THỊNH

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 11152)
THỊNH

Thịnh bảo tôi đến Jenny Craig Center gần nhà để hỏi về chương trình ăn kiêng. Cách đây một năm, con tôi đã tỏ ý muốn đến một trung tâm ăn kiêng. Thịnh nói cần sự giúp đỡ của người khác, nhưng tôi bác bỏ vì tôi nghĩ tùy thuộc vào ý chí của nó, chứ ăn kiêng rồi mà cứ ăn nhiều trở lại thì không có kết quả.

Thịnh thường nói: "Mẹ không biết, mẹ chỉ nói mà không chịu nghe", hoặc "Con không thích nói chuyện với mẹ vì mẹ không hiểu".

Có lẽ con tôi nói đúng. Tôi chỉ biểu nó bớt ăn, rầy nó khi thấy nó ăn nhiều, và những điều đó không giúp nó được.

Mỗi lần thấy Thịnh ăn cheese, mayonaise, big-mac là tôi buồn, tôi giận. Tôi rất thích nấu những món lạ, món Pháp cho gia đình ăn, nhưng tôi lại buồn vì thấy Thịnh ăn ngon và ăn nhiều. Tôi nấu cái gì Thịnh ăn cũng nhiều hết. Tôi nấu những món mà tôi nghĩ rằng ít làm cho mập, rồi cuối tuần Thịnh ăn pizza và hamburger tôi lại giận vì cho rằng uổng công. Tôi lo cho Thịnh, nhưng Thịnh vẫn tiếp tục ăn đồ ăn quá béo bổ.

Nhiều khi hai mẹ con cãi nhau vì chuyện ăn uống. Thịnh giận nói: "Mẹ, nếu mẹ không giúp gì cho con được thì mẹ đừng nói nữa"; hoặc "Con thích ăn vì con đói" hay "con thích ăn vì đồ ăn ngon".

Lúc còn sống, ông ngoại ưa kể đi kể lại khi ông hỏi: "Con không sợ mập sao?" Thịnh trả lời: "Con không sợ mập mà con sợ đói hà". Lúc đó Thịnh còn nhỏ khoảng gần mười tuổi.

Không biết Thịnh bị quá cân lượng có phải tại tôi không? Lúc sắp rời Việt Nam, Thịnh mới 16 tháng. Đến phi trường Tân Sơn Nhất, Thịnh bắt đầu bỏ sữa. Hộp sữa bột Guigoz mang theo còn nguyên. Đến trại tị nạn ở Grand Island Philippines, rồi qua Guam, Thịnh ăn thức ăn tôi lãnh về. Thịnh gầy và móm. Ở Guam trời nóng Thịnh mặc xì líp, ở trần ngồi trên ghế bố. Lúc đó chúng tôi ở lều vải, trời nắng và gió, cát bụi mù mịt.

Hôm đếm đảo Guam trời tối. Các anh lính Mỹ dựng lều cho chúng tôi đang ăn đùi gà chiên. Thấy Thịnh đói quá, tôi xin các anh một đùi gà. Không biết có phải tại vậy mà Thịnh "mê ăn gà" không?

Qua tới Fort Chaffee, Thịnh đeo tôi cả ngày. Vì đổi giờ cho nên ban đêm Thịnh thức đòi tôi ẵm đi chơi, ban ngày ngủ, tại vậy tôi gầy nhom. Tôi và Lệ, cô em họ cứ hay ép Thịnh ăn đồ ăn của em bé trong hũ (baby food) của trại phát vì thấy Thịnh ốm quá.

Tháng 6-1975, chúng tôi định cư ở Minnesota, nơi có tuyết lạnh vào mùa đông. Có những buổi sáng thức dậy tuyết phủ ngập cả chiếc xe. Nhiều lúc xe không nổ máy vì quá lạnh. Có một lần Thịnh bị sưng phổi phải gọi xe cấp cứu vì Thịnh thở không được. Họ phải đưa Thịnh đi ngay vào nhà thương. Chỉ có một đêm mà Thịnh ốm và xanh như con "khỉ già", bị cột tay chân vào thành giường, và nằm trong mùng để thở dưỡng khí. Ban ngày tôi ở đó, ban đêm ông xã tôi ngủ dưới đất bên cạnh giường Thịnh, vì Thịnh không chịu xa chúng tôi nửa bước.

Khi có tôi thì Thịnh đòi ba nó, khi có ông xã thì Thịnh đòi tôi. Ban ngày tôi phải bắt ghế cho Thịnh ngồi cạnh của sổ để "đợi ba". Những người Mỹ chưa quen với lối sống của người Á Đông có vẻ ngạc nhiên về cách săn sóc con của chúng tôi. Quanh phòng Thịnh các trẻ em đều ở một mình. Thỉnh thoảng, cha mẹ các em chỉ đến thăm một chút rồi về. Các em trong đó phần nhiều đều bị cột vào thành giường để khỏi té, hoặc giựt kim lúc đang vào nước biển. Vậy mà có lúc cũng có em té xuống đất. Lúc đó có lẽ Thịnh được bốn tuổi và đại gia đình chúng tôi mua được một căn nhà ở Edina. Sở dĩ chúng tôi chọn khu này vì có trường học tốt và yên tĩnh. Cảnh ở đây rất giống Đà Lạt. Khoảng thời gian này tôi nhớ Đà Lạt ghê.

Từ khi bị sưng phổi, Thịnh thường hay bị dị ứng và suyễn. Mỗi tuần hai lần tôi phải chở Thịnh xuống phố Minneapolis để chích thuốc Allergy (dị ứng). Thịnh cứ hay suyễn và mỗi lần sau các trận suyễn, Thịnh xanh và ốm nên vợ chồng tôi phải ép Thịnh ăn hamburger và khoai tây chiên của Mc Donald. Cứ thế cho đến khi Thịnh lớn dần. Có lẽ ngày nay con tôi quá cân lượng là lỗi của chúng tôi, ngày xưa ép con tôi ăn vì nó suyễn và mất sức chăng?

Lúc mang bầu Thịnh, vợ chồng tôi ở Đà Lạt. Sau khi sanh Thịnh ở Sàigòn, tôi lại đem Thịnh trở lên Đà Lạt vì ông xã tôi muốn gần cậu con trai đầu lòng. Thịnh hay xổ mũi luôn vì Đà Lạt lạnh, trời mưa và dĩ nhiên là nhà không có sưởi.

Vợ chồng chúng tôi ở trong một căn phòng nhỏ chỉ đủ để hai cái giường và một cái nôi. Chúng tôi phải ngồi ăn cơm ở dưới đất. Lúc đó ông xã tôi đi dạy môn kinh tế tại trường Võ Bị Đà Lạt. Đôi khi tôi tự hỏi, có phải lúc nhỏ ở Đà Lạt, Thịnh chịu lạnh không nổi nên bị xổ mũi hoài. Rồi lại ở Minnesota quá lạnh bị sưng phổi, vì thế nên bị suyễn luôn không?

Có nhiều người nói thuốc suyễn có kích thích tố làm cho ăn nhiều và mập. Tôi thấy điều đó có lẽ đúng, vì mỗi lần chích thuốc suyễn Thịnh ít khi chịu ngồi yên, vừa thở mệt mà lại chạy giỡn, nên dĩ nhiên Thịnh phải ăn nhiều vì đói.

Có một dạo Thịnh bị suyễn nhiều vì đổi từ trường tiểu học Weaver ở Los Alamitos về La Tierra ở Mission Viejo. Lúc đó Thịnh học lớp bốn, nhưng khu học chánh này dạy trình độ cao, và nhiều bài học bài làm hơn. Mỗi ngày sau khi đi học về Thịnh lo làm bài, học bài hoài vì sợ cô giáo rầy. Hơn nữa mỗi lần suyễn, Thịnh nghỉ ở nhà, có khi vài ngày, hoặc một tuần, nên bài dồn lại nhiều. Vậy mà Thịnh rất cố gắng nên được điểm cao. Điểm Thịnh bắt đầu xuống khi học với ông thầy lớp sáu, Thịnh nói ông thầy của Thịnh lúc nào cũng nói về ông và luôn luôn cho ông là người giỏi nhất. Lần đầu tiên tôi gặp một ông thầy ở xứ Mỹ bảo tôi, cứ việc đánh con khi chúng lì và ông ta cũng đánh con như thường, nếu chúng không nghe lời.
Năm đó Thịnh cao lớn thấy rõ. Thịnh đứng ngang với các đứa bạn Mỹ cùng lớp và còn cao hơn vài đứa khác. Lúc tốt nghiệp tiểu học, trong khi các bạn ăn mặc thường thì Thịnh đòi mặc một bộ đồ veste mới để lên lãnh bằng. Lúc học tiểu học Thịnh học đờn hồ cầm, và có vào ban hợp ca của trường. Nhưng ngày trình diễn Thịnh mắc cở với ba mẹ, nên chỉ nhép miệng chút chút, chớ không hát to như các bạn khác.

Lúc học với ông thầy lớp sáu, có lẽ Thịnh bị suyễn nhiều nhất. Tôi không dám đi làm xa cũng vì thế. Nhiều hôm tôi đi làm trong tiệm hoa mà cứ phập phồng không biết nhà trường gọi lúc nào. Nhiều khi Thịnh thở không được, không phải vì suyễn mà vì uống nhiều loại thuốc quá nên bị thuốc hành. Ông hiệu trưởng bắt Thịnh liệt kê những thuốc đã uống và yêu cầu tôi nói với bác sĩ là bà cho Thịnh uống quá nhiều thuốc. Tất cả tám loại, mỗi ngày ba lần.

Mỗi tuần bác sĩ bắt Thịnh chích hai lần. Rất nhiều lúc Thịnh không bịnh nhưng sau khi chích thuốc dị ứng, Thịnh bị phản ứng, mắt đỏ lên và bắt đầu khò khè. Bà ta bắt vào thở máy. Chất thuốc Alupent để vào máy cho Thịnh thở làm tim Thịnh đập mạnh, mặt Thịnh xanh, có nhiều lúc ói ra nhiều nhớt. Những lúc đó, hay những lúc chở Thịnh đi cấp cứu vào nhà thương ban đêm, tôi thấy cuộc đời không còn niềm vui nữa. Tôi chỉ mong ước cho Thịnh hết bịnh suyễn.

Lên lớp bảy Thịnh bắt đầu học kém, làm mất bài làm, vào lớp trễ... Khi học tiểu học từ sáng đến trưa Thịnh chỉ học một lớp và một cô hay thầy, bây giờ chạy đi đổi lớp lung tung. Lúc thì tủ bị kẹt, lúc thì chạy từ lớp này qua lớp kia bị suyễn. Điểm thể dục của Thịnh thấp, vì có nhiều buổi sáng sau khi chạy trong lớp, Thịnh lên cơn suyễn. Tôi phải thường xuyên viết giấy xin cho Thịnh được miễn chạy, vì vậy ngay cả điểm thể dục của Thịnh cũng thấp.

Vì Thịnh suyễn hoài nên phải ngưng học lớp Việt ngữ vào chủ nhật. Rồi một thời gian sau thì ngưng sinh hoạt hướng đạo. Một phần vì các huynh trưởng hay bận việc nên sinh hoạt không được đều đặn như xưa. Một phần Thịnh thích đá banh một tuần hai lần, và thứ bảy hay đi đấu với các đội khác vùng.

Thịnh và Cường đều thích đá banh, nên tôi phải làm việc bán thời gian để sau giờ học của các con, tôi có thể đưa rước hai anh em đi đá banh hoặc dợt nhạc hòa tấu ở trường, và tôi có thể đi chợ, nấu cơm chiều.

Năm lớp bảy, có một dạo tự nhiên Thịnh bỏ ăn và bỏ hết thuốc. Lúc suyễn Thịnh cũng không uống thuốc suyễn. Bác sĩ của Thịnh đề nghị chúng tôi cho Thịnh đi bác sĩ tâm thần và bà cho là Thịnh bị tim. Tôi lại nghĩ rằng Thịnh mệt tim vì uống nhiều thuốc suyễn. Tuy nhiên chúng tôi cũng cho Thịnh đi bác sĩ đặc biệt về tim, mang máy đo tim. Kết quả, Thịnh không có bị tim gì cả. Dạo đó có xảy ra vụ người ta chết vì ăn nhiều phô mai có chất độc, hay uống thuốc bán ở chợ có thuốc độc gì đó. Thịnh ăn thật ít và trong một tuần sụt năm kí lô. Lúc đó, tôi chỉ mong sao cho con tôi ăn được, và tôi tự hứa là khi nó trở lại bình thường, tôi sẽ không rầy và ép nó chăm học nữa. Miễn cho nó mạnh khỏe là đủ rồi.

Thịnh là đứa bé nhiều tình cảm. Có một lần ông xã tôi mướn cuốn phim về chiến tranh nguyên tử, vừa mới vặn lên một chút thấy người ta chết vì chiến tranh hóa học, Thịnh khóc òa lên và bắt tắt liền. Lúc học tiểu học, có lần cô giáo bắt Thịnh làm một tấm bích chương để dán hình Thịnh thích, gọi là "My very own poster all about me". Chỗ ghi câu "Gia Đình và Tôi", Thịnh dán hình chụp cả đại gia đình mấy chục người, hình Thịnh khi mới biết lật, chụp ở Đà Lạt và hình tôi bế Thịnh ngồi chơi trước cửa phòng với ông xã tôi mặc đồ chuẩn úy lúc dạy ở Võ Bị Đà Lạt. Nơi chú thích những gì Thịnh ghét, Thịnh dán hình thuốc lá Marlboro, loại thuốc mà ông xã tôi hay hút và hình ông Khomeni. Nơi những gì Thịnh thích, Thịnh dán hình Tổng Thống Reagan và phi hành gia trên mặt trăng.

Riêng ba điều ước của Thịnh viết trên tấm bích chương là tôi không bao giờ quên:

Điều thứ nhất, Thịnh mong cho thế giới có hòa bình; điều thứ hai, không có người nghèo; điều cuối cùng Thịnh mong sẽ là người mạnh khỏe nhất trên đời.

Đọc những điều ước trên, tôi thấy thương con quá. Có lẽ trong đời tôi, điều mà tôi không thích và sợ nhất, là bịnh suyễn của Thịnh và ông xã tôi hút thuốc lá.

Hồi còn nhỏ, tôi rất thân với dì Xuân. Dì nhỏ tuổi hơn tôi, dì học giỏi và đẹp có tiếng ở trường Thoại Ngọc Hầu, Long Xuyên. Năm nào dì cũng được lãnh phần thưởng xuất sắc của trường. Tóc dì dài, mũi cao mơ mộng, miệng cười má lúm đồng tiền. Nhưng mỗi khi dì lên cơn suyễn, trông dì thật mệt và tội nghiệp. Lúc ở Sàigòn, mỗi lần nghỉ hè tôi thường hay về Long Xuyên chơi ở nhà dì. Nhiều đêm tôi chợt thức thấy dì ngồi thở khó khăn và hình ảnh đó không bao giờ phai mờ trong trí tôi. Ngờ đâu bây giờ đến lượt Thịnh cũng bị khổ sở vì bệnh này.

Chuyện "ông bố hút thuốc lá" là một bận tâm khác. Cả hai anh em Thịnh, Cường tìm mọi cách cản ngăn ba chúng hút thuốc. Có dạo nhà trường dạy về sự nguy hiểm của thuốc lá. Hai đứa về nhà thấy thuốc lá ở đâu là dấu hoặc vò nát rồi liệng thùng rác. Ông xã tôi phải đi theo xin từng điếu một. Nhiều lần, hai đứa giận đỏ cả mặt vì ba chúng cứ hút thuốc hoài, bỏ không được.

Một hôm Cường khóc nói với tôi: "Mẹ là vợ mà sao không tiếp tụi con nói với ba vậy". Tôi bảo: "Mẹ nói hoài không được". Tôi không muốn nói nữa vì mỗi lần nói đến thuốc lá là vợ chồng mất vui.

Thịnh mua cho ba nó một cuốn video "Stop Smoking" (Ngưng hút thuốc). Nó vặn cho ba nó xem, một lát ba nó ngủ khò. Chẳng thấy hiệu quả mà ba nó cũng chẳng chịu xem một mình, nên cuốn video bị chìm trong lãng quên.

Niềm hy vọng cuối cùng của hai thằng con trai là đợi bà nội qua đoàn tụ để bà nội rầy ba. Bà nội qua đoàn tụ tháng 9-1989 và bà nội rầy, ba của chúng vẫn trơ trơ nên hai đứa buồn lắm. Nhất là thấy bà nội xỉa thuốc, tụi nó lại sợ bà bị ung thư cổ.

Bây giờ hai con tôi yêu cầu ba chúng hút thuốc ngoài sân để chúng không bị suyễn. Hai đứa giải thích là người hít hơi thuốc còn bị hại hơn người hút thuốc. Nhiều khi tôi tự an ủi là có nhiều điều mình cho là kém may mắn lại là một điều may. Cũng như Thịnh bị suyễn thì chắc cả đời nó sẽ không hút thuốc lá. Mong thay!

Mấy năm đầu, sau khi tôi lấy chồng, có lần ba tôi nói: "Con Mai ghét của nào trời trao của đó". Ông xã tôi không nghiện rượu hoặc mê cờ bạc, nhưng có bạn thân thì cũng uống cho say. Anh không đi tìm chỗ đánh bài nhưng nếu bày sòng trước mắt thì cũng nhảy vào đánh (khá mê). Còn thuốc lá thì mỗi ngày cả hai gói. Có chuyện khó khăn trong công việc làm hay trong đời sống nhiều chừng nào, thì anh ấy hút thuốc nhiều chừng đó.
Khoảng thời gian Thịnh bỏ ăn vợ chồng tôi lo vô cùng. Tôi hay ngồi bên giường Thịnh hay hôn Thịnh trước khi Thịnh đi ngủ. Thịnh không ăn nên ốm nhom, tôi phải lấy quần áo cũ cho Thịnh mặc, vậy mà cũng vẫn còn rộng. Tôi tự hứa khi nào Thịnh chịu ăn lại, tôi sẽ không bao giờ rầy lúc Thịnh ăn nhiều nữa.

Mỗi lần Thịnh suyễn, tôi đưa thuốc suyễn Thịnh lắc đầu, nhất định không uống, chỉ nằm nghỉ và bơm thuốc Ventoline. Có lúc suyễn nhiều sợ đi bác sĩ không kịp để chích thuốc suyễn, Thịnh ngồi ngay xuống đất, chắp tay niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Một lần suyễn vào buổi tối Thịnh bắt ba chở đi bác sĩ. Thịnh cứ niệm Phật trên xe và kêu khó thở. Ông xã tôi nói, nếu cảnh sát có rượt chắc anh ấy cũng không ngừng.

Từ lúc tự động bỏ thuốc tới giờ, Thịnh cố tự chữa bằng cách nghỉ ngơi khi lên cơn suyễn. Thịnh chỉ bơm thuốc vào miệng hít vào cho nở cuốn phổi ra. Khi suyễn nhiều thì đến bác sĩ gia đình để chích thuốc. Tôi cũng cho Thịnh đi châm cứu và Thịnh bắt đầu chơi thể thao nhiều. Năm nào đến mùa đá banh, hai anh em đều có vào đội banh. Có mùa thì chơi dã cầu hoặc bóng rổ. Năm rồi Thịnh cố gắng chạy nhiều để vào đội đá banh ở trường. Lúc đó, nhờ chạy nhiều nên người Thịnh tuy to nhưng rắn chắc và thon hơn bây giờ, và dĩ nhiên là có rất nhiều lần Thịnh phải tranh đấu với các cơn suyễn.

Thịnh và Cường đều bị dị ứng nên gần như nghẹt mũi kinh niên. Mỗi lần nằm gần con ban đêm tôi ngủ không được vì tội nghiệp con quá. Hai anh em đều thở bằng miệng nên môi lúc nào cũng khô. Mỗi lần đổi mùa thu hay mùa xuân hai đứa nghẹt mũi nhiều vì phấn hoa.

Hè vừa rồi tôi đem Thịnh đến bác sĩ De Berry chuyên môn về tai mũi họng. Ông có một ống cao su nhỏ, đầu ống cao su có đèn để đưa vào mũi xem. Vừa nhìn vào là ông nói xương mũi bên mặt Thịnh bị gồ ra nên Thịnh bị khó thở và khi nghẹt mũi thì nước mũi chảy xuống cổ họng làm Thịnh khò khè và gây nên suyễn. Ông đề nghị mổ mũi cho Thịnh. Thịnh mừng lắm vì mong rằng không nghẹt mũi, bớt suyễn Thịnh sẽ chơi được nhiều thể thao hơn.

Nam nay Thịnh đã 17 tuổi lớp 11, Thịnh ở trong đội bóng chuyền của trường. Mỗi ngày Thịnh đều dợt banh và mỗi tuần đấu hai lần. Thịnh mê bóng chuyền hơn cả đá banh hay các loại thể thao khác. Thịnh hay mời cha mẹ đến xem mỗi lần đội Thịnh đấu với các trường bạn. Đến xem tôi mới biết Thịnh đưa banh giỏi và là người quan trọng của đội. Chỉ có một điều là Thịnh to con hơn các bạn trong đội.

Khi cố vấn của trung tâm Jenny Craig hỏi lý do Thịnh muốn xuống cân, Thịnh nói để được nhanh nhẹn hơn và nhảy cao hơn khi chơi bóng chuyền. Thịnh nói với Nancy, cố vấn, là ông thầy có hứa nếu Thịnh xuống cân thì năm tới ông sẽ cho Thịnh chơi banh nhiều hơn. Tôi được Cường cho biết riêng là ông thầy của Thịnh nói, nếu Thịnh xuống cân sẽ được vào đội tuyển của trường.

Tôi thầm nghĩ biết đâu Thịnh bị quá trọng lượng cũng là một điều tốt, để có cơ hội học hỏi. Bây giờ Thịnh phải gặp cố vấn để nói chuyện và đến lớp học về các môn như kỷ luật, bỏ các thói quen xấu, học về cách dinh dưỡng v.v... Thịnh sẽ rèn luyện được ý chí của mình. Mỗi ngày Thịnh ăn uống theo thời khóa biểu và thực đơn của chương trình.

Lúc trước có lẽ vì nghẹt mũi kinh niên nên Thịnh khó tập trung tinh thần để làm bài hay học bài. Từ ngày mổ mũi đến giờ việc học của Thịnh có phần tiến bộ. Cường không thích học nhạc nhưng Thịnh lại tự chọn môn âm nhạc. Khi lên trung học đệ nhất cấp (Junior High School), Thịnh ngưng học nhạc nhưng lúc lên lớp tám Thịnh học âm nhạc trở lại và sử dụng hồ cầm.

Thịnh nói với với tôi khi chơi nhạc Thịnh thấy học khá hơn. Năm đó tôi có xem Thịnh đi trình diễn ở đại học Saddleback College, trường trung học của Thịnh được chấm hạng nhì, sau trường trung học Los Alamitos. Lên trung học Thịnh chỉ cần học hai năm về âm nhạc thôi, nhưng Thịnh quyết định học luôn bốn năm cho đến khi ra trường.

Năm nay tôi không còn phải lo đưa rước Thịnh nhưng lại lo Thịnh chạy xe quá mau. Dĩ nhiên ngoài chuyện bảo hiểm xe, tiền trả góp xe hàng tháng, còn có tiền bị phạt, đụng xe v.v...

Hai ngày nay Thịnh phải nộp cho tôi mỗi ngày mười đồng vì Thịnh đi học trễ, đậu bậy nên bị phạt 35 đồng. Thịnh nhờ tôi giữ bí mật và tôi nói khi nào Thịnh góp đủ tôi mới chịu ký chi phiếu trả tiền phạt.

Sỡ dĩ Thịnh phải dấu, vì ông xã tôi vừa mới trả cho Thịnh một giấy phạt vượt đèn đỏ hôm Thịnh đi Disneyland về với các bạn. Mấy tháng trước thì anh ấy cũng đã đóng tiền phạt cho Thịnh chạy xe quá tốc độ và tiền Thịnh học lại lớp lái xe để không bị ghi vào hồ sơ cảnh sát.

Mấy ngày đầu tiên thấy con phải ăn theo thực đơn của chương trình ăn kiêng, tôi thấy tội nghiệp quá. Tôi vào phòng thấy Thịnh nằm im. Tôi tưởng Thịnh ngủ nên tắt tivi, Thịnh mở mắt ra nói: "Mẹ à, con mệt và đói". Tôi nói: "Để mẹ gọi họ hỏi xem họ có cho con đủ thức ăn không nhe". Thịnh bắt tôi gãi lưng mà phải gãi mạnh cả hai tay. Thịnh thật giống tôi hồi nhỏ cũng ghiền mẹ gãi lưng lắm, nhất là lúc tôi được bảy, tám tuổi ở Cái Vồn, Cần Thơ. Chiều chiều mẹ tôi hay ngồi trên bộ ván trước nhà nói chuyện với bạn bè hàng xóm, tôi thường hay nằm bên cạnh, gió hiu hiu làm tôi buồn ngủ. Đó là lúc tôi hay đòi mẹ gãi lưng nhất.

Thịnh ăn kiêng đến ngày thứ ba thì khoe với tôi: "Con xuống được bốn cân mẹ à". Tôi thấy Thịnh có một vẻ vui khác lạ. Mẹ tôi nói: "Mẹ thấy Thịnh ở trần ngắm kiếng tới, ngắm lui con ạ". Bà nội thấy Thịnh ăn ít nên xót ruột, sợ Thịnh đói.

Tuần đầu Thịnh phải đi học lớp dành cho vị thành niên và một lớp định hướng (orientation). Tôi năn nỉ Thịnh để được đi cùng mà Thịnh nhất định không cho. Thịnh nói lớp đầu tiên Thịnh muốn đi một mình. Thịnh đi học và hẹn với bạn ra công viên đánh banh luôn. Tôi mừng lắm vì như vậy Thịnh sẽ vắng mặt lúc tôi nấu cơm chiều và bữa cơm gia đình. Tôi sợ Thịnh thèm ăn tội nghiệp, vì lúc nào tôi nấu ăn Thịnh cũng xin được nếm. Có khi nếm nhiều quá tôi phải rầy, tôi nói con trai ăn bốc hay ăn vụng trong bếp là xấu lắm.

Hôm Thịnh ăn kiêng ngày thứ nhất, nhằm lúc anh bạn từ thuở trung học Taberd của ông xã tôi bên Việt Nam qua. Tôi đãi anh Tài, trùng tên với ông xã tôi, món chả cá Thăng Long. Thịnh bốc hết mấy miếng cá nướng. Thịnh nói vì thơm quá. Qua ngày sau Thịnh bốc hết mấy miếng thịt vịt trong nồi bún vịt và mấy cục sườn heo kho với tàu hủ. Tối Thịnh than đói quá, Thịnh ăn thêm hai miếng phó mát, một miếng thịt nguội và mấy miếng bánh lạt. Tôi dặn Thịnh phải khai hết với cố vấn để họ tìm cách giúp. Khi Thịnh đi học ở trung tâm Jenny Craig về thì có vẻ tự tin hơn, nói với tôi: "Mẹ à, đứa nào cũng ăn gian hết hà!".

Tôi và ông xã hay đi bách bộ sau khi anh ấy đi làm về và nghỉ ngơi độ nửa giờ. Anh luôn luôn thích cả gia đình ăn cơm chung buổi chiều vì cả ngày kẻ đi làm người đi học. Đối với anh ấy bữa cơm chung rất là quan trọng để vợ chồng mẹ con gần gũi nhau. Hôm nào đi làm về mà thấy con ăn cơm xong hoặc vừa ăn vừa xem tivi là anh ấy "xụ mặt" ngay. Nhiều khi tôi phải giải thích là các con đi học cả ngày, chiều đứa thì chơi bóng chuyền, đứa đánh quần vợt. Về đến nhà đứa nào cũng đói quá làm sao đợi đến bảy, tám giờ tối. Còn bà nội mấy cháu năm nay đã bảy mươi sáu tuổi, người lớn không nên để bụng đói sẽ mất sức hay đau bao tử, vả lại bà quen bên Việt Nam dùng cơm lúc năm giờ chiều.

Bây giờ tôi muốn giúp Thịnh ăn kiêng nên đề nghị với anh là tôi sẽ nấu nướng giản dị hơn. Nhất là tránh nấu những món Thịnh thích như gà xào mặn với gừng, cá bông lau kho tộ, mắm chưng.

Tôi còn nhớ lúc Thịnh tám, chín tuổi, mỗi lần tôi làm mắm chưng là Thịnh khoanh tay: "Cám ơn mẹ làm mắm chưng". Khi Thịnh ăn mắm chưng là phải ăn với dưa leo. Khi ăn bò nướng vỉ hay nhúng dấm Thịnh chấm với mắm nêm. Mắm kho và rau Thịnh cũng biết ăn. Mặc dù Thịnh ưa mắm và tôi cũng rất thích cho con ăn thức ăn dân tộc nhưng tôi rất ít nấu vì sợ Thịnh bị dị ứng hay bị suyễn, kéo đàm.

* *
Cường không phê bình về nghề nghiệp của tôi gì cả, nhưng những lúc gần đây Thịnh nói với tôi: "Con không thích mẹ làm bông". Tôi hỏi tại sao? Thịnh nói: "Con thích mẹ có nghề nghiệp chính thức."

Tôi nói với Thịnh nghề cắm hoa cũng là một nghề tốt vậy. Tôi có thể làm rất nhiều tiền hay nổi tiếng, nếu tôi bỏ nhiều thì giờ đi trình diễn, hoặc tham dự các cuộc thi cắm hoa lớn. Nhiều bà chủ tiệm muốn tôi làm toàn thời gian và hứa nếu làm lâu, họ sẽ bảo trợ tôi trong ngành này để tôi gia nhập hội và đại diện tiệm hoa đi tham dự các nơi.

Tôi hỏi Thịnh: "Vậy con thích mẹ viết báo hay làm cho đài truyền hình hơn à? Mẹ có thể nổi tiếng và làm nhiều tiền hơn nhưng mẹ phải làm đi làm xa vì các đài truyền hình và các hảng phim ở tận Hollywwod lận. Nếu làm những nghề đó mẹ phải đi, có khi cả tuần hay cả tháng như bác Sang ở đài NBC vậy. Rồi ai đưa rước, nấu ăn dọn dẹp cho tụi con?" Tôi nói đến đây, Thịnh làm thinh không trả lời, nhưng tôi biết sự chọn lựa của Thịnh.
Lúc trẻ con xóm tôi bắt đầu hư hỏng, bỏ học, hút thuốc, hỗn với cha mẹ, vợ chồng tôi thật là bối rối, có ý định dọn nhà đi, hoặc là xin chuyển con đi trường khác, để nó không bị ảnh hưởng của bạn bè.

Chúng tôi đã dọn nhà từ Long Beach xuống Mission Viejo vì nghĩ rằng vùng này sự giáo dục tốt và khí hậu ít ô nhiễm để Thịnh và Cường bớt suyễn và dị ứng. Lúc mới về ở đây thì tất cả các đứa bé hàng xóm đều học tiểu học. Mỗi năm trôi qua, các đứa bé lớn dần và sự khổ tâm của các cha mẹ khu tôi ở bắt đầu gia tăng. Nhất là kể từ khi trẻ con bắt đầu lên lớp bảy, lớp tám.

Lúc thì bà hàng xóm ngang nhà tôi mắng vốn Mary ở gần nhà là anh em Mark chọc ghẹo Laura, liệng giấy con bé hay tuột quần đưa mông cho con bà. Hôm thì Mark lén ăn cắp xe hơi chạy bị cảnh sát bắt. Có hôm tôi đi làm về thấy hai ba xe cảnh sát bên cạnh nhà. Sau đó mới biết Mark bị ba đánh nên gọi cảnh sát. Một ông cảnh sát nói chuyện, khuyên giải Mark ở trước nhà. Trong phòng khách thì hai ông khác nói chuyện với vợ chồng Mary.
Thịnh hay khó khăn với em nhưng quá tốt và yếu mềm với bạn bè. Bạn mượn gì Thịnh cũng cho. Lúc thì đồ chơi, lúc thì xe đạp, hoặc tiền. Khi Thịnh cho Dany mượn đến mười đồng, tôi bảo Thịnh phải đòi. Tôi nói: "Mẹ cho con tiền ăn bánh sao con cho nó mượn hoài vậy. Nếu nó mượn thì phải trả". Mỗi lần tôi bảo Thịnh đòi dĩa hát, xe đạp, băng nhạc, đồ chơi điện tử hay tiền đã cho bạn mượn, Thịnh cứ khước lần hoặc trả lời: "Con có đòi rồi". Tôi có cảm nghĩ Thịnh hay tội nghiệp những đứa bạn kém may mắn hơn vì cha mẹ chúng nó ly dị.

Có lúc chúng tôi quyết định dọn nhà, nhưng những căn nhà mới mắc tiền và lại nhỏ hơn căn nhà chúng tôi đang ở. Căn nhà chúng tôi đang ở có cửa sau đi xuống dưới đồi là trường tiểu học La Tierra. Chúng tôi mua căn nhà này để tiện cho việc hai con đi học gần và để khi bà nội qua đoàn tụ có thể nhìn các cháu lúc ra chơi cho đỡ buồn khi các cháu đi học, các con đi làm. Nhưng lúc bà nội qua Mỹ thì Thịnh, Cường đã lên trung học vì xin giấy quá lâu.

Có một lần tôi hỏi ý kiến ông thầy của Thịnh là có nên chuyển Thịnh sang một trường khác để xa đám bạn không? Thầy Thịnh khuyên, tốt nhất là giữ và theo dõi con, rồi hướng dẫn nó vì ở trường nào cũng có học sinh tốt và học sinh xấu.

Khi Thịnh, Mark, Dan, Scott lên trường trung học Mission Viejo thì Thịnh thường xin cho các bạn quá giang đi học hoặc đi làm. Thịnh thường hay hỏi tôi lúc tôi ngừng xe đón Thịnh và Thịnh dắt đám bạn đứng sẵn bên xe để cho tôi không từ chối. Trực và Toàn hay quá giang nhiều nhất. Toàn thì không nói làm gì vì ba nó đi học tập rồi chết, mẹ nó có chồng khác nên nó qua Mỹ ở với chú. Còn những đứa khác đều có cha mẹ đầy đủ nên nhiều khi tôi bực quá cằn nhằn Thịnh thì Thịnh bảo tại ba mẹ tụi nó bận hay đi làm. Tôi nói: "Mẹ cũng biết đi làm vậy nhưng mẹ muốn dành thì giờ cho hai con, chứ không lẽ mẹ phải lo hết cho lũ con của hàng xóm".

Tôi biết trẻ con hàng xóm bực bội tôi và hay chế nhạo Thịnh là có mẹ chăm sóc như em bé. Mỗi lúc Thịnh chạy qua trước sân lúc tụi nó đang tụm năm tụm ba nói chuyện chơi, hút thuốc, chửi thề, nhổ nước miếng rồi vặn nhạc xe hơi đùng đùng, là tôi gọi Thịnh về. Chúng thường nhìn tôi với đôi mắt thiếu thiện cảm. Mỗi lần vào nhà tôi chơi, tụi chúng cũng không biết chào hỏi người lớn.

Thịnh thương bạn nên rất thích tôi chơi với mẹ của bạn. Mỗi lần tôi đi sắm quần áo hay đi chợ Việt Nam ở Bolsa với Mary, Thịnh rất mừng. Mary và đứa con út rất mê phở. Lúc đám nhỏ còn học tiểu học tôi thân với Mary hơn. Mary là người đảo Guam. Ba mẹ Mary sinh mười lăm đứa con. Mary nói lúc nhỏ rất nghèo, nhà anh chị em đông nên thường phải ăn cháo mới đủ cho cả nhà. Có lẽ Mary lai Phi nên hơi đen. Mỗi lần nhà Mary có tiệc thì tôi thấy họ hay nướng thịt ba rọi và ăn ngon lành.

Lúc tôi mới dọn nhà đến, thằng con út của Mary mới vào lớp chuẩn bị mẫu giáo (pre-school). Mỗi lần tan học nó phải chạy vòng vòng ngoài sân cho đến khi hai anh nó đi học về mở cửa cho nó vào. Tôi có tánh hay "lo chuyện thiên hạ" nên hay tội nghiệp thằng bé vào những lúc trời mưa. Mary để mấy đứa con ở nhà quen rồi nên chỉ thỉnh thoảng gọi điện thoại hỏi thăm.

Tôi thường hay khéo léo nói xa gần khuyên Mary. Tôi bảo nếu con còn nhỏ mà mình không lo, xem chừng thì lúc nó lớn mình mệt lắm. Mary cũng hiểu, lúc nào cũng "I know, I know" (tôi biết, tôi biết) nhưng vẫn vậy.

Có một lần cuối tuần cả nhà Mary đi cắm trại, đứa con trai lớn ở nhà mở tiệc. Bạn bè nó kéo đến càng lúc càng đông, vì hễ chúng nghe có chỗ mở tiệc là không được mời cũng kéo đến. Tôi có cảm tưởng căn nhà hàng xóm tôi sắp xập đến nơi nếu cảnh sát không đến kịp. Sau đó Mary kể cho tôi nghe vì bọn trẻ kéo đến đông quá, Tom anh của Mark gọi chú đến tiếp để đuổi đi, vì không có ba mẹ nên không dám gọi cảnh sát. Thế là có đánh lộn, Mary nói nhà bà bị thủng vách tường và bà phạm luật vì con bà dưới mười tám tuổi mà có ấu đả, mở tiệc lúc không có cha mẹ ở nhà. Tom xong trung học thì đi Oklahoma học hai năm nghề sửa xe.

Khi Thịnh và lũ bạn lên lớp mười, tôi thường thấy Mark ở nhà hoặc ở tiệm rượu trong giờ học. Dần dần đến Dan, bạn cũ ở sau đồi. Thịnh hay lén tôi lấy xe chở Jennifer bồ của Mark và lũ hàng xóm đi. Khi thì đi xin việc làm, khi đi sắm sửa hay đi chợ. Thịnh xin phép tôi đi đâu một chút, dặn tụi bạn đi bộ ra đầu đường rồi Thịnh chạy ra đó rước. Tôi thường nói với Thịnh: "Thịnh à, chuyện đó để ba mẹ tụi nó lo. Ba mẹ tụi nó có trách nhiệm phải lo cho tụi nó. Mẹ không đổ xăng để con chở tụi nó như vậy. Còn con phải dành thì giờ học bài chứ không có "đi chơi vòng vòng" với tụi nó hoài mẹ không bằng lòng". Tôi dọa lấy chìa khóa xe lại không cho Thịnh lái xe nữa, nhưng Thịnh cũng vẫn vậy.

Tuy nhiên từ khi Mark bỏ học, xin việc không được vì để tóc dài, rồi Jennifer có bầu, gia đình phải đưa lên ở thành phố Los Angeles. Cô ta phải ở trong trung tâm dành cho nữ học sinh vị thành niên có bầu mà không được nhìn nhận. Từ hôm đó trở đi Thịnh có vẻ suy nghĩ và lo học, lo tương lai hơn. Nhất là Thịnh thấy Jennifer phải xin trợ cấp xã hội, thẻ y tế... Thịnh thấy tương lai của bạn mình mờ mịt. Lúc này tôi không cần giải thích hay khuyên dạy Thịnh nữa mà tôi biết Thịnh sẽ tự suy nghĩ lấy.

29-4-1991.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880