là những màu vàng của hoa vạn thọ
Chủ nhật 11-1-2009
Thật là một phước duyên khi chúng tôi được có mặt tại Bồ Đề Đạo Tràng trong ngày lễ rằm lớn Monlam mừng năm mới. Chư tăng vân tập về dự lễ từ nhiều quốc gia với sự chủ trì của đức Lạt ma tái sanh Karmapa đời thứ 17, ngài Gyalwang Karmapa.
Đứng trước nhà ngủ từ sáng sớm, khi đường đi còn ướt và mờ mờ vì sương mù chưa tan, chúng tôi nhìn hàng ngàn chư tăng vai đeo túi ở nhiều lứa tuổi từ nhiều quốc gia lũ lượt, nhanh nhẹn đi về hướng cội bồ đề, nơi Đức Phật Thành Đạo. Có những chú tiểu còn nhỏ chạy lon ton trông thật dễ thương.
Quý thầy cùng chúng tôi cũng theo bước chân của hàng ngàn vị sư hướng về phía Bồ đề Đạo tràng. Đường đi rất dơ và lầy lội. Chúng tôi phải luôn luôn né tránh những vũng nước đọng. Hai bên đường những anh Ấn Độ bắt đầu bày đồ lưu niệm ra để mời khách. Gần đến cổng chừng nào thì người bán hàng rong càng đông chừng nấy. Kẻ thì bán dĩa DVD sự tích Đức Phật, các buổi diễn thuyết của đức Đạt lai Lạt ma, ngài Karmapa đời thứ 17, phim Kundun, vân vân… Trẻ em thì mời mua hình ảnh các thánh tích ở tứ động tâm vườn Lâm tì ni, núi Linh thứu sơn, Trà tỳ, nhiều nhất là cảnh tại Bồ đề Đạo tràng.
Trước khi bước vào Bồ đề Đạo tràng, chúng tôi chụp hình lưu niệm trước biểu ngữ: Welcome to the land of Enlightenment - Mahabodhi Mahavihara - A World Heritage site: Maintained and protected by Bodgaya Temple Management Committee.
Khi vào đến cổng chính, chúng tôi gởi giầy dép lại cho người giữ rồi lên những bậc thang để vào tháp Đại Giác. Một cảnh tượng rực rỡ hiện ra trước mắt tôi.
Dưới ngọn tháp Đại Giác cao sừng sững là những màu sắc vàng đậm lợt của hoa vạn thọ được kết thành những chuỗi dài treo trên những tháp nhỏ, hoặc trong những cái chung hoặc ly đặt dài dài trên hầu hết các tường cao hoặc thắp chung quanh khu vực của Bồ đề Đạo tràng.
Chúng tôi đi vòng quanh ra phía sau tháp thì thấy một rừng người mặc áo tu sĩ màu đỏ sậm, khoác y vàng trông thật trang nghiêm như một cảnh giới khác biệt với trần gian. Trong lòng tôi cảm nhận một sự xúc động nao nao an lạc.
Dấu tích những bước chân của Phật gần Kim Cang Tọa, nơi Đức Phật thành đạo
Chúng tôi tiến gần đến Kim Cang Tọa, nơi Đức Phật đạt giác ngộ sau 49 ngày thiền định. Chung quanh nơi này đã được rào lại để bảo vệ cây Bồ đề. Nhiều người đã đến nơi này từ sáng sớm để đảnh lễ và cúng dường bông hoa, khăn trắng. Tôi tựa đầu vào hàng rào, lòng không ngăn được cảm xúc mạnh mẽ khi cảm nghiệm được sự hiện diện và tình thương của Đức Phật. Nước mắt tôi tràn dâng cũng như lần đầu khi đến nơi này cùng với phái đoàn quý thầy Thích Viên Lý và thầy Thích Minh Tâm.
Tiếng đọc kinh rền vang cả một góc trời. Từ tiếng loa phóng thanh phát ra là lời giảng của ngài Gyalwang Karmapa đời thứ 17.
Lạt Mạ 17 Gyalwang Karmapa, thế danh là Ogyen
Trinley Dorje
Karmapa hay Cát Mã Ba, Hạt Mã La, Hạt Mã Ba. Dịch nghĩa là Người hành theo Phật. Lãnh tụ tinh thần của phái Cát mã Ca nhĩ cư (Karma-kagyu), và dòng truyền thừa các vị tái sanh “Chu cô” (Tulku) lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng. Như đã trình bày trước đây trong phần sơ lược về Phật giáo Tây Tạng, truyền thống này tôn sùng những vị tái sanh, xem như Phật hay Bồ tát sống, có tôn hiệu là Thánh đức (His Holiness).
Riêng dòng Chu cô Karmapa đến nay có 17 lần tái sanh, kể từ thế kỷ 12. Từ thế kỷ 15, các vị tái sanh mang vương miện màu đen, hiện thân của đức Quán Thế Âm Bồ tát (Avalokitesvara). Các vị là những bậc thiện trí thức lỗi lạc, và nhiệm vụ quan trọng nhất là giữ gìn Kim cang thừa (Vajrayãna) được lưu hành.
Ngài Karmapa thứ 17 hiện nay còn trẻ và có những sự kiện tao ngộ rất kỳ bí. Sinh năm 1985 trong một gia đình du mục tại Lhatok đông Tây Tạng, cậu bé Apo Gaga ra đời và lớn lên trong những điềm lành. Năm 1992, chưa từng biết gì về Karmapa, cậu bỗng dưng yêu cầu gia đình di chuyển đến một thung lũng, nơi đó đức Karmapa 16 đã ghi lại trong di chúc cho các môn đệ đến tìm tái sanh của ngài. Đúng theo lời tiên tri mô tả, các môn đệ đến tận nơi đón cậu bé, và đưa về tu viện Tolung Tsurphu vào năm 1992, nhận lễ phong vị chính thức với sự chấp thuận của chánh quyền Trung Quốc. Hơn 40.000 người đã đến tham dự và cầu nguyện trong lễ phong vị cho một vị hóa sanh đầu tiên được Trung Quốc nhìn nhận.
Ngài Karmapa tu tập rất tinh thông tại Tsurphu, nhưng đến năm 1999, nhận thức sự đàn áp của Trung Quốc và do sự hữu ích của Tây Tạng, ngài bỏ nước ra đi. Cuộc bỏ trốn chế độ được xếp đặt trước mấy tháng, ngài Karmapa giả vờ nhập thất rồi mặc quần áo thường dân leo cửa sổ, cùng một vài tùy tùng, dùng đủ phương tiện xe cộ, ngựa, máy bay, xe lửa, sau cùng ngài đến Ấn Độ trong sự ngạc nhiên của đức Đạt lai Lạt ma. Từ đầu năm 2000 đến nay, ngài tu tập và hoằng hóa tại Dharamsala.
Trong thời pháp buổi lễ Monlam ngày hôm đó, đức Karmapa yêu cầu Phật tử ăn chay, tránh sát sanh. Ngài cho biết ngài ăn chay trường từ nhiều năm qua.
Lễ Monlam là lễ cầu nguyện quan trọng nhất trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Trong dịp lễ này, họ cầu nguyện cho an bình và hài hòa trên thế giới và trong đời sống của họ. Người Tây Tạng ăn mặc theo truyền thống với áo dài chupa, đi thăm viếng chúc lành cho nhau. Họ tổ chức những lễ hội có ca hát, nhạc cụ theo Phật giáo, và có cả các trò vui giải trí dân gian. Quan trọng nhất là các buổi cầu nguyện và thuyết pháp của chư thánh tăng.
Chúng tôi đi vòng quanh khu vực trong vòng rào để nhìn xem quang cảnh lễ Monlam. Các phái đoàn đến từ nhiều quốc gia và chi nhánh Phật giáo, các phái đoàn báo chí, các nhà học giả, giáo sư hay sinh viên mà phần nhiều là người Âu Châu ngồi theo từng khu vực riêng biệt. Chúng tôi thấy có những bản đồ lớn được dựng lên có vẽ chỗ ngồi phân biệt cho từng phái đoàn. Những nơi xa xa sân khấu nơi ngài Karmapa ngồi diễn thuyết có những tu sĩ, cư sĩ để những chiếc ván bằng gỗ, cạnh bên là quần áo, đồ đạc,thức ăn, chứng tỏ họ đã chuẩn bị ở tại chỗ nhiều ngày. Tôi nghe nói có người đã ở đây đọc kinh và thiền quán vài tuần hoặc một tháng để tu tập, đọc kinh, quán chiếu và lạy hàng ngàn lạy để sám hối hoặc cầu nguyện.
Chúng tôi đi ra phía bên phải chân tháp Đại Giác, nơi có tượng Quán Thế Âm Bồ tát để cầu nguyện. Theo quý thầy cho biết, những ai có ước nguyện gì đến đây cầu nguyện đều thành tựu. Sau đó mọi người ngồi sát hàng rào nơi có bóng mát.
Khi anh Thạnh, người cùng đi hành hương nói cho tôi nghe về ngài Karmapa, thì một phái đoàn được dẫn đầu bởi một số nhân viên an ninh ăn mặc âu phục tề chỉnh đang đi hai bên để bảo vệ ngài tiến đến.
Tất cả chúng tôi liền ngưng nói chuyện, và đều bàng hoàng trước sự gặp gỡ bất ngờ này, nhất là thấy được ánh mắt và nụ cười mỉm tươi trẻ dễ thương và đầy từ bi của ngài Karmapa khi ngài nhìn về phía chúng tôi. Phái đoàn đi qua và hướng về phía cổng. Tiếng đọc kinh của hàng ngàn chư tăng lại tiếp tục trỗi lên.
Hồ Rồng Mù Muchalinda
Chúng tôi cùng đi về hướng bên trái tháp Đại Giác đến hồ Rồng Mù Muchalinda. Nơi này Đức Phật đã ngồi tham thiền bỗng trời đổ mưa. Mãng xà vương từ ổ chun ra, quấn chung quanh Ngài bảy vòng và lấy đầu che cho Đức Phật khỏi bị ướt.
Các em bé Ấn Độ khều khều chúng tôi, tay chỉ vào miệng xin tiền. Những ông Ấn ốm khẳng khiu mời chúng tôi mua cá đựng trong những bọc nylon, tay chỉ xuống hồ ý nói là thả phóng sinh. Chúng tôi lắc đầu, vì sau khi chúng tôi thả xuống thì lại sẽ có người vớt lên bán.
Một số người Ấn còn trẻ giả vờ sinh viên xin tiền đóng tiền học đã bị các ông lính giữ trật tự biết mặt, yêu cầu đi khỏi Bồ đề Đạo tràng.
Sau buổi ăn trưa tại một tiệm ăn Thái, quý thầy Tây Tạng giúp chúng tôi đi phát chẩn tại văn phòng điều hành của Bổ đề Đạo tràng. Chúng tôi đến lúc 2 giờ trưa thì đã thấy mấy trăm người tràn vào sân và ngồi dài hai bên con đường từ cổng vào đến văn phòng. Một xe lính dọn đường cho một xe hơi nhà chở vị sư và một chức sắc vào. Xe bóp còi inh ỏi và nhân viên an ninh cầm roi xua đuổi những người hành khất nghèo nàn rách rưới.
Buổi phát chẩn tại văn phòng điều hành của Bổ đề Đạo tràng
Trước khi đến đây tiến sĩ Thupten cho biết có gần 1000 người và giúp chúng tôi đổi tiền xu ra sẵn. Thầy cho biết, theo lời đề nghị của Ban điều hành thì chúng tôi chỉ nên phát 2 đồng xu, mỗi đồng xu trị giá 5 rupi. Một đô la đổi được 50 rupi, vậy thì mỗi người chỉ được nhận 10 xu tiền Mỹ. Bây giờ thấy đông quá, chúng tôi muốn đổi tiền để phát thêm, thì một nhân viên văn phòng khuyên không nên cho nhiều, mà chỉ nên cho họ đủ để mua thức ăn ngày hôm nay thôi. Nếu cho nhiều sẽ khuyến khích người đi ăn xin càng lúc càng đông.
Quý thầy Tây Tạng đứng nơi cổng để phát tiền. Người nào lãnh tiền rồi phải đi ra. Nếu không có cổng chận lại thì họ sẽ trở vào lãnh thêm lần thứ nhì. Người phát chẩn sẽ không biết được ai đã lãnh rồi vì tất cả đều rách rưới, ốm yếu và đen đúa như nhau.
Quanh tháp Đại Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng được
trang hoàng hoa vạn thọ trong ngày lễ Monlam
mừng năm mới 2009
Sáng sớm quý sư đi bộ, Phật tử đi xe lôi lũ lượt
hướng về Bồ Đề Đạo Tràng trong ngày lễ Monlam
Ngài Karmapa. Lãnh tụ tinh thần của phái Cát mã Ca nhĩ cư (Karma-kagyu), đến chủ trì lễ Monlam tại Bồ Đề Đạo Tràng
Chư tăng vân tập về dự lễ Monlam từ nhiều quốc gia
với sự chủ trì của vị lạt ma tái sanh Karmapa đời thứ 17