NHỮNG NGÀY THƠ ẤU

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 11785)
NHỮNG NGÀY THƠ ẤU

NHỮNG NGÀY THƠ ẤU

 

mai_4-content

Chỉ mới ba tuổi đầu, con bé đã biết mỗi buổi sáng lúc bình minh ló dạng ra lan can nhìn giòng sông gợn sóng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Hình ảnh dòng sông Cửu Long vào lúc ban mai chói rạng dưới bầu trời xanh của quê hương mến yêu hình như chưa bao giờ bị lãng quên sau mấy mươi năm qua. Con bé lớn lên trong khói lửa quê hương theo chân cha mẹ dời đổi nhiều nơi trên mảnh đất Việt Nam, đã một lần phải tha phương cầu thực tại xứ chùa Tháp vì chính sách đàn áp tôn giáo, nay lại phải một lần nữa rời quê hương thân yêu vì sự xâm chiếm của cộng sản. Qua bao lần vật đổi sao dời, tình yêu quê hương vẫn dạt dào mãnh liệt, vẫn là niềm xúc động triền miên trong dòng máu Việt Nam, trong từng làn da sớ thịt của cô bé ngày nào hay đứng ngắm giòng sông bên lan can căn nhà tại ngôi làng Hòa Hảo?

Con bé nhớ hình ảnh thuyền con của các ông câu chuẩn bị về nhà sau một đêm câu cá lưới tôm. Hình ảnh các xuồng, ghe chở bầu, bí, rau về hướng chợ Đường Tắc cho kịp buổi chợ. Những khuôn mặt bình thản, vui cười vẫy tay với bé, những khuôn mặt rạm nắng, mạnh khỏe với những nét vô tư của người dân quê. Họ có biết họ đang sống những giây phút êm đềm nhất trên mãnh đất quê hương chăng?

Có lẽ vì căn nhà của bé cất dựa sát mé sông nên bé sống nhiều với giòng sông chăng? Bé còn nhớ buổi chiều ba thường hay ra lan can đàn mandolin hay thổi sáo hoặc ngâm thơ. Ba thường hay đàn bài "Dừng Bước Giang Hồ" rồi nhịp lên sàn nhà rầm rầm. Ba đặt tên bé là Hoàng Cầm, còn mẹ thấy bé lúc đó mặt mày trắng trẻo mắt to mẹ sợ khó nuôi nên đặt tên Miên cho bé là Chăng-Cà-Mum-Đuôi-Then (là đen thui). Mẹ nói như vậy cho dễ nuôi. Lúc nhỏ, mẹ đã may cho bé một chiếc áo tràng màu nâu để sáng, chiều theo mẹ cúng lạy. Mỗi lần bé ra trước bàn thông thiên cúng lạy sau khi đã lạy Phật và ông bà trong nhà, bé hay nháy mắt với các bạn đến chơi ra chiều rất nghiêm trang. Ý bé nói là hãy đi chỗ khác chơi lúc bé đang lạy Phật. Sau khi cúng lạy xong, bé ngồi xếp bằng với mẹ ở lan can trước nhà để niệm Phật.

Nhà của bé cách Tổ Đình chừng hai phút đi bộ. Tổ Đình là căn nhà của Đức Ông Đức Bà Huỳnh Công Bộ, thân sinh của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ mà bé và những người còn nhỏ đều gọi là Sư Ông. Bé còn nhớ tất cả những người đi xe lôi, xe đạp mỗi lần đi qua Tổ Đình đều bước xuống dắt xe, giỡ nón cúi đầu chào để bày tỏ sự cung kính. Suốt những năm thơ ấu sống tại ngôi làng này, bé không thấy ai quên cả.

Bé thường hay theo mẹ qua thăm Đức Ông Đức Bà mà cũng như các trẻ em khác, bé gọi là Ông Cố, Bà Cố. Tổ Đình rất rộng nhất là vườn trước vườn sau. Bà Cố thường hay ngồi ngoáy trầu trên sạp gỗ, còn Ông Cố thường hay ngồi cạnh bàn để uống trà. Gần đó, bên hông nhà có nhiều bàn được xếp dài để làm nhà ăn. Nhà bếp lúc nào cũng sẵn sàng thức ăn chay sáng chiều cho khách thập phương, hay đồng đạo đến viếng Tổ Đình.

Khách thập phương đến Tổ Đình phần nhiều đều dùng thủy lộ vì làng Hòa Hảo nằm tại giao điểm giữa sông Hậu Giang và Tiền Giang, gọi là Vàm Nao. Tại ngõ tẽ này có một ngôi chùa Phật còn gọi là An Hòa Cổ Tự và chợ Đình. Từ chợ Đình có một con đường dọc theo mé sông Tiền Giang đi ngang qua Tổ Đình, qua nhà của bé kéo dài đến chợ Đường Tắc, qua miễu Bà rồi lên chợ Vàm, chợ Tân Châu. Bé còn nhớ lúc bấy giờ không có nhà ai khóa cửa hết, mỗi lần đồng đạo đến viếng nhau thì việc trước nhất là đến bàn thờ thấp nhang lạy Phật, xá chân dung Đức Thầy rồi mới trò chuyện. Khi bé ra đời, Sư Ông đã xa vắng. Tuy chưa gặp Sư Ông, nhưng bé và các người cùng lứa tuổi rất thương và kính trọng Sư Ông. Ai làm bé buồn bé hay đến trước ảnh Sư Ông để mét. Bé thương kính Sư Ông qua cách hành xử dạy dỗ của những người lớn quanh bé. Tất cả đều đối xử với nhau trong tình đồng đạo, thương yêu kính nể và giúp đỡ nhau tận tình. Bé hay nghe mẹ hay các anh chị họ kể chuyện Sư Ông, hay đọc giảng Sư Ông cho bé nghe.

Thỉnh thoảng ba mẹ phải đi công tác giáo sự xa nên bé có dịp sống với bà con hoặc các đồng đạo. Ở đâu bé cũng được mọi người thương. Nhưng đôi khi bé bị ghét vì có tánh nhỏng nhẻo, khóc dai mỗi khi nhớ mẹ. Bé sợ nhất là dì Tư Bự, ở cạnh nhà, dì hay cầm cây củi thật to dùng để nhóm lửa, khỏ cộp cộp đòi đánh bé mỗi lúc bé khóc hoài không chịu nín.

Bé rất nhát và sợ đau nên lúc lên năm tuổi vẫn chưa chịu xỏ lỗ tai. Có dạo bé ở chơi nhà dì dượng Lê Hoài Nam, một hôm có gánh hát xiệc sơn đông đến biểu diễn ở chợ Đình. Mấy chị chỉ lo làm bếp chẳng ai dắt bé đi xem cả. Tiếng trống sơn đông dồn dập làm cho bé quýnh nôn cả lên, năn nỉ các chị dẫn đi xem. Các chị ra điều kiện nếu chịu xỏ lỗ tai thì sẽ được xem. Bé thèm xem sơn đông mãi võ quá nên bằng lòng. Mấy chị lấy viết chấm rồi thoa dầu khuynh diệp lên lỗ tai, xong lấy kim chỉ xỏ vào hai tai bé. Bé ham xem sơn đông quên cả đau. Bây giờ mỗi lần nhớ lại tiếng trống sơn đông, tiếng rao thuốc tán, thuốc tể, rồi hình ảnh múa võ, để gạch lên ngực lấy búa đập bể tan, trong lòng bé vẫn còn nôn nao, thích thú.

Có lúc bé được ở Hưng Nhơn, nhà dượng hai Họa Đồ. Nhà dượng hai xây bằng đất trộn rơm rồi phết vôi trắng, rất rộng. Nhà lúc nào cũng đông vì bà con di cư từ miền Bắc vào đều ở đó. Dượng Hai nuôi tất cả họ hàng con cháu hai bên đến mấy chục người. Bé thường hay lẩn quẩn với các trẻ nít khác dưới chân mấy cây trứng cá để hái trái.

Dù nhát, bé cũng rất khoái tắm sông, bắt ốc gạo. Buổi trưa, bé nhờ các anh chặt một cây chuối để tập lội bì bõm ở con sông nhỏ sau nhà. Cách Hưng Nhơn khoảng mười cây số là Hiệp Xương. Người dân sống tại đây lúc nào cũng đủ ăn vì có nhiều lúa sạ, cá tôm. Vào mùa nước, người ta có thể nhìn thấy cá lóc mẹ lội trước, phía sau có cả đàn lòng ròng (cá lóc con) hàng trăm con lội theo. Ngoài ra, còn có ốc bưu, chim trích và chim bánh ích. Mỗi khi có ai bơi xuồng đến nơi có chim bay lên thì lấy được ổ chim có rất nhiều trứng. Đó là chưa kể đến kinh Thần Nông mang tôm, cá sặc, cá chốt, cá he, cá trê, về rất nhiều vào mùa nước từ Biển Hồ bên Nam Vang. Vào mùa này, dân làng đi lưới bắt tôm cá ăn không xuể. Cá tôm khi theo kinh Thần Nông về đẻ thêm rất nhiều trứng, đến mùa nước xuống thì tôm cá bị kẹt lại ruộng đồng, các đìa, kinh hay mương nhỏ. Thật là một nguồn cung cấp thiên nhiên cho đời sống người dân tại đây.

Mặc dù người dân tại Hiệp Xương phải sống trên ghe hay nhà sàn vào mùa nước, nhưng nước lớn cũng không ảnh hưởng đến lúa gạo, nguồn cung cấp chính của người dân, vì tại đây, cũng như các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên hay Sa Đéc, Kiến Phong, người dân sống nhờ lúa sạ. Lúa sạ chịu đựng được mùa nước vì nước cao đến đâu thì lúa cao lên đến đó. Việc trồng lúa sạ lại dễ hơn lúa thường, người nông dân chỉ cần cầy đất, phơi đất cho khô, sau đó bừa đất cho bể ra rồi sạ lúa (gieo lúa) vào trước mùa mưa. Khi mưa xuống, lúa mọc lên vừa kịp mùa nước. Trồng lúa sạ tại đây có hai điều lợi là không phải bỏ phân vì được bổ dưỡng bởi phù sa, nhờ mùa nước và không phải làm cỏ vì mực nước lên đến đâu lúa cao lên đến đó. Trồng lúa này khỏi phải gieo mạ, cấy mạ hay bón phân như các loại lúa khác. Người dân chỉ cần chờ lúa chín rồi gặt về.

 



Từ nhỏ đến lớn bé thường nghe người lớn nói đến thời Nghiêu Thuấn, bé có cảm nghĩ mình cũng đã từng sống một thời tuổi thơ hòa bình an lạc, tương tợ như thời Nghiêu Thuấn vậy. Bé bây giờ thỉnh thoảng đã bắt đầu tự nhổ cho mình một vài sợi tóc trắng. Tóc trắng càng nhiều, tình yêu quê hương lại thêm đậm đà rộn rã theo nhịp đập của con tim . Bé đau lòng khi nghe các đồng đạo vượt biên đến sau nói về ngôi làng Hòa Hảo của bé. Ngày xưa, người dân tại đây sống nhờ vào thiên nhiên nên được tự do tu hành, sống cuộc đời thanh đạm, an lạc. Nay ngoài vấn đề phải gia tăng năng xuất, còn phải lệ thuộc vào sự kềm kẹp của nhà cầm quyền cộng sản về mặt tín ngưỡng cũng như đời sống.

 

sodolanghoahaol



Bé được biết sau khi "giải phóng", cộng sản đã làm đê bao quanh khu vực Thánh Địa Hòa Hảo để dẫn thủy và thoát thủy, chận nước vào mùa nước và bơm nước vào mùa khô để làm hai mùa lúa: vụ Đông và vụ Xuân. Phương thức này nếu muốn thành công thì phải có ba điều kiện: phân bón, thuốc sát trùng và nước, mà muốn có nước phải có máy bơm và dầu nhớt. Ba điều kiện trên phải lệ thuộc vào sự phân phối của chánh quyền, và đều khan hiếm tại Việt Nam. Với việc làm "trái mùa" của cộng sản tại vùng đất Hòa Hảo đã làm thay đổi mọi sanh hoạt của người dân tại đây. Chẳng những đã thiếu lúa gạo, người dân còn mất cả cá tôm, nguồn thực phẩm thiên nhiên phong phú của trời ban cho, cộng thêm việc tín ngưỡng, lễ lạc lại bị kềm chế. Thật khác hẳn, ngày xưa mỗi lần Đại Lễ 18-5 dưới sông thủy lục, trên bờ thì dâng cộ, cờ xí rợp trời, pháo bông rực rỡ. Tất cả 11 tỉnh miền Tây đâu đâu cũng vang lên tiếng đọc Sám Giảng, truyền rao giáo lý của Đức Thầy dạy người dân tu hành, sửa đổi để sống trong tình thương đại đồng.

Ngày nay người dân tại làng Hòa Hảo đang sống trong kềm kẹp, thiếu ăn, thiếu mặc, nhiều tín đồ trung kiên với Đạo với Thầy đã bị giết hay bị tù đày. Tổ Đình nay vắng vẻ đìu hiu. Không phải chỉ dân tại làng Hòa Hảo đang sống trong cơ cực, đau khổ mà dân miền Nam, miền Trung và nhất là miền Bắc đang rên xiết dưới một chánh sách đi ngược lại lòng dân. Lòng dân hay lòng người là lòng Trời, chế độ nào đi ngược lại lòng dân chắc chắn sẽ không thể tồn tại được. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã từng nói rằng:
"Lòng dân chớ khá xem khinh
Bạo tàn giết mất nhân tình, thì thua."

28-6-1988.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880