VỀ THÁNH ĐỊA DỰ LỄ

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 12359)
VỀ THÁNH ĐỊA DỰ LỄ

 

dai_le-content

Tiếng động cơ của những ghe máy hòa lẫn với tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng cười, tiếng chào hỏi, tiếng rao hàng mời khách, tạo thành một thứ âm thanh tuy hỗn độn, nhưng rất phong phú, tuy lạc nhịp nhưng lại rất rộn rã, tuy mộc mạc bình dân, nhưng lại rất dễ cảm dễ yêu... Đó là thứ âm thanh đặc biệt của bến bắc Miền Tây (Ôi, sao bây giờ tôi thèm nghe lại những âm thanh này như thế!)...

Tôi để mặc các em líu lo với những chùm mía ghim, những trái dừa tươi... đẩy ghế đứng dậy bước tới cạnh lan can bằng gỗ của căn quán nghèo dựng bên cạnh bờ sông. Vài cơn gió chiều nhẹ thổi làm tôi thấy khoan khoái như trút đi hết những mệt mỏi của một ngày đi đường, từ Saigon về Hòa Hảo.

Đang lơ đãng nhìn những chiếc ghe lớn nhỏ đậu san sát, dọc theo bờ sông Hậu, mắt tôi chợt dừng lại nơi chiếc ghe chài thật lớn. Trên mui ghe là khung cảnh đầm ấm của một gia đình chài lưới. Khoảng 14, 15 người, kẻ đứng người ngồi quây quần quanh mâm cơm chiều với một tô chao và một dĩa dưa leo, bữa cơm chay thật đơn giản nhưng mọi người ăn hết sức ngon lành. Kẻ gắp dưa chấm chao, người và cơm, kẻ chạy đi bới cơm. Nồi cơm thật lớn bốc khói chẳng mấy chốc đã vơi. Tôi chợt mỉm cười nghĩ đến những bữa cơm chay mà mình sẽ được dùng miễn phí tại các trại tiếp tế, gọi là trạm ăn, vào ngày mai, ngày Đại Lễ Kỷ Niệm 18 tháng 5, ngày Đức Thầy thành lập đạo Phật giáo Hòa Hảo.

Chiếc bắc từ bên kia bờ sông đang trở qua và sắp cặp bến. Mọi người xôn xao hẳn lên. Tôi dắt các em cùng ba má vội vã đi xuống bắc. Hôm nay đi bắc, không phải mua giấy. Tất cả ghe, tàu, bắc, các phương tiện chuyên chở công cộng trong vùng này đều miễn phí trong ba ngày 17, 18, 19 tháng 5. Đó là một sự biểu lộ lòng tha thiết của người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đối với ngày đại lễ của Đạo, mong sao mọi người đều quy tụ về Thánh Địa thật đông, vui.

Khác hơn những chiếc bắc lớn ở bắc Mỹ Thuận, Cần Thơ hay Vàm Cống, chiếc bắc tại Năng Gù này rất nhỏ. Đó là một loại phà có ghe máy cặp bên kéo đi. Trên bắc các em bé vẫn tới lui rao hàng. Tôi mua cho các em mấy gói đậu phọng luộc và vài cái chong chóng bằng giấy màu. Hôm nay bắc phải chạy rất chậm vì trên sông có nhiều tàu, ghe, tác rán, xuồng ba lá chở bắp, khoai, bầu, bí, dưa, mướp, cùng các loại thực phẩm để gom về tiếp tế cho các trạm ăn miễn phí đãi khách hành hương...

Bắc càng đến gần bên kia bờ Thánh Địa, bức ảnh lớn chơn dung Đức Thầy càng hiện rõ trước mắt mọi người, cùng với tiếng đọc giảng phát ra từ các ống loa độc giảng đường. Những lời thơ trầm ấm ngân nga vang lên làm cho tôi cảm xúc mạnh. Tôi thành kính khe khẽ đọc theo:

Khai ngọn đuốc từ bi chí thiện
Tìm con lành dắt lại Phật đường
Thương dân lành giáo đạo Nam phương
Đặng chỉ ngõ làm lành lánh dữ
Sách Thánh đạo ghi trong Tam Tự
Người mới sanh tánh thiện Trời dành
Bởi lớn lên tập nhiễm lợi danh
Nên tật xấu che mờ thiện tánh
Thiếu giáo dục thiếu thêm đức hạnh
Ta quyết lòng nhắc lại tánh xưa.
..........................................
Đó là những câu khởi đầu quyển GIÁC MÊ TÂM KỆ của Đức Thầy và cũng là bài học thuộc lòng đầu tiên mà ba má đã dạy khi tôi mới biết đọc biết viết. Những câu thơ thật giản dị trên là ánh đuốc soi đường cho tôi trên mấy chục năm nay. Dù ở hoàn cảnh hay không gian nào, tôi cũng nguyện cố gắng giữ Tánh Thiện mà Trời Phật đã ban cho lúc mới chào đời. Ngoài ra tôi cũng cố sửa đổi những thói hư tật xấu, cố gắng làm sao tròn bổn phận người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, đối với Tứ Ân, tức Ân Tổ Tiên Cha Mẹ, Ân Đất Nước, Ân Tam Bảo, Ân Đồng Bào Nhơn Loại...
Tiếng máy tầu nổ thật to rồi tắt hẳn. Hành khách theo nhau bước lên bờ. Đây là Thánh Địa. Các chú xe lôi mời gọi hành khách. Trời gần tối, gia đình chúng tôi lên một chiếc xe lôi có gắn máy Suzuki để chạy cho mau...

Cũng như các con đường ở Miền Tây hôm đó, con đường trải đá từ khu Hưng Nhơn ra đến Chợ Mỹ Lương nhà nào cũng treo cờ vàng ba sọc đỏ, và cờ đà PGHH. Vào giờ này tất cả các bàn thờ, bàn thông thiên đều đã lên đèn và thắp nhang. Tín đồ mặc áo tràng mầu đà cung kính làm lễ. Tôi im lặng trước sự trang nghiêm của cảnh vật và tôi nhớ lại năm nào...

Khi chiếc xe lôi chạy ngang căn nhà mái lá vách đất trộn rơm của Dượng Hai Họa Đồ, căn nhà mà mười mấy năm trước đã làm nơi tạm trú cho nhiều gia đình di cư từ Bắc vào Nam (1955), tôi lại nhớ đến anh Huyên, Ánh, Điệp con bác Lưu Hùng lúc đó còn bé tí, thường hay múa những điệu đồ mì sol mang từ chiến khu Miền Bắc vào. Chị Hằng, chị Nguyệt con bác luật sư Hà, thường hay thêu thùa may vá (Sau này, gia đình bác Hùng và bác Hà định cư ở Florida.) Thời kỳ đó chúng tôi cùng đi học trường tiểu học gần chợ Đường Tắt. Tôi thích nhai bắp rang từng hột bỏ trong túi, hay cơm vắt của bác Hùng gái làm, rồi khi khát nước thì ngừng ở bất cứ nhà nào cũng có cái lu nước mưa trước cửa, cứ tự nhiên múc uống ngon lành rồi đi tiếp tục...

Xe đang chạy mau, bỗng chậm hẳn lại và chú tài xế đưa tay lên đầu giỡ nón xuống, hành khách trên xe cũng đều làm như vậy, ai nấy đều hướng về phía Tổ Đình, cúi đầu kính cẩn... Tổ Đình là căn nhà nơi Đức Thầy ra đời và lập Đạo, lúc đó Đức Thầy đi vắng, Đức Bà thân sanh Đức Thầy còn sống, căn nhà vẫn lợp lá, mộc mạc như cũ, vì Đức Thầy đã ra lịnh không được phí tiền xây cất lớn lao...

Đêm đó chúng tôi ngủ tại nhà bà tư Cần Đước, một tín đồ gốc ở vùng Cần Đước, Long An. Gia đình bà rất giàu có, nhưng vì mộ đạo, nên bỏ hết ruộng vườn về làng Hòa Hảo cất nhà ở đó để tu. Bước vào nhà, công việc đầu tiên của mọi người là theo ba má đến thắp nhang lạy Phật, kính lễ ông bà và xá trước chân dung Đức Thầy.

Buổi tối Thánh Địa càng thêm rộn rịp, người ta đi suốt đêm ngoài đường. Tiếng đọc giảng vang lên từ các Độc giảng đường, tiếng con trẻ vui mừng gọi nhau đi xem lễ, xem cộ đèn và hoa đăng thoàn. Trên bờ, cộ đèn cũng gọi là hoa đăng xa, từ từ diễn hành, toàn dùng các loại bông thật như bông trang, bông cúc, bông huệ, bông chuối, bông cau, được trang điểm bằng ánh đèn điện khi chớp khi tắt. Mỗi xe tượng trưng cho ý nghĩa của một đề tài về Đạo, hay một đoạn nào trong mấy chục ngàn câu giảng của Đức thày... Có xe biểu tượng cảnh Cực lạc, có xe làm chân dung Đức Thầy bằng hàng gấm, có xe làm theo hình Đức Phật Thích Ca, tất cả đều biểu lộ một ý hướng mộ đạo, kính Thầy...

 

to_dinh_l_landscape_100-content



Khi đoàn cộ đèn đã đi qua, hướng về Tổ Đình, thì dưới sông đã bắt đầu sáng rực với những đoàn hoa đăng thoàn, cũng gọi là bè thủy lục. Các bè thủy lục từ các tỉnh và vùng lân cận đổ về, mỗi nơi mang một màu sắc đặc thù, có nhiều chiếc rất lớn. Các em tôi thích nhứt là thủy lục được thiết trí trên các phà, cũng gọi là chẹt, hay trảng, thường dùng để chở máy cày hay trâu bò, có ghe máy kèm bên để đẩy... Cũng có loại thủy lục, thiết trí trên những chiếc tàu máy cỡ trung, nên cao hẳn lên... Ánh đèn muôn màu từ các bè thủy lục phản chiếu xuống mặt sông lớn sóng vỗ lăn tăn tạo ra muôn ngàn mảnh sáng rung động, trên một bề dài khoảng ba cây số, thật là một cảnh tượng mà tôi chưa bao giờ được thấy ở nơi khác trên quê hương mình.

Trong lúc đó trên bờ hàng trăm ngàn người chen chúc nhau đi, hay tìm một chỗ để nhìn ra sông xem thủy lục, có người rớt luôn xuống nước... Giữa tiếng đọc kinh giảng vang lên từ các bè thủy lục, bỗng có những tiếng pháo thăng thiên nổ, tung từng cụm sáng ngũ sắc lên nền trời. Các em tôi, và chính tôi, ở cái tuổi còn thơ ngây lúc đó, thật là được xem cho thích mắt... trước khi ngủ để mai thức sớm đi hành lễ.

Khác hẳn với cảnh trí muôn màu sắc tưng bừng hôm qua, hôm nay Thánh địa thật trang nghiêm. Mọi người trở lại với bổn phận chính yếu là đi hành lễ. Từng đoàn người, đặc biệt các Ban Trị Sự từ các nơi khắp Miền Tây về đây, đồng phục khăn đóng áo dài đen, xếp hàng theo sau đại diện Tổ Đình, lúc đó là Ông Út và Cô Năm, Ban Trị Sự Trung Ương, quan khách, chánh quyền, ngoại giao đoàn... đang đi bộ tới địa điểm hành lễ ở An Hòa Tự, một ngôi chùa cổ đã có sẵn tại làng...

Khách hành hương có dịp xem các phòng triển lãm. Tôi chú ý nhứt đến khu triển lãm tranh của họa sĩ Hà Khê đã đem từ Ấn Độ về, qua một chuyến đi tìm đề tài theo các dấu chân của Đức Thích Ca, từ nơi Ngài đản sanh, nơi Ngài mộ đạo, Ni Liên Thiền, nơi Ngài thành đạo, Bồ Đề Đạo Tràng, nơi thuyết pháp lần đầu, Vườn Lộc Uyển, Linh Thứu Sơn, nơi Ngài tịnh lần cuối cùng và nơi Ngài tịch diệt, với những cảnh sông Hằng, thành phố cổ Benarès... Họa sĩ Hà Khê đã tâm nguyện đi xứ Phật để vẽ lại các dấu tích của Phật đem về vừa làm phong phú nghệ thuật, vừa dùng tranh làm tài liệu trong các lớp đào tạo giảng viên truyền đạo, khi ông đảm nhận chức Phó trưởng ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương... Những khóa giảng về cuộc đời Đức Thích Ca đã làm say mê nhiều người, và Họa sĩ Hà Khê cũng đã đem các tranh đó đến thuyết trình và triển lãm ở nhiều trường Đại Học (Tiếc thay, họa sĩ Hà Khê đã chết, sau khi cộng sản chiếm miền Nam). Tôi còn thích thú đến dự một lớp huấn luyện đạo cho các em thiếu nhi. Tôi chú ý nhứt đến phần thi đọc giảng. Giảng viên chỉ đọc một câu giảng nào đó, và hỏi các em có biết câu đó thuộc đoạn nào trong kinh giảng Đức Thầy, em nào nói trúng trước, thì được khen, nhưng phần sau quan trọng hơn, là phải giải thích ý nghĩa câu đó, nếu không hiểu thì giảng viên cắt nghĩa cho tất cả đều nghe. Hào hứng nhứt là thi đọc kế tiếp câu đó, em nào thuộc được nhiều câu sau đó thì được ban khen. Tôi lấy làm lạ có em khoảng 10, 12 tuổi mà dám đọc luôn một lần hàng chục câu, sau khi giảng viên khởi đọc một câu...

Sau khi hành lễ tại An Hòa Tự, chúng tôi về Tổ Đình. Tôi rất cảm động khi trở lại nơi mà tôi đã được sống khi còn thơ ấu, trước khi đi học. Ba má tôi thường lui tới đó, sau khi quy y làm tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo...
Cũng tại nơi đây Ba tôi thường đến làm công tác giáo sự, còn tôi thì được chơi vui dưới những hàng dừa rợp mát trong vườn... Tổ Đình vẫn y nguyên không thay đổi, hai hàng bàn dài tại nhà khách vẫn còn đó để đãi khách dùng cơm chay khi về hành lễ, những cây điệp hoa đỏ, những lu nước mưa trong vắt để ai cũng có thể uống khi đông người... Sau đó chúng tôi ra thăm phần mộ Đức Ông, ngay phía sau cánh đồng, chỗ nào cũng toàn là người chen chúc nhau hành hương...

Buổi trưa là lúc mà các em tôi thấp thỏm đợi chờ, vì được hứa dẫn đi ăn cơm khỏi trả tiền tại các trạm ăn. Có năm trạm ăn thật lớn tại vùng Thánh Địa, mỗi năm khoản đãi khoảng hai triệu bữa ăn trong ba ngày lễ, vì có khoảng từ 300 ngàn người về dự, ăn sáu bữa trong một ngày, cho nên bất cứ lúc nào, các nơi đây đều rộn rịp... Những đội tình nguyện phân công nhau nấu những chảo cơm vĩ đại, những nồi canh, nồi kho tưởng chừng cả mấy trăm người ăn cũng không hết... Nhưng vẫn không đủ vì thực khách đông quá... Ai cũng có quyền đến ăn, và ăn bất cứ lúc nào, ăn bao nhiêu cũng không giới hạn. Đặc biệt chỉ có ăn chay mà thôi. Nguồn tiếp tế các loại rau quả, gạo, củi cho dịch vụ này cũng khá quan trọng, đồng đạo ở khắp các tỉnh miền Tây đều ý thức như một thói quen cứ đến dịp này là tự động chở bầu, bí, rau cải, bắp, gạo, củi, nước tương, chao... về trao lại các ban quản trị trạm ăn... Chúng tôi ăn thật ngon lành vì đói bụng cũng có, mà vì lạ miệng, trong một khung cảnh rất đặc biệt vì nhìn ai cũng thấy ăn ngon lành mà mình bắt thèm... Tôi cứ ngồi nghĩ lẩn thẩn: làm sao mà có thể lo cho xuể, nếu không có một tinh thần tự nguyện cao độ?

Gia đình chúng tôi ở Thánh Địa cho đến ngày hôm sau mới ra về. Tôi rời làng Hòa hảo nhưng lòng vẫn còn quyến luyến, muốn ở lại thêm ít lâu, vì cô bác, bạn bè tôi ở đây nhiều quá... Đồng đạo của ba mẹ tôi ai cũng coi tôi là con cháu, thành ra bà con sao mà đông vô cùng, đúng là như lời Đức Thầy có nói: KHẮP BỐN BIỂN LIÊN GIÂY HÒA HẢO...

Hôm nay ngồi ở một nơi không phải quê hương mình, tôi cố ghi lại những hình ảnh sống động của một ngày Đại Lễ 18-5 cách đây đã gần 10 năm rồi. Trí nhớ như phai đi, không còn ghi lại được tất cả chi tiết mà mình trìu mến giữ lại, nhưng cảm nghĩ về quê hương, về Đức Thầy, về Nền Đạo, về Thánh Địa, về tất cả dĩ vãng, như có một sức sống trong tôi mà tôi tin rằng sẽ không bao giờ có thể phai nhạt được...

Lòng tôi se thắt khi tôi nghĩ đến đồng đạo của tôi đang phải sống đọa đày dưới một chế độ vô thần vô đạo. Bao nhiêu người đã bị tù, bao nhiêu người đã chết vì cương quyết một lòng trung kiên với Thầy với Đạo, với Tổ Quốc, không chịu khuất phục trước bạo lực...

Tôi cầu nguyện Ơn Trên cho ngọn bút yếu mềm của tôi có thêm năng lực để phục vụ Quê hương, Đạo pháp, cùng góp sức với đồng bào, đồng đạo phục vụ dân tộc Việt Nam, để lại được sống những ngày thanh bình hòa lạc, trên đất nước thân yêu...

thuyen_hoa_2-content

17-4-1981

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880