MỘT GIÁNG SINH Ý NGHĨA

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 10977)
MỘT GIÁNG SINH Ý NGHĨA

Mission Viejo, 26-12-1991. 5 giờ sáng.

Trang thương,
Hôm 23-12-1991, mẹ và hai em đi ciné. Phim J.F.K của Oliver Stone và phim Star Treck VI, The Undiscovered Country. Hai phim đều có nhiều ý nghĩa. Nhất là phim Star Treck nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu nói của Shakespeare "To be or not to be". Mẹ thầm nghĩ một là cộng sản hai là không cộng sản, một là vô thần hai là hữu thần, chứ không thể là vừa cái này vừa cái kia được. Đối với mẹ Undiscovered Country (một quốc gia chưa được khám phá) là một thế giới đại đồng hòa bình trong tương lai, trong đó có một nước Việt Nam độc lập, tự do và dân chủ.

Từ hôm 22-12-1991 mẹ gặp hai chú Tường Thắng và Nguyễn Phương Minh kể chuyện bên trại Hồng Kông tới nay, đêm nào mẹ cũng thức giấc nữa đêm suy nghĩ đến những gì mẹ phải viết. Mẹ đem cả tấm bảng có gắn hình biểu tình của trại tị nạn Bạc Đầu (Whitehead) ở Hongkong triển lãm chỗ đồng bào tuyệt thực tại khu Bolsa về để ngay trong nhà. Đêm Giáng Sinh, cả gia đình quây quần ăn uống, mọi người đều phải nhìn thấy những tấm hình này. Thấy thương nhất là mấy đứa bé còn nhỏ và đông quá. Con có biết những đứa sanh trưởng và lớn lên trong trại tị nạn không có khái niệm về cây, cỏ, hoa, lá, thú vật không? Chúng chỉ biết những mái nhà tôn nóng đến 42 độ C vào mùa hè, những nền nhà, bực thềm xi măng và những hàng rào kẻm gai cao ngất. Nhìn tháp canh và các hàng rào quanh trại, mẹ có cảm tưởng đó là những trại tù của Đức Quốc Xã.

Tối hôm qua, mẹ viết được nữa bài báo. Mẹ đặt tựa là "Người Tị Nạn: Một Phần Thân Thể Của Nhân Loại". Mẹ lấy ý trong Tâm Thư số 3 của Phong Trào Đấu Tranh Chống Cưỡng Bách Hồi Hương. "Tâm Thư" kêu gọi các quốc gia, các tổ chức nhân đạo quốc tế hãy dùng quyền hạn của mình để bảo vệ cho sự tôn trọng nhân quyền, để che chở, cứu vớt đồng bào Việt Nam tị nạn cộng sản, vì: "Chúng tôi là một phần cơ thể của nhân loại."

Ủy Ban Chống Cưỡng Bức Hồi Hương gồm các đoàn thể trong trại tị nạn như Diễn Đàn Cộng Đồng, Đội Trật Tự, Tổ Chức Tuyên Truyền Tranh Đấu Vì Tự Do Dân Chủ, Nhóm Nguồn Sống, Nhóm Nghệ Thuật Trong Tù, Tổ Chức Giáo Dục, Tổ Chức Y Tế, Tổ Chức Xã Hội, Hội Phụ Nữ, Hội Người Già, Hội Phật Giáo, Hội Thiên Chúa Giáo và Hội Tin Lành. Tất cả đại diện cho sáu mươi ngàn tị nạn tại Hồng Kông.

Điều mẹ thấy xót xa nhất là trong khi đồng bào mình bị đàn áp, đánh đập, bị đưa về Việt Nam mà nơi đây lại có những bài báo hoặc chương trình truyền hình VN đưa ra những điểm bất lợi, đi ngược lại nguyện ước của những người trong trại cấm. Mẹ cho đó là tàn nhẫn. Nếu không hỗ trợ thì cũng đừng nên dập tắt niềm hy vọng được cứu sống và thở không khí tự do của những đồng bào tị nạn đang đau khổ triền miên trong trại.

Mission Viejo, 3-1-1992.

Trang,
Lại qua một năm nữa rồi. Thế là mẹ xa quê hương mười bảy năm. Sáng hôm nay mưa lâm râm, trời đất u buồn, mẹ ngưng viết báo để ghi thêm mấy hàng cho con.

Mẹ vừa lạy Phật xong. Vẫn như mọi khi, mẹ cầu nguyện ơn trên phù hộ cho mẹ có thể đóng góp một phần nho nhỏ cho việc xây dựng lại quê hương Việt Nam.

Những ngày lễ Giáng Sinh và Tết Tây mẹ không thấy vui gì cả. Lúc nào những hình ảnh đồng bào mang khăn tang trong trại tị nạn cũng ở trong đầu óc mẹ. Tai mẹ nghe âm thanh của những người chống cưỡng bách hồi hương. Qua cuốn băng cassette gởi ra lời nói của họ trang trọng và khẩn thiết quá. Tại sao lại có cảnh con người áp bức con người? Tại sao người tị nạn lại bị giam cầm, kềm kẹp?

Cuối tuần này, báo chí bắt đầu đăng bài "Người Tị Nạn: Một Phần Cơ Thể Của Nhân Loại". Mẹ viết tất cả ba bài và gởi đi trên hai mươi tờ báo Việt Nam ở Mỹ, Canada, Úc, Đức và Pháp. Tối hôm qua mẹ vừa sang cuốn băng của Ủy Ban Lãnh Đạo Chống Cưỡng Bách Hồi Hương tại trại Whitehead để gởi với bài báo và hình đồng bào đang biểu tình bất bạo động qua đài phát thanh BBC, Luân Đôn.

Mẹ của con bây giờ là ký giả "quốc tế" và ăn lương của ông Trời. Báo các nơi dù họ không đăng bài của mẹ, ít ra họ cũng biết tình trạng khẩn trương của người tị nạn trước chính sách cưỡng bức hồi hương của Anh Quốc và chính phủ Hồng Kông.

Lễ Đản Sinh Đức Thầy vừa qua nhằm ngày 30-12-1991. Trong những ngày lễ Chúa ra đời và lễ đạo của mình, mẹ cầu nguyện cho đất nước Việt Nam mau được tự do hòa bình, thoát nạn Cộng sản.

Giáng sinh 1991 thật ý nghĩa vì ông Mikhail Gorbachev, lãnh tụ Nga đã từ chức vào đúng ngày 25-12. Khi ông tuyên bố từ chức thì vệ binh điện Cẩm Linh hạ cờ đỏ búa liềm xuống và đưa cờ ba màu của Cộng Hòa Nga lên. Hai mẹ con mình thử đoán xem chừng nào hạ cờ đỏ sao vàng và trương lá cờ Việt Nam, tượng trưng cho Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ của Việt Nam lên? Mẹ chắc rằng ngày đó sẽ có bao nhiêu triệu trái tim bùng vỡ.


Mission Viejo, 20-2-1992.

Trang thương,
Hôm nay là ngày cuối cùng của tuần lễ mẹ nhập thất,tịnh khẩu. Mẹ không biết ở chùa có cho phép viết thơ trong những ngày này không. Riêng mẹ nhập thất theo lối "gia đình" nên cũng dễ dãi với chính mình.

Mẹ nhớ kỳ nhập thất đầu tiên cũng vào tháng Giêng 1990,trước khi cúng 49 ngày cho ông Ngoại. Lúc đó tâm hồn mẹ quá xao động. Sau những ngày sống cô đơn, im lặng, mẹ đã bình tĩnh trở lại. Lần đó cũng như kỳ mẹ nhập thất tháng giêng năm rồi, các em con chưa quen, còn cãi nhau, đập cửa gọi mẹ um xùm. Năm nay thì khác hẳn, có lẽ chúng đã bắt đầu lớn, hiểu biết hơn, nên đã tôn trọng sự im lặng của mẹ.

Trong tuần này, buổi sáng mẹ thức dậy đi tập thể thao, ăn sáng, cúng lạy, dọn dẹp nhà cửa, xếp đặt lại các phòng nhất là sách vở, tài liệu báo chí cho ngăn nắp, giặt ủi quần áo của ba và các em, nấu ăn... Mẹ ghi giấy dặn ba và các em về các món ăn, nhờ ba biểu Thịnh phải bớt uống nước ngọt và bớt ăn, trong nhà bớt cãi vã. Mẹ nghe các em nói với ba, hai anh em đều được vào đội tuyển của trường. Cường đánh quần vợt, còn Thịnh chơi bóng chuyền giống ba hồi nhỏ. Ngày mai bà nội đi thăm gia đình bạn thân hồi ở Bạc Liêu, mới qua đoàn tụ với các con.

Mẹ phải viết cho con hôm nay vì bắt đầu tuần tới mẹ bận viết nhiều loạt bài về chuyến đi thăm các trại tị nạn ở Thái Lan và Nhật Bản cho báo Hồn Việt. Sau đó mẹ viết phóng sự về chuyến đi New York với ba cho nhật báo Người Việt. Mẹ sẽ viết về cộng đồng Việt Nam tại đây, buổi biểu tình ở Liên Hiệp Quốc và nhất là chuyến đi thăm tượng Nữ Thần Tự Do. Sau đó mẹ còn phải viết về thanh thiếu niên phạm pháp và cũng có hứa sẽ làm chương trình này cho đài truyền hình Little Saigon nữa. Trong đầu mẹ còn quá nhiều đề tài về giáo dục và xã hội mà chưa có thì giờ thực hiện.

Tuy nhiên đề tài có nhiều đến đâu mẹ cũng ngừng lại, suy nghiệm. Mỗi năm mẹ đều ăn chay tháng giêng để thanh lọc tư tưởng, thể xác và nhìn lại chính mình cùng những việc mình làm, để định lại hướng đi cho rõ ràng hơn. Mẹ còn thích nghề cắm hoa lắm. Lạ một điều là vào tiệm hoa mẹ cảm thấy quen thuộc, vui thích, cứ muốn quanh quẩn ở đó hoài. Mẹ nhớ đến những năm sống hàng ngày với những đóa hoa xinh xắn đẹp đẽ. Chúng làm cho mẹ quên đi những ưu phiền khó khăn trong đời sống. Dù cho việc làm có cực nhọc, nhất là những ngày lễ, phải đứng làm việc mười mấy tiếng một ngày, mẹ vẫn nghĩ rằng khoảng thời gian đó thật êm đềm đáng sống.

Bước vào tòa soạn báo Người Việt mẹ lại cũng thấy thoải mái, vui tươi như bước vào "vùng đất của mẹ". Mẹ thích nói chuyện với các nhà báo không thấy nhàm chán. Mẹ thường hay lẩn quẩn và quyến luyến không khí của tòa báo. Mẹ nhớ những lúc ở báo Chính Luận, và báo Tìm Hiểu bên Việt Nam ghê. Ở tòa báo lúc nào cũng hay nói đùa vui vẻ, không thành kiến, bắt bẻ, gò bó, nghiêm túc như tại một số những văn phòng làm việc khác.
Con biết không, hôm đầu tiên đến đài Little Saigon, mẹ xúc động hết sức. Mẹ nhớ lại phòng thu hình của Đại Học Long Beach, nơi mẹ học về truyền hình. Nào là sàn quay, phòng điều khiển, máy thu thanh phát hình. Không khí, sinh hoạt thu hình, đọc tin, điều khiển máy móc, làm mẹ bồi hồi nhớ lại bao kỷ niệm trong ngành này, lúc mẹ làm ở đài 28, chương trình "The New Americans"; những lúc làm cố vấn cho đài truyền hình 50, Orange County; lúc cộng tác với Vietnam Project...

Mẹ xấu hổ vì trước kia bất mãn chương trình Vietnam, A Television History, mẹ đã bỏ ngành truyền hình thì chú Đinh Xuân Thái hiện là Giám Đốc Little Saigon Tivi lại thực hiện những chương trình về tị nạn, về sự thật của Việt Nam. Mẹ của con yếu đuối, dở quá phải không con? Nếu nói đến cái dở, cái yếu của mẹ thì phải viết biết bao trang giấy mới hết.
Mẹ thấy mình càng lý tưởng nhiều chừng nào càng dễ thất vọng chừng đó. Thực tế không giống như những gì mình mơ ước thực hiện cho quê hương mình. Nhất là ở xứ người, nơi mà sức mạnh truyền thông có khả năng và mãnh lực, khiến cho quốc gia của họ bỏ rơi các quốc gia nhỏ đang gặp chiến tranh, phải dựa vào họ để tồn tại.

Mẹ nhớ lại sau khi ra trường rồi làm cho chương trình The New Americans ở đài truyền hình giáo dục KCET tại Los Angeles thì mẹ buồn, nhưng ít. Mẹ nản nhất là sau khi chương trình Vietnam, A Television History phát hình, cộng đồng người Việt mình bất mãn, chống đối. Các bác bạn của ông ngoại trong nhóm Việt Nam Nghiên Cứu phải lên đài 50, KOCE ở quận Cam minh xác những điểm sai lầm và xuyên tạc của phim 13 kỳ này.

Mẹ còn nhớ đã nhiều lần nói chuyện điện thoại với Judith Vecchione, phụ tá sản xuất của The Vietnam Project. Mẹ nhấn mạnh là nếu họ thực hiện một chương trình truyền hình trung thực, mẹ mới giúp họ. Mẹ nói với cô ta, mẹ rất bất mãn nhiều phim nói về Việt Nam đã xuyên tạc sự thật như "Vietnam, 30 Months After 30 Years of Wars", mà mẹ đã xem lúc ở Minnesota và nhiều phim khác nữa. Đó là lý do mẹ đi học truyền hình. Judith cho biết họ tìm cách xin phỏng vấn các tướng tá Việt Nam, nhưng không ai chịu hết. Cô mong mẹ giúp cô và Elizabeth Dean, giám đốc sản xuất chương trình, phỏng vấn các vị tướng lãnh cao cấp.

Trong lá thơ đề ngày 20-10-1981, cô viết: "... Our feeling is based on the research for this film, that the American people never understood the situation or the pressures in South Vietnam in 1975. And we feel Americans never understood the effect of the American political decisions on this situation and the responsibility of the United States in the fall of South Vietnam..."

"... Cảm nghĩ của chúng tôi, dựa vào những sự nghiên cứu cho cuốn phim này, là dân Mỹ không bao giờ hiểu được hoàn cảnh hay áp lực mà Miền Nam Việt Nam phải chịu năm 1975. Và chúng tôi nghĩ rằng người Mỹ cũng không bao giờ biết được ảnh hưởng tai hại của những quyết định chính trị trong hoàn cảnh đó và trách nhiệm của Hoa Kỳ trong sự sụp đổ của Miền Nam Việt Nam..."

Cũng vì câu trên của cô và những lời hứa cố gắng làm một phim trung thực, mẹ mới cộng tác với họ. Mẹ mời hai cựu tướng lãnh là ông Phan Phụng Tiên, và ông Trần Văn Nhựt cùng một số cựu sĩ quan đến nhà mẹ cho họ phỏng vấn. Mẹ đưa họ đến Trung Tâm Sinh Hoạt Người Việt Quốc Gia phỏng vấn ông Đặng Giang Sơn, Trung Tâm Trưởng và các cựu sĩ quan về mùa hè đỏ lửa, Chiến Dịch Phượng Hoàng v.v...

Mẹ còn hăng say đưa nhà báo Judy Coburn, ký giả của Los Angeles Times và Village Voice tại New York cùng ký giả Bruce Palling, người Úc đến gặp luật sư Phạm Kim Vinh, một bình luận gia và là cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Sau khi loạt phim tài liệu do đài WGBH ở Boston này bị cộng đồng mình chống đối. Mẹ xấu hổ với những người vì tin tưởng lời mẹ, đã để cho truyền hình Mỹ phỏng vấn. Họ tin mẹ qua các bài báo trung thực về các sinh hoạt đoàn thể và cộng đồng mà mẹ đã viết. Mẹ chỉ muốn tránh hết mọi người vì không biết phải giải thích như thế nào.

Hai cựu tướng lãnh đều than với mẹ là không hiểu dụng ý của họ trước khi bị phỏng vấn. Hai ông cho biết đã trả lời hết sức trung thực nhưng họ cố ý chỉ lựa một vài câu nói có lợi cho mục đích của họ làm sai lạc hết các ý mà hai ông muốn trình bày. Hôm đài truyền hình này phỏng vấn hai ông tại nhà cũ ở Long Beach, mẹ có thu vào băng cassette, đến bây giờ mẹ vẫn còn giữ. Nhưng mình làm được gì???

Mission Viejo, 29-2-1992

Trang thương,
Tuần rồi mẹ dắt Thịnh, Cường đi San Diego xem trường. Tháng tám này Thịnh sẽ vào nội trú ở Đại Học San Diego. Mấy mẹ con đi bộ trong khuôn viên đại học, nhìn các sinh viên tới lui tấp nập, lớp ngồi ăn trưa ngoài nắng hoặc ngồi dài theo đường. Họ đặt bàn quảng cáo, nào là các mẫu hình để xăm vào da, nào là áo thun đủ kiểu, nữ trang giả, sách tôn giáo.v.v. Mẹ nhớ thời sinh viên quá. Thịnh có vẻ thích ra mặt. Mẹ nói, mẹ thích đi học, mẹ muốn làm sinh viên hoài. Thịnh nói: "Con hỏng biết mẹ học làm chi? Bằng cấp của mẹ để làm gì? Con mệt mẹ quá."

Mẹ bảo với nó, mẹ có đi làm truyền hình nhưng mẹ không làm được những gì mẹ muốn nên mẹ bỏ. Vả lại mẹ đi cắm hoa như vậy mới có thì giờ lo cho các con hơn.

Sau đó, mẹ dắt hai em đi ăn trưa ở bãi biển La Jolla. Mẹ muốn đưa hai em đến đây vì cảnh đẹp, mẹ thích ngồi ăn nơi có thể nhìn biển. Các em lại thích lựa món ăn ngon và có truyền hình để xem hockey (chơi banh trên băng). Hai đứa gọi hai bẹ sườn nướng thật lớn. Mỗi miếng có mười hai cái ba sườn. Ông bồi cho mỗi anh một găng tay nylon để ăn khỏi dơ. Hai đứa ăn miệng dính tùm lum nên hết đứa này đến đứa kia chu miệng cho mẹ lau. Mẹ xúc động ghê đi. Các em con lo ăn quên là đã lớn tồng ngồng rồi. Thịnh thì cao hơn các ông khách Mỹ trong tiệm, cao hơn cả ông bồi, còn Cường đã cao hơn mẹ. Nó được mười sáu tuổi hôm 26-2, nhưng chưa được đãi sinh nhật vì ba mẹ bận.

À, tuần rồi mẹ có đến thăm tiệm hoa Conroy’s. Bây giờ dì Phương đã trở lại làm vì con dì bắt đầu lớn đi học mẫu giáo. Mẹ gặp một cặp vợ chồng bên Pháp di dân qua. Mẹ mừng quá vì được quen với họ để nói tiếng... Tây. Từ hồi nghỉ học ở trung học Marie Curie ở Sàigòn, để chuyển qua chương trình Việt đến bây giờ đã hơn hai mươi lăm năm, mẹ không có người bạn đầm nào cả nên không có dịp thực tập. Lúc mới gặp họ, mẹ cứ nói lộn xộn hai thứ tiếng Anh và Pháp hoài vì quên gần hết rồi..

Đối với lịch sử, thì mình ghét Tây ghê vì họ "bảo hộ" nước mình, nhưng chữ nghĩa, sách vở, âm nhạc, văn hóa Pháp đã tiêm nhiễm vào tâm hồn mình lúc nào không biết. Thời gian mẹ học chương trình Pháp ở Cao Miên và lúc về Việt Nam cũng chẳng bao lâu, mà mẹ thấy bị tiêm nhiễm khá nhiều. Mẹ thấy thích thú khi nghe người Pháp nói chuyện. Dù mẹ quên và nói không giỏi nhưng khi Sylviane hay chồng là Dominique nói thì mẹ hiểu cả. Mẹ dắt Sylviane đi Bolsa, vào chợ Little Saigon, vào Phước Lộc Thọ, nhà hàng Song Long, tiệm cà phê Le Croissant Doré, để bà nói chuyện với ông chủ tiệm. Mẹ dắt bà đi nhuộm tóc. Cái gì bà cũng nói rẻ hơn chợ Mỹ và thích Việt Nam lắm.

Hình như khoảng thời gian theo học chương trình Pháp đã để lại cho mẹ nhiều kỷ niệm. Mẹ nhớ lúc học ở Marie Curie, Anh văn của mẹ rất dở, và dĩ nhiên là mẹ ghét luôn bà giáo dạy tiếng Anh và cho là bà ghét mẹ vì điểm mẹ... thấp. Mà mẹ không dở sao được, từ chương trình Việt đổi qua Pháp, chữ Pháp còn chưa xong, viết, nói còn trật văn phạm mà lại phải học Anh văn thì làm sao giỏi được. Mẹ không có khiếu về sinh ngữ mà lại phải đương đầu với sinh ngữ hoài. Thật là ghét của nào trời trao của ấy phải không con?

Trang thương,
Có lẽ nghiệp cắm hoa của mẹ đã hết hay sao, mỗi lần sắp nhận việc trong tiệm hoa thì có chuyện ngăn trở. Lúc thì Thịnh, Cường đau một lượt, lúc mẹ đau, lúc bận đi trại tị nạn nên mẹ sợ làm nửa chừng xin nghỉ họ không cho... Thôi thì đủ thứ lý do hết.

Mẹ thấy sao trong cuộc đời mẹ không có cái gì mà mẹ đi cho trọn vẹn cả. Học chữ thì từ tiếng Việt qua Pháp rồi đổi ngược lại bốn lần. Học báo chí rồi qua truyền hình, bỏ nghề truyền hình đi cắm hoa rồi trở lại viết báo... Bây giờ thì mẹ sẽ còn viết nhiều hơn, vì từ khi ông ngoại mất, mẹ phải lo thêm báo Đuốc Từ Bi. Mẹ nghĩ, có lẽ mẹ viết báo rồi thực hiện các chương trình phỏng vấn về sinh hoạt cộng đồng cho Little Saigon TV, rồi mở lớp cắm hoa và làm phim video dạy cắm hoa. Như vậy thì gộp cả ba ngành lại con nhỉ? Tất cả những gì dòng đời đưa đẩy mình gặp để làm là vì mình có thiện duyên với nó. Vậy thì tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng nào mẹ cũng dở cả, mà mẹ lại có duyên học nó chắc rồi cũng có lúc mẹ sử dụng với một mục đích hữu ích nào đó. Tiếng Pháp, tiếng Anh thì bất đắc dĩ mẹ phải học, mẹ thấy khó và ghét quá, nhưng bây giờ mẹ thương nó ghê. Nhờ có học mà mẹ biết ngôn ngữ Pháp thật dễ thương.
Lúc học ở trung học Marie Curie, mẹ thích mượn tiểu thuyết Pháp về đọc. Những chuyện tình của những cặp thanh niên thiếu nữ tuổi dậy thì dễ thương thơ mộng làm sao. Đọc lại nhật ký mẹ viết lúc quen với ba, mẹ ngạc nhiên thấy những trang viết bằng tiếng Pháp đầy giọng tiểu thuyết lãng mạn, bây giờ đọc lại không khỏi bật cười.

Tiếng Mỹ thì hôm nọ mẹ đi ăn trưa với ông Jim Cooper, Giám đốc sản xuất của đài truyền hình 50 KOCE tại quận Cam, mẹ mới hay là bây giờ mẹ nói dở quá con ạ. Mẹ phải xin lỗi ông cho cái "broken English" của mẹ. Hơn mười năm không dùng tiếng Anh, lại làm trong tiệm hoa với chủ Đại Hàn, nên tiếng Mỹ của mẹ biến thành Korean-English. Chỉ có một bà chủ Đại Hàn của tiệm hoa lụa ở Lake Forest là giỏi tiếng Anh vì bà là giáo sư Anh Văn. Nhưng mẹ chỉ giúp bà lúc lễ thôi. Còn các bà khác nói văn phạm, ngữ vựng lộn tùng phèo, nhiều khi không có động từ hay chủ từ và chẳng cần chia quá khứ vị lai gì cả.

Mẹ có bà bạn người Nhật làm chung chỉ biết một chút tiếng Anh, tên Setsuko, mẹ và bà trao đổi bằng tiếng Anh-Nhật lẫn ra dấu. Vậy mà hai người chơi thân đến mấy năm đó con. Bà là giáo sư dạy cắm hoa Ikebana bên Nhật, biết chạm trổ bàn ghế, làm tượng bằng thạch cao. Bà bán tiệm qua Mỹ ở với con gái đã ly dị. Bà phải làm thí công cho chủ tiệm hoa để được ký giấy tạm trú. Trên giấy tờ bà là Head Designer (thợ chánh) lương cao, nhưng trên thực tế chỉ được lau chùi dọn dẹp, rửa tủ chưng hoa, "clean" (rửa) bông và sửa soạn các bình và giỏ hoa cho mẹ cắm. Mẹ rất thương bà và tìm mọi cách để cho bà có dịp cắm hoa như bà mong ước. Mẹ thường hay ăn trưa chung với Setsuko và bỏ xe đạp của bà vào thùng xe rồi chở bà về lúc trời mưa...

Trang thương,
Hôm mới nhập thất mẹ nằm mơ thấy ba chị em con còn nhỏ rất dễ thương. Nhờ sự có mặt của con trong gia đình một thời gian mẹ mới hiểu được sự lo lắng của một bà mẹ có con gái mới lớn. Mẹ nhớ buổi sáng chở con đến trường trung học Mission Viejo. Mẹ thường hay hôn con trước khi con xuống xe với ước mong sự biểu lộ tình thương giúp con cố gắng không hư hỏng, bỏ học như một số các cô gái vị thành niên ở Mỹ. Lúc ba mẹ ruột của con ở trại tị nạn Thái Lan qua, ba mẹ cho con về đoàn tụ. Mẹ biết con quyến luyến gia đình vì con xem ba mẹ và Thịnh, Cường như ruột thịt. Biết con buồn giận, nhưng ba mẹ quyết định như vậy vì chữ hiếu của con. Ba mẹ và các em ruột của con cần con nhất vì họ mới qua. Lúc đó con về giúp mới đúng lúc và đáng quý hơn hết. Thấy con vất vả, sự học bị đình trệ, ba mẹ xót dạ, nhưng cho rằng trách nhiệm và sự đối phó với những khó khăn sẽ giúp con khôn lớn và hiểu đời hơn. Một ngày nào đó con sẽ hiểu và không trách ba mẹ.

Nay con đã lập gia đình, sanh con đầu lòng hạnh phúc, ba mẹ rất sung sướng. Điều làm mẹ hãnh diện là con sống đơn sơ, không đua đòi vật chất. Như vậy ba mẹ đã mãn nguyện rồi.

Còn một điều mẹ mơ ước mà chưa thành là con được tốt nghiệp ngành giáo dục trước khi lấy chồng. Sở dĩ mẹ mong con học ngành này vì lúc đi học ở đại học Minnesota hay Long Beach, mẹ thấy sinh viên Việt Nam học ngành kỹ thuật nhiều quá mà không chọn ngành giáo dục, trong khi tương lai nước mình rất cần nhiều người học ngành này. Sau mười mấy năm sống dưới chế độ cộng sản ở Việt Nam, có biết bao thanh niên, thiếu nữ, trẻ em bị thất học. Nền giáo dục chẳng những bị dậm chân tại chỗ mà còn thoái hóa. Thật không có điều gì làm cho một quốc gia chậm tiến lạc hậu cho bằng sự thiếu giáo dục, thiếu hiểu biết.

Trang con,
Điều gì mình muốn đều có thể làm được cả, nếu mình có một ý chí mạnh mẽ, bền vững. Con đã được qua Mỹ ăn học, tốt nghiệp trung học và đại học cộng đồng. Con chỉ cần một bước ngắn nữa thôi. Con nên chọn một ngành gì hữu ích cho quốc gia mình nếu con không thích ngành giáo dục. Ông ngoại đã dạy mẹ: "Con gái nên học ra trường có nghề nghiệp vững chắc để sau này không lệ thuộc vào chồng." Câu này luôn luôn đúng.

Hơn nữa nếu có nghề nghiệp vững chắc để phụ giúp cho chồng, thì đời sống càng bền vững hơn, mà có thể giúp xây dựng cộng đồng nơi mình sống, nếu không muốn nói đến quốc gia thân yêu mà mình muốn trở về.

Thương yêu con,
Mẹ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880