XIN CHỮ KÝ GIÚP ĐỒNG BÀO TỊ NẠN

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 11746)
XIN CHỮ KÝ GIÚP ĐỒNG BÀO TỊ NẠN

Mission Viejo, 9-9-1992

Trí óc của mình cần nghỉ ngơi nhưng tại sao nó lại không ngừng. Nó luôn làm việc ngay khi mình ngủ hay trong vô thức. Nhiều lúc mọi việc hiện ra trong giấc mơ. Tài thường nhắc mình: "Em phải biết ngừng nghỉ, việc gì cũng từ từ". Biết như vậy nhưng mình nghỉ không được, vì chỉ còn vài tuần nữa là đến ngày đi Vatican, mình sợ không kịp xin chữ ký.
Tài quyết định dắt mình "đi xa", có lẽ hai đứa đều chạy trốn những bận rộn hàng ngày một thời gian. Anh cũng quá căng thẳng thần kinh vì công việc làm ăn khó khăn trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Nhiều công ty hải sản sập tiệm liên hồi, anh bảo mỗi ngày phải chọn nhiều quyết định, mà cái nào cũng thấy có lợi và đồng thời cũng nguy hiểm hết. Kỳ rồi cũng vì Jamie thúc đẩy bán hàng nên mới bị giựt, người bán hàng (saleman) được hưởng hoa hồng trên số bán, chỉ có mình đau khổ vì mất tiền. Tài tâm sự rằng nhiều đêm trằn trọc mãi có khi nửa đêm thức dậy mồ hôi toát đầy người. Chỉ cần chọn một quyết định sai lầm là trên ba chục gia đình phải chịu ảnh hưởng.
Hai đứa quyết định xa nhà vài hôm, Tài lái xe về hướng San Diego, khi nào muốn nghỉ ngơi thì hai vợ chồng tìm nhà ngủ và tránh cãi nhau vì mấy tuần qua cứ cãi nhau như "mổ bò". Nhiều lúc mình tức quá muốn mở cửa nhảy xuống khi xe đang chạy trên đường ra sở hay đi đây đi đó. Có lẽ khi thần kinh căng quá, câu nói nào cũng dễ làm hai đứa hiểu lầm nhau.
Đêm hôm trước khi đi chơi, mình họp với nhóm LAVAS (Legal Assistance for Vietnamese Asylum Seekers), Chương Trình Trợ Giúp Pháp Lý Cho Thuyền Nhân, có Lân, anh Hòa và nhóm Project Ngọc gồm các sinh viên làm thiện nguyện tại các trại tị nạn. Mình đề nghị phối hợp làm Thỉnh Nguyện Thư đệ trình Đức Giáo Hoàng, mọi người nêu khó khăn rồi cuối cùng cũng đồng ý tiếp sức. Trần Thái Văn, một luật sư trẻ nhận thảo Thỉnh Nguyện Thư, LAVAS dịch tên các hội đoàn, đoàn thể, luật sư Lân lo việc thị thực chữ ký v.v... Mình muốn viết thêm việc cắt giảm lương thực và chánh sách mới nhứt tại Mã Lai do Trương Hồng Sơn cho hay trong Thỉnh Nguyện Thư, nhưng anh Hòa khuyên chỉ nên đề cập một vấn đề, nếu không, Đức Giáo Hoàng sẽ không biết can thiệp vấn đề nào. Mình thấy có lý vì mọi sự xảy ra tại các trại đều nằm trong mục đích đẩy người tị nạn hồi hương mà thôi.
Suốt tuần rồi mình làm việc ở nhà in ABC, Dũng bận nên mình nhờ anh Hòa trình bày kỹ thuật cho báo Đuốc Từ Bi. Sáng thứ bảy 5-9-93, mình và Tài mang bản thảo đến nhà in rồi chạy luôn đi San Diego nghỉ mệt. Tuy chỉ mấy ngày ngắn ngủi, nhưng hai đứa lấy lại tinh thần nhiều, tuy vậy lúc nào ngủ mình cũng thấy chuyện Thỉnh Nguyện Thư. Đêm Chủ Nhật mình còn chiêm bao thấy anh Hòa không chịu sửa dùm lá thơ kêu gọi việc xin chữ ký. Sau khi đi chơi xa về, Tường Thắng, anh Hòa và mình họp nhau viết lại lá thơ gởi cho giới truyền thông và hội đoàn cho hợp với Thỉnh Nguyện Thư. Đêm đó mình chiêm bao thấy xin được 800 chữ ký.
Hôm qua vào sở, nguyên buổi sáng mình gọi điện thoại khắp nơi. Trưa anh Hòa đánh máy trình bày xong Bản Tin Tị Nạn gởi cho mình, thế là mình bắt đầu gởi điện thư liên tục mấy chục nơi và gởi bưu diện cho gần 100 địa chỉ các báo và thân hữu. Khó hơn hết là gởi điện thư qua Đức và Pháp, nhất là gởi báo Viên Giác, máy nói toàn tiếng Đức mình không hiểu gì cả. Mình cũng có gọi cho ông Võ Văn Ái nhưng ông đi vắng, cậu con trai cho biết đã nhận được điện thư rồi. Anh Nguyễn Xuân Hoàng, Tổng Thơ Ký báo Người Việt hứa làm bản tin đăng ngay. Anh Trần Dạ Từ cũng hứa trình bày thật đẹp trên Việt Báo Kinh Tế.
Thường xuyên mỗi lần phát hành Bản Tin, mình hay dặn anh Hoàng giữ tin lại đăng vào cuối tuần để ra cùng với các tuần báo. Một số tuần báo lấy lý do không đăng vì họ không muốn mang tiếng đăng lại của báo Người Việt. Sau bốn bản tin phát hành, mình nhận thấy mặc dù mình cố lái xe đi cho kịp, vì thời hạn cuối để đưa bài cho tuần báo là thứ tư hay thứ năm, nhưng rốt cuộc nhiều báo cũng không đăng. Mình không trách ai cả vì ai cũng có lý do. Họ không đăng tin tị nạn nhưng họ cũng giúp người tị nạn bằng cách khác. Vả lại, theo mình nghĩ vài tờ báo "chiều ý độc giả", nên đăng những bài theo thị hiếu, còn vấn đề tị nạn nay đã bị lãng quên rồi, không bằng chuyện đi về Việt Nam.
Không hiểu có ai đọc qua những bài báo nói về sự đồi trụy tại Việt Nam rồi tự hỏi: "Phải chăng có nhiều người Việt tị nạn mất nước, chạy cộng sản, bây giờ lại mang tiền trở về tiêu pha hưởng thụ góp công cho sự băng hoại xã hội của những đồng bào ở lại kém may mắn hơn mình?"
Mình có điện thoại cho thầy Thích Viên Lý, thầy đang đau, có lẽ thầy làm việc nhiều để chuẩn bị cho Đại Hội Phật Giáo Thống Nhất vào 25-9-92 tại San José. Thầy có hứa ký tên vào Thỉnh Nguyện Thư. Thầy Thích Thiện Dũng ở Pomona cũng hứa ký tên và kêu gọi trong buổi văn nghệ Tết Trung Thu. Mình luôn mang ơn Thầy đã giúp mình gặp chú hai Wimol ở Thái Lan, người đã hướng dẫn Tài và mình vào trại Phanat Nikhom và Sikiew để thăm và ủy lạo ba Ban Đại Diện Phật Giáo Hòa Hảo.
Mình đặt niềm tin vào một số người sẽ giúp nhiều như ông Cam Bảo Dương Đệ, Chủ Tịch Cộng Đồng New York, ông Chu Bá Yến, Chủ Tịch Cộng Đồng Florida, ông Nguyễn Đình Hữu, Giám Đốc Hội Cứu Trợ Trẻ Em Tị nạn Không Cha Mẹ (ARCWP), ông Nguyễn Thanh Trang, Ủy Ban Yểm Trợ Đài Phát Thanh Á Châu Tự Do ở San Diego, ông Trần Quốc Bảo, Chủ Tịch Tổ Chức Phục Hưng, anh Lê Công Đa, Việt Nam Thời Báo tại Seattle. Mình cũng có gởi cho một số tuần báo hoặc nguyệt san và giáo sư Đỗ Quý Toàn ở Canada vì bà Toàn cũng giúp mình phổ biến các Bản Tin Tị Nạn. À còn Kim Lan làm việc cho cơ quan tị nạn ở Santa Clara cũng hứa giúp. Riêng Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển S.O.S. ở Hoa Thạnh Đốn chắc chắn sẽ tiếp nhiều.
Hôm nay mình dành cho Cường một buổi đi mua sắm quần áo, vì ngày mai Cường nhập học lên lớp mười một. Mình cứ hẹn với Cường mãi sợ nó buồn. Hôm qua Thịnh điện thoại về than phải đem quần áo đi giặt và phải ngồi canh chừng cho xong, chứ không như ở nhà cứ để cạnh máy giặt là có mẹ lo hoặc có khi mẹ xếp và mang lên phòng dùm. Thịnh hư ghê, hỏi có thấy kiếng cận thị của Thịnh ở nhà không? Mình nhắc Thịnh vào mùa thu thời tiết thay đổi, có nhiều phấn hoa dễ bị suyễn, phải cẩn thận.
Cuối tuần rồi, mặc dù đi "trốn", hai đứa cũng đến đại học San Diego tìm Thịnh vì nghe Thịnh dọn qua cư xá mới cất. Hai đứa lo là Thịnh không hài lòng vì Thịnh "người lớn" rồi. Hôm đi cũng đi một mình "không cần" ba mẹ đưa. Bà nội nhìn theo nước mắt chảy dài. Tài bảo: "Hồi đó con đi học xa, cũng đi có một mình chớ gì."
Cư xá mới của Thịnh cao mười một tầng, cất trên đồi cao nhìn xuống các thung lũng, quang cảnh thật đẹp. Hai đứa đến đó thấy sinh viên nào cũng tự ôm mềm gối, quần áo dọn một mình, không có cha mẹ. Thảo nào, Thịnh không cho ba mẹ đến vì "sợ quê".
Khóa đầu tiên này Thịnh học hai lớp Lịch Sử Hoa Kỳ và Lịch Sử Thế Giới. Mình hỏi Thịnh học lịch sử có buồn ngủ không? Thịnh bảo không. Thịnh chỉ buồn ngủ khi học lớp toán. Mình nhận thấy đầu óc Thịnh trở lại thời học tiểu học ở La Tierra dưới đồi sau nhà. Lúc Thịnh học lớp năm và lớp sáu, Thịnh luôn luôn điểm A về Xã Hội Học và Sử Ký Địa Lý, hoặc những buổi nói về thời sự, Thịnh luôn luôn dơ tay trả lời về tất cả tin tức hằng ngày.
Mình nhớ có lần Thịnh lên thuyết trình giả làm ông "đậu phọng" Jimmy Carter, cựu tổng thống Mỹ. Thuở đó, Thịnh thường nói sau này làm ra tiền sẽ cho trẻ em ở Phi Châu và người nghèo, chỉ giữ lại một ít để xài. Không biết sau này như thế nào, chứ bây giờ Thịnh ăn nhiều, xa xỉ và xài tiền như "ông hoàng".
Mình thấy con người lúc nhỏ thường nói những gì họ thật sự thích. Lúc đó đầu óc và tư tưởng còn trong sạch nên những gì họ nói hoặc nghĩ đều đúng nhất, vì không bị đời sống và xã hội chung quanh ảnh hưởng hoặc làm họ quên đi lý tưởng.
Mình có nhiều người quen hoặc bạn bè qua Mỹ, vì đời sống khó khăn nên phải học hoặc chọn một nghề để làm ra tiền. Đến một lúc nào đó họ cảm thấy không thích nên họ bỏ hay chuyển sang nghề khác. Nếu thay đổi không được họ đâm ra chán nản đi làm cho lấy có, và cảm thấy cuộc sống lây lất không có chủ đích, ý nghĩa gì.


Mission Viejo, 11-9-1992

Tối qua mình điện thoại cho nhạc sĩ Việt Dzũng vì có nhận được thiệp mời đi dự buổi ra mắt thi phẩm Thủy Mộ Quan của nhà thơ Viên Linh. Việt Dzũng hứa sẽ giúp xin chữ ký tối thứ sáu này tại vũ trường Majestic.
Mình hỏi Dzũng: "Sao trong em có hai con người?" Dzũng nhắc lại mười năm về trước ba chị em ngồi trong tiệm cà phê ở Orange Hill tâm sự. Nguyệt Ánh nói mình là thuốc tiên ủng hộ khi Nguyệt Ánh xuống tinh thần thì tại sao lúc đó mình lại bẻ bút, chán nản. Còn Dzũng nói đã đập cây đờn, Dzũng nhắc lại Dzũng bảo phải bắt đầu "làm cho ra tiền", vì có tiền mới thực hiện được những gì Dzũng muốn. Bây giờ Dzũng chủ trương tủ sách Cờ Lau, xuất bản được bốn cuốn truyện cổ tích bằng tranh và dự định ra báo Tuổi Hoa với nhà văn Quyên Di. Mình rất thương và cảm phục sự kiên nhẫn và hy sinh của Việt Dzũng và Nguyệt Ánh qua nhiều chuyến viếng thăm ủy lạo đồng bào tại các trại tị nạn Đông Nam Á. Hai em cũng luôn sát cánh yểm trợ các đoàn thể đấu tranh. Ba chị em gặp nhau thường tâm sự về sự thất vọng khi các tổ chức người Việt tị nạn không ngồi lại được với nhau để có thể đẩy mạnh việc tranh đấu cho tự do dân chủ và xây dựng lại Việt Nam.

Mission Viejo, 12-9-1992

Con thương,
Mẹ gởi cho con một lá thơ kêu gọi mọi người ký tên vào Thỉnh Nguyện Thư gởi Đức Giáo Hoàng nhờ Ngài can thiệp cho người tị nạn cùng với bản Thỉnh Nguyện Thư. Hôm kia, mẹ cũng có gởi xuống San Diego cho Thịnh, nhờ nó trao lại Ban Đại Diện Sinh Viên.
Mẹ biết con bận, nhưng nếu con xin được chữ ký những người quanh con mẹ cũng mừng, dù cho ít. Vấn đề chánh là mẹ muốn chia xẻ với các con. Các con có sự lựa chọn cho đời sống mình, mẹ không bắt các con phải làm những việc như mẹ, nhưng mẹ phải cho các con biết mẹ đang làm gì và ý nghĩa của những việc đó.
Cũng như hôm trước mẹ nhờ Thịnh lái xe đưa lên đài truyền hình, khi mẹ thực hiện các chương trình trẻ em ở trại tị nạn, con lai bên Vịệt Nam qua, các em ở Mỹ gặp khó khăn trong trường hay với cha mẹ hoặc mang bầu vì biết tình dục quá sớm. Mẹ chỉ cần Thịnh ngồi nghe mẹ phỏng vấn để biết các vấn đề. Hôm đó Thịnh rất thích thú xem máy móc, kỹ thuật ráp nối chương trình, nó cũng có tiếp chuyên viên thâu hình nữa. Ngoài ra mẹ còn có mục đích giới thiệu cho Thịnh biết thêm một ngành học. Hôm đó mẹ thưởng Thịnh mười đồng công chở mẹ và đãi nó ăn ở tịệm Carl’s Junior. May ghê, tuy kẹt xe Thịnh cũng về kịp đấu bóng chuyền, đúng như lời mẹ hứa.
À chiều hôm qua không biết con có về nhà kịp xem truyền hình không? Chiều thứ Tư đài phát hình mẹ phỏng vấn con lai. Em Nguyễn Quang Bill chưa từng đi học, không biết đọc hay viết mà phải vào lớp chín trường trung học Huntington Beach. Em Bill và em Vân đều không muốn tìm ba. Em Bill cho rằng:"Cha tìm con dễ hơn là con tìm cha". Còn Vân sợ khi gặp ba sẽ mất hạnh phúc vì ba có gia đình khác. Mẹ nghe nói nhiều em con lai qua đây gọi cho cha, cả hai không nói chuyện với nhau được vì con không biết tiếng Mỹ, cha không biết tiếng Việt, nên chỉ khóc. Nhiều người cha trốn luôn hoặc đổi số địện thoại con không liên lạc được nữa. Thật chua xót.
Hôm mẹ gặp bà Mary Nguyễn, Giám Đốc Chương Trình Con Lai để phỏng vấn, mẹ rất cảm động vì bà là mẹ nuôi của cả chục đứa con lai và bà cho các em ở chung với bà. Bà nấu được tất cả các món ăn Việt Nam chỉ trừ bánh xèo vì bà nói khó làm quá. Mỗi khi nghĩ tới Mary Nguyễn và Christine Noble giúp trẻ mồ côi ở Việt Nam, mẹ thật là hổ thẹn vì mình là đàn bà Việt Nam mà không làm được những việc như hai bà.
Con biết không? Mẹ hay bị người này người kia chê mẹ nói trên truyền hình giọng yếu quá. Chú Giàu biểu mẹ nói cho "hùng hồn" một chút. Bạn của ba biểu mẹ "nói mạnh lên". Người lại bảo sao hiền quá v.v... Có lẽ ít ai hiểu mẹ hết sức cố gắng dành thì giờ thực hiện những chương trình bổ ích cho họ với nhiều khó khăn.
Thí dụ hôm phỏng vấn ông Trần Quốc Bảo, Chủ Tịch Phong Trào Phục Hưng Việt Nam về đài Tiếng Nói Tự Do từ Mạc Tư Khoa. Khi ông ấy đi rồi, chú Đinh Xuân Thái bắt mẹ phải lập lại các câu hỏi để về đài ráp nối. Mẹ phải nhìn vào khoảng không hay vách tường nên khó nói lắm. Lúc mình nhìn người nào để hỏi mặt mình linh động hơn vì mình nhìn vào mắt và mặt người ta. Còn nhìn vào "không khí" mặt mình không có thần, mất tự nhiên.
Bây giờ mẹ đỡ hơn, ai chê, khen, xấu đẹp, hay dở gì mẹ cũng cười chứ không xem quan trọng như hồi mới lên truyền hình nữa. Đó là một sự tiến bộ rồi. Có lẽ mẹ không giỏi vì không tập trung làm một việc mà lo nhiều việc quá. Vả lại, lâu lâu mẹ sắp xếp một lần nhiều cuộc phỏng vấn mà không có giờ thực tập thường xuyên nên không lưu loát. Tuy nhiên "bà già" này cũng tự hứa sẽ cố gắng hơn.

Con thương,
Bà ngoại nhắc mẹ sắp đến ngày thôi nôi bé Hiền. Mau quá mới đó mà một năm rồi. À, lát nữa mẹ dắt bà nội đi nhà băng lãnh tấm ngân phiếu tiền già đầu tiên sau 3 năm ở Mỹ. Bà nội định để dành về thăm Việt Nam và giúp đỡ con cháu bên nhà đang sống cảnh chật vật thiếu thốn mọi bề.
Tuần trước bà nội làm mẹ hết cả hồn, cũng may có bà ngoại ở đây chơi. Sáng hôm đó, bà ngoại gọi mẹ xuống lầu gấp vuốt ngực cho bà nội vì bà ăn cơm mắc nghẹn. Vuốt mãi bà vẫn không hết, mẹ gọi cấp cứu 911. Chỉ vài phút sau, 3 xe chạy đến: xe cứu thương, xe chữa lửa chạy lại. Tám người vào nhà với băng ca và đầy đủ dụng cụ cấp cứu. Họ đo áp huyết, cho bà nội hít dưỡng khí v.v... Cũng may trước khi họ đến, bà nội ói được một chút. Họ hỏi bà đi nhà thương không? Bà lắc đầu vì bà rất sợ. Bà nói thấy nhiều người đau ít mà vào nhà thương bị lấy máu thử riết thành đau nhiều. Bà nội có tiền túi nên vui lắm. Bà để dành về Việt Nam thăm con cháu và mua sắm những gì bà ưa thích.
Thôi mẹ ngừng bút để đi ngân hàng kẻo bà nội đợi nhe. Nhớ viết cho mẹ đừng làm biếng.
Thương.

Mission Viejo, 15-9-1992

Mình phải tập bình tĩnh, bớt xúc động mới sáng suốt biết được việc gì đáng hay không đáng làm, việc gì trước việc gì sau. Có bình tĩnh làm việc mới hữu hiệu. Cảm xúc thường đưa đến một chuỗi hành động trong đó có nhiều việc không cần thiết, cộng với sự rối loạn nội tâm hại cho đầu óc và sức khỏe. Khi tâm hồn và thể xác bệnh hoạn, yếu đuối, sẽ không thực hiện được việc mình muốn làm.
Nguyễn Đình Thắng vừa báo tin có thêm ba người rạch bụng ở Galang, Nam Dương trước mặt Sứ Thần Vatican. Mình lại gọi điện thoại rối rít và nhận thấy cần cho báo Mỹ biết. Mình đề nghị Thắng gọi cho Thuận Lê, báo Los Angeles Times, Thắng cho biết đã gọi cô ta nhiều lần và cô ấy nói không phụ trách tin cộng đồng nữa, mà được chủ bút giao những việc khác. Mình gởi cho cô ấy rất nhiều tin tị nạn, cả những hình ảnh trong các trại Hồng Kông nhưng chưa bao giờ được hồi âm. Tuần rồi mình có để lại số điện thoại trong máy, vẫn không thấy cô liên lạc.

Mission Viejo, 16-9-1992

Sáng hôm qua, sau khi gọi khắp nơi và tìm cách liên lạc với các báo Mỹ, mình mặc áo tràng nâu thắp nhang đèn cầu nguyện cho những người trong trại, cho việc xin chữ ký thành tựu. Lúc cúng lạy xong ngồi viết thì cô Thuận Lê gọi. Mình hối hận đã trách oan cô. Thuận bảo bận quá và cho biết có nhận đầy đủ các bản Tin Tị Nạn và Thỉnh Nguyện Thư. Cô chỉ viết những gì có liên hệ đến Quận Cam, hoặc phỏng vấn người đã đi trại. Mình nói anh Hòa và Lân có đi trại tị nạn (quên nói Tường Thắng đi Hồng Kông và mình qua Thái Lan, Nhật Bổn), còn bản Tin Tị Nạn phát hành tại quận Cam và mọi người đều ở vùng này. Thuận nói sẽ phỏng vấn về Bản Tin Tị Nạn.
Sau đó mình gọi điện thoại cho ông Lê Trung Can, đại diện Ủy Ban Hành Động Bảo Vệ Thuyền Nhân (Comité d’Action pour la Defense des Boat-People) từ Pháp qua. Ông nhờ báo Diễn Đàn Thanh Niên liên lạc với mình vì ông đọc Thỉnh Nguyện Thư và lời kêu gọi đăng trên báo này. Phải công nhận mình bình tĩnh hơn những kỳ trước khi nghe tin buồn từ trại tị nạn nhưng hành động vẫn còn lính quýnh quên cả ăn sáng. Mình quyết định vào sở sử dụng máy điện thư và phỏng vấn ông Can ở Lakewood nên ăn vội chén cơm rồi đi.
Vào sở, mình gởi ngay Bản Tin S.O.S. của Nguyễn Đình Thắng cho các báo hằng ngày, sau đó gởi diện thư cho Thuận Lê, tên và số điện thoại của anh Hòa, Lân, Tường Thắng, Trần Thái Văn và mình; cùng hai Bản Tin của S.O.S. vụ mổ bụng, tự thiêu tại Galang, Nam Dương và bản Tin số 5 về chánh sách khó khăn của chánh phủ Mã Lai đối với người trong trại do Trương Hồng Sơn gởi ra. Ba giờ chiều, mình đến nhà ông Lê Trung Can phỏng vấn, ông thay mặt ủy ban ký Thỉnh Nguyện Thư, và đồng ý cho mình phỏng vấn trên đài truyền hình Little Saigon.
Tối hôm qua Tài về khuya vì phải ra tòa tại San Luis Obispo. Anh bảo bị họ "quần" quá, đủ loại câu hỏi ngoắc nghéo. Không biết đây là lần bị giựt nợ thứ mấy trong năm nay. Kỳ này không phải khách hàng của Jamie mà của Tom. Tòa không cho Tom vào nên chỉ một mình Tài với luật sư. Bên kia đã giựt tiền lại còn mướn đến hai luật sư để cãi. Anh than với mình khách hàng có đủ loại mánh khóe, họ nói không có tiền trả cho mình nhưng vẫn tiếp tục mua hàng của hãng khác.
Mình đã buồn chuyện sở lại bực mình vì mấy ngày qua không liên lạc được với Thịnh. Anh thấy mình lo không ngủ được nên nhờ văn phòng đại học xá tìm dùm. Thế là Thịnh phải trả lời không biết bao nhiêu câu hỏi; sau khi nói chuyện mình thấy Thịnh cũng lo học. Thịnh cho biết ít ở trong phòng vì các bạn ở bên cạnh vặn nhạc lớn quá nên ra học ở phòng khách và cũng vì chưa có người ở chung nên cảm thấy "cô đơn".
Trưa nay Thịnh về nhà lấy "đồ lớn" mặc đi xin gia nhập Fraternity ở trường, và xin mua thêm một áo khoác thể thao. Thịnh bảo vào hội phải học giỏi và đi hội họp v.v... Thịnh xin dắt đi chợ mua thêm thức ăn vì ăn ở câu lạc bộ không đủ no. Vậy mà lúc không liên lạc được với Thịnh, mình giận quá định sẽ dọa chuyển Thịnh về Saddleback College và lấy xe Maxima lại. Tài trách mình: "Em lo lung tung, riết rồi không còn giờ cho hai đứa".
Bảy giờ tối nay mình sẽ phỏng vấn ông Lê Trung Can tại đài truyền hình. Thái cho hay là phòng thu đang thay máy móc, nên chỉ sử dụng một máy ở phòng khách. Thế là mình sẽ bị lập lại các câu hỏi một mình sau khi phỏng vấn xong để ráp nối. Thôi miễn sao được việc cho người tị nạn.

Mission Viejo, 18-9-1992

Con thương,
Báo Đuốc Từ Bi đã được gởi đi hôm đầu tuần, con có nhận được chưa? Hôm con gọi cho mẹ báo tin được thơ là lúc mẹ đi rước Cường, nên chỉ có một mình bà nội ở nhà.
Con có thể tưởng tượng, thay vì đến trường trung học Mission Viejo đón Cường, mẹ chạy lại trường trung học đệ nhất cấp Los Alisos? Lúc lái xe mẹ buồn vì nghĩ đến tấm biểu ngữ của người tị nạn Hồng Kông gởi qua Thụy Sĩ năm 1989. Chú Tường Thắng nói trên đó có 5000 chấm máu của 5000 đồng bào trong trại cấm Bạc Đầu. Họ cùng nhau cắt đầu ngón tay, lấy máu viết thành hàng chữ "PLEASE DO NOT REPATRIATE" (Xin đừng cưỡng bách hồi hương). Vậy mà bây giờ mọi người tìm nó không ra. Mẹ gọi qua Hoa Thịnh Đốn không biết bao nhiêu lần. Ông Đặng Đình Khiết cho biết có nhiều đoàn thể mượn để biểu tình chống cưỡng bức hồi hương, chuyền hết tay này đến tay kia nên đã cũ và đổi màu. Bây giờ tìm không ra chắc đã làm mất rồi. Mẹ buồn mấy ngày nay, đầu óc ở đâu đâu mới quên như vậy đó. Tấm biểu ngữ này do ông Trần Như Hùng ở Hồng Kông gởi qua Thụy Sĩ nhân dịp các phái đoàn đến tham dự hội nghị CPA (Comprehensive Plan of Action) phê chuẩn chính sách thanh lọc của người tị nạn tổ chức tại Genève. Trong dịp này nhiều tu sĩ Công giáo cũng như Phật giáo đã tuyệt thực trước trụ sở Liên Hiệp Quốc phản đối chính sách cưỡng bức hồi hương.
Hội nghị kéo dài bốn ngày, qua ngày thứ thứ ba chú Đinh Quang Anh Thái trao tấm biểu ngữ đó cho dân biểu Robert Dornan, lúc đó là thành viên trong phái đoàn Hoa Kỳ dự hội nghị tị nạn do ông Lawrence S. Eagleburger dẫn đầu. Ông Dornan lãnh trách nhiệm trao cho đại diện Cao Ủy Liên Hiệp Quốc (UNHCR) trong phiên họp.
Trong khi thuyền nhân trong trại yên chí tấm biểu ngữ mang tâm nguyện viết bằng máu của mình đến tay các giới chức thẩm quyền của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc thì sau khi trở về Hoa Kỳ ông Dornan lại làm lễ có quay phim chụp hình để trao lại cho một nhân vật làm chính trị Việt Nam khác tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Tấm biểu ngữ xuất hiện nhiều lần trong các buổi biểu tình và gây quỹ của người Việt Nam... rồi biến mất. Mẹ thấy buồn buồn, tiếc tiếc làm sao. Thật thương cho thân phận những người kém may mắn trong trại tị nạn.
Khi mẹ ngừng xe rước Cường, nó trách mẹ đến trễ. Nghe mẹ chạy lại trường cũ, nó cười quá chừng. Năm nay Cường cao hơn mẹ nhiều nhưng lại ốm nhom. Không biết có phải tại chơi quần vợt không? Nó vừa nhờ mẹ ký thêm cho nó một lớp danh dự nữa. Nó định lấy thêm một lớp danh dự thứ năm, nhưng bài vỡ nhiều quá nên thôi. Mẹ hỏi những lớp nào nó nói: toán, vật lý, lịch sử Hoa Kỳ, lịch sử thế giới. Riêng lớp lịch sử thế giới nó phải sinh hoạt trong Hội Liên Hiệp Quốc Mẫu, thực tập thuyết trình, tham dự hội nghị, giải quyết các vấn đề trọng đại trên thế giới.
Từ hôm hè đến nay, nó làm việc cho ông hàng xóm, mỗi giờ được năm đồng. Ông ta có văn phòng phân phối hình phong cảnh để in lịch hay bích chương quảng cáo. Khi lãnh tấm chi phiếu đầu tiên "ông già hà tiện" nhăn nhó vì bị trừ hết ba chục đồng tiền thuế. Nó để dành tiền mua vợt tennis hiệu Prince hết 150 đồng ở Sport Chalet. Đó là giá đã được bớt nhờ có phiếu giảm giá 25 đồng. Anh chàng hà tiện nhưng cũng biết mua đồ tốt để xài lắm.
À hôm Thịnh từ San Diego về lấy quần áo đẹp đi gia nhập hội, mẹ phải mua thêm thức ăn cho nó. Mẹ rầy sao ăn nhiều, nó bảo phiếu ăn chỉ trị giá 3 đồng, nước uống giá trên một đồng, còn lại hơn một đồng không mua được gì nhiều nên nó phải trả tiền thêm cho mỗi bữa ăn. Vào chợ, Thịnh mua đủ thứ đồ đông lạnh và mấy chai nước lọc mang về trường. Thịnh nói với mẹ, Thịnh nghĩ sẽ được nhận vào Fraternity (Hội Sinh Viên), nhưng hôm qua lại điện thoại về cho biết không được, lý do là mới vào học năm đầu chưa có "tín chỉ". Nó nói sẽ cố gắng xin vào hội nào ít điều kiện hơn.
Con biết không? Ba con thích lắm, bảo mẹ: "Con của ba nếu nó thích như vậy rất tốt, sau này sẽ học khá hơn, biết sinh hoạt và khi ra trường cũng dễ tìm việc. Mẹ giận Thịnh ghê, trong khi mẹ hỏi "Fraternity" là gì? Nó nhăn nhó nói: "Cắt nghĩa cho mẹ rất mệt". Đến khi điện thoại cho thằng Jean, nó thao thao bất tuyệt, kể không kịp thở, nhất là tả nơi hội họp có hai sân bóng chuyền bằng cát. Nếu mẹ nghe không lầm nó định xin vào hội Alpha Kappa Delta chuyên về xã hội học.
Theo quyển kỷ yếu, "Honor Societies" là những tổ chức tại trường nhằm khuyến khích các sinh viên trong việc học. Có vài hội nổi tiếng gọi là Multidisciplinary Academic Honor Societies như Golden Key, Motar Board, Phi Beta Kappa có tính cách toàn quốc. Riêng Phi Eta Sigma cho sinh viên năm đầu hay Phi Kappa Phi cho sinh viên năm thứ ba hoặc năm cuối. Các hội viên phải có điểm trung bình trên ba chấm và một số tín chỉ. Ngoài ra còn có 23 hội gọi là Disciplinary Honor Societies như Alpha Epsilon Rho cho vô tuyến truyền thông, Phi Alpha Theta cho lịch sử, PSI Chi cho tâm lý học, Sigma Gamma Tau cho sinh viên kỹ sư hàng không v.v...
Có lẽ Thịnh giống ba hồi còn sinh viên trường Đại học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt. Mẹ quen ba lúc ba sắp lên năm thứ hai. Nhóm của ba là Kappa Delta, hay tổ chức hội thảo, cắm trại, làm gian hàng chợ Tết, tìm việc làm mùa hè cho sinh viên có cơ hội thực tập v.v... Ba vẫn còn cái hình chụp đang thuyết trình với bác Đẩu và bác Kim. Hình trông quê lắm, vì bàn hội thảo lại xoay các hộc tủ ra ngoài. Mẹ nhận thấy phần nhiều những người hoạt động lúc sinh viên, sau này khi đi làm hay có gia đình cũng vẫn còn lý tưởng phục vụ hay thích sinh hoạt trong các đoàn thể, hội đoàn. Nhờ đã hoạt động lúc trẻ nên họ có căn bản, biết cách tổ chức, điều hành. Như bác Nguyễn Sĩ Đẫu ở Texas làm việc cộng đồng rất hăng say, tổ chức chợ Tết, thành lập đoàn hướng đạo cho các em bụi đời, viết và làm báo cộng đồng, v.v... Bác ấy có hứa với mẹ sẽ cố gắng vận động các hội đoàn ở Dallas,Texas ký Thỉnh Nguyện Thư.

Con thương,
Mẹ đang tập cho mình cái tánh thấy việc gì đúng thì làm hết sức mình nhưng "không thất vọng" khi có ít người hưởng ứng. Hôm luật sư Văn thảo xong Thỉnh Nguyện Thư, mẹ gởi ngay cho bác Nguyễn Xuân Hoàng, Tổng Thư Ký báo Người Việt. Bác đăng ngày 9-9-1992 đến hôm nay 18-9-1992, mẹ không nhận được một Thỉnh Nguyện Thư nào gởi về. Mẹ tự an ủi, có lẽ hôm đó trang nhứt có tin Lý Tống rải truyền đơn từ máy bay, rồi nhảy dù xuống ngoại ô Sài Gòn, mọi người lo đọc rồi bàn tán nên không lưu ý lời kêu gọi giúp thuyền nhân.
Tuần này có một độc giả cắt thư đăng trên Việt Báo Kinh Tế của hai bác Trần Dạ Từ và Nhã Ca phát hành tại Orange County. Bác Từ cho hay có đóng khung lá thư rất "cẩn thận". Mẹ nhận thêm một bao thơ gởi từ Costa Mesa có ba mẫu báo cắt từ báo Diễn Đàn Thanh Niên. Một thơ khác từ Richmond và một ở Garden Grove, CA. Phải kể thư đến sớm nhất vào ngày 14-9-1992 của ông Chiêu Anh Trạm, Mặt Trận Bình Sản. Ông gởi kèm theo một lá thư của Mặt Trận ông đăng trên báo Đồng Nai kêu gọi các tôn giáo, mặt trận, liên minh và các hội đoàn Việt Nam phản đối chính sách cưỡng bức hồi hương. Ngoài ra ông cũng có một lá thư kêu gọi "Đồng Minh Thế Giới Tự Do" quan tâm và giúp đỡ quốc gia Việt Nam.
Mẹ cũng có nhận chữ ký bác sĩ trẻ Lê Duy Huân, Giám Đốc bệnh viện Truy Tầm Ung Thư tại đại học Irvine và Minh Sư Tăng Thiện Sự ở Pomona. Tờ điện thư đến đầu tiên có chữ ký của ông Đỗ Như Điện, Chủ Tịch Cộng Đồng San Diego và ông Nguyễn văn Nghi, biên tập viên đài truyền hình Little Saigon.
Hôm qua mẹ gọi điện thoại nhắc nhở bạn bè ở các tiểu bang khác, và gởi bản tin S.O.S. tường trình vụ mổ bụng ở Galang để họ vận động xin chữ ký. Sau đó mẹ bắt đầu ngồi yên suy nghĩ, có lẽ mẹ phải viết thư riêng cho những người trong vùng nhờ tiếp tay. Mẹ lật quyển điện thoại niên giám ra đếm được 120 hội đoàn và đoàn thể, mẹ nhờ dì Thanh Thu phóng lớn địa chỉ ra, xong mẹ ngồi nhìn danh sách hoài không biết hội đoàn nào "còn sống", hội nào đã dời địa chỉ và có bao nhiêu hội "chịu ký"? Mẹ đành lựa những người quen nhờ vận động như G.S. Lưu Trung Khảo, ông Lê Tinh Thông, Chủ Tịch Phong Trào Giáo Dân Miền Nam Cali, ông Trần Nhựt Thăng, Chủ Tịch Cộng Đồng Virginia, ông Đinh Việt Long ở Hoa Thạnh Đốn, ông Trần Văn Thịnh, Chủ Tịch Cộng Đồng ở Texas và ông Trần Văn Nhựt, Chủ Tịch Cộng Đồng Miền Nam Cali v.v...
À, mẹ của con đang bắt đầu tập thêm một tánh mới là làm việc hết sức mình với trạng thái "vừa làm vừa chơi" để không bị căng thẳng, bệnh hoạn. Mẹ biết tình trạng trong các trại rất khổ và khẩn trương, chỉ trong bảy ngày có bảy vụ tự sát, trong đó có anh Trịnh Anh Huy chết vì tự thiêu. Lúc lửa cháy anh hét lên: "Tôi không phải là người tị nạn kinh tế".
Trong thời gian gần đây mẹ thường hay tự khuyên hoặc nhủ thầm "Mai, hãy từ từ " v.v... Nhiều lúc đang ở văn phòng Sea One Sea Foods, ngồi gởi điện thư liên tục, mẹ nhắc mình thở mạnh và dài để "thư giãn " cho bớt mệt. Có lúc mẹ tức cười thấy mình giống như làm việc cho hãng thông tấn, mà... không có ai trả lương hết. Sau khi ông ngoại mất, ba lấy hiệu đồ biển của mình là Sea One Sea Food thành tên của công ty luôn, nên hãng mình không còn là Long Beach Enterprise Inc. nữa. Hôm nọ lúc nhìn tấm ảnh đồng bào tị nạn Hồng Kông ngồi biểu tình theo chữ SOS mẹ nói với ba và dì Thanh Thu tên hãng mình viết tắt cũng là SOS, có lẽ gia đình mình có duyên với người tị nạn.

Con thương,
Mẹ hay lo lắng nghĩ: "Cứu người như cứu lửa". Rồi mẹ phải tự giúp cho bớt căng thẳng thần kinh bằng cách nghĩ đến hình ảnh người Phi Châu ốm đói trơ xương, hay những người đang ở lều vì trận bão Andrew ở Miami, Florida. Mẹ nhớ đến trận động đất ở Nicaragua trong đêm 1-9-92, tạo nên những lượn sóng thần khủng khiếp cao tới 30 thước làm nhiều người chết, đến trận bão ở Hawaii tàn phá nhiều nhà cửa v.v... Mẹ tự nhủ nhiều người khổ và đói, chớ không phải chỉ có người Việt Nam mình. Con thấy mẹ có lý không?
Trong tuần lễ nhập thất tịnh khẩu, mẹ lấy các báo Phật giáo như Giao Điểm, Hoa Sen, Chân Nguyên, Bông Sen, Phật Giáo Việt Nam đọc thật kỹ để biết tất cả những diễn biến về tang lễ Ngài Thích Đôn Hậu, điếu văn và yêu sách 9 điểm của Hòa Thượng Huyền Quang v.v... Tin tức Hà Nội cho biết bên Việt Nam bây giờ có trên 200 "tổ chức xấu" chống chế độ. Dân Sài Gòn chuyền tay nhau đọc truyền đơn Lý Tống. Nhân viên phi trường Tân Sơn Nhứt xét rất gắt nên một số người sắp về xứ để "du lịch" cằn nhằn Lý Tống đã làm họ gặp khó khăn hơn xưa.

Con thương,
Thư của mẹ chắc lộn xộn lắm vì vừa viết thư mẹ vừa giặt giũ mền gối, khăn trải giường cho Thịnh, Cường vì Thịnh cho hay sẽ về ở nhà cuối tuần. Tánh nó kỹ quá chỉ thích mền gối khăn sạch hà. Mẹ đang nấu phở gà dai và ướp sườn bò kiểu Đại Hàn cho Thịnh ăn. Ba con thì muốn dắt Thịnh đi tiệm. Mẹ bảo nó ăn ở câu lạc bộ và tiệm hoài, mẹ muốn nấu ở nhà cho nó ăn vì hôm trước nó về ăn thức ăn ở nhà coi bộ ngon lành lắm, không chê như trước nữa.


Mission Viejo, 22-9-1992

Sáng nay khi đi bách bộ từ nơi tập thể dục về nhà, mình chợt nghĩ đến làng báo mà rùng mình, báo như bươm bướm, khắp nơi, chửi bới, bươi móc nhau. Có những bài chửi vì thù cá nhân, tranh dành quảng cáo, thị trường, hoặc chỉ trích lung tung, bôi nhọ nhau tưới hạt sen.
Từ hôm mình gởi điện thư đến văn phòng báo Los Angeles Times Ở Costa Mesa tin tức về tị nạn, số điện thoại, số điện thư của cả nhóm cho Lê Thuận đến nay, cô ấy vẫn im lặng. Có lẽ chủ bút không muốn cô ấy viết về đề tài này vì không phù hợp chiều hướng tờ báo và độc giả Mỹ. Ngay các nhân viên bán hàng người Mỹ trong công ty mình cũng không chịu ký Thỉnh Nguyện Thư, sợ đưa thêm người tị nạn Việt Nam vào Hoa Kỳ.
Mình tự hỏi có đang làm việc ngược đời không? Có mò kim đáy biển không? Chắc chắn là không? Mình tập thấy việc gì đúng với lương tâm thì làm, chấp nhận mọi kết quả và hậu quả. Kết quả càng nhỏ giá trị càng cao vì vấn đề tị nạn không còn là một phong trào, không ai hưởng lợi danh trong việc làm, mà chỉ còn là động cơ của trái tim đối với người cùng dòng máu. Sự hữu ích là những kẻ có trái tim biết yêu thương sẽ gặp nhau. Nếu tình máu mủ với đồng bào không có, thì làm gì có tình dân tộc với tình yêu quê hương Việt Nam. Quê hương Việt Nam chỉ là tiếng gọi, chỉ là mảnh đất, nó không có ý nghĩa nếu không có người Việt Nam sanh sống trên đó. Người Việt Nam đi đến đâu đều mang quê hương mình theo. Các trại tị nạn phải chăng là những mảnh vỡ của quê hương Việt Nam. Nếu chỉ nghĩ đến Việt Nam mà không nghĩ đến những người trong trại tị nạn thì hóa ra chỉ tranh đấu cho mảnh đất Việt Nam thôi sao?
Tối thứ bảy vừa qua, 19-9-1992, Thịnh khiêng bàn, Cường khiêng ghế, mình cầm nắp bàn và các Bản Tin Tị Nạn vào đại học Orange Coast xin chữ ký. Ba mẹ con và Tường Thắng đứng ngay cửa rạp hát xin chữ ký của khán giả đi xem ban nhạc Lạc Hồng trình diễn. Mình đưa báo Người Việt cho Tường Thắng xem bản tin ba cột nơi trang nhất có tựa "Hoa Kỳ giúp cộng sản Việt Nam hai triệu đô để định cư thuyền nhân hồi hương".
Hai chị em buồn lắm nhưng cố gắng tiếp tục. Mình vào phía sau sân khấu xin chữ ký và gặp khá nhiều bạn bè đến nghe nhạc. Mình nghĩ không có điều gì ngăn trở hay khiến cho mình lùi bước. Hôm đó mình rất vui vì có hai con tiếp và nhất là có dịp cho chúng thưởng thức nhạc dân tộc, biết được đàn tranh, đàn bầu.
Tối đó mình mệt nhưng trong lòng rất vui vì xin được trên 250 chữ ký, nhất là lúc ở trước rạp hát, Cường vừa gạch thêm mẫu xin chữ ký vừa nói với mình: "Phải hai ngàn mới được mẹ à, tuần tới con với mẹ ra Phước Lộc Thọ ở đường Bolsa xin nhe." Nghe con nói mình rướm nước mắt, biết rằng các con vì nghe lời cha mẹ mới đi, nhưng khi đứng mời mọc từng người, các con mới suy nghĩ và có nhận xét riêng của chúng.

Mission Viejo, 23-9-1992

Làm thế nào để tinh thần càng ngày càng nhẹ nhàng, đầu óc trống rỗng thơ thới, mình mới có thêm sáng kiến giúp người tị nạn.
Sáng nay thức dậy sau một cơn mơ, mình thấy đang lạc bước trên con đường có nhiều căn nhà cũ và lớn như lâu đài. Mình đang đi tới đi lui tìm kiếm căn nhà của mình, nhưng mắt bị mờ không thấy rõ. Mình cố định thần dụi mắt, ngồi xuống lề đường tịnh tâm một lát thì tỉnh táo, mắt sáng mới hay hóa ra mình đang đi lạc ra mé biển, nên phải đi ngược lại. Mình tự hỏi không biết ý nghĩa gì?
Khi tập thể dục ở Holiday Spa đầu óc mình miên man nghĩ đến những nơi dự định xin chữ ký, bỗng nhiên mình giải đáp được giấc mơ là mình phải "định tâm". Sáng kiến thường chợt đến với mình vào những buổi sáng lúc đang tập arobic. Thường khi tập thể dục mình ngưng suy nghĩ, lúc đó cơ thể vận động nên giải tỏa những lo lắng buồn phiền. Mình để ý, mỗi lúc suy nghĩ miên man thì mình nhảy lạc bước vì không chú tâm, đầu óc lúc đó đặc sệt không nghĩ ra điều gì mới cả.
Tài và mình hơi bực vì nạn thơ rơi gởi cho các báo. Lá thư nặc danh dầy 32 trang nói xấu Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, ba, mẹ và mình. Khi đọc đến đoạn nói ba chết đi để lại một gia tài khổng lồ cho mẹ và bà sắp mua một cái biệt thự cho... bồ, mình phá ra cười và tự nhiên những bực mình tiêu tan.
Hôm trước mình chiêm bao thấy xin được 800 chữ ký, hôm nay tính sơ qua đã hơn số đó rồi. Tuần rồi mình xin ở nhà hàng nhảy đầm Majestic và trong tiệc cưới con chú Đinh Thạch Bích ở San Diego được 300 chữ ký. Hôm ở đại học Orange Coast được 260 và buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng gần 100. Chủ nhật thu gần 200, nhân lễ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực và vía Đức Phật Thầy Tây An tại hội quán Phật Giáo Hòa Hảo. Thầy Minh Mẫn ở chùa Huệ Quang gởi về khoảng 100, Phương Dung, vợ anh Ngọc Hoài Phương được 40, anh Trần Thành Long 60, Sang 120, Hồ Thiện Chí từ Missouri 20, các thơ cắt từ báo Mõ ở Oakland, Mõ ở San Jose, Mõ ở San Francisco, Việt Báo Kinh tế, Diễn Đàn Thanh Niên v.v... được vài chục. Như vậy tổng cộng được trên 1000. Mình nghĩ xin chữ ký cũng là dịp nhắc nhở mọi người nhớ đến đồng bào trong trại tị nạn.

Mission Viejo, 25-9-1992

Trang thân,
Có thức đêm mới biết đêm dài!
Mẹ thức dậy lúc bốn giờ sáng, mở hé cửa sổ cho mát vì mấy hôm nay trời nóng bất thường. Bên Pháp có bão, nhiều người chết. Mẹ trằn trọc vì suy nghĩ miên man. Hôm qua mẹ làm việc ở sở suốt ngày, hai người giúp mẹ nhiều là chú Lê Công Đa ở Seattle và bác Chu Bá Yến ở Florida. Chú Đa viết bản tin giới thiệu và đăng lá thơ kêu gọi cùng Thỉnh Nguyện Thư rất đẹp có đóng khuôn nữa. Mẹ có nhận được vài lá thơ cắt từ tờ Việt Nam Thời Báo của chú. Có một độc giả nhờ mẹ chuyển đơn lên Đức Giáo Hoàng nhờ can thiệp cho người em bị rớt thanh lọc. Mẹ phải điện thoại đến đợt thứ ba cho một số người mẹ nhờ xin chữ ký. Con biết không? Khi mẹ gọi nhắc, có người như ở cung trăng rớt xuống, "quên bén" đi là việc gì. Người quên ký, kẻ "làm mất". Có người đọc xong không ký vì tưởng mình chỉ thông báo hoặc, khi nghe hỏi họ bảo sao không đưa sớm hơn họ sẽ xin dùm tại các buổi họp bạn, mặc dù họ đã đọc báo thấy lời kêu gọi và Thỉnh Nguyện Thư nhưng không cắt, cũng không ký. Có nhiều người hăng say nhưng quên vì bận quá, lúc đưa tận tay họ mới ký.
Mẹ ước gì có một ngàn cánh tay để có thể làm được nhiều hơn. Cuối tuần này mẹ dự trù đến xin chữ ký tại một vài nơi như Đêm Không Ngủ Lý Tống ở Hội Quán Lạc Hồng; lễ đặt viên đá đầu tiên xây Đền Thánh Tử Đạo Việt Nam và Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội, buổi cơm gây quỹ cho đài phát thanh Tiếng Nói Tự Do từ Mạc Tư Khoa. Sáng chủ nhựt mẹ lại phải họp ở hội quán với phái đoàn Phật Giáo Hòa Hảo để chuẩn bị đi Roma. Bác Vũ Quang Ninh gọi qua Vatican hỏi thăm và trả lời cho mẹ là không có phái đoàn tôn giáo nào từ Việt Nam qua như tin đồn.
Mẹ là một nhà báo nhắm nhiều vào mục tiêu nhân đạo của chuyến đi nên những "lời ra tiếng vào" của các giới, các phe nhóm chánh trị về buổi Cầu Nguyện Hòa Bình Cho Việt Nam không làm mẹ nao núng hay đổi ý. Vì không có mục tiêu chánh trị hay quyền lợi, và cũng không đặt kỳ vọng cho cá nhân, nên mẹ không thắc mắc gì cả.
Mẹ đang mong tin tức của các Ban Đại Diện Phật Giáo Hòa Hảo tại hai trại tị nạn Mã Lai và Nam Dương. Hôm trước mẹ gởi thơ bảo đảm có kèm Bản Tin Tị Nạn vào chung với chi phiếu cho bốn Ban Đại Diện để giúp họ tổ chức lễ. Hai Ban Đại Diện Sikiew và Phanat ở Thái Lan đã trả lời còn hai nơi có người tự thiêu và mổ bụng tự tử như ở Galang, Nam Dương và Sungei Besi, Mã Lai vẫn chưa hồi âm. Mẹ bị cắn rứt lương tâm không biết có phải Bản Tin Tị Nạn của mẹ đã gây rắc rối cho họ không? Mẹ lo vô cùng.

Mẹ của con

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880