9-1-2009
Chúng tôi đến chùa Linh sơn ở Kushinaga hay Câu thi na vào lúc 8:30 giờ đêm. Chùa đã xây cất xong, khác hẳn mười hai năm trước khi tôi đến viếng. Tuy nhiên chánh điện và hồ nước phía trước không khác xưa mấy. Chùa nay có phòng ăn lớn rộng, có thể chứa khoảng trên trăm người. Các phòng ngủ dành cho khách đến tu học hay hành hương cũng nhiều và tươm tất hơn. Mỗi phòng có hai hoặc ba giường ngủ, với nhà tắm riêng.
Chùa Linh sơn ở
Kushinaga hay Câu thi na
Ni sư trụ trì Thích Nữ Trí Thuận đi vắng, nên sư cô phụ tá từ Việt Nam sang và các anh người Ấn Độ biết niệm Phật lo mọi việc trong chùa. Chúng tôi tiếp tay sư cô nấu một nồi mì gói thật lớn với cà chua, nấm đông cô, cà rốt. Sau một tuần ăn toàn cà ri đủ thứ món, chúng tôi ăn mì gói thấy thật ngon, ngon hơn cả những món ăn ở các nhà hàng lớn tại Little Saigon, bên California.
Thầy Thích Phật Đạo và sư cô phụ tá tại Chánh điện Linh Sơn Tự .
10-1-2009
Chúng tôi gọi nhau thức sớm đi bộ ra viếng đền thờ tượng “Phật Nhập Niết Bàn.” Trên đường đi có các em nhỏ Ấn Độ chạy theo bán những hột bồ đề, chuỗi bồ đề hoặc các vòng hoa nhỏ kết bằng bông nhạn thọ hay các bó nhan. Có những người Ấn Độ nhận trông chừng giầy dép của khách hành hương để trước cửa đền.
Chúng tôi đặt những xâu chuỗi bên cạnh tượng Phật nằm thật lớn và dài, khi quý thầy đọc kinh cầu nguyện. Khuôn mặt của tượng Phật trông thật bình an và nhân từ. Hai bàn chân Ngài lớn với những ngón chân dài. Mọi người gắn và đốt đèn cầy dài theo bên giường của tượng Phật nằm, rồi nối bước nhau đi nhiễu quanh tượng Phật, sau đó cùng ngồi đọc kinh. Chúng tôi đọc kinh bằng tiếng Việt Nam, trong khi quý sư đi cùng trong chuyến đi đọc kinh bằng tiếng Tây Tạng.
Tiếp theo là một phái đoàn của quý sư người Trung Hoa. Sau đó có quý thầy của các phái đoàn của quý sư từ Miến Điện, Thái Lan, vân vân... Chúng tôi được nghe kinh từ những ngôn ngữ khác nhau, nhưng âm thanh thanh vang lên đều chứa chan một sự thành khẩn, cung kính, đầy tình thương và lòng từ bi an lạc như nhau. Có lẽ tôi không bao giờ quên được những âm thanh hiếm quý này, nhất là sự thành kính đối với bậc chân sư, sự hâm mộ Phật pháp, tinh thần muốn tu học cải sửa để hướng đến giải thoát.
Phật tử trong phái đoàn cầu nguyện bên chân Tháp Trà tỳ
Chúng tôi
rời đền Niết Bàn để đến chiêm bái và cầu nguyện nơi tháp
Trà tỳ cách
đó khoảng một cây số. Đó là nơi hỏa táng nhục thân của Đức Phật khi Ngài tám mươi tuổi.
Trà tỳ (Jhãpita) hay xà duy, da tuần, da duy. Dịch nghĩa là: hỏa táng, đốt xác. Nơi làm lễ đốt xác gọi là trà tỳ sở. Phép trà tỳ lưu hành ở Ấn Độ từ trước thời Đức Phật, là phương pháp táng thi thể nhà sư sau khi mất. Khi Phật giáo truyền bá sang phương Đông, Trung Quốc, Nhật Bản, cũng hay dùng phép đốt xác đó, gọi là tống vãng sinh.
Chúng tôi rời chùa Linh sơn sau khi vào chánh điện lạy và từ giã sư cô đã lo lắng cho chúng tôi rất chu đáo. Chúng tôi đi xe suốt đêm đến Bồ đề Đạo tràng ở quận Gaya, tỉnh Bihar Ấn Độ.
Trên đường đi, phương trượng Ghese Thupten Tendar của Gaden Ngari Khangsen đọc kinh và giảng cho chúng tôi một thời pháp về sự tu tập để trở nên minh tâm kiến tánh. Thượng tọa Thích Phật Đạo đọc kệ của Cậu Hai Thanh Sĩ, một đệ tử của Đức Huỳnh Giáo chủ đi du học và dạy học ở Nhật bản, mà Thầy ái mộ. Thầy kể những kỷ niệm khi đi viếng các thánh tích của Phật giáo Hòa Hảo, Bửu sơn Kỳ hương và vùng núi Thất Sơn ở miền Tây Việt Nam.
Thỉnh thoảng xe ngưng dọc đường để mọi người mua chuối, trứng luộc, bánh hay trà sữa. Chúng tôi đến Bồ đề Đạo tràng vào lúc 10:30 giờ đêm tại nhà ngủ Niranjana. Nơi này đi thẳng ra tháp Đại Giác khoảng 10 phút.
Quý sư đang tụng kinh trong đền thờ Đức Phật Nhập
Niết Bàn gần chùa Linh Sơn Tự tại Kushinaga, bắc Ấn Độ
Phật tử đang thành khẩn cầu nguyện bên cạnh Tháp Trà Tỳ
nơi hỏa táng nhục thân Đức Phật sau khi ngài nhập niết bàn