Buổi chiều chúng tôi đi thăm bảo tàng viện,
sau đó đi xe suốt đêm vượt biên giới sang Nepal (Nê bạc nhĩ)
Khi xe đến vườn Lâm tì ni, mọi người tươi tỉnh hẳn lên sau một đêm ngồi xe bị vồng vì đường xấu rêm cả người. Lumbini trông khác xưa khi tôi đến viếng năm 1997. Trên đường đi vào nơi Đức Phật Đản Sanh có nhiều sạp bán quà lưu niệm, có cả nhiều tiệm bán những tượng Phật lớn và nhiều chuỗi hột đắt tiền.
Theo lịch sử Phật giáo, vào
năm 623 trước d.l., vào ngày trăng tròn tháng 5 d.l. (Vesakha) trăm hoa tươi thắm đua nở, hoàng hậu Ma da (Maya) đi từ thành Kapilavatthu về hoàng cung. Khi hoàng hậu
đứng dưới cây Vô ưu (Asoka) đang trổ hoa tươi tốt, thì thái tử chào đời, từ
nách bên mặt của bà. Đức Phật sau này đến vườn Lâm tì ni thuyết pháp..
Vườn Lâm tì ni cách Varanasi
(Benares) khoảng 100 dặm Anh. Nay thuộc xứ Nepal (Nê bạc nhĩ). Nơi đây có thể
nhìn thấy dải núi Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ. Một trong bốn thánh tích của Phật
giáo. Nơi đây còn trụ đá của vua A Dục (Asoka) khi ông đi hành hương vào năm
249 trước d.l.
Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Như Lai (Sakyamuni) đản sanh khoảng 563 trước d.l. Danh hiệu của Đức Phật Bổn Sư của chúng ta, hay còn gọi là Đức Phật lịch sử, Thích Ca (Sakya) nghĩa là: Năng, Tài năng, Anh hùng, Dòng anh hùng. Mâu Ni (Muni) nghĩa là: Nhân, nhân từ. Danh hiệu Phật còn được dịch là: Năng Tịch (Đấng Tịch Tĩnh dòng Anh hùng), Năng Mãn (Đấng Trọn Mãn dòng Anh hùng) (The Perfect of the Race of the Heroes).
Các tôn hiệu khác của Ngài: Đức Phật Tổ, Đức Thế Tôn, Đức Như Lai, Đức Bổn Sư. Ngoài ra Ngài còn các hồng danh: Nhứt Thiết Nghĩa Thành, Viên Mãn Nguyệt, Sư Tử Hống, Đệ Thất Tiên, Cồ Đàm Thị, Đại Sa Môn, Đạo Sư, vân vân.
Tên gọi trước khi đi tu là Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddharta Gotama). Cha Ngài là vua Tịnh Phạn (Suddhodana), cai trị xứ Ca tỳ la vệ (Kapilavastu). Mẹ là hoàng hậu Ma Da (Mãyã) nằm mộng thấy bạch tượng sáu ngà từ trên trời sa xuống lòng bà, thụ thai, và khi dạo vườn Lâm tỳ ni (Lumbini), thì Ngài hạ sinh. Bảy ngày sau bà du tiên. Di mẫu là Ba Xà Ba Đề (Prajapati), cũng là bà phi của vua Tịnh Phạn, nuôi nấng Thái tử. Vợ Ngài là công chúa Da du đà la (Yasõdhara), con gái của Thiện Giác vương (Suprabuddha). Con trai là La hầu la (Rahũla), khi con vừa chào đời ít lâu thì Ngài xuất gia, năm 29 tuổi. Ngài đắc đạo dưới gốc cây Bồ đề (Bodhi) ven sông Ni liên thiền (Nairãnjanã). Ngài tịch tại Câu thi na (Kusinagara) giữa hai cây Song thọ (Sãla).
Đức Thích Ca Mâu Ni là vị Phật thứ tư thời Hiền kiếp (Bhadrakalpa). Trên đây chỉ là sự tích ứng hóa thân của Ngài, giáng thế để làm việc cứu độ cõi Ta bà này. Cuộc đời trên cõi thế gian chỉ là một biểu tượng để chúng sanh noi theo tu học, chứ đời chân thật của Đức Phật đã thành Phật từ vô lượng vô số kiếp.
Hiện nay, nơi có dấu chân Phật được xây xong khá rộng lớn. Mọi người có thể vào trong đi thiền hành chung quanh nơi có dấu chân. Sau khi mọi người đi nhiễu ba vòng, quý thầy Tây Tạng đi cùng với chúng tôi, quỳ xuống đọc kinh và lạy Phật. Có thầy không quỳ một chỗ mà vừa đi, vừa lạy nằm dài ra theo nghi thức Tây Tạng.
Vị phương trượng Ghese Thupten Tendar của tu viện nhỏ Gaden Ngari Khangsen, trưởng phái đoàn, dạy mọi người ghi tên toàn thể gia đình vào khăn choàng trắng để quý ngài cầu an cho gia đình. Sau đó mọi người đến cây bồ đề cạnh hồ nước, nơi hoàng hậu Maya tắm sau khi Phật đản sanh, gắn đèn cầy dưới gốc cây, và đốt nhang cầu nguyện. Sau đó chúng tôi máng tất cả những khăn có viết tên gia đình lên các nhánh cây bồ đề.
Cây bồ đề
cạnh hồ nước nơi hoàng hậu Maya tắm
Từ cây bồ đề cạnh hồ nước nơi hoàng hậu Maya tắm sau khi Phật đản sanh, chúng tôi nhìn sang trụ đá cao kiên cố do vua A dục xây.
Cách đây hai ngàn năm khi nhà vua đến hành hương tại Lâm tì ni, đại đức Upagupta, vị thầy của vua cho biết nơi này bậc chí tôn Thích Ca Mâu Ni Sakyamuni đã đản sanh. Vua A dục quỳ xuống khấu đầu đảnh lễ và ra lệnh cho xây dựng một vách thành bằng đá bao quanh nơi này và một cột trụ bên trong để ghi lại nơi Đức Phật đản sanh. Vua cũng giảm thuế cho dân làng Lâm tì ni.
Vùng di tích tìm thấy ở hướng Tây Nam là một đồng bằng ở chân của rặng núi Churia. Trước đây người ta không xác định được địa danh này. Mãi đến năm 1886, nhà khảo cổ người Đức Dr. Alois A. Fuhrer mới tìm thấy cột tháp của vua A dục ghi lại làm xác nhận nơi ra đời của Đức Thích Ca Mâu Ni.
Để đến Lâm tì ni, phải dùng đường hàng không từ Kathmandu tới Bhairawa. Có một ít đường bay đến Kathmandu. Sân bay quốc tế ở đó là Tribhuvan. Từ nơi này có các loại xe buýt hay taxi đưa đến Lâm tì ni cách đó 22 km.
Kathmandu là thành phố hiện có khoảng 1/3 số người theo Phật giáo. Hiện còn nhiều di tích Phật giáo, nhất là các bảo tháp. Các tháp quan trọng có:
Tháp
Swayambhunath (có nghĩa là "tự tại") ở Kathmandu. Nằm về phía tây của
trung tâm thành phố. Tháp này đã có 2000 năm tuổi. Tháp này nằm trên đỉnh của
một đồi cao 77 mét và có 350 bậc thang đi bộ. Đỉnh tháp là các khung thiếp vàng
của các mắt Phật nhìn về bốn phía.
Giữa hai mắt thường có thêm mắt thứ ba tượng trưng cho khả năng thiên nhãn thông.
Tháp Bodhnath (hay Boudhanath) ở Kathmandu. Đây là tháp lớn nhất Nam Á cách 5 km về phía đông của Katmandu. Đây được xem là trung tâm Phật giáo Tây Tạng quan trọng nhất bên ngoài Tây Tạng. Trong khuôn viên của tháp có 35 thiền đường. Tháp có thể đuợc xây vào thế kỷ thứ 14.
Chúng tôi rời Nepal với sự quyến luyến nơi có kỷ niệm Đức Từ Phụ ra đời cứu độ chúng sanh, và trở lại Ấn Độ hướng về Kushinaga nơi Phật nhập Niết bàn ở tháp Trà tỳ.
Sau khi cầu nguyện đoàn chụp hình kỷ niệm dưới cội
Bồ Đề tại Lubini ở Nepal nơi Đức Phật Đản Sanh
Hồ nước nơi hoàng hậu Maya tắm sau khi Phật đản sanh
và tường thành bảo vệ nơi có bước chân đầu tiên của Đức Phật