16. Phát chẩn và thăm chùa ni Jangchub Choling Nunnery

24 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 40571)
16. Phát chẩn và thăm chùa ni Jangchub Choling Nunnery

gaden_ngari_puja_0-content
5 -1- 2009


Sáng hôm nay chúng tôi xin quý thầy tại Ngari Kungtsen làm lễ giỗ cho ba tôi, lễ cầu an cho đại gia đình tôi, và cho chị Nguyệt, một người chị họ đang bị ung thư phổi tại San Jose. Năm nay là năm đầu tiên chúng tôi xa nhà không dự được ngày lễ giỗ của ba tôi đã mất năm 1989.

 

Chúng tôi rất vui khi có dịp thỉnh quý lạt ma tái sanh chủ lễ và quý thầy trong Gaden Sartse đọc kinh cầu nguyện cho ba tôi. Có một thầy đọc sớ tên tuổi gia đình chúng tôi ghi bằng chữ Tây Tạng âm theo tiếng Việt Nam. Sau các thời kinh, chúng tôi mời quý chư tăng ăn sáng. Mọi người trong đoàn đều được choàng khăn trắng và ban phép lành.

 

 

Sau buổi lễ, các sư đi mua nhiều gạo, và đường cát trắng về, chia ra từng bịch nhỏ. Những người Ấn Độ nghèo quanh khu vực chùa bắt đầu đến và xếp hàng. Quý thầy cho họ vào từng đợt, rồi đóng cổng lại để cho công bằng, không ai đến nhận gạo hai lần. Tất cả đều đen, ốm khẳng khiu, quần áo rất cũ và dơ có lẽ vì những nơi này thiếu nước để giặt giũ. Ai có con thì được thêm một phần. Có người có giỏ xách nylon, có người đưa áo (khăn choàng) ra để đựng gạo.

 

Nhiều người ở xa biết trễ nên chạy đến tất tưởi. Mặt của họ khắc khổ quá nên không có nét vui khi nhận được gạo, chỉ có nét lo âu trong ánh mắt tỏa ra.

tibetan_nunnery_gate-content

 

Buổi chiều chúng tôi đi thăm chùa ni Jangchub Choling Nunnery gần tu viện Gaden Sartse. Trên đường đi từ trên xe buýt nhìn xuống những con đường nhỏ hẹp, gồ ghề đầy bụi bậm, chúng tôi thấy những người đàn bà ốm, đen và già bưng hoặc đội trên đầu nhũng chum nước. Bên cạnh một bà khá lớn tuổi đầu đang đội nước, có ông chồng ốm nhom đi thong thả.

 

Một cô trong đoàn hỏi sao có nhiều bà già lại có con nhỏ, đứa chạy, đứa thì được chị lớn hơn bế chạy theo. Người khác trả lời, có lẽ vì nghèo nàn và cực khổ quá nên trông họ già trước tuổi. Nhà nào khá giả là có mái ngói, nhưng bên trong cũng sàn đất và không thấy bàn ghế chi cả. Có những chú bé đang bơm nước từ giếng lên. Vài người đàn bà đang giặt quần áo, không thấy xà bông. Họ đập đập lên quần áo rồi xả nước.

 

 

Chùa ni tuy không lớn nhưng khá tươm tất. Các nữ tu sĩ đi bộ trong sân chậm rãi, khoan thai, quần áo cũng sạch sẽ lành lặn hơn một số tu viện nhỏ khác. Có những ni sư còn nhỏ tuổi đang ngồi học kinh, âm thanh cao vút và thánh thót. Thấy chúng tôi chụp ảnh thì các cô nhỏ mắc cở, cười và quay mặt đi.

 

Cạnh chùa là nhà thương The Doeguling Tibetan Hospital. Tôi thấy một tu sĩ từ nhà thương đi ra mặt mang khẩu trang, bên cạnh có người dìu. Sau khi cúng chùa và đóng góp cho quỷ nhà chùa để tu bổ và sinh hoạt, cả đoàn chở gạo đến một nhà bếp cách chánh điện một khoảng xa. Nhà bếp tu viện nào cũng nghèo như nhau. Một lò lớn để nấu trà sữa. Mọi vật dụng đều thô sơ.

prayer_wheel-content

Cạnh gian nhà bếp có treo dài trên vách tường nhiều bánh xe cầu nguyện (prayer wheel) hình trụ tròn. Các bà cụ già vừa đi xung quanh vừa lấy tay quay những bánh xe này và miệng đọc kinh. Bánh xe cầu nguyện, gọi là khor, là trợ cụ cho việc cầu nguyện. Thường làm bằng kim loại, có khi bằng gỗ hay bằng đá, da và cả vải thô, cần nhất là có thể quay tròn được. Có nhiều dạng và loại cỡ khác nhau, có khi đặt ngoài trời hay quanh chùa chiền, có loại cầm tay quay vòng trông như chuông thường sử dụng khi tụng niệm trong chùa hay tại tư gia (loại này hình như cái chuông nhỏ). Trên bánh xe thường khắc câu chú Om Mani padme hum, hoặc tám vật lành theo truyền thống Tây Tạng. Phật tử quay bánh xe và niệm chú, tin tưởng việc này mang lại công đức như việc tụng kinh.

tibetan_poster-content

Trên vách tường của một căn nhà nhỏ gần đó có dán một bích chương (poster) lớn in hình những người Tây Tạng lưu vong bị đánh đập đầy thương tích, có cả hình của Ban thiền Lạt ma thứ 11 là Gedhun Choekyi Nyima, đã bị Trung cộng bắt cóc từ lúc còn nhỏ.

 

 

 

Chùa Jangchub Choling Nunnery được xây dựng tại Mundgog năm 1987. Một trong những ni sư lớn tuổi tại đây là ni sư Sramanerika Thubten Lhatso sanh năm 1930 tại tỉnh Kham Tây Tạng. Trong khoảng thời gian đó rất ít chùa ni Tây Tạng. Vì chùa nghèo và thiếu phòng ốc tiện nghi nên 11 tháng đầu, ni sư phải ở chùa một mình. Các sư bà phải ở nhà của những người già không có cửa ra vào, cửa sổ, hoặc giường ngủ. Sư cô trẻ thì phải ngủ ở nhà của cha mẹ.

 

Lúc bấy giờ văn phòng an sinh xã hội của người Tây Tạng lưu vong bảo trợ cho các sư cô. Mỗi sư cô được giúp mỗi tháng 40 rupi, và gia đình phải cho thêm 30 rupi để trang trải chi phí. Dần dần có những người tây phương giúp sách học và tập vở. Sau đó họ giúp cất thêm phòng ốc, rồi trường học và nhà thương.

jangchub_nunnery_dormitory-content

Mỗi ngày các sư cô thức dậy lúc 5 giờ sáng, đến chùa đọc kinh. Sau khi ăn sáng thì đi học 2 tiếng đồng hồ. Tiếp theo là giờ biện luận Phật pháp để hiểu hơn lời Phật dạy. Triết lý là một trong những môn học chánh. Các sư cô còn học những môn như: Luận lý Pramana (Logic), Bát nhã Prajnaparamita (Perfection of Wisdom), Trung đạo Madhyamika (Middle Way), Tạng luận Abhidhama (Treasure of Knowledge) và Giới luật Vinaya (Monastic Discipline).

 

Sau khi dùng cơm trưa, các sư cô học Anh văn và Tạng văn. Buổi tối đọc kinh tại chánh điện một giờ, làm lễ Puja và các lễ khác. Sau đó lại có giờ tranh luận Phật pháp, rồi giờ tự học như đọc sách, học thuộc kinh điển, đến nửa đêm mới đi ngủ.

 

 

Năm 1995, các ni cô từ nhiều tu viện nữ lưu vong có một buổi biện luận lớn để lý giải những giáo lý thăm sâu của kinh luận dưới sự giám định của đức Đạt lai Lạt ma, và các đại sư tại Dharamsala, thủ phủ của chánh phủ Tây Tạng lưu vong.

 

Trong bài tự truyện, Ni sư Sramanerika Thubten Lhatso cho biết buổi biện luận trên được nhiều người khen ngợi. Bà đã khuyến khích các ni cô tiếp tục tu tập, cầu nguyện cho đức Đạt lai Lạt ma và cho các chư tôn hòa thượng, các giáo sư cùng cả thế giới đại đồng.

 

 

Tu viện nữ Jangchub Choeling hiện đang cần tiền để cất thêm phòng cho các tu sinh mới, nhất là cần người bảo trợ cho các sư cô. Viện trưởng của tu viện là Abbot Geshe Kalsang Namgyal từ tu viện Gaden Jangste, cũng như người đứng ra thành lập tu viện là đại sư Thupten Lhatso và tất cả giáo sư dạy triết lý, văn phạm, văn thơ, Anh ngữ từ các tu viện Gaden Shartse và Drepung Loseling, Drepung Gomang rất mong mỏi sự giúp đỡ để tu viện được có thêm thư viện, phòng ốc, thức ăn cho đời sống khổ cực hàng ngày của tu sinh.

 

 Mọi sự trợ giúp xin gởi về: Jangchub Choeling Nunnery; Account # 14297.

 

Địa chỉ tu viện:

Jangchub Choeling Nunnery

c/o Representative Office ·

P. O. Tibetan Colony

581 411 Mundgod N.K. · Karnataka State, India

jangchub_choeling@rediffmail.com

 

image088

Tăng sinh ở Gaden Ngari Khangtsen tại tu viện Gaden Sartse đang chia gạo, đường và muối để Phật tử Nam California phát gạo cho người nghèo.

image090

Nghĩa, một Phật tử trẻ trong đoàn đang phát gạo cho người nghèo trước Gaden Ngari Khangtsen tại tu viện Gaden Sartse.

image092

Cổng tu viện nữ Jangchub Choeling, gần tu viện Gaden Sartse tại Mundgod, Karnataka

image094

Quý Thầy cùng nữ tu sinh trong khuôn viên tu viện nữ Jangchub Choeling, tại Mundgod, Karnataka, Ấn Độ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Tư 2014(Xem: 10463)
23 Tháng Tám 2010(Xem: 54169)
25 Tháng Chín 2006(Xem: 31311)
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41773)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42719)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48841)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41423)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41132)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43039)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39458)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45051)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40036)
1,863,880