D- Tình Cảnh Việt Kiều Ở Chrui Chang War

13 Tháng Mười Hai 200412:00 SA(Xem: 24299)
D- Tình Cảnh Việt Kiều Ở Chrui Chang War

Cô Sáu ngưng lời, nuốt nước miếng một cách khó nhọc rồi nói tiếp trong nước mắt:

- Cháu ơi tụi nó còn bắt con gái người ta lột trần truồng, dí súng sau lưng bắt đi ngoài đường, xong rồi tụi nó xúm nhau lại hãm cho đến chết. Thật là khốn nạn quá mà!

Tôi thấy tim đau nhói và không cầm được nước mắt, tôi cùng khóc với cô Sáu. Một lát sau cô Sáu lau nước mắt kể tiếp:

- Ở bên Chrui Chang War ban đêm thì phe Miên trên Kiom Pong Cham kéo xuống bắt Việt kiều đào hầm treo hình Sihanouk lên. Ban ngày thì phe bên này sông kéo qua hỏi Việt kiều ai biểu treo hình Sihanouk, ai biểu đào hầm rồi tụi nó đánh đập người bắt gỡ hình xuống, lấp hầm lại. Cứ như vậy hoài, ban đêm thì đào hầm treo hình ban ngày thì gỡ hình xuống, lấp hầm lại, Việt kiều chết biết bao nhiêu.

Chrui-Chang War đối với thành phố Cao Miên giống như Thủ Thiêm đối với Sàigòn, ở đây cũng có nhà thờ, trường học, nhà máy, ao rau muống. . . Cô Sáu nói tới Chrui Chang War làm tôi nhớ lại một điều. Lúc tôi còn ở trên đó thì cái cầu Chrui Chang War đang xây được một phần. Người Miên hay người Việt đều biết trong kinh Miên có nói: "Nam Vang không thể có hai chiếc cầu, nếu chiếc cầu này cất xong thì chiếc cầu kia phải gẫy, nếu không sẽ xảy ra chiến tranh". Nghĩa là cầu Chrui Chang War cất xong là cầu Sàigòn phải bị gẫy. (Xe từ Sàigòn lên Cao Miên khi qua cầu Sàigòn là tới thành phố Phnom Penh).

Tôi nghĩ Kinh Miên sao đúng ghê vì từ khi cầu Chrui Chang War cất xong, hai chiếc cầu vẫn còn nguyên cho tới bây giờ.
Tôi thắc mắc nếu người Việt không dám ra đường thì làm sao đi chợ mua thức ăn. Cô Sáu nói:

- Không biết người khác thì làm sao, chớ riêng cô nhờ quen với mấy người Tàu ở gần nhà nên cô gởi tiền nhờ họ mua thức ăn. Họ đi chợ về kể lại ở ngoài chợ Nhỏ không có bóng một người Việt Nam buôn bán chỉ còn toàn là người Miên và người Tàu. Chợ búa thì lúc này ế lắm, bạn hàng ngáp ngắn ngáp dài vì chẳng có mấy người mua. Họ than van hết sức. Mấy ông chệt bán chạp phô hay đậu đỏ bánh lọt ngồi buồn so đuổi ruồi.

Trên xứ Miên đặc biệt có nhiều nhà cao cẳng và nhà bè nổi dưới sông. Tại con đường Cầu Lầu dài theo mé sông Bassac, có cả ngàn nhà bè của Việt kiều. Theo cô Sáu, dãy nhà bè từ chợ Nhỏ lên đến cây số 6 bị tàu kéo ra khơi.

Trước đó vào khoảng 6 giờ chiều, giờ giới nghiêm, lính Miên ồ ạt kéo đến sắp hàng dọc theo mé sông, chĩa súng rồi từ từ đi xuống dãy nhà bè không một ai kịp có phản ứng gì cả. Tốp lính ào vô nhà Việt kiều đập tất cả bàn ghế, radio, tivi, tủ lạnh, đổ gạo xuống sông, cướp tất cả đồ đạc quý giá. Xong xuôi họ rút lên bờ ghìm súng không cho ai lên. Lúc đó tàu ngoài khơi chạy vào kéo tất cả các nhà bè ra khơi. Tiếng khóc la tràn ngập một góc trời.

Cô Sáu nghe nói tàu Miên kéo nhà bè đi và bắn bỏ nhiều người trên đó. Việt kiều sống trên nhà bè hiện giờ lêu bêu vô định, số phận thật điêu linh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Chín 2004(Xem: 41847)
1,863,880