TÔN GIÁO TÌNH THƯƠNG

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 10593)
TÔN GIÁO TÌNH THƯƠNG

Mission Viejo 28-9-1992

Còn năm ngày nữa là đến ngày lên đường đi Roma. Sáng nay mình đi tập thể dục, xong về dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, giặt quần áo. Mình bắt đầu sắp xếp hồ sơ một cách tổng quát rồi mặc áo tràng nâu, lau bàn thờ, các khuôn hình ông bà, tắm tượng Phật Bà, lau tượng Phật Di Lạc; cắt hoa hồng chưng bàn thông thiên, bàn thờ ông bà và bàn thờ Phật. Xong mình thắp nhang đèn, ra bàn thông thiên khẩn nguyện Phật Tổ Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần, Chư Quan Cựu Thần, Chư Vị Sơn Thần, Chư Vị Năm Non Bảy Núi cảm ứng chứng minh phò hộ cho một trăm hai chục ngàn đồng bào tại trại tị nạn và bảy chục triệu dân Việt Nam mau thoát khổ nạn.
Sau khi cúng lạy mình vặn băng cassette kinh Phổ Môn do Đại đức Thích Minh Nguyện tụng và tập trung tinh thần theo lời đọc của Thầy. Mình nghe từng lời Thầy cầu nguyện và nhiều lúc cảm xúc nước mắt cứ tràn ra. Thầy nói: "Kinh Phổ Môn là một phẩm trong 28 phẩm Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, nội dung của phẩm Phổ Môn điểm chánh yếu là hạnh nguyện của Ngài Quan Thế Âm Bồ Tát. Vì lòng đại từ đại bi thương sót chúng sanh đau khổ, hoạn nạn mà thành tâm xưng niệm đến Ngài thì Ngài sẽ tùy theo quốc độ, tùy theo âm thanh mà hiện thân cứu độ."
Trước khi bắt đầu khóa lễ, Thầy giải nghĩa Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát để mọi người có một khái niệm về vị Bồ Tát này. Nam Mô tiếng Phạn gọi là Nặng Mồ, người Trung Hoa dịch là Quý Mãn, Đảnh Lễ, Kính Lễ v.v... Quán Thế Âm thì Quán là dùng tư tưởng quán sát. Thế là Đời. Chữ Âm chỉ cho âm thanh, tức tiếng nói. Bồ Tát chỉ cho những vị tu hành lợi tha, vì tất cả mọi người. Kết hợp Quán Thế Âm, vị Bồ Tát này thường hay quán sát thế gian. Hễ nơi nào có chúng sanh đau khổ, hoạn nạn, bệnh tật mà thành tâm xưng niệm đến Ngài thì Ngài liền theo âm thanh đó để cứu khổ cho họ. Tình thương của Ngài không những ở loài người mà còn trang trải đến chim chóc muôn loài.
Tóm lại Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát là kính lạy vị Bồ Tát thường hay quán sát tiếng kêu của thế gian mà đến cứu họ. Thầy nói sau khi có khái niệm, chúng ta đặt niềm tin vào Ngài nói riêng, mười phương ba đời chư Phật, chư Bồ Tát nói chung. Chúng ta phải chí thành tha thiết niệm lên danh hiệu của Ngài, thì Ngài mới ứng thân thị hiện để cứu độ chúng ta, vì Cảm mới có Ứng và sự linh thiêng mầu nhiệm là do chúng ta tất cả. Sách có câu "Linh Bất Linh Tại Ngã".


Mission Viejo, 29-9-1992

Hôm nay kề cận ngày đi. Sáng sớm ông Lê Đình Hữu giám đốc hội Cứu Trợ Trẻ Em Tị Nạn Không Cha Mẹ ở San Jose gọi cho biết sẽ gởi thơ khẩn cấp xuống, ông đã xin được mấy trăm chữ ký trong buổi đại nhạc hội tổ chức giúp trẻ tị nạn. Mình hỏi có xin chữ ký trong buổi Đại Hội Phật Giáo Thống Nhất không? Ông nói rất buồn vì ban tổ chức từ chối. Hôm trước anh Lê Công Đa và Luật sư Nguyễn Hữu Liêm hứa giúp, nhất là anh Đa hứa xin chữ ký của quý vị đại diện các phái đoàn Phật Giáo về San Jose tham dự đại hội. Hai người hăng hái cho rằng đây là việc làm nhân đạo. Mình ước gì buổi lễ Cầu Nguyện Hòa Bình cho Việt Nam tại La Mã có cả Đức Đạt Lai Lạt Ma, chắc sẽ xin được nhiều chữ ký hơn vì có thêm nhiều người giúp đỡ. Tôn giáo nào cũng phục vụ cho lý tưởng tình thương.
Vừa vào sở mình gởi điện thư qua Đức Ông Trần Văn Hoài ở Vatican xin hướng dẫn thủ tục đệ trình Thỉnh Nguyện Thư. Việc xin chữ ký gặp một chút trở ngại hôm Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên Xây Đền Thánh Tử Đạo tại Orange County là một bài học quý giá để mình phải lo thủ tục trước khi qua Roma.
Hôm đó vì mình không gởi bản tHỉnh Nguyện Thư trước cho Đức Ông Nguyễn Văn Tiến đọc trước nên việc xin chữ ký không được phép giới thiệu trong chương trình có 2000 giáo dân đến tham dự. Mình lo buồn vô cùng, Tài khuyên mãi không được. Việt Dzũng đến như cái phao cho mình, Dzũng bảo từ từ sẽ tính. Mình nóng ruột, cầm dĩa cơm trong tay mà ăn không nổi, chỉ sợ không thành công. Sau khi hát xong, Dzũng nói vài lời về tình trạng đói khổ của người trong trại tị nạn và thông báo có một cái bàn phía sau xin chữ ký đệ trình Đức Thánh Cha nhờ Ngài can thiệp. Thế là một số người về sớm ghé ký tên và một vị linh mục hăng say đến lấy giấy về xin chữ ký tiếp. Riêng hai cha Nguyễn văn Tuyên và Nguyễn văn Luân dặn 7 giờ tối đến nhà thờ Saint Barbara ở thành phố Santa Ana hai cha sẽ giúp. Khi ra về mình đếm được 400 chữ ký.
Chiều hôm đó mình đưa Tài đi họp bạn Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt rồi đến nhà thờ lúc 6 giờ 30. Mình tự trách ngu xuẩn vì lúc đó hầu hết giáo dân đã vào trong nhà thờ. Lễ khởi sự lúc 7 giờ, trời bắt đầu tối, mình xin được những người đến muộn. Mình may mắn (chắc Chúa và Phật giúp) có Tuấn, đang đứng xin chữ ký cho đạo luật "Quyền Sống" và phát giấy ghi danh đi bầu, giúp đỡ.
Nhà thờ Saint Barbara rất lớn chứa được cả ngàn giáo dân. Khi lễ gần kết thúc, cha có dặn mọi người trước khi về nhớ ghi danh đi bầu, mua băng, sách và ký tên giúp người trong trại tị nạn. Người đi dự lễ tràn ra như nước từ các cửa nhà thờ nên rất khó mời họ ký tên. Tuấn, Hải, Liên, Tường Thắng, mình và Vân, vị hôn thê của Thắng mà chỉ xin được trên 200 chữ ký. Mặt mình méo xẹo, tuy nhiên cũng tội nghiệp nhiều người bu quanh bàn ký tên dù ánh sáng đèn đường rất mờ và mình không có đủ viết cho một lượt mấy trăm người.
Sáng chủ nhựt 27-9-1992 giáo sư Long, Thanh Thu và mình họp ở Hội Quán để chuẩn bị tài liệu, kinh sách và báo Đuốc Từ Bi đem đi Vatican. Tài họp bên ban Trị Sự. Mình phải ghi chú cho nhớ: Chụp 30 tập Bản Tin Tị Nạn gồm đủ năm số, đem bưu thiếp kêu gọi việc ngưng cắt giảm thực phẩm theo để vận động những phái đoàn đến Roma gởi qua Liên Hiệp Quốc.
Nguyễn Đình Thắng gọi từ Hoa Thịnh Đốn cho biết thêm tin vụ mổ bụng ở Galang, Nam Dương. Hôm đó nhân buổi lễ Công giáo đang cử hành có sự hiện diện của Đức Khâm Mạng tòa thánh Vatican và hai vị linh mục Việt Nam, ba người tị nạn đã mổ bụng tự sát nhưng được cứu kịp. Vài ngày sau, một thiếu nữ tẩm xăng tự thiêu cũng được ngăn chặn kịp thời. Như vậy có tất cả tám vụ tự sát, trong đó có anh Huy chết vì tự thiêu.
Sáng thứ bảy, trước khi đi xin chữ ký ở Trung Tâm Công Giáo, mình có xem chương trình truyền hình Việt Nam Program. Cô Nam Trân phỏng vấn ông Bill Flaming, Phụ Tá Giám Đốc Chương Trình Tị Nạn của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về việc chánh phủ Mỹ cho hai triệu đô la giúp chương trình hồi hương, trong đó tám trăm ngàn sẽ trao cho Liên Hiệp Quốc. Ông ta nói Việt Nam thay đổi và đồng bào nên khuyên bà con trong trại hồi hương.
Tâm hồn mình lúc này khá tiến bộ, sau khi xem những chương trình như trên thì không còn buồn bực nhiều như xưa, mà mình tiếp tục những việc đang làm với sự quyết chí hơn. Chiều qua mình lên đài Little Saigon tiếp Hoan ráp nối chương trình "Đêm Không Ngủ Lý Tống" và buổi phỏng vấn ông Lê Trung Can về Ủy Ban Hành Động Bảo Vệ Thuyền Nhân tại Pháp. Gần 7 giờ tối mình mới về đến nhà, Tài bị cảm nằm dài còn Cường đi mua ham-bơ-gơ ăn. Mình vội cạo gió và nấu cháo cho anh ăn. Hôm nay mình phải lo giặt giũ quần áo và viết thơ cho Trang kẻo nó trông...


Mission Viejo, 1-10-1992

Trang thương,
Mẹ xin lỗi không điện thoại cũng như không trả lời thơ con vì mẹ quá bận. Mỗi lúc đi trên xe ba mẹ đều có bàn về hai con. Mẹ có đọc thơ con cho ba nghe, ba nói vợ chồng con hiểu, thương nhau và lúc nào cũng trợ lực cùng nhau giải quyết mọi vấn đề thì sẽ vượt các khó khăn trở ngại trong đời sống.
Ba mẹ đã trên bốn mươi, nhiều kinh nghiệm mà còn lao đao về vấn đề đoàn tụ, còn các con còn trẻ khó biết cách xử thế sao cho toàn vẹn chữ hiếu mà không mất hạnh phúc gia đình. Mỗi khi rảnh rỗi, mẹ đều nghĩ đến con. Ba mẹ biết có nhiều gia đình đổ vỡ vì ở chung sau khi đoàn tụ. Người bảo trợ thường nghĩ sống chung để tỏ tình thương với những người thân mới qua. Theo mẹ đó là sự sai lầm vì khi đông người sinh hoạt gia đình bị xáo trộn. Sự khác biệt giữa hai môi trường sống gây nên nhiều sự hiểu lầm rất tai hại có thể đi đến sứt mẻ khó hàn gắn hay tạo nên những vết thương lòng, mà chỉ ở riêng mới có thể tránh được.
Tất cả những gì xảy ra không phải lỗi tại ai, mà chỉ vì không thông cảm, thiếu hiểu biết về đời sống, cũng như mặc cảm của nhau. Người bên Việt Nam qua không hiểu nổi sự chịu đựng, khó khăn, căng thẳng về công ăn việc làm lẫn đời sống hàng ngày của người bên Mỹ. Người ở Mỹ không hiểu người thân của mình chờ đợi những gì và tưởng tượng sẽ có một đời sống như thế nào ngõ hầu có thể cho biết trước khi đoàn tụ. Phải giải thích cho họ hiểu rằng "tự do" không có nghĩa là "thiên đàng" mà phải đổi lấy nó bằng mồ hôi, bằng sự cố gắng làm việc, đối đầu với mọi khó khăn của đời sống vật chất văn minh tây phương.
Con biết không, nhiều khi ba quên cả việc gởi chi phiếu trả chi phí hàng tháng. Có một buổi chiều ba mẹ phải đi bộ lại công ty nước để trả tiền, nếu không hôm sau nhà bị cúp nước, có nhiều đêm ba định trả bills thì mệt quá nhìn đống thơ mà làm không nổi, cứ hẹn nay hẹn mai.
Cô bạn của mẹ vừa có gia đình bên Việt Nam qua đoàn tụ xin chồng thông cảm, cô không cần nhà cao cửa rộng, dù ở phòng thuê hay đi xe cũ cũng được, nhưng cô ấy xin ở riêng vì đi làm về, nhiều lúc quá mệt cần nằm nghỉ. Lúc khỏe thì nấu ăn, khi không khỏe ăn mì gói hay bánh mì hoặc nhờ chồng phụ giúp việc nhà. Nếu ở chung với gia đình bên chồng, cô sợ mang tiếng làm biếng.
Sáng sớm nay Thịnh gọi về nói cần máy điện toán. Một giờ trưa mẹ sẽ dẫn nó đi mua thêm nhu liệu và một máy in để làm bài.
Hôm nọ bạn của ba mẹ khen hai em con vui vẻ đi xin chữ ký với mẹ. Mấy bác đâu biết là trước khi đi, mẹ đãi hai đứa ăn no nê để không than đói đòi về. Buổi sáng mẹ dắt Cường đi mua giày mới đặng đánh quần vợt, còn Thịnh được ba cái áo mua ở Broadway, Sweat and Surf và Miller Outpost. Tối hôm đó trong khi các em đi với mẹ, ba chở bà nội đi ăn cưới.
Hôm nọ mẹ tưởng Thịnh xin vào Honor Societies, nhưng không phải. Thịnh muốn vào hội sinh viên (Fraternity) ở trường, hội viên sống chung cư xá, giúp nhau trong việc học và đời sống cũng như tình bạn, sự giao tế và phương thức chỉ huy hay giải trí. Thịnh mới vào học nên không được nhận, phải đợi một thời gian sau và phải có điểm tốt. Anh chàng rất muốn vào Kappa Sigma.
Ở San Diego State University có 18 Residential Fraternities và 13 Residential Sororities (cho con gái). Khoảng hai mươi lăm phần trăm hội viên của Fraternities hay Sororities được ở cư xá. Sinh viên phải học đến kỳ nhì lục cá nguyệt mới đuợc vào Fraternities, riêng Sororities phải là nữ sinh viên năm thứ hai trở lên. Có 340 phòng cho nữ sinh viên, tiền ăn ở mỗi cô giá 380 đồng một tháng; bên nam sinh viên có 375 chỗ giá 185 đồng và phải ăn ngoài. Thịnh rất muốn vào đây để đỡ tốn tiền cho ba mẹ vì chổ Thịnh hiện nay tiền ăn và ở khoảng 600 một tháng.
Tối qua sau khi ba mẹ đến Trung Tâm Công Giáo họp với các phái đoàn và thu chữ ký về, mẹ bị đau nên khuya phải thức dậy dằn nước đá trên đầu. Tối thứ ba, ba con ngồi đếm chữ ký và lấy máy tính cộng được trên ba ngàn chữ. Mẹ lập danh sách các hội đoàn và đoàn thể. Chút nữa mẹ nhờ Thịnh chở đi chú Hòa, nhờ chú đánh máy để chú Lân đem vào văn phòng luật sư thị thực chữ ký.
Trang, con không cần xin lỗi mẹ khi chỉ xin được 11 chữ ký, mẹ rất vui vì con đã hợp tác với mẹ. Con đã cố gắng theo hoàn cảnh, mẹ cám ơn chứ đâu có trách gì con. Nếu trách con thì mẹ lại cũng sẽ trách mẹ trong khi có cả triệu người Việt Nam tị nạn cộng sản mà mẹ chỉ xin được có trên ba ngàn chữ ký. Có lẽ lòng tham của mẹ đã khiến mẹ tự trách thầm là không làm được hơn.
Mẹ ước gì có một phép lạ cho tất cả các tôn giáo biến thành một tôn giáo là TÔN GIÁO TÌNH THƯƠNG. Các biểu tượng, hình ảnh tôn giáo biến thành hình trái tim để mọi người đều yêu thương nhau, bỏ tất cả quá khứ, những vết thương lòng, nghi k?hia rẽ để dùng trái tim mình mà yêu thương người Việt Nam và đất nước Việt Nam. Lúc đó cho dù chế độ độc tài mạnh mẽ, tham quyền cố vị đến đâu cũng phải thay đổi trước sức mạnh của tình tự dân tộc, sự yêu chuộng tự do và hòa bình của người Việt Nam mình. Mẹ ước gì trong tương lai sẽ gặp được những người mang trái tim đó. Trái tim vượt mọi dị biệt của màu da, sắc tộc, tôn giáo và sự chia rẽ của ba miền. Điều chia rẽ sau cùng rất khó xóa bỏ trong đầu óc của dân mình, dù cho ai cũng biết đó là chính sách chia để trị của thực dân.
Có một lần mẹ thấy trong một tờ báo có hình của nhà bác học Einstein với câu "Imagnination is more important than knowledge". (Sự tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức). Mẹ hy vọng những ước muốn, những tưởng tượng về một Việt Nam hòa bình an lạc của mẹ sẽ thành sự thật.
Mẹ của con.


Mission Viejo, 2-10-1992

Chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày đi Roma, mình cảm thấy mệt và thần kinh căng thẳng vì lo. Hôm nay ở Oklahoma, ông Từ Văn Bê sẽ gởi thơ hỏa tốc khoảng 500 chữ ký cho mình, cộng với những chữ ký mình thu tuần nầy từ các nơi khoảng 800, và của các hội đoàn, mình nghĩ sẽ được trên bốn ngàn. Ông Bê cũng có cho tên khoảng 19 hội đoàn trước để sáng nay mình gởi điện thư cho Lân cùng với Bản Thỉnh Nguyện Thư từ trại Phanat Nikhom tại Thái Lan mà mình vừa nhận được. Để Lân dịch ra Anh ngữ.
Hôm qua Thịnh chở mình đến anh Hòa, mình đã giao hết danh sách các hội đoàn và đoàn thể khắp nơi cùng tin tức trại Sikiew và bản phỏng vấn ông Lê Trung Can cho Bản Tin Tị Nạn số 6. Tường Thắng sẽ lo tin Hồng Kông, Nguyễn Đình Thắng sẽ chuyển qua bản dịch tin mổ bụng trước mặt hai linh mục và Đức Khâm Mạng của tòa thánh Vatican ở Galang, cộng thêm buổi gây quỹ của Project Ngọc tối nay và bản tin về kết quả việc thu chữ ký. Xem như bản Tin Tị Nạn số 6 khá phong phú. Tối nay mình mệt và phải cần dành thời giờ cho gia đình, nên không đến dự buổi gây quỹ. Nghe mình cần bản thị thực chữ ký vào thứ bảy, Lân bảo sẽ cùng các bạn chia nhau thức khuya dịch tên các hội đoàn ra và đánh máy sau bữa cơm của Projet Ngọc ở nhà hàng Kono.
Mình nhờ Sang làm thêm năm Bản Tin Tị Nạn thành 35 bộ để phát cho các phái đoàn tôn giáo đến dự buổi Cầu Nguyện Cho Hòa Bình Việt Nam tại Vatican. Thường lúc sau này mỗi lần nghĩ đến những đồng bào trong trại tị nạn mình bị xúc động rớm nước mắt, nhưng thay vì khóc thì "nước mắt như chảy ngược vào tim".
Sáng nay lại khác, sau khi đọc lá thơ của năm người cuối cùng thuộc nhóm làm báo "Hy Vọng" gởi ra trước khi bị đưa về Việt Nam cùng với bản tin "Hy Vọng" cuối cùng, mình bật khóc. Họ đã bị chuyển từ Chima Wan, Hồng Kông về Nei Kwu Châu. Tự gọi mình là "Những Người Chủ Xấu Số Của Tờ Báo Hy Vọng", họ nói, trong một hoàn cảnh cực kỳ thất vọng, chúng tôi đã đem hết sức mình ra làm số báo 18. Họ biết sẽ bị khủng bố khi trở về Việt Nam vì một số người tự nguyện hồi hương thông báo đã bị phái đoàn cộng sản đặt nhiều câu hỏi về nhóm họ. Khi những người này không chịu trả lời, đại diện cộng sản đập bàn đe dọa. Hiện nay ban đêm người tị nạn tại trại này bị khóa cửa nhốt trong phòng rất chật chội, nóng bức, phải tiểu tiện bên trong cho đến 8 giờ sáng, nước bị cắt không đủ dùng, thiện nguyện viên không được vào, trẻ em không được học, chương trình giáo dục hướng nghiệp bị ngưng hoạt động.
Nhóm tạp chí Hy Vọng cùng nhau viết tay số báo cuối cùng lấy tên "Nguyệt San Hy Vọng Nei Kwu Chau". Họ nhờ các tổ chức bên ngoài đánh máy phát hành. Ban biên tập gởi lời cám ơn các tổ chức, hội đoàn, đoàn thể, báo chí hải ngoại đã quan tâm đến người tị nạn trong những năm qua.


Mission Viejo, 8-10-1992

Ước nguyện của mình đã được thành hình, Thỉnh Nguyện Thư của đồng bào tại ba trại tị nạn Phanat Nikhom, Sikiew và Galang, cùng chữ ký của 274 đoàn thể, hội đoàn, tổ chức và 4.432 của người Việt tị nạn hải ngoại đã được vị Hồng Y, thư ký riêng Đức Giáo Hoàng đưa tay đón nhận, khi Ngài cùng Đức Giáo Hoàng John Paul II đi ngang nơi mình đứng trong buổi tiếp kiến ngày 7-10-1992 tại Đại Thính Đường Phaolồ VI, La Mã. Mình rất mãn nguyện đã đem tâm sự của đồng bào trong trại tị nạn đến Đức Thánh Cha, một người giàu lòng bác ái luôn nghĩ đến hạnh phúc của mọi chủng tộc. Thật khó diễn tả cho đầy đủ quang cảnh ngày trọng đại nầy. Đức Giáo Hoàng gầy yếu sau khi mổ, Ngài kiên nhẫn bắt tay hỏi han quý vị đại diện tôn giáo, những người tàn tật, nựng các em bé nhỏ vv... Ngài cố gắng đọc diễn từ hết trang này đến trang khác bằng nhiều thứ tiếng để bày tỏ sự quan tâm, an ủi hàng chục ngàn người đến yết kiến Ngài từ nhiều nơi trên thế giới.
Trước khi đi Roma mình nhờ Lân làm hai bản thị thực chữ ký Thỉnh Nguyện Thư có đầy đủ danh sách các đoàn thể tôn giáo, chánh trị, xã hội v.v... cùng mọi cá nhân trong cộng đồng người Việt trên thế giới và mình đã đưa tận tay những viên chức có thẩm quyền tại Vatican. Mình trao một bản cho Đức Ông Trần Văn Hoài Giám Đốc Văn Phòng Trung Ương, Tông Đồ Mục Vụ Việt Nam Hải Ngoại hôm 6-10-1992, trong buổi Lễ Cầu Nguyện Cho Hòa Bình Việt Nam được tổ chức tại thính đường Aula Magna thuộc đại học Giáo Hoàng Urbania. Hôm đó sau khi đại diện các phái đoàn tôn giáo đọc bài tham luận mình mang lên trao cho Đức Ông, một người đã sốt sắng mời gọi các tôn giáo đoàn kết với nhau.
Mình đã bắt tay Đức Ông để tỏ lòng cảm mến và biết ơn Ngài về việc làm nhiều khó khăn này. Mình rất xúc động khi Đức Ông sắp lên xe ra về, Ngài tỏ vẻ vui mừng vì buổi lễ quá thành công, tuy nhiên Đức Ông tỏ vẻ lo lắng nói với cha phụ tá Vũ Thành: "Bây giờ còn phải đối phó với Bộ Ngoại Giao nữa. Chúng ta hãy cầu nguyện." Mình cảm nhận được những khó khăn mà Đức Ông đã và sẽ gặp để thực hiện Ngày Cầu Nguyện này, cũng như sự hình thành việc "ngồi lại với nhau" của 5 tôn giáo.
Việc những vị chức sắc mặc áo dài trắng Cao Đài Giáo, áo tràng nâu của Phật Giáo Hòa Hảo, khoác y vàng Phật Giáo, và áo đen của Tin Lành, Công Giáo cùng nhau nghiêng mình cầu nguyện trước bàn thờ khói nhang nghi ngút tại La Mã, chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử thế giới. Kể từ hôm nay, một trang sử mới được giỡ ra để viết lên sự hòa hảo thật sự của các tôn giáo Việt Nam. Bài hát "Gần Nhau" vang lên khi năm vị đại diện tôn giáo Phật Giáo, Tin Lành, Cao Đài, PhâﴠGiáo Hòa Hảo và Công Giáo ký vào bản Thông Cáo Chung.

"Gần nhau trao cho nhau yêu thương tình loài người
Gần nhau trao cho nhau tin yêu, đừng gian dối
Gần nhau trao cho nhau ánh mắt nhân loại này
Tình yêu thương trao nhau xây đắp trên tình người."

Một không khí thật xúc động, đặc biệt và khó quên trong lòng mọi người hiện diện...


Mission Viejo, 26-10-1992

Con thương,
Hôm nay mẹ bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường. Những ngày quá bận rộn trước và sau chuyến đi La Mã trôi qua. Mẹ đã viết và đăng báo bài cũng như việc dâng Thỉnh Nguyện Thư để thông báo với đồng bào là chữ ký của những người đồng ý với Thỉnh Nguyện Thư đó đã đến tay Đức Giáo Hoàng John Paul II. Điều mẹ sung sướng nhất là ba Thỉnh Nguyện Thư của ba trại tị nạn Galang, Sikiew và Phanat Nikhom do ba Ban Đại Diện Phật Giáo Hòa Hảo cổ động và hoàn thành gởi cho mẹ đã được kèm theo, cùng với các chữ ký của đại diện các phái đoàn tôn giáo đến La Mã dự lễ được gói ghém hết trong một bao thơ. Mẹ rất kỹ, nên đã làm hai bao thơ, một cái trao cho Đức Ông Trần Văn Hoài lúc ăn trưa ngày Cầu Nguyện, sau phần tham luận và một cái trao vào ngày yết kiến Đức Giáo Hoàng, 7-10-1992.
Chú Tường Thắng đã gởi điện thư qua Hồng Kông cho họa sĩ Trịnh Độ những bài mẹ đăng trên các báo Người Việt, Thời Luận, Việt Báo Kinh Tế và Diễn Đàn Chủ Nhựt. Tuy các trại cấm Hồng Kông bị kiểm soát gắt nhưng họa sĩ Trịnh Độ biết cách chuyển vào được. Mẹ chắc chắn những hình ảnh và bài viết đó sẽ là niềm an ủi cho những trái tim đang đau khổ. Mẹ dặn chú Tường Thắng viết thư qua đó yêu cầu Ủy Ban Chống Cưỡng Bức Hồi Hương tại trại viết Thỉnh Nguyện Thư cho Đức Giáo Hoàng và Chủ Tịch Quốc Hội Âu Châu người Anh.
Hôm mẹ mới về, chú Nguyễn Đình Thắng bên Hoa Thịnh Đốn gọi cho mẹ hỏi về chuyến đi. Nghe nói Thỉnh Nguyện Thư đã tới tay Đức Giáo Hoàng, chú ấy cười rất sung sướng. Nghe tiếng cười chú Thắng qua điện thoại, mẹ xúc cảm muốn rơi nước mắt. Chú ấy cho mẹ hay ông André Sauvageot, cựu quân nhân Mỹ ở Hồng Kông sắp trở về Hoa Kỳ để liên lạc tiếp xúc với báo chí người Việt tị nạn cộng sản, vận động cổ võ cho chương trình tự nguyện hồi hương. Chú ấy nhờ mẹ yêu cầu những báo quen đừng hỗ trợ việc đẩy đồng bào về Việt Nam. Mẹ tin rằng mỗi nhà báo đều trực diện với lương tâm và có sự lựa chọn khi hành nghề, nhất là chắc chắn họ phải hiểu vì sao khiến họ phải rời bỏ quê hương để sống nơi xứ người, nay đành lòng nào lại nhẫn tâm chặt gẫy chiếc cầu cản bước những người đi sau.

Con thương,
Từ ngày mẹ về đến nay trời xấu, u ám nên ai cũng thấy khó chịu. Nghe ti vi thông báo có động đất, mẹ cũng đi mua gạo, mì gói và nước, còn đồ hộp không ai ăn vẫn còn nguyên.
Hôm nay đã qua hạn động đất rồi. Mấy bữa trước ai cũng lo lắm, mẹ không dám nói cho bà ngoại nghe, sợ có hại cho sức khỏe của bà. Mỗi lần thức khuya viết phóng sự Roma, mẹ thắp nhang cầu nguyện cho đừng xảy ra động đất, nếu có thì chỉ ở núi, rừng không thiệt hại nhà cửa, sinh mạng.
Mẹ để ý lần nào động đất hay bão, mẹ hay đau lắm. Nhiều nhất là kỳ bão ở Florida, lúc đó mẹ đang nhập thất nhân mùa Vu Lan báo hiếu. Trong tuần lễ đó cả người mẹ đau như bị đập bằng gậy, mỗi lần ngủ thức dậy đầu mẹ quay mòng mòng, mẹ đứng không vững. Thật lạ lùng, chưa bao giờ mẹ bị chóng mặt như vậy. Mẹ tưởng vì tịnh khẩu ở trong phòng hoài ít hoạt động mới bị như vậy. Mẹ cố gắng đi bộ mỗi buổi chiều ở công viên sau nhà, hoặc xung quanh sân trường tiểu học La Tierra. Buổi sáng mẹ đi tắm nước nóng hoặc tập thể dục vẫn không hết chóng mặt và nhức mình. Lúc nào trong đầu mẹ cũng nghĩ đến động đất, mẹ nhắc bà ngoại mua gạo, mua nước. Ai ngờ động đất thật ở Nicaragua, có nhiều người chết, trẻ con bị trôi ra biển. Lần sau bão ở Hawaii, mẹ cũng đau như vậy. Mẹ tin rằng nếu mình chú tâm theo dõi sẽ thấy con người và thiên nhiên có liên hệ mật thiết và ảnh hưởng hỗ tương vô cùng.
Mẹ đang viết thì bác Đinh Lưu Nhã chủ nhiệm báo Diễn Đàn Chủ Nhựt gọi, bác cho hay đại hội giới trẻ sẽ được tổ chức vào tháng 8-93 tại Denver, Colorado có Đức Giáo Hoàng tham dự. Ban tổ chức dự trù sẽ có một triệu người đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có khoảng ba trăm ngàn người trẻ. Hiện nay trong chu vi một trăm dặm nơi này các phòng ngủ đã được đặt chỗ hết rồi. Hai năm trước, đại hội giới trẻ tổ chức tại Ba Lan, quê hương Đức Giáo Hoàng. Bác ấy đề nghị nên có một đại hội về vấn đề tị nạn.
Trang thân, ba con thường quan tâm đến sức khỏe của mẹ nên hay nhắc mẹ: "Phải biết mình đang đứng đâu và muốn gì. Làm việc gì cũng phải lượng sức mình và nghĩ đến hạnh phúc gia đình." Mẹ biết cũng có lỗi, mặc dù mẹ lo gia đình, dọn dẹp nhà cửa, chợ búa, cơm nước đầy đủ, nhưng trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến đồng bào tị nạn. Ngồi trên xe với ba hay đi bách bộ mẹ cũng nói đề tài này hoài nên nhiều lúc ba buồn. Ba nói mẹ làm việc gì đúng ba đều hết lòng nâng đỡ, giúp sức nhưng ba lo làm ăn thần kinh căng thẳng, phải cho ba nghỉ ngơi một chút,
Mẹ cũng bị nhiều sức ép của đời sống gia đình, nghề nghiệp,lo lắng tiền bạc, tranh đấu cho đồng bào sao cho thành công. Những việc làm lý tưởng cần phải có nhiều cố gắng, nghị lực, chiếm nhiều thì giờ mà hoàn toàn không sanh lợi để giúp cho ngân quỹ gia đình.
Con thương, mẹ sống hơn nửa đời người mới vỡ lẽ ra là "lý tưởng phục vụ và lý tưởng của đời sống là hai con đường song song mà mình phải chọn". Một là cái này, hai là cái kia mà không thể nào mình chọn cả hai được.
Bây giờ mẹ mới nhận thấy khoảng thời gian đi làm tiệm hoa, là lúc hạnh phúc nhất, mặc dù mẹ phải lao động chân tay, vất vả. Lúc đó mẹ là một người phụ nữ đảm đang, dành nhiều thời giờ săn sóc gia đình, chồng con vừa có lợi tức hàng tháng để không bị mặc cảm là ăn bám vào lương của chồng. Đó là khoảng thời gian mẹ học hỏi nhiều về mẹ, chồng con, những người cùng làm việc và sự tương quan giữa chủ với nhân công. Mẹ cũng đọc nhiều sách để mở mang kiến thức. Cuốn sách khá quan trọng đối với mẹ là quyển The Secret Of Mind-Control của Swami Narayanaranda, một thiền sư Ấn Độ đắc đạo tại Hy Mã Lạp Sơn. Năm 1947, sau cuộc tàn sát đẫm máu ở Ấn Độ và Pakistan, ông bắt đầu nhận đệ tử. Thiền sư đã thành lập một tôn giáo mới gọi là Universal Religion (Tôn Giáo Thế Giới).

Con thương,
Mẹ luôn luôn mang ơn những người đã viết sách kể lại kinh nghiệm thành công hay thất bại, và những gì họ tìm thấy sau những thất bại, đau khổ đó. Họ đã chia xẻ cho mẹ những khám phá tuyệt vời của chiều sâu tâm thức. Họ giúp mẹ rút ngắn đoạn đường đi, mở mắt dùm những lúc mẹ như người mù chỉ bước trong bóng đêm mà cứ tưởng như đang bước vào chân trời mới.
Con nên nhớ việc hết sức quan trọng trong cuộc đời mình là "định được hướng đi". Sau đó phải quyết định chọn lựa nó và quyết tâm hy sinh để bước tới, vì con đường lý tưởng mà mình chọn không có nhiều hoa thơm cỏ lạ, nệm ấm chăn êm, mà có nhiều chông gai, giông bão. Đôi khi mình phải đổ nhiều mồ hôi, nước mắt mới đi đến đích.
Cuộc sống có đáng sống hay không là ở sự chọn lựa đó. Mẹ còn nhớ, lúc con mới qua Mỹ học lớp tám, cậu Y, em nuôi của mẹ nói: "Khi chị chỉ còn năm phút trước khi chết, chị sẽ biết chị làm gì?". Câu nói đó của cậu Y rất sâu sắc, mẹ tuy là chị nhưng mẹ học của cậu rất nhiều. Có lẽ lúc mình sắp lìa cuộc đời mới thấy điều gì quan trọng nhất. Chắc chắn không phải là tiền tài, danh vọng. Giây phút đó mình mới thấy tất cả những gì hiện có đều là giả tạm, không phải của mình.
Con thân, mẹ xin lỗi nãy giờ viết thơ cho con mà không nói gì đến con cả. Hôm chuẩn bị đi Vatican, mẹ có viết cho con lá thơ mà cứ lu bu lo việc thu hồi chữ ký rồi đem thị thực, dắt Cường đi mua kiếng cận và sửa máy điện toán cho nó nên quên gởi lá thơ đó cho con. Qua Vatican, mẹ mua bưu thiếp mà cũng không có giờ gởi. Hôm 6-10-1992 ngày Cầu Nguyện Cho Hòa Bình Việt Nam, mẹ cũng nghĩ nhiều đến con vì mẹ nghe nói ngày đó gia đình con đoàn tụ. À, mẹ cũng chưa mua quà thôi nôi cho bé Hiền, bà ngoại này bê bối quá, các con đừng giận mẹ nhe. Con đừng lo lắng nhiều không tốt cho sức khỏe, thời gian gần đây mẹ thấy con ốm quá. Lâu lâu cả nhà xem lại video cũ, thấy con hồi học ở trung học Mission Viejo, tóc cắt bum-bê, người tròn xoe trông rất dễ thương.
Trang à, mẹ nhớ ngoài những cuốn sách của Ken Keys và Shakti Gawain, mẹ có gởi cho con quyển "Gift From The Sea" của Anne Morrow Lindbergh. Con xem lại coi có không? Nếu không mẹ sẽ cho con một cuốn. Quyển này mẹ mua ở đại học Long Beach năm 1981, khi trở lại đó học Cao học về Truyền Hình Giáo Dục Thiếu Nhi cho người tị nạn Đông Dương và làm việc tại Chương Trình Giáo Dục Song Ngữ. Mẹ còn ghi trên cuốn sách là "Quyển sách mà tôi đọc mãi vẫn không chán". Anne Morrow Lindbergh là vợ của phi hành gia nổi tiếng thế giới Charles Lindbergh, bà viết về những suy nghĩ, nhận xét về đời sống lúc cô đơn một mình cạnh bờ biển. Quyển này và "Think On These Things" của Krishnamurti, với quyển Siddhartha (Câu chuyện dòng sông) của Herman Hess là ba quyển sách mà mẹ thường mua tặng hay giới thiệu cho bạn bè nhất.
Con thương, mẹ biết con bận rộn quá, ngay cả thơ của mẹ mà con chỉ đọc trong giờ nghỉ trưa thì làm sao con có thời giờ đọc sách như hồi còn sinh viên được. Tuy nhiên cuộc đời còn dài, mẹ đã trải qua những quãng thời gian như thế lúc các em con còn nhỏ nên mẹ biết. Buổi tối khi rửa xong chén bát, chùi bếp là rã rời chân tay rồi. Buông mình xuống là mệt đừ, ngủ mấy tiếng lại thức dậy để bù đầu vào một ngày mới. Tuy nhiên, như Anne Morrow Lindbergh nói mình phải dành một số thời giờ cho mình để nhìn lại và suy nghiệm. Có suy nghiệm mới bình tĩnh định hướng sau mỗi cơn bão của đời sống nếu không mình sẽ quay cuồng và đảo điên.
Con biết không? Dạo này có nhiều gia đình người Việt Nam mình tan vỡ vì lý do khác nhau. Cách đây mấy hôm trên truyền hình chiếu một anh Việt Nam kê súng vào đầu đứa con gái nhỏ của mình vì vợ bỏ ông để về nhà cha mẹ ở. Cảnh sát đặc biệt phải xông vào nhà cứu đứa bé đem ra cho người vợ trẻ, xinh xắn. Mẹ tự hỏi, trước kia có khi nào ông ta nghĩ rằng sẽ làm việc này không? Chắc chắn là không. Việc xảy ra chỉ vì ông không kham nổi sức ép của đời sống: vừa mới mất việc làm lại thấy trước mắt sắp mất cả vợ con.
Thật ra, không phải chỉ cộng đồng Việt Nam mình bị xáo trộn vì ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế, mà cả nước Mỹ và thế giới đều thế. Mẹ nhìn lại Việt Nam càng thấy đau thương hơn sau những trận bão lụt vừa qua. Nước người ta còn có chánh phủ giúp đỡ, còn dân mình thì cán bộ đang cố vơ vét bỏ túi và chuyển tiền ra nước ngoài cứ y như lúc mình sắp mất nước năm 1975 vậy. Có khổ thì chỉ là dân khổ chứ giới lãnh đạo thanh liêm chẳng có mấy ai. Dân tộc mình thật là vô phước.
Mẹ phải dừng nơi đây để giặt giũ, dọn dẹp và viết ký sự, bắt đầu cho một tuần lễ mới.

Mẹ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880