Tây tạng lập quốc hồi thế kỷ thứ 7, do vua Song tán Tư cam (Srong-btsan-Sgampo). Xưa kia là một quốc gia độc lập, với Phật giáo rất thịnh. Các vương quốc của người Tây Tạng ngày xưa bao gồm vùng đất ngày nay là Khu tự trị Tây Tạng thuộc Trung Quốc và một phần Ấn Độ, Nepal, Bhutan. Các cuộc tranh giành quyền lực giữa các nhóm đối nghịch trong lòng Tây Tạng đã khiến vương quốc này bị suy yếu.
- Tây Tạng, Trung Quốc và Mông Cổ:
Tây Tạng vốn có một lịch sử nhiều biến động. Có lúc, Tây Tạng là một quốc gia độc lập, nhưng cũng có những thời, họ bị các triều đại hùng mạnh của Trung Quốc và Mông Cổ cai trị.
Đến đầu thế kỷ 13, đế quốc Mông Cổ bắt đầu xâm chiếm Tây Tạng, và sau đó Hoàng đế Mông Cổ đã chia Tây Tạng ra nhiều phần để ban thưởng cho bà con thân thích. Sau Thành cát Tư hãn, đến thời Hốt tất liệt lập ra nhà Nguyên, về mặt lý thuyết thì Tây Tạng nằm dưới ách đô hộ của nhà Nguyên. Tuy nhiên, do đặc điểm địa lý của mình (hiểm trở), vùng đất này vẫn là một quốc gia độc lập trên thực tế.
Vị Đạt lai Lạt ma (Dalai Lama) đầu tiên nắm được quyền lực chánh trị trên toàn miền trung Tây Tạng là Lobsang Gyatso (Blo-bzang Rgya-mtsho), Đạt lai Lạt ma thứ 5 (1617-1682), được biết như là người đã thống nhất Tây Tạng dưới quyền điều khiển của tông phái Geluk của Phật giáo Tây Tạng, sau khi đánh bại phái đối lập Kagyu và Jonang và một người cai trị không tôn giáo, hoàng tử xứ Shang, sau một cuộc nội chiến kéo dài. Thành công của ông một phần là nhờ sự giúp đỡ của Gushi Khan, một tướng quân Oirat hùng mạnh. Các tu viện theo phái Jonang hoặc là bị đóng cửa hoặc là bị chuyển sang phái Geluk, và phái này vẫn lẫn tránh cho đến phần sau của thế kỷ 20.
Năm 1652, vị Đạt lai Lạt ma thứ 5 thăm hoàng đế Mãn Châu, Shunzhi. Đạt lai Lạt ma thứ 5 cho khởi công việc xây dựng cung điện Potala (Bổ đà lạc ca) ở Lhasa (La sa, Lạp tát), và dời trung tâm nhà nước về đó từ Drepung.
Lhasa từ đó trở thành thủ phủ của Tây tạng cũng như thánh địa của tín đồ phật giáo Tây Tạng. Mỗi năm có hàng triệu tín đồ ở Tây Tạng và các nước gần đó như: Mông Cổ, Mãn Châu, Trung Quốc, Tân Cương, Ấn Độ, đến hành hương và làm lễ trước điện Potala của đức Đạt lai Lạt ma. Lhasa có nhiều đền chùa nguy nga tráng lệ, ba chùa nổi tiếng nhất là Sera, Drepung và Gaden.
Cái chết của Đạt lai Lạt ma thứ 5 vào năm 1680 được giữ bí mật trong 15 năm bởi người trợ lý thân cận của ông là Desi Sangay Gyatso (De-srid Sangs-rgyas Rgya-'mtsho). Các vị Đạt lai Lạt ma vẫn là người đứng đầu nhà nước cho đến năm 1959.
Trong thời Đạt lai Lạt ma thứ 5, những người châu Âu đầu tiên ghé Tây Tạng. Họ đã thất bại khi cố gắng chuyển người Tây Tạng sang Thiên Chúa giáo. Các đoàn truyền giáo khác cũng trải qua một thời gian ở Tây Tạng, và cũng không thành công mấy, và tất cả đều bị trục xuất.