C- Giả Gái Miên

23 Tháng Hai 200512:00 SA(Xem: 21374)
C- Giả Gái Miên

Ngày. . . tháng 4 - 1970.

Sáng năn nỉ mãi ba mới cho mình ra chợ. Mình mặc bộ xịp (váy Miên) và áo của Sà Rinh tặng hôm sinh nhật. Trước khi đi, mình soi kiếng thấy giống hệt gái Miên, nhất là mái tóc ngắn ngủn má mới cắt cho mình hôm qua. Phải sửa soạn cho tụi nó ngắm mới được. Mình trang điểm, đeo bông tai, chuỗi hột, cả mấy chiếc vòng bạc nữa. Lúc ra cửa, má ngắm mình rồi bảo mình giống y "lục sậy" (phu nhân).

Mình đi chậm rãi, mặt nghiêm trang (cho ra vẻ lục sậy mà lỵ). Một ông xích lô tươi cười mời:
- Tâu tê né? (đi không cô?)

Mình lắc đầu rồi đi thẳng, không dám trả lời, vì sợ hắn ta biết cái "đuôi" Việt Nam của mình. Tuy chính phủ Miên có bắt mình học và thi đàng hoàng, nhưng mình chỉ liếc sơ qua cho lấy có, khi thi cho họ vài trăm là đậu. Phần nhiều dân Việt mình đều vậy hết, không học tiếng Pháp thì thôi, chứ ai học tiếng Miên làm gì.

Ông xích lô này vui vẻ tươi cười làm mình nhớ chuyện hôm trước mà phát tức. Hôm đó mình mặc áo ngắn, quần đen ra phố, gặp một thằng cha xích lô hắn nhìn mình với đôi mắt căm thù rồi nghiến răng nói:
- Anh sà óp doun ná! Chách tà khơn móc doun!
(Tao ghét annam quá! Cứ gặp mặt annam hoài!)

Mình tức nghẹn cổ họng mà vẫn phải cúi đầu lầm lũi đi vì mình biết hắn ta đợi mình trả lời để có cớ đánh đập. Từ hôm đó tới nay, hễ ra đường là mình phải mặc áo đầm hoặc mặc đồ Miên.

Khu Chợ Lớn Mới (Sathmei) bữa nay thật đìu hiu. Lúc trước đông đảo, náo nhiệt bao nhiêu, thì bây giờ lại thưa thớt vắng vẻ bấy nhiêu. Mình không biết chợ này và chợ Bến Thành chợ nào lớn hơn, vì mình xa Sàigòn từ hồi còn bé nên không thể nào tưởng tượng nổi. Mình chỉ nhớ mang máng là nó. . . vuông, có một mặt bán trái cây. Thu có tả trong thư là người ta "bắt" hai cây cầu nổi kế bên chợ, đi rất mỏi chân và muốn qua cầu thì không nên mặc "mini jupe" (?).

Chợ Lớn Mới được xem như chợ lớn nhất của thành phố Nam Vang. Những năm sau này có phần thay đổi chứ như lúc mới khánh thành chợ vừa đẹp, vừa sạch. Bán hàng phải mặc đồng phục để phân biệt tùy theo loại thực phẩm; chẳng hạn như bán hoa thì nón xanh, yếm xanh; bán cá thì màu đen; bán thuốc xỉa, dừa khô mặc màu nâu v.v. . . Khu dành riêng cho chợ xây theo hình tròn chung quanh là đường xe chạy giống như bùng binh chợ Sàigòn. Chợ có năm cửa, mỗi cửa bước vào là một loại thực phẩm riêng. Giữa chợ là khu bán chạp phô của người Tàu. Chợ tuy đẹp nhưng kẻ vào chợ thường "được" ngửi một mùi không lấy gì làm khỏe cho lắm. Có nhiều chuyện ngộ nghĩnh ở đây, mà mình chưa từng thấy ở cái xứ "an nam ta" dù ở trong cái chợ thật nhỏ, thật dơ.

Mình nhớ hồi nhỏ, có lần theo ba má ra chợ, đang đứng đợi má mua rau cải bỗng nhiên mình thấy một bà Miên mặc xịp đen với áo chanh (xịp đen của họ giống như quần đen rộng hết khổ của người Việt Nam, chỉ khác là có một ống) dừng lại, dáo dác nhìn quanh rồi xoay một vòng cho cái xịp phồng ra xong ngồi xuống cái rụp. Mình ngạc nhiên tột độ không biết bà ta làm gì, chẳng lẽ muốn nghỉ chân mà bà lại phải múa trước khi. . . ngồi? Còn đang thắc mắc thì bà ta đã đứng dậy xách thùng đi một mạch. Nhìn dấu vết còn lại mình mới tìm ra "chân lý". Thì ra bà ta dừng chân đôi phút để đi. . . tiểu, và đương sự dáo dác nhìn quanh trước khi bài tiết là để xem chừng "phú lít"! (cảnh sát)

Từ đó về sau, gặp những vụ tương tự mình không còn ngạc nhiên nữa. Suốt mấy năm nay mình đi làm nên thỉnh thoảng mới ra chợ, mỗi lần đi chợ mà gặp cảnh sát hà hiếp bạn hàng, nhất là bạn hàng Việt kiều, sự thù ghét lính Miên của mình càng gia tăng.

Tụi nó tung hoành như những ông "vua con" trong khu chợ, muốn lấy gì thì lấy, muốn ăn gì thì ăn mà không bao giờ trả tiền, nếu có thì chỉ giả bộ. Bạn hàng nào lỡ lấy tiền, thì kể như là họa đến với họ. Tội nghiệp những chị bán hàng rong, họ là những người thường hay bị đánh đập tàn nhẫn hơn hết.

Nhiều khi vốn liếng của họ chỉ là một gánh chè, thúng cam hay rổ ổi mà cũng bị tịch thâu. Cách đây hai tháng, mình gặp chị Sáu đang ngồi khóc bên gánh chè đậu. Chị bị lính Miên giựt gánh chè của chị quăng lên xe nhà binh chở về bót; tới chừng chị chạy được một số tiền đem chuộc thì chỉ còn lại nửa gánh chè thiu của tụi nó ăn còn dư. Bạn bè chị bán cam, ổi, xoài nhiều người không thèm đi chuộc, vì họ biết có chuộc cũng chỉ còn lại thúng không. Mình nhớ có một năm vào mùa mưa, ông cảnh sát hung dữ thường đánh đập bạn hàng nhất bị sét đánh chết rồi. Bữa đó cả khu chợ vui vẻ tưng bừng hết sức.

Mải nghĩ mà mình vào chợ lúc nào không hay. Eo ơi! Trái cây đổ đống mà bạn hàng ngồi buồn thiu! Lúc này, ai còn lòng dạ nào ăn với uống mà mua. Bữa nay thì thật không còn một bạn hàng người Việt. Không biết là có loại Miên giả như mình hay không, chứ mình nhìn khắp nơi chỉ thấy toàn là "quần một ống" (xịp hay jupe dài thay quần đen hay jupe bông, màu xặc sở) .

Thấy "gót bùn" của mình là mấy chị bạn hàng tươi ngay nét mặt, mời mọc vồn vã:
- Tinh tâu né! (mua đi cô!)

Mình mỉm cười lắc đầu, nhiều khuôn mặt tiu nghỉu trông đáng thương lạ! Dân ăn xài lớn mà đi rồi, thì bán cho ai! Người Tàu họ cũng chuẩn bị hết rồi! Thôi giã từ khu chợ, mình trực chỉ hướng đường Boong. Thu hay viết thư kể chuyện đi sắm đồ ở Tax, Passage Eden hay Crystal Palace cho mình nghe và nói rằng mấy cô ở Sàigòn hay lượn ở những chỗ này vào Thứ bảy, Thủ nhật cũng như dân ở Phnom Penh đi chơi đường Boong.

Buồn ghê! Con đường Boong mà mình hay đi mua xắm quần áo với má và các em ngày nào, hôm nay sao vắng vẻ lạ lùng...


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Chín 2004(Xem: 41642)
1,863,880