Nam Vang, ngày. . . tháng 5 - 1970.
Hôm nay cả nhà lại lục đục kéo nhau đi chích. Mỗi người phải đưa cho họ 50 đồng. Đến phiên đứa em út của mình, sau khi lấy tiền xong, ông y tá nói:
- Khmên, à nách ót chắt! (Con nít, tội nghiệp thôi khỏi chích).
Mình nghĩ bụng "không chích mà cũng lấy tiền". Sau đó họ dặn một tuần nữa đến lấy giấy. Ba mình lấy làm lạ vì thấy nhiều người đến chích lần đầu mà lại được chích và có giấy liền. Thấy một bà cầm giấy đi ra, ba liền chạy lại hỏi, thì bà ta nói:
- Nếu ông muốn lấy giấy liền thì phải đưa cho họ 300, gia đình tôi bốn người, tôi phải đưa cho họ 1,200.
Ba có vẻ suy nghĩ rồi dẫn cả nhà ra về. Mình hiểu là ba còn phải để dành tiền mua giấy máy bay, tiền về Sàigòn xài trong lúc chưa có việc làm nên không thể lo lót cho họ để lấy giấy liền được. Mình giận sôi gan, thì ra họ tìm đủ cách để làm tiền người Việt chớ họ tử tế gì với mình mà chích ngừa cho mình. Họ giết mình cũng được mà, chẳng lẽ họ sợ mình đau hay sao? Đồ giả dối!
Nam Vang, ngày. . .tháng 5 - 1970.
Thế là xong, ngày mai xe car lại rước cả nhà lên Pochentong. Đêm nay chắc không ai ngủ được hết. Má L. và má mình cứ lục đục bên đống vali, giỏ xách, mặc dầu đồ đạc đã được xếp đặt sẵn cả tuần lễ nay. Riêng mình thấy nôn nao làm sao, còn gì vui sướng cho bằng khi nghĩ đến lúc đặt chân xuống mảnh đất Sàigòn. Xung quanh mình sẽ chỉ có người Việt thương yêu bênh vực lẫn nhau, san sẻ nhau những lo âu toan tính, chớ không như ở xứ lạ quê người, mình bị hà hiếp, mắng xéo chửi xiêng mà vẫn phải ngậm miệng nuốt hờn.
Mấy đứa em của L. và mình, đứa thì xa quê hương từ hồi còn chập chững bước đi, đứa thì được sanh ra nơi xứ người, nên nào có biết Sàigòn ra sao. Chúng cứ bu quanh L. và mình, hỏi hết câu này sang câu khác, làm hai đứa cứ mặc sức tán hươu tán vượn như điên. Nào là Sàigòn có sở thú, có bến tàu. . . v.v. . . Mấy đứa nhỏ mê nghe đến buồn ngủ híp cả mắt lằm lăn khèo ra ngủ. Chắc chúng nó đang mơ về Sàigòn! Giấc mơ hẳn đẹp. . .
Đêm nay là đêm cuối cùng nơi xứ Miên. Mình cứ thao thức mãi không ngủ được. Mình có oán có thù thì oán thù những kẻ đã tạo nên hoàn cảnh này, chớ mình vẫn thấy thương mảnh đất nơi có biết bao kỷ niệm êm đềm với gia đình, nơi mối tình đầu đã nở hoa. Mình nhớ đến căn nhà ấm cúng, nhớ từ cái tủ, cái ghế, cái bàn, đến chậu hồng ngoài bao lơn mà chiều chiều mình tưới nước. Căn nhà ấy đã có người khác đến ở. . . Chậu hồng chắc đã héo úa xác xơ. . .
Mình ngồi trong này nhìn ra thấy L. qua khung cửa sổ . L. đang trầm lặng hút thuốc, không biết là đến điếu thứ mấy rồi. Chắc L. đang nghĩ đến những ngày sắp tới nơi đất Sàigòn, cả một gánh nặng trên vai L. Anh sẽ làm gì để nuôi ông bà ngoại, má và bảy em thơ? Nếu L. đi lính?. . . Mình biết câu hỏi có lời giải đáp và cảm thấy thương L. hơn. Cái hình ảnh đám cưới mình vẽ ra trong đầu chắc cũng còn lâu lắm mới thành sự thật. Nhưng mình đợi được mà, mình sẽ đợi, đợi hoài. . . miễn là hai gia đình cứ thân thiện với nhau thế này mãi thì không còn gì vui hơn.
Trên máy bay, ngày. . . tháng 5 - 1970.
Mình cảm thấy nhẹ nhõm khi phi cơ bắt đầu cất cánh. Nhìn qua khung cửa kính mình thấy phi trường Pochentong xa dần. . . xa dần. Tựa lưng vào ghế, hồi tưởng lại những gì đã xảy ra sáng nay, một ý nghĩ chợt đến với mình "người Việt Nam phải lấy tiền lót đường mới mong về xứ một cách an toàn".
Thật vậy, mình thấy từ lúc bắt đầu lo giấy cho đến bây giờ, ba mình phải chi không biết là bao nhiêu thứ tiền, cho tới khi vào phòng ngồi đợi giờ lên máy bay, mỗi người lại phải đóng 100, gọi là "tiền đi luôn không trở lại" (!). Thật là hết nói, họ muốn lột cho sạch túi người Việt mà!
Phi cơ đã lên cao và đang trực chỉ hướng Sàigòn. Cô tiếp viên hàng không mời mình giải khát. Cầm ly nước trong tay, mình cười thật tươi với cô ta rồi nói:
- Khnum lia Phnom Penh hơi! (Tôi vĩnh biệt Nam Vang rồi).
Ngoài khung cửa sổ, nắng phủ một lớp vàng óng lên những cụm mây. . . Chưa bao giờ mình thấy nắng đẹp như sáng nay. Quay sang L. mình bắt gặp tia mắt dịu dàng nồng ấm. Một cuộc đời mới sẽ đến với hai đứa.
Tự dưng mình thấy tin tưởng hơn vào tương lai. Nhưng. . . biết tương lai có đẹp như giấc mơ?