Nghe tôi hỏi tới tình cảnh Việt kiều đang sống tại Nam Vang, mắt cô Sáu đầy vẻ uất ức, cô nói:
- Mình đâu có dè nó dã man như vậy. Cô xin lỗi nhe, mạng sống của người mình lúc đó thật không bằng một con chó. Đến nỗi hễ gặp mặt người nào Việt Nam là nó nhào lại đánh không cần xem giấy coi người đó là dân Miên hay dân Việt như trước nữa. Nhiều người bị đánh la lên là mình dân Miên, thì chẳng những tụi nó không ngừng đánh mà còn chưởi rồi nói "À doun Chôl chiết Khmer cunk lè doun!" (An Nam vô dân Miên cũng là An Nam!) Ở ngay thành phố thì còn đỡ nhe cháu, chớ ở miệt Ga xe lửa, Cầu Lầu trở lên cây số 4, cây số 5 thì ôi thôi người ta chết biết bao nhiêu.
Khi tôi hỏi đến mấy người quen cũ, cô Sáu "cây gòn" xua tay lắc đầu tỏ vẻ ngao ngán, rồi bằng một giọng chua chát cô trả lời:
- Gia đình bà T. bây giờ ăn mặc rập theo dân Miên, họ không dám nói một tiếng Việt nữa. Cháu coi hồi nào bà gặp mình bà mừng rỡ hỏi han mà bây giờ mình lại nhà bả, vợ chồng con cái xúm nhau lại đuổi mình như đuổi "tà" vậy đó. Mấy người vô dân Miên họ sợ bị liên lụy lắm cháu ơi. Gặp mình là họ làm mặt lạ, gầm đầu đi một mạch. Nghĩ lại mình cũng không trách họ được vì ai lo phận nấy, sơ hở một chút là thấy cái chết trước mắt thì ai còn đầu óc đâu để nghĩ đến tình cảm nữa. Coi bộ bà T. lúc này cũng có vẻ rầu lắm vì nghe nói tụi nó hăm bắn mấy người Miên lấy vợ Việt Nam. Bà ta muốn về đây lắm nhưng lỡ vô dân Miên rồi, nếu trốn mà bị bắt lại thì mang tội phản quốc. Tội đó thì chỉ có nước bị đem bắn bỏ.