NGHỀ NGHIỆP VÀ GIA ĐÌNH

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 10920)
NGHỀ NGHIỆP VÀ GIA ĐÌNH

Mission Viejo, 17-3-1992

Tôi không bao giờ thấy buồn vì những nếp nhăn của mình mà thấy nó dễ thương. Nó cho mình thấy quãng thời gian trôi qua trong cuộc sống của mình. (Mình sẽ không là mình của ngày hôm nay nếu không có một quá khứ dài trên bốn mươi năm).

Bốn mươi năm qua! Biết bao là học hỏi trong đời sống. Mình sẽ không là sự kết hợp của những kinh nghiệm, những cảm nghĩ của ngày hôm nay nếu không có cuộc hành trình vui, buồn, đau khổ lẫn sung sướng đã qua. Mình yêu con người, thân thể, tóc tai, nét mặt già dặn của mình. Từ đây mình còn cả một khoảng thời gian dài để thực hiện những gì mình đã học hỏi và lại học thêm những gì mình chưa biết.

Mình sẽ không cảm thấy uổng phí thì giờ, hay cảm thấy thì giờ qua mau hay qua chậm nếu mình biết thưởng thức cuộc sống. Thời gian luôn luôn dừng lại để mình thưởng thức giây phút mà mình muốn, và thời gian có thể dừng lại rất lâu và rất nhiều lần nếu mình muốn. Thời gian chỉ phí đi nếu trí óc mình cứ mãi liên tưởng đến những điều gì trong quá khứ với nhiều buồn phiền, sân hận tiếc rẻ hay với sự ước vọng, mơ ước cho tương lai.

Quá khứ, tương lai, hiện tại đều là một, vì quá khứ đã tạo ra mình và mình hiện tại là kết quả của tương lai. Mình vẫn còn ưa thích không khí tiệm hoa và những giây phút chơi với hoa. Tâm hồn lúc đó thật bình an, không vui lẫn không buồn. Ngành cắm hoa chỉ giúp mình về tâm hồn, đời sống lẫn tài chánh nhưng nó không giúp được cho người khác nhất là cộng đồng và quốc gia của mình. Mình đã thực hiện được giấc mơ học đàn piano. Mình đã đàn được bài Moonlight Sonata Theme của Beethoven, và Greensleeves. Mình thích vô cùng vì mơ ước học đàn từ nhỏ, nhưng từ khi ba mất mình phải tạm ngưng. Mình muốn học trở lại lúc nào mình muốn, nhưng mình thấy sẽ không có thì giờ. Nếu trở lại ngành truyền thông, viết lách, truyền hình, báo chí thì giúp được nhiều cho tha nhân nói chung và cho cộng đồng Việt Nam nói riêng, nhưng nghèo và cực, vì ở tuổi mình không còn trẻ để bay nhảy và nhất là còn quá ràng buộc gia đình mà mình phải dành ưu tiên. Gia đình là căn bản của đời sống nếu nó không vững thì mình sẽ không thực hiện được những gì mình muốn.

Mình sẽ viết nhiều, đi nhiều và thực hiện một số chương trình truyền hình về xã hội và giáo dục để giúp cộng đồng mình và những điều đó sẽ giúp được những người thân bên kia bờ đại dương khi có sự thay đổi. Mình ngại lên truyền hình vì phải lo về sắc đẹp, áo quần. Barbara Walter người Mỹ phóng viên nổi tiếng trong ngành truyền hình đã phải nghĩ một thời gian để sửa sắc đẹp. Bà đã trên sáu mươi và sau khi sửa bà đẹp ra, không như những đoạn phim khi bà đi bên Nga quay ngoài trời trông bà già quá.

Mình thích nhất ở nhà một mình, đi đâu một mình bỏ cả phấn son, quần áo giản dị. Thật là tuyệt và thoải mái. Nếu lên truyền hình thường xuyên thì nhiều người biết đến, mình sẽ sợ người ta bình phẩm sao trong đó trẻ đẹp còn ở bên ngoài già xấu, rồi lại phải lo ăn mặc, chưng diện vv...

Mình lại xáo trộn bởi những tưởng tượng cho tương lai rồi đó. Không ngờ chương trình phỏng vấn về tỵ nạn Hồng Kông và Tổng Hội Sinh Viên của mình trên đài Little Saigon lại được nhiều người biết đến ghê. Mình nói với anh Đỗ Ngọc Yến, Tổng Giám Đốc nhật báo Người Việt là mình thích viết về các vấn đề xã hội như bệnh tâm thần, trẻ con phạm pháp, giáo dục cho trẻ tỵ nạn v.v... Mình biết rằng bài báo không phải là cây đũa thần. Mình là ký giả chỉ có bổn phận đặt vấn đề, và phỏng vấn những người có kinh nghiệm, hiểu biết về các vấn đề đó để họ đưa ra phương thức giải quyết. Chớ nhà báo không phải là người giải quyết.

Mình đưa vấn đề băng đảng ra và đưa các lý do đã đưa các em đến nạn du đảng để cha mẹ cùng nhà trường tìm cách giúp chúng. Mình đưa vấn đề chánh phủ Việt Nam không thực hành đúng sự quy định đối với người tỵ nạn hồi hương để các giới trách liên hệ giúp họ. Cũng như mình viết về Ủy Ban Chống Cưỡng Bách Hồi Hương để phổ biến lời kêu gọi của họ và nói về thực trạng cũng như ước muốn của họ. Mình đã gởi băng và bài cho đài BBC và gần 30 tờ báo. Mục đích là phổ biến chứ mình đâu có mục đích giải quyết vì vậy nên mình không thất vọng khi báo này không đăng hay mừng vì báo kia đăng. Nếu họ không dùng mình cũng không buồn vì ít nhất là họ đã được thông báo những gì đã xảy ra cho đồng bào tỵ nạn và hiểu được tâm trạng của đồng hương mình.

Một nhà báo nếu không thận trọng sẽ làm lệch lạc vấn đề và có thể hướng dẫn người ta sai đường. Tờ Los Angeles Times thông báo là Hoa Kỳ khuyên thuyền nhân hồi hương. Thật ra ông Andre Sauvageot, một chuyên viên về tỵ nạn Đông Dương chỉ khuyên thuyền nhân Việt Nam "đã rớt thanh lọc"nên trở về chứ không phải "tất cả thuyền nhân". Nếu tất cả những người làm truyền thông trên thế giới đều làm việc có lương tâm thì thế giới này sẽ thực sự thay đổi.

Mission Viejo, 18-3-1992

Trang thương,
Hôm nay mẹ đọc báo Người Việt thấy bài viết của một cô giáo ở bên Úc đã từng dạy học ở trại tỵ nạn Hongkong hai năm. Thấy bài hay và sâu sắc nên mẹ cắt gởi cho con đọc. Mẹ nghĩ cô giáo này hiểu thật rõ hơn ai hết về tâm trạng của người tỵ nạn trong các trại cấm này.

Hồi sáng con điện thoại, nói bận lu bu nên chỉ đọc thơ của mẹ một chút lúc giờ nghĩ trưa, tối về thì lo cơm nước, tắm bé Hiền, cho nó bú, dọn dẹp rồi đi ngủ. Mẹ đâu có buồn con, con cứ từ từ đọc khi nào rỗi rảnh. Mẹ biết cảnh bận rộn khi có con nhỏ, nhất là ở xứ này, cái gì cũng mình hết.

Mười mấy năm về trước lúc mới qua Mỹ, đàn bà Việt Nam mình hay chê đàn bà Mỹ làm biếng cái gì cũng có máy, đồ ăn thì có nhiều món chợ đã làm sẵn, giặt đồ thì có máy, đi đâu cũng có xe. Bây giờ mới thấm thía phải không con? Ở xứ này cái gì cũng mình, mặc dù có máy giặt, lò ga, microwave, nước nóng nước lạnh mà làm công chuyện hoài cũng không hết việc. Nhà mẹ lại toàn là đàn ông con trai, bà nội thì 78 rồi, chỉ có con tiếp mẹ nhiều nhất thì bây giờ lại phải lo cho chồng, con.

Con biết không? Chỉ có ba con cắt cỏ, rửa sân, còn hai em con thì nó bận học và đánh banh, thể thao. Cuối tuần, đứa đi đấu quần vợt, cấm trại hướng đạo, đấu bóng chuyền. Cường thì còn đi họp Liên Hiệp Quốc Mẫu (Model United Nations), có khi đi xa ngủ lại đêm ở nhà ngủ. Nhiều lần mẹ phải tự an ủi là bây giờ con còn nhỏ, nhà bề bộn, mình dọn dẹp cực nhưng nhà cửa ấm áp, con cái gần mình. Sau này chúng nó đi học xa hoặc lấy chồng lấy vợ nhà cửa lạnh tanh, chắc lúc đó buồn lắm. Mỗi lần mẹ giận tụi nó vì phòng ốc tùm lum, sau khi tự an ủi, mẹ vui trở lại và... dọn tiếp. Thịnh thì mỗi ngày tắm hai lần, mỗi lần một cái khăn, không xài lại lần thứ nhì. Áo thì mỗi ngày mấy cái, mỗi lần đi học về thay, rồi lại đi dợt banh. Tối về lại thay ra rồi tắm lại thay cái khác để ngủ, mẹ thấy nó thay đồ hoài phát chóng mặt.

Cường thì con biết, nó gọn ghẽ ngăn nắp mà ở chung phòng với Thịnh nên nó tùm lum theo. Bây giờ cũng bắt chước thay khăn tắm và vứt quần áo xuống đất y như Thịnh vậy. Khi nào mẹ giận quá xách roi hét thì hai đứa dọn dẹp. Vài bữa lại đâu vào đấy.

Hồi 1975 mới qua Mỹ, mẹ nhớ Đà Lạt kinh khủng, có lẽ một phần vì Minnesota cảnh đẹp, thơ mộng giống Đà Lạt, mùa thu lá đổi nhiều màu đẹp làm sao. Mẹ nghĩ tuy mẹ ở Đà Lạt chỉ một năm nhưng vì là thời gian gần cuối trước khi mất nước, lại thêm lúc đó mới lấy chồng, xa nhà lần đầu nên kỷ niệm ở Đà Lạt đối với mẹ thật là sâu đậm.

Con biết không, đám cưới ba mẹ hôm trước thì hôm sau ba mẹ đi tuần trăng mật ở Đà Lạt. Ba mẹ ở tại nhà ngủ Palace trên đồi nhìn xuống hồ Xuân Hương thật là thơ mộng. Hôm đầu tiên ba gọi thức ăn lên phòng và ba mẹ ăn một bữa ăn riêng đầu tiên trong đời sống chung. Ba có dắt mẹ đi thăm các thắng cảnh Đà Lạt, thác Cam Ly, thác Prenn, hồ Than Thở, đồi Sân Cù v.v... Ba dắt mẹ đi ăn thịt đông dưa cải, bún bò Huế. Ba chỉ cho mẹ nơi ba ăn cơm tháng, mẹ còn giữ mấy tấm hình do bác Thạnh chụp, ba thích nhất là tấm hình chụp ba ngồi cạnh mẹ ở Vallée D’Amour. Tấm chụp ở trường Yersin thì ba mẹ cầm tay nhìn nhau, còn tấm ở chùa, ba mẹ ngồi đâu lưng dưới cây anh đào trông hơi... quê.

Con nhớ hôm đầy tháng của thằng Hiền, lúc Thịnh bước vào cửa con nói con tưởng nó đụng nóc nhà vì cao quá không? Thời gian đi mau quá, cuối tuần qua mẹ chiếu video lễ ngày 4 tháng 7, 1984, có con tóc bum bê, mặc áo sơ mi ca-rô tiếp mẹ trong bếp, còn Cường và Thịnh mặc áo thun vàng, trước ngực có in hình cây thông, phù hiệu viện đại học Đà Lạt. Hai đứa còn nhỏ xíu ngồi chơi trò chơi bắn súng trên màn ảnh máy truyền hình, mà bây giờ cao lớn như vậy. Lúc mẹ có bầu Thịnh thì ba dạy ở Võ Bị Đà Lạt, ba mẹ ở trong một căn nhà nhỏ gần chuồng gà của bà chủ nhà. Hôm nào ba phải trực ở trường mẹ ở nhà một mình, ban đêm Đà Lạt lạnh và gió thổi thông reo. Có ba ở nhà thì nghe êm tai còn ba đi vắng, gió rít và tiếng côn trùng nghe ớn xương sống lắm.

Khoảng thời gian đó, mẹ viết nhật ký cho Thịnh từ lúc mang bầu năm tháng cho đến lúc Thịnh 18 tháng rời Việt Nam. Khi có Thịnh ba mẹ dời đi nơi khác, ba mẹ lựa nơi thoáng khí hơn và nhất là buổi sáng có nhiều ánh mặt trời vào nhà cho Thịnh được mạnh khỏe. Tại chỗ ở mới,trước phòng mẹ có cả một vườn hoa, nhất là hoa hồng. Mẹ thích lắm vì mẹ nghĩ cho Thịnh nhìn hoa mỗi ngày để sau này mặt Thịnh vui vẻ chớ đừng hay nhăn và dễ nóng tính như ba. Vậy mà bây giờ nó cũng y chang như ba vậy.

Con thương, bây giờ đã đến giờ nấu cơm, mẹ hẹn con thư sau nhé. Cho mẹ hôn cháu ngoại của mẹ mười cái.

Mẹ.
*
Mission Viejo, 19-3-1992

Trang ơi,
Tối hôm qua Thịnh bị ba la một trận quá cỡ. Ba đi làm về nhà gần bảy giờ tối. Sẵn đang bực bội vì nhân viên lái xe chở hàng ở sở bị đụng khá nặng phải bồi thường người ta. Ông tài xế cứ lái xe ẩu đụng hoài, ba sợ bảo hiểm lên nên phải bồi thường người ta gần 2,000 đồng tiền mặt.

Mẹ nấu cơm xong cho Thịnh và Cường ăn (mẹ làm hầm vĩ, con khô cá mặn mà bà ngoại đi với con mua ở chợ Tàu đó). Sau bữa cơm, mẹ lên phòng viết tiếp ký sự New York, mẹ nghe ba la Thịnh quá, mẹ chạy xuống xem thì nghe ba la Thịnh chuyện học, chuyện tư cách, và Thịnh cứ nghĩ năm cuối là năm nghĩ dưỡng sức nên không siêng học. v.v... Rốt cuộc nguyên do chánh làm ba giận là tại mái tóc mới cắt.

Tức cười lắm, để mẹ kể cho con nghe. Thịnh mượn cái tông-đơ của thằng Luke. Thịnh nhờ mẹ cắt dùm, kỳ trước mẹ sợ hư nên để cậu Chín cắt cho nó. Thịnh thì thích kiểu tóc mới có ngấn lắm. Cậu Chín cầm tông-đơ đi một vòng từ mép tai nọ qua mép tai kia. Tóc Thịnh giống như cái gáo dừa mà nó khoái lắm. Hôm đó ba đã giận rồi nhưng ba tha vì đã "lỡ". Thịnh hứa sẽ để dài ra. Bữa nay Thịnh kêu mẹ cắt vì ở dưới dài rồi. Mẹ sợ hư nên không dám cắt nhiều, Thịnh muốn sát thêm nên gở cái lược ra, thế là mẹ đi cho mấy đường sát ót. Thịnh đội nón vào cầu xin cho ba đừng để ý, ai ngờ ba cũng thấy, chắc mỗi ngày vào nhà là ba nhìn Thịnh trước vì nó to nhất và hay làm ba ngứa mắt.

Hôm Tết đã một lần Thịnh cắt kiểu này, khi ba mẹ đi họp ở Hội Quán về đã tối rồi mà ba vẫn chở Thịnh xuống khu Bolsa tìm tiệm nào còn mở cửa để cắt lại. Gặp ông thợ Việt Nam cứ cắt đại ro ro làm đầu Thịnh cao vót lên nên nó buồn lắm, phải đội nón mấy tuần.

Con còn nhớ hồi đó con cứ hay mặc đồ kiểu Tomboy như con trai, cắt tóc ngắn, ba bực lắm, bắt mẹ phải đi sắm áo đầm cho con. Hôm sinh nhật 18 tuổi ba thấy con mặc áo đầm trắng thắt nơ ba vui lắm. Mẹ nhớ có lần ba giận con xanh mặt vì con hớt tóc cao sát ót như con trai. Lúc đó các bà chưa cắt ngắn như bây giờ nên ba nhìn không quen mắt. Thấy xấu lắm. Ba giận ngồi giảng luân lý cho con, con thì ngồi khóc. Mẹ bênh, ba nói kỳ sau cắt kiểu này nữa ba không cho vô nhà.

Sao lần nào ba rầy con cũng khóc sướt mướt vậy. Nhất là lần ba bắt liệng bỏ sợi dây nịt lòi tói thật bự mà bạn con cho. Ba nói con đeo trông "không giống con giáp" nào hết. Hai lần con khóc mà mẹ giận nhất là lần biểu con mặc áo dài đi chúc Tết ông bà ngoại. Khi còn nhỏ con thích ba mẹ may áo dài cho, sau này cứ mặc Tomboy hoài nên không muốn mặc áo dài chê luộm thuộm. Tết con khoanh tay chúc ba mẹ mà nước mắt chảy ròng ròng. Còn lần nữa mà mẹ giận nhất là hôm đưa con và bạn gái con đi ăn tiệc. Ba mẹ phải đưa con đi tận nơi vì nếu đi một mình con hay về trễ, ba mẹ lo. Ba mẹ cũng muốn biết nơi con đi là ở đâu và ai mời. Mẹ buồn con quá vì được cha mẹ lo cho như vậy, đi chơi được đưa đón mà còn giận còn khóc.

Trở lại chuyện cái đầu của Thịnh, hôm qua nó hứa từ nay nếu đi hớt tóc thì sẽ đi với ba. Ba quan niệm nếu thả lỏng tóc tai và cách ăn mặc thì nó ảnh hưởng bên trong đầu, và ngược lại trong đầu như thế nào mới lộ ra ngoài như vậy. Hôm qua ba hỏi nó thật sự muốn học đại học không thì ba sẽ lo còn nếu cứ nghĩ chơi chơi thì ba cho đi đại học cộng đồng ít tốn tiền. Nó hứa sẽ học, ba nói nếu học phải học ngay bây giờ chứ không đợi lên đại học mới học thì không có căn bản và cái đà.

Lát nữa mẹ phải gọi ông thầy dạy vật lý của nó vì điểm Thịnh kém và không hiểu bài. Thứ sáu tuần rồi mẹ viết thơ cho ông huấn luyện viên bóng chuyền của nó. Nó nói với mẹ ông không thích nó vì nó nặng không nhảy cao được với lại năm rồi nó liệng banh trúng mặt ông. Mẹ nói chuyện với bà cố vấn của nhà trường sẵn khi gặp bà để soạn chương trình học cho hai năm tới của Cường. Bà khuyên mẹ nên nói chuyện hoặc biên thơ cho ông huấn luyện viên. Bà cho rằng mấy ông thầy dạy thể thao hay vậy lắm, mẹ thì mẹ nghĩ rằng Thịnh bị tự kỷ ám thị vì có mặc cảm.

Mẹ nói với Thịnh mẹ muốn nói chuyện với ông huấn luyện viên vì ông không có quyền thương đứa này ghét đứa kia. Thịnh không chịu, nên mẹ viết thơ và yêu cầu ông giữ kín. Ông gọi cho mẹ và nói không biết tại sao Thịnh lại có ý nghĩ như vậy vì nếu ông không thích Thịnh ông đâu có chọn nó vào đội tuyển. Ông hứa với mẹ sẽ khuyến khích nó.

Khi mẹ gặp bà cố vấn Perez, để soạn chương trình hai năm cuối của Cường. Bà khuyên nên xin cho Cường vào chương trình International Baccalaureat (bằng cấp tú tài quốc tế). Xem học bạ của Cường bà khen quá vì toàn điểm A, bà nói phần đông mấy đứa cỡ Cường chỉ xong 95 tín chỉ mà Cường đã xong 105 mà lại toàn lấy lớp danh dự. Hồi trung học đệ nhất cấp, Cường đã lấy lớp toán trung học rồi. Mẹ thấy đối với học sinh Việt Nam thì chắc Cường cũng thường thôi. Hôm sinh nhật nó đòi một cái CD nhỏ để đi họp Liên Hiệp Quốc Mẫu hay đi cắm trại hướng đạo, mẹ thấy mắc quá mẹ không chịu mua thì nó đem điểm 4.39 của nó ra làm mẹ phải mua cho nó. Nhưng mẹ chỉ mua CD còn nó phải mua bảo hiểm và ống nghe thứ tốt vì sợ hư lỗ tai. Cường hà tiện nhưng cũng biết xài tiền đúng chỗ lắm, cũng nhờ tiền lì xì hôm Tết.

Thịnh và Cường hay cằn nhằn tiền lì xì càng ngày càng ít, mấy dì đẻ thêm rồi mấy đứa em bà con bên Việt Nam qua càng ngày càng đông, tiền lì xì chia ra nên mỗi ngày bao đỏ càng nhẹ, càng mỏng. Con xem Thịnh bự như ông khổng lồ mà hôm Tết đòi mẹ dắt lại nhà các bạn của ba mẹ để được lì xì. Mẹ nói nó lớn lắm không ai lì xì đâu, đi theo mắc công đòi về, tánh nó còn quá con nít.

Con biết không, hồi nãy mẹ đang viết thì phải ngưng vì Thịnh gọi về nói hôm nay là "Beach Day", các đứa bạn lớp 12 của nó nghĩ gần nửa lớp để đi biển. Nó muốn xin về đọc sách, lúc đầu mẹ nao núng đặt điều kiện nếu về thì lớp vật lý phải trở lại vì điểm thấp, nó hứa. Nhưng sau nghĩ lại mẹ không cho vì nó hay "hứa cuội", mẹ nói nó về sẽ xem truyền hình và... ăn nên mẹ nhất định không cho. Mẹ biểu nó về một mình và chịu trách nhiệm hoặc gọi nhờ ba xin, còn mẹ không muốn nói dối với nhà trường. Nó đành trở lại lớp.

Vừa rồi mẹ mới viết lá thơ cho ông thầy vật lý và cô giáo Tây Ban Nha vì thấy điểm tam cá nguyệt của nó yếu. Rất nhiều lần khi thấy điểm nó kém, mẹ gặp giáo sư hoặc viết thơ thì nó khá lên. Tội nghiệp Thịnh, nhất là môn Tây Ban Nha, vì nó muốn học Pháp văn mà mẹ bắt học tiếng này. Một phần nó không có căn bản từ Trung học đệ nhất cấp như Cường, một phần nó không thích rồi thêm ba mẹ không giúp được nên nó lận đận lắm. Hè nào cũng phải lấy lại, có lần nó được điểm B. Hè vừa rồi lúc đầu còn hăng hái, lúc sau nhiều bài quá theo không nổi nên cũng nói ông thầy ghét. Thịnh nói ông bà thầy nào dạy tiếng Tây Ban Nha cũng khó khăn và ghét nó hết.

Mẹ rất hiểu Thịnh vì lúc ở Nam Vang về Sàigòn năm 1964, mẹ theo học trường Marie Curie. Mẹ học tiếng Pháp đã khó rồi lại phải học Anh văn, nên mẹ dở và không thích bà thầy lắm. Mẹ với cô Duyên đều kém môn này, nên nói xấu bà hoài. Cô kết hôn với chú Hữu bạn học ở Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt với ba.

Lúc còn bên Việt Nam, cô ấy ở nhà lớn có hai ba người làm mà qua đây bây giờ cực, lại thêm con nhỏ. Cô Duyên hiền và nhiều kỷ niệm với mẹ những năm học Marie Curie lắm. Mẹ nhớ mẹ rất dở môn thể thao, nhất là môn leo dây. Không hiểu sao ai leo cũng được mà mẹ leo hoài không lên, còn bị trầy cả tay nữa. Mẹ sợ nhất là tập thể thao ngoài sân buổi sáng, sâu ở trên cây me hay rớt xuống đầu, mà mẹ lại sợ sâu, sợ ma lắm. Bà thầy Tây đen, mập và rất dữ, phần đông đứa nào cũng ghét vì bả hét to lắm, làm mọi người giật cả mình.

Mission Viejo, 20.3.1992

Con biết không Trang, mẹ dành cho bà nội và bà ngoại hai ngày liên tiếp. Sáng hôm qua mẹ đưa hai bà ra biển Laguna Beach để đi dạo và chụp hình. Mẹ chụp hình hai bà nhiều kiểu như đang đi bách bộ, đứng dựa lan can nhìn ra biển, che dù ngồi nghỉ chân, đứng trước các tiệm ăn Pháp có trồng nhiều hoa rất đẹp v.v...

Lúc hai bà đi bách bộ, mấy ông bà già Mỹ nhìn dữ lắm vì thấy hai bà mặc áo lạnh, đội khăn, chân mang vớ. Ngoại không ngờ mẹ đưa đi biển nên không có mang theo giầy bata, mà lại mang giầy cườm. Mẹ cũng sợ hai bà không chịu được gió và nắng, về đau nên che dù cho hai bà và nhắc hai bà đội khăn. Các bà Mỹ thì mặc quần đùi, áo thung sát nách, hở ngực. Có nhiều bà son phấn lòe loẹt và mang bông tai, chống gậy.

Bà ngoại nói bà thích đi biển hít không khí trong lành lắm nhưng con cái đều bận, "mấy thuở mới đi được một lần". Bà nói với bà nội: "Mình cũng có phước đó chị suôi, từng tuổi này mà có dâu, con đưa đi hóng gió. Chớ tui nghe nhiều cô nói trông chờ cha mẹ qua để coi nhà, giữ con, và nấu cơm cho họ đi làm".

Mẹ thích lắng nghe hai bà nói chuyện, vui lắm. Lúc ngồi nghỉ chân nhìn ra biển thấy mấy cô Mỹ nằm phơi nắng. Bà ngoại chỉ cho bà nội xem: "Ở bên Tây nhiều bà tắm biển không mặc xú cheng, có nơi các bà không mặc xì líp nữa. Mấy bà đầm nằm phơi nắng vú dài ngả qua nghiêng lại".

Bà nội kêu: "Trời đất ơi, sao kỳ vậy chị suôi?"
Bà ngoại trả lời: "Ai cũng vậy nên họ quen mắt, riết rồi hỏng ai nhìn ai hết. Đầy bãi biển vậy chị à".

Để hai bà ngồi trên bãi cỏ dưới bóng cây, mẹ đi lấy xe. Ở biển này rất khó tìm chỗ đậu xe. Mẹ phòng ngừa đi lâu nên bỏ 6 đồng tiền 25 xu vào đồng hồ đậu xe. Mẹ biết hai bà thích chụp hình với bông nên mẹ chở lại vườn bán cây kiểng Green Thumb. Mẹ chụp hình hai bà ở vườn hồng, cạnh các cây bông giấy nở rộ, hay bên các chậu lan.

Sau đó con biết mẹ đưa hai bà đi đâu không? Đến tiệm bánh Croissant de Paris, ở El Toro đó. Bà ngoại với mẹ ăn bánh mì tây với thịt nguội, bà nội răng yếu nên ăn với bánh croissant. Mẹ thường mua croissant cho bà nội ăn sáng, nhưng từ ngày lượng mỡ trong máu của bà nội cao quá thì mẹ không mua nữa. Hôm nay đặc biệt lâu lâu một lần. Bà nội ăn coi bộ ngon lắm, nhất là họ nướng cho phó-mát chảy ra. Mẹ nhìn bà nội ăn mà thấy hơi lo vì có phó-mát, và trong croissant có đường và hột gà.

Hồi bà nội mới qua Mỹ, bà thích ăn mì gói, nhất là mì chay hiệu "Phật Bà", còn bây giờ thì bà nấu bánh canh hay bánh lọt với tép để ăn sáng. Bà phải kiêng ăn vì cao máu từ hồi ở Việt Nam, bây giờ lại thêm lượng mỡ lên cao. Mỗi ngày bà phải uống thuốc. Bác sĩ không cho bà ăn thịt mà ăn cá hoài thì ngán nên bà ăn tôm hoặc rau cải. Bây giờ trông bà trẻ hơn hồi mới qua khoảng 10 tuổi. À, con biết không, từ hôm mẹ nói chuyện với Thịnh về công ơn của tổ tiên và cha mẹ đến nay Thịnh biết chăm sóc bà nội nhiều hơn. Có đêm mẹ ở trên lầu, Thịnh đi chơi banh về lúc 10 giờ đêm mà nó vẫn "thưa bà nội con mới về".

Mẹ nhớ lúc mới đoàn tụ, mấy đứa cháu gái cứ chào hỏi tối ngày. Ba mẹ hay đi đi, về về. Có khi mẹ đi chợ hay đi rước Thịnh, Cường về, thì Hằng, Vân, Phượng, Hoàng, Bé Phương cứ "thưa cậu mợ Tư mới về". Mẹ biểu thưa mỗi ngày một lần thôi. Thịnh, Cường chỉ thưa chào khách đến nhà, hoặc mỗi ngày một lần khi đi học. Bà nội ở ngay tại nhà, chúng nó đi học, đi chơi banh, có khi quên thưa bà nội buồn nên ba mẹ rầy hai đứa hoài.


Mission Viejo, 21.3.1992

Con thương,
Hôm nay mẹ đưa hai bà đi phố Việt Nam. Sáng sớm đi bác sĩ, mẹ châm cứu bệnh nhức đầu, bà ngoại chích thuốc bổ cho mau có sức khỏe. Ngoại tâm sự với mẹ: "Mấy năm nay ba mất, mẹ buồn quá nên sức khỏe hao mòn. Mẹ quên chứ phải chi mẹ đi học Anh văn mấy năm nay thì Anh văn khá hơn mà cũng đỡ buồn. Sự phiền não thật đã làm cho con người kiệt sức".

Sau đó mẹ đưa bà nội đi nhổ răng cấm. Bà nói răng bà lung lay và nhức. Nha sĩ nói chân răng bà chỉ còn dính trong nướu một ít, nên không thể làm răng giả vì hai răng kế bên không kềm được. Nếu muốn làm nguyên hàm răng giả, phải nhổ luôn cả hàm trên.

Mẹ hỏi con, lúc gần đi Mỹ, bà nội đã làm hàm răng dưới giả, bây giờ nhổ hết hàm trên thì đâu còn cái răng nào. Bà nha sĩ hứa xin chánh phủ cho làm một vài răng giả để gắn vào hàm thật, trám mấy cái răng mất thôi. Nếu xin được thì tốt quá vì hôm qua chụp hình, bà ngoại cười rất tươi còn bà nội chỉ cười mỉm thôi vì thiếu một cái răng cửa.

Nhổ răng cấm xong, nha sĩ bảo bà nội phải đợi 45 phút mới được ăn trưa. Mẹ đề nghị ăn cháo. Con biết tiệm cháo Quảng Đông ở cạnh nhà hàng Seafood Paradise đường Westminster không? Tiệm đó có cháo cá ăn với "giò chéo quẩy" rất ngon. Bà nội không chịu, bà nội thích hủ tiếu ở tiệm Triều Châu, góc đường New Hope và Bolsa, nên mẹ ghé đó mua hủ tiếu Nam Vang về nhà ăn. Bà ngoại cũng thích hủ tiếu này nữa.

Chương trình tới đó chưa chấm dứt đâu nghe, bà nội gọi điện thoại hẹn trước với bác sĩ Thành rồi, hôm nay bác sĩ đo máu bà nội thấy xuống còn 13, rất tốt, hôm trước có lúc lên trên 20. Cô thơ ký nói bà nội nặng 125 pounds tức 62 ký rưỡi. Ba năm trước lúc mới qua Mỹ, bà chỉ nặng 45 ký.

Ở phòng mạch bác sĩ ra, mẹ đưa bà nội đến văn phòng luật sư xin giấy thông hành để tháng 12 bà nội theo dì Lệ về Việt Nam thăm các cô, chú. Ông phụ tá luật sư nói hình chụp thẳng của bà không xài được, hình đó để nhập quốc tịch Mỹ. Bà nội phải chụp hình lại nên cởi bông tai ra vì phải chụp một bên mặt có lỗ tai. Mẹ phải trả cho ông ta 20 đồng tiền mặt và ký chi phiếu 65 đồng cho Sở Di Trú Hoa Kỳ (US/INS).

Thấm thoát mà bà nội đã qua Mỹ được ba năm. Lúc bà nội qua thì cây cau trước nhà mẹ trổ mấy buồng, đậu trái vàng tươi, còn cây hoa quỳnh nở 8 bông. Lâu ghê nay cau mới lại trổ bông, kỳ này có hai buồng đậu trái, lớn bằng đầu ngón tay út của mẹ. Còn cây quỳnh hôm trước bà nội biểu ba sang ra chậu lớn, hồi sáng sớm mẹ và bà nội đếm được 20 nụ, nhỏ cỡ hạt tiêu.

Người Việt Nam mình ở San Diego chơi hoa quỳnh rất đông. Họ nghiên cứu nhiều giống quỳnh đủ màu sắc, có loại nở lâu cả tuần. Năm đầu vì không biết, nên ba mẹ cứ quên xem hoa quỳnh nở. Mấy năm sau này, khi quỳnh sắp nở, ba và Thịnh bưng chậu quỳnh vào phòng khách. Mẹ chụp cho bà nội mấy tấm hình cười rất tươi, cạnh hoa nở trắng xóa, có mùi hương thoang thoảng. Tiếc rằng hoa chỉ nở khoảng 8 giờ, đến 10 giờ đêm là bắt đầu héo dần.

Trang thương,
Thằng cháu ngoại của mẹ hôm nay đã làm thêm được trò gì rồi. Hôm nào vợ chồng con rảnh nhớ về chơi, cho ba mẹ ẵm cháu ngoại nhe.

Bà Mỹ làm chung với con có còn ăn hiếp con nữa không? Con đã xin với ông xếp dời bàn ra góc khác chưa? Con cứ mạnh dạn lên, phải nói chuyện với bà chứ việc gì phải khóc. Càng nhường nhịn càng bị ăn hiếp.
Thôi sắp đến giờ mẹ nấu cơm rồi. Thăm con và Hoàng, cho mẹ hôn thằng Hiền mười cái.

Mission Viejo, 22.3.1992

Trang thân,
Sáng nay, đài Litle Sàigòn cho mẹ hay có một máy thu hình hư, nên mẹ phải gọi cho ông Nguyễn Thanh Trang ở San Diego để dời ngày phỏng vấn lại. Chiều hôm qua đài truyền hình phát chương trình mẹ phỏng vấn luật sư Nguyễn Quốc Lân về chuyến đi trại tị nạn Phi Luật Tân. Bà nội cằn nhằn mẹ sao mặc áo đen, trông không được đẹp.

Con biết không, mấy lần phỏng vấn vào đầu năm, mẹ lo lắm, sợ xấu, sợ đẹp, chớ kỳ này mẹ chẳng lo gì hết, cũng không sửa soạn nhiều, mặc áo gì cũng được, nhất là một lần đi thì thu nhiều chương trình, rồi phát vào nhiều ngày khác nhau, nên thấy mẹ chỉ có mặc một bộ đồ thôi.

Chú Lê Hoan chiều ý mẹ, nên thu hình xa xa, còn chú Đinh Xuân Thái theo đúng kỹ thuật, thu vừa gần vừa rõ, lại cứ quay mẹ từng câu lúc phỏng vấn gọi là "reaction shot". Mẹ không thích quay thẳng mặt vì có bao nhiêu nếp nhăn là thấy rõ hết. Khi ráp nối, lúc đầu mẹ thấy già quá, mẹ thoáng không vui, nhưng sau đó lại thấy thoải mái hơn vì từ đây mẹ không lo sợ nữa. Mẹ chấp nhận con người thật của mẹ, "the real me". Khi người ta thấy mình xấu và già, mình sẽ không lo xấu đẹp nữa. Nếu người ta thấy mình xuất hiện trên truyền hình đẹp quá, người ta sẽ thất vọng khi gặp mình ở ngoài.

Kỳ phát hình lần đầu nhiều người khen mẹ đẹp, vì bác Cúc trang điểm mẹ theo "mốt", trông trẻ lắm, nào là viền môi bầu, đánh son đậm, vẽ lông mày rậm, mắt đen thui. Vậy mà khi thu hình lại thấy rất trẻ có người hỏi bác Cúc có phải mẹ đi căng da mặt? Vợ của bác Nguyễn Văn Thời, Trưởng Khoa Kinh Tế trường Võ Bị Đà Lạt, nói: "chị đẹp quá tôi nhìn chị từ cái lông mày, ai vẽ cho chị mà khéo quá". Kỳ này mấy người khen mẹ đẹp chắc "ngất xỉu" quá vì mẹ không sửa soạn nhiều, lại quay ngoài trời cho nên trông "xoàng" lắm, nếu không nói là "xấu"; tuy vậy mẹ lại an tâm hơn.
Từ nay, chiều chiều bà ngoại ở Bolsa sẽ thấy mẹ, nếu mẹ không đi thăm được thì cũng như gặp ngoại vậy. Hôm nọ bà ngoại gọi điện thoại nói không thấy mẹ trên truyền hình vì bà ngoại bận tắm. Bà ngoại già rồi nên phải tắm lúc có mặt dì Mỹ, vì sợ té hay có việc gì xảy ra, thì ở nhà còn có người giúp. Mẹ cũng thường dặn bà nội nên tắm lúc có mẹ và không được khóa cửa.

Mấy hôm nay Thịnh có vẻ siêng hơn. Tối hôm qua nó làm bài tập về thị trường chứng khoán, suốt đêm đánh máy điện toán, sáng đem nộp luôn. Mẹ cho phép nó nghỉ học, vì mẹ biết nó buồn ngủ lắm làm sao đi học được. Sau khi mẹ lấy xe lại ba tuần lễ, bắt đầu chủ nhật vừa rồi mẹ cúp tiền tuần, mẹ nói nếu nó đi làm và lo học hơn sẽ có xe đi, có tiền tuần và quần áo mới. Nếu không thì không có gì hết. Thịnh ỷ lại đã được nhận vào đại học San Diego, nên học hành lơ là. Buổi trưa nó hay đi ăn trở về trường trễ học nên bị phạt, phải học ngày thứ bảy. Sáng hôm đó mẹ la cho một trận, mẹ đưa nó đến trường rồi mẹ nói có thể mẹ sẽ không rước thì nó phải đi bộ về. Trưa mẹ cố ý cho nó đợi nửa giờ, mẹ định cho nó đi bộ nhưng cũng nóng ruột thấy tội nghiệp nên đi rước.

Lúc làm thâu ngân viên ở tiệm Target, nó nghỉ không xin phép nên họ không thâu nhận lại. Thịnh chê việc bán hamburger, pizza hay bánh mì ở Subway, nó chỉ thích làm thu ngân viên, tính tiền. Mẹ nói: "Con phải làm bất cứ công việc gì mẹ mới cho con xe và tiền tuần". Hôm qua nó nói: "Con có thể làm việc ở tiệm pizza gần nhà, nhưng con không biết con có muốn hay không?"

Như vậy là sự lựa chọn về công việc làm của nó có vẻ thay đổi. Mẹ thường khuyên nó: "Nên làm bất cứ việc gì vì con sẽ học hỏi trong công việc làm và hiểu giá trị đồng tiền".

Mỗi lần mẹ biểu đi làm thì nó cứ hỏi tại sao. Bây giờ mẹ cắt hết phương tiện, rồi mẹ giải thích, có như vậy nó mới thấy tại sao nó cần phải đi làm. Mấy năm trước mẹ sai lầm ở điểm là mẹ biểu nó đi làm để tự mua sắm và tiêu xài vào cuối tuần. Nó nghĩ rằng đi làm chẳng được bao nhiêu tiền, mà nếu mua một đôi giày là hết tấm chi phiếu. Nó thấy không đi làm lại còn sướng hơn, được mẹ cho tiền và mua quần áo, giày dép nữa, nên nghỉ việc. Kỳ này mẹ "tiến bộ" về mặt tâm lý hơn và mẹ đổi chiến thuật để dụ anh ta đi làm. Mẹ định khi nó vào nội trú mẹ sẽ không cho xe, ba cũng đồng ý, nhưng không biết có "yếu lòng" rồi thay đổi hay không. Nếu không có xe cuối tuần nó không về được, ba mẹ lại phải chạy xuống San Diego đưa rước hay đi thăm. Thật ra lúc này mẹ gắt hơn để bắt nó đi làm vì đã hết mùa bóng chuyền. Thịnh vào đội banh gần nhà, nhưng chỉ tập luyện mỗi tuần một lần. Bây giờ mà không tập cho Thịnh nếm "mùi đời" thì biết chừng nào đây?

Mẹ nhớ hồi con còn ở với ba mẹ, lúc nào cũng có ba mẹ lo cho mọi chuyện lớn nhỏ. Sau khi dọn về Long Beach, con kể chuyện nhiều lần xe hư dọc đường rất là khổ, có khi không tiền sửa xe... Ba mẹ sót ruột lắm, nhưng bấm bụng nói với nhau là phải để cho con chịu khổ một chút, sau này mới biết lo và nên người. Thật ra lúc ở với ba mẹ con cũng ỷ lại giống...Thịnh lắm đó.
Mẹ.
*
Mission Viejo, 29-3-1992

Trang thân, nếu một ngày nào đó con muốn hành đạo, giúp đời, trước tiên con phải hiểu hai chữ hy sinh. Hy sinh ở đây phải thật sự, nghĩa là hy sinh chỉ mình mình biết hay nhiều lắm là người thân mà thôi. Nếu ta để cho mọi người biết, hay cố ý khoa trương, thì không phải là thật sự hy sinh, mà chỉ vì mục đích danh lợi, tiếng tăm, hay địa vị. Hy sinh thật sự là âm thầm làm việc và quên cái tôi của mình. Nếu cái tôi của mình to lớn quá, tự ái mình cao quá, thì dù có muốn hy sinh hay đóng góp gì, mình cũng không có cơ hội để thực hiện.

Sáng nay mẹ uể oải quá, phải tắm nước thật nóng cho tỉnh người vì tối qua mẹ đi thu hình về khuya mà còn xem... phim Tàu. Phim Tàu lúc này cốt truyện không hay như lúc tụi con còn nhỏ. Mẹ nhớ mình xem Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, Thiên Long Bát Bộ... hay ghê. Lúc đó mẹ muốn tụi con xem để học hỏi lễ nghĩa, đạo làm con, làm người. Tuy nhiên mẹ lựa những phim lành mạnh, có ích lợi, còn mấy phim băng đảng mẹ không cho xem.

Mẹ nhớ hồi ở Việt Nam, nhiều người hay chê "Ba Tàu", tới chừng qua đây một số các cô các bà mê tài tử Tàu quá. Có lúc đi đến quá đáng. Mẹ nghe nói các tài tử qua đây trình diễn, họ chạy ùa lên sân khấu tặng hoa, ôm hôn v.v.. Nhiều người mê phim Tàu thức suốt đêm đến đỗi vào sở làm ngủ gục nên bị mất việc.

Mấy phim băng đảng hại giới trẻ cộng đồng mình quá. Nhiều gia đình không để ý đến khía cạnh giáo dục, không lựa chọn phim kỹ lưỡng, để con cái xem các phim bạo động, nên chúng bắt chước theo. Lúc mẹ đi phỏng vấn ông thám tử ở sở cảnh sát, quận Westminster, mẹ thấy trên vách có hình mấy băng đảng Việt Nam bắt chước y như phim Tàu vậy. Còn các tiệm cho mướn phim, vì nguồn lợi nên lại khai thác thêm rất nhiều phim khiêu dâm nữa.

Mẹ nghĩ, xã hội Mỹ, hay Việt Nam, đều có cái hay và cái dở. Tuy nhiên cha mẹ Việt Nam ở Mỹ phải đối phó đến hai mặt, làm sao cho mình đừng lựa cái dở của cả hai xã hội. Thật là một công việc khó khăn vì họ phải đương đầu với ngôn ngữ, công việc làm ăn, đời sống và vấn đề đoàn tụ. Mẹ biết có nhiều cặp vợ chồng đang sống bình yên, sau khi đoàn tụ với thân nhân từ Việt Nam qua được vài tuần là sóng gió nổi lên. Mỗi người đều có lý riêng, rồi thu mình vào ốc đảo.

Có nhiều gia đình kéo dài trong buồn bã, cũng có gia đình đã tan vỡ chỉ vì sự suy nghĩ không giống nhau, do những hoàn cảnh khác biêt. Phần nhiều người bên Việt Nam qua thất vọng vì đời sống không giống như họ tưởng, rồi tự ái giận hờn sanh ra suy nghĩ sai lệch. Người bên Mỹ thì vừa phải đối phó tình cảm của mình với cha mẹ anh em, vợ chồng, con cái, vừa phải đối phó với tài chánh, công ăn việc làm. Tất cả chỉ được giải quyết ổn thỏa nếu mọi người đạt được sự cảm thông bằng tình thương, cùng lắng nghe tìm hiểu nhau mà thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880