- NỘI DUNG
- DẪN NHẬP: Có trí huệ khi tỉnh thức toàn vẹn
- CHƯƠNG I: Thức tỉnh, sáng suốt để bước vào Đại Đạo
- CHƯƠNG II: Có trí huệ khi tỉnh thức toàn vẹn
- CHƯƠNG III: Lòng từ bi giúp con đường đạo
- CHƯƠNG IV: Tu Nhân học Phật là con đường thức tỉnh giác ngộ
- CHƯƠNG V: Hạt giống Đạo ăn sâu vào lòng đất mẹ
- TIỂU SỬ TÁC GIẢ NGUYỄN HUỲNH MAI
21-10-2012 – 4 giờ sáng.
Làm thế nào để không biến nghiệp của người thành nghiệp của mình?
Nghiệp của người đến với mình có thể bằng cử chỉ, hành động, lời nói.
Làm thế nào để không chuyển nghiệp của người khác qua khẩu nghiệp của mình? Có thể gọi đó là “Nghiệp khẩu truyền” hay là sự lặp lại những gì người khác làm hay người khác nói? Nhất là khi chuyển đạt hay lặp lại có khi sai lầm qua nhãn quan, định kiến hay thành kiến của chính mình do lòng thương ghét. Có những nghiệp do chính mình tạo ra. Cũng có những nghiệp do chính người tạo ra và mình lại mang vào và gánh vác nó bằng cách chuyển đi cho nhiều người trong nhiều trường hợp và giai đoạn chồng chất có khi đến hết cuộc đời mình vẫn còn, chưa xóa được.
Con người mình từ khi ra đời đến cuối cuộc đời đã gồng gánh không biết bao nhiêu là nghiệp và quả.
Có phải chính do trái tim quá hạn hẹp của con người không đủ từ ái, vị tha, bao dung nên đã chất chứa không biết bao là sân hận.
Muốn chuyển nghiệp, dứt nghiệp, xóa nghiệp, giảm nghiệp, thì phải làm sao?
Vì sao có những họa sĩ đã vẽ lên những bức tranh nhẹ nhàng, yên bình và lại có những họa sĩ đã vẽ lên những hình ảnh rùng rợn, rực lửa hay ma quái, chết chóc, dữ tợn, gớm ghê.
Con người chúng ta có đủ dầu óc, tứ chi, nội tạng để biết, để nhìn, để ghi khắc những tâm cảnh là những bức tranh qua toàn bộ con người của mình.
Tu để chuyển hóa tâm cảnh của mình từ rối reng, buồn bã, giận hờn, thù ghét dần dần trở nên vị tha, bao dung hơn cho đến mức từ bi hỉ xã.
Từ bi hỉ xã, bốn chữ tuy dễ nói nhưng rất khó làm nếu không thực tập để rốt ráo chuyển hóa tâm cảnh của mình.
Làm thế nào để những điều tốt qua cử chỉ hành động và lời nói của người có thể khỏa lấp những lời nói hành động không tốt của họ?
Tất cả là do mình, do tâm cảnh của mình. Tất cả tốt xấu đều được định giá qua các giác quan của mình. Vì thế mình phải trách nhiệm với tâm cảnh của mình qua sự ghi nhận của các giác quan. Vì thế điều ta cần thiết phải làm là thanh lọc giác quan của mình đến mức trong sáng hay còn cần nói rõ là thanh lọc Tâm Thân Ý của mình cho luôn trong sáng không một vết nhơ thì ngoại cảnh không thể ảnh hưởng nó qua bất cứ hoàn cảnh nào.
Tâm Thân Ý trong sáng. Tâm cảnh trong sáng, cho dù ngoại cảnh như thế nào thì cũng không ảnh hưởng được tâm cảnh hiền hòa, an bình, trong sáng của mình. Khi đó thì dù cho người, vật, cảnh xung quanh có như thế nào cũng không ảnh hưởng mình được.
Giữ tâm cảnh trong sáng để không tạo nghiệp hay không đem nghiệp của người thành nghiệp của mình.