Vào cuối năm 2008, chúng tôi may mắn có cơ duyên đi hành hương thăm viếng nhiều tu viện Tây Tạng tại miền nam Ấn Độ. Khi đến phi trường Tân Đề Li, chúng tôi được quý thầy Tây Tạng hướng dẫn tạm trú tại một nhà ngủ ở khu tị nạn của người Tây Tạng.
Hôm sau chúng tôi đi máy bay đến Bangalor, tiểu bang Karnakata, miền nam Ấn Độ để thăm viếng tu viện Zongkar Choede ở quận Mysore. Tại đây chúng tôi được ngài viện trưởng của Zongkar Choede là Jampa Kalsang Rinpoche cho phép chiêm ngưỡng mười bốn cổ vật quý báu và hướng dẫn đi thăm viếng các tu viện như Gyume Tantric College, tu viện Tashi Lunpo, tu viện Sera Jey và đại học Sera Mey.
Chuyến hành hương được tiếp tục bằng xe buýt từ Karnakata đi sang tiểu bang Karmataka để thăm viếng tu viện Gaden Sartse ở tỉnh Mundgod. Tu viện Gaden Sartse có mười một tu viện nhỏ hay còn được gọi đơn giản là nhà (Khangtsen). Chúng tôi được ở lại đây một tuần tại Gaden Ngari Khangtsen Monastery, một trong những ngôi nhà trên.
Thời gian được sống trong tu viện tuy ngắn nhưng thật hiếm quý vì chúng tôi được mắt thấy tai nghe một ít sinh hoạt tu học tinh chuyên cũng như đời sống giản dị của quý thầy trong tu viện Tây Tạng.
Trong những ngày cư ngụ trong chùa, chúng tôi được thiện duyên đi thăm tu viện Deprung Losaling, tu viện Deprung Gomen, tu viện ni Jangchub Choling Nunnery và tu viện nhỏ Thoding nơi Quyên, cô bạn đồng hành trong lần hành hương trước, đã từng quy y.
Sau khi từ giã tu viện Gaden Sartse, quý thầy thuộc tu viện Ngari Kangsen hướng dẫn chúng tôi đi về phương bắc Ấn Độ để chiêm bái tứ động tâm, bốn địa điểm quan trọng của Phật giáo tại miền bắc Ấn Độ. Đó là vườn Lâm tì ni (Lumbini) ở xứ Nê bạc nhĩ (Nepal) nơi Đức Phật đản sanh; Bồ đề Đạo tràng tại Bodh Gaya, nơi Ngài thành đạo; vườn Lộc uyển ở Ba la nại (Varanasi) nơi Ngài chuyển pháp luân và thuyết pháp lần đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như (Kodanna). Sau cùng là Câu thi na (Kushinaga), nơi Đức Phật nhập Niết bàn.
Đây là lần thứ nhì cá nhân tôi trở lại Ấn Độ. Lần trước tôi đi hành hương thăm các thánh tích của Đức Phật với phái đoàn của chùa Diệu Pháp do thầy Thích Viên Lý và thầy Ân Huệ hướng dẫn cách đây mười hai năm. Chuyến hành hương này do thầy Hạnh Tấn và Minh Tánh lúc đó đang tu học tại Ấn Độ tổ chức. Khi chúng tôi qua Bồ đề Đạo tràng thì hợp cùng với phái đoàn của thầy Thích Minh Tâm, trụ trì chùa Khánh Anh tại Paris, trưởng ban điều hành Giáo hội Phật giáo Âu châu hướng dẫn. Đi cùng đi với thầy còn có đại đức Thích Quảng Đạo và sư cô Diệu Hòa. (Xin xem quyển Lên Đường, tại http://nguyenhuynhmai.com)
Sau chuyến hành hương, chúng tôi xin ghi lại một số kỷ niệm và hình ảnh quý báu nhằm chia sẻ niềm vui mừng hòa lạc được chiêm bái đất Phật cùng ngưỡng mộ chư cao tăng tôn đức, cùng quý độc giả tín hữu thân thương.
Tuy quyển sách này mang tính cách ký sự nhiều hơn sưu khảo, nhưng do vì thọ được chút duyên lành mà chúng tôi được đặt chân trên mảnh đất Thiêng từng mang dấu chân của Đức Phật, và được diện kiến cùng bao Cao tăng Thánh nhân thời đại, nên chúng tôi xin được góp phần nhỏ nhoi với kiến thức thô thiển về Phật Pháp, cùng Phật giáo Tây Tạng, qua vài bài viết nhỏ có tính cách sưu khảo, nhằm trình bày vài nét chủ yếu của một truyền thống lịch sử và tôn giáo đã trở thành đề tài nóng của thế giới từ nhiều chục năm qua. Chúng tôi cũng mạo muội xin được đóng góp vài dòng về lịch sử Phật giáo Việt Nam, như một cúng dường lên ngôi Tam Bảo và đất nước. Đây thật sự là công trình biên khảo những đóng góp của biết bao thiện tri thức và trí thức tôn giáo trên sách báo và mạng lưới toàn cầu, chúng tôi chỉ góp phần sưu tập nhằm cung ứng phương tiện cấp thời cho nhu cầu tìm hiểu của quý độc giả.
Nơi đây, chúng tôi xin chân thành cảm tạ những bậc thức giả, những thiện tri thức, những thân hữu Việt Nam hay ngoại quốc, hữu danh hoặc ẩn danh, đã đóng góp tài liệu mà chúng tôi đã được học hỏi qua sách vở hay các trang mạng Phật giáo. Quyển sách này sẽ không thể thành hình, nếu không có công sức nghiên cứu, sưu tầm, chỉ dẫn và góp ý của quý vị, trong công quả chung ca ngợi trí huệ của Đấng Toàn Giác. Vì vậy quyển sách này xin được mạn phép ghi danh đồng tác giả là THIỆN HỮU.
Sau hết, chúng tôi mong được học hỏi thêm, nếu có điều chi sơ sót vì sự hiểu biết còn hạn hẹp của mình trong biển nguồn của Phật Pháp vô biên. Mọi sự góp ý hay bổ túc xin gởi về địa chỉ của tác giả.
Cẩn bút,
Nguyễn Huỳnh Mai
Huntington Beach, California
Xuân 2010
Ghi chú: Những thuật ngữ Phật giáo về giáo pháp, tôn tánh, địa danh, vân vân… vì đến từ nhiều nguồn gốc và ngôn ngữ khác nhau (Phạn ngữ, Hoa ngữ, Anh ngữ, Tạng ngữ, Việt ngữ…) cho nên ngoại trừ những từ thông dụng trong thuật ngữ Phật giáo Việt Nam, chúng tôi sẽ dùng Anh ngữ (âm) hầu quý độc giả tiện theo dõi.