29. Đại học Nalanda, Linh thứu sơn

24 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 43233)
29. Đại học Nalanda, Linh thứu sơn

Buổi sáng ở Bogaya, khi chúng tôi thức thì nhân viên nhà ngủ, bồi bếp còn quấn mền nằm ngủ ở phòng ăn. Trông họ rất tội nghiệp, có lẽ vì tối hôm qua phải dọp dẹp đến khuya. Mọi người trong đoàn uống cà phê, rồi gói bánh mì nướng trét bơ và mứt mang theo ăn dọc đường.

 

Nơi chúng tôi dừng chân đầu tiên là sông Ni liên thiền, rồi đến Đại học Nalanda.

 

Ni liên thiền (Nairãnjana) hay Liên hà trắc, Ni liên hà, sông Đức Phật tắm trước khi ngồi dưới cây bồ đề nhập thiền và đắc đạo. Sông này thuộc Vương xá thành (Rajagriha).

 

Viện Đại học Nalanda, một thắng tích quan trọng và là nơi sản sinh ra những tư tưởng gia Phật giáo Ấn Độ vĩ đại như ngài Long Thọ, ngài Mã Minh, ngài Vô Trước, ngài Thế Thân, vân vân... và một số nhà học giả Trung Quốc như ngài Huyền Trang, ngài Nghĩa Tịnh từng tu học tại đây.

 

Nalanda khi xưa là chùa lớn nhất tại thành Na lan đà, xứ Ma kiệt đà (Magadha) miền trung Ấn. Do vua Thước ca la A dật đa (Sakrãditya) xây dựng sau khi Đức Phật tịch diệt. Con của ông là Phật đà Cúc đa tức Giác Hộ vương (Buddhagupta) tu sửa thêm tráng lệ. Na lan đà là tôn hiệu thời quá khứ của Đức Thích Ca khi ngài từng làm vua xứ này và rất hay bố thí cho người nghèo khổ. Chùa này là nơi có rất nhiều vị Bồ tát và cao tăng tu học. Long Thọ (Nãgãrjuna), Hộ Pháp (Dharmapãla), Trần Na (Dingãga), Giới Hiền (Sĩlabhadra), Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubandhu) đều từng học tại đó. Thế kỷ thứ 7, khi Huyền Trang đến Thiên Trước, có 10.000 vị sư tu theo Đại thừa; đại sư trụ trì là Giới Hiền truyền dạy Pháp tướng tông. Nalanda giáo hóa Phật Pháp hưng thịnh được 1000 năm.

 

Đại học này xưa kia là nơi tu học của hàng mươi ngàn tăng sĩ Phật giáo. Khi Hồi giáo đánh chiếm Ấn Độ, vào thế kỷ 12-13, tăng sĩ đã bị giết, máu chảy thành sông. Thư viện Nalanda rất to lớn nên quân Hồi phải đốt đến ba tháng mới cháy rụi hết kho sách, lửa soi sáng cả vùng trong khoảng thời gian này.

 

Sau khi hành lễ nơi ngọn tháp cao nhất còn lại. Mọi người ngậm ngùi nhìn xuống cảnh hoang tàn sụp đổ của Nalanda, những phòng ốc của chư tăng chỉ còn lại những nền đá giữa những bức tường đổ nát. Ai cũng tiếc cho những kinh sách Phật giáo đã bị kẻ dữ hủy hoại.

 

 Chúng tôi cũng được hướng dẫn đến khu có hồ tắm nước nóng. Từ trên cao xuống dưới thắp của nơi này có xây rất nhiều hồ tắm công cộng cho người dân địa phương. Hồ trên cao dành cho các bực hoàng gia cao sang tắm, dưới thắp hơn dành cho người giàu, dưới nữa cho người nghèo, tầng thấp nhất dành cho người nghèo cùng đinh tắm. Nước và chung quanh hồ nơi này trông rất dơ bẩn lầy lội, rác rến, ruồi bọ.

 

Nơi nào xe du khách đến đều có người nghèo, tàn tật vây quanh xin tiền.

 

 

Tiếp tục lên đường đi Linh thứu sơn, có những hang động, nơi Đức Phật kết tập kinh điển. Những chiếc ghế treo trên dây cáp để đưa du khách lên núi đều im lìm vì cúp điện.

 

Linh Thứu sơn (Gijjhakũta - Vulture Peak) hay Linh sơn, Tôn Túc sơn, Thứu Đầu sơn, Kê Túc sơn. Đỉnh núi có các tảng đá dạng như bầy kênh kênh, nơi Đức Phật thường thuyết pháp. Được nhận diện như một khu đồi tại Vương xá (Rãjagriha) thời đó thuộc nước Ma kiệt đề (Magadha), ngày nay là tiểu bang Bihar của Ấn Độ.

 

Linh Thứu sơn là nơi Đức Phật an trú và thuyết giảng những bộ kinh quan trọng: Kinh Đại Bát Nhã, Kinh Đại Bửu Tích, Kinh Pháp Hoa, Kinh Di Lặc, Kinh Đại Phương Quảng Tổng Trì Bảo Quang Minh.

 

Nơi này cách Bồ đề Đạo tràng 70 km, và cách Đại học Nalanda 11 km về hướng tây nam. Linh Thứu sơn là một trong những Phật tích quan trọng, nơi có hương thất của Đức Thế Tôn, động tu của Tôn giả Xá lợi phất và Tôn giả A nan; nơi có con đường dốc dẫn từ chân núi đến đỉnh núi, nơi Phật giảng Kinh, do Vua Tần bà sa la (Bimbisara) cho khai phóng cúng dường Phật và Tăng đoàn.

 

Tần bà sa la vương, hay Bình sa vương, vua cai trị xứ Ma Kiệt Đề (Magadha) thời Đức Phật, kinh đô là thành Vương Xá (Rãjagriha). Đức Thích Ca thành đạo ở đây, và thường đến thuyết pháp. Vua Tần Bà Sa La sinh cùng ngày với đức Thích Ca. Cha là vua Ma ha Bát mê (Mahã-Padma) hay Đại Liên hoa. Con là thái tử A xà thế (Ajãtasatru). Vua Tần bà sa la trị vì 32 năm, đất nước rất thịnh vượng. Vua Tần bà sa la thờ phụng Đức Phật, cúng dường khu Trúc lâm gần thành Vương xá để Đức Phật lập tịnh xá an ngự và thuyết pháp. Sau đó thái tử A xà thế lại phạm tội soán ngôi và giết vua cha. Cuối cùng, vua A xà thế cũng tin theo và quy y Đức Phật.

 

Chúng tôi lội bộ lên núi. Đến viếng mỗi hang động của hai Tôn giả Thánh tăng A nan lợi phất, đại đệ tử của Đức Phật.

 

Hai ngài A nan và Xá lợi phất trong thập đại dệ tử của Đức phật, được nhắc đến trong nhiều Kinh Luận. Mười vị đại đệ tử của Đức Phật là các ngài:

1. Đại Ca diếp (Mahã Kãsyapa), đầu đà đệ nhất;

2. Xá lợi phất (Mahã Sarĩputta), trí tuệ đệ nhất;

3. Đại Mục kiền liên (Mahã Moggallãna), thần thông đệ nhất;

4. Ca chiên diên (Katyãyana), luận nghị đệ nhất;

5. A nan đà (Ananda), đa văn đệ nhất;

6. A na luật (Anurudha), thiên nhãn đệ nhất;

7. La hầu la (Rahũla), mật hạnh đệ nhất;

8. Tu bồ đề (Subhũti), giải không đệ nhất;

9. Phú lâu na (Pũrna), thuyết pháp đệ nhất;

10. Ưu bà ly (Upali), trì giới đệ nhất.

 

Tại các hang thiêng nơi hai vị Bồ tát Thánh tăng từng ẩn tu, quý thầy Tây Tạng và chúng tôi đều vào thắp nhang tụng kinh cầu nguyện. Chúng tôi mua cờ dây, ghi tên người thân lên cờ. Quý thầy Tây Tạng cầu nguyện rồi treo lên từ chóp núi này qua bên kia lưu lại nơi đất Phật.

 

image163

Phật tử cùng quý thầy Tây Tạng đọc kinh cầu nguyện

 trên đỉnh núi Linh thứu sơn, nơi Đức Phật thuyết pháp

 

image165

Cảnh hoang tàn sụp đổ của Viện Đại học Nalanda,

một thánh tích quan trọng của Phật giáo tại Bihar, Ấn Độ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Tư 2014(Xem: 10470)
23 Tháng Tám 2010(Xem: 54176)
25 Tháng Chín 2006(Xem: 31317)
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41781)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42728)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48850)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41433)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41142)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43052)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39467)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45066)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40048)
1,863,880