có vẻ khoái chí lắm và cứ hay dắt tôi lại kiếng để đo xem đã cao hơn tôi chưa. Có lẽ tôi phải chuẩn bị đặt cho Cường một cái tên đặc biệt khác?

22-5-1991

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880