(trích Nhật Ký Tam Linh 13: HÀNH Y LỜI THẦY sắp xuất bản 2021)
25-5-2020 – 4 giờ sáng
Trong mọi sự việc từ đời sống cho đến tâm linh, hành giả luôn giữ chánh tâm, thì mọi ý tưởng, lời nói, việc làm đều sẽ đi trên con đường chân chánh, gọi là Chánh Đạo; và con đường đi dù mau hay chậm cũng là con đường chánh đạo không xoay chuyển cũng không dời đổi.
Cứ một con đường chánh đạo mà đi thì mọi đóng góp dù ở phương diện nào cũng đem lại lợi ích cho mọi người, cho đồng đạo, cho tôn giáo, và đất nước Việt Nam, xa hơn nữa là cho đồng bào và nhân loại trong các kỷ nguyên mai hậu.
Tất cả những gì xảy ra dù tốt hay xấu, hài lòng hay không hài lòng, suông sẻ hay trở ngại, đều là những kinh nghiệm giúp cho người hành đạo học hỏi, trau giồi, và thử thách, hầu tiến bước trên con đường tầm đạo và ngộ đạo.
Người có thực tâm tu học và cải sửa, tầm đạo và ngộ đạo, là để giúp mình biết chánh đạo mà đi, chứ không phải để dùng sự hiểu biết học đạo mà làm thầy, nhằm tạo một địa vị hay một môi trường tốt mà hưởng thụ.
Con đường học hỏi tu tập đến giác ngộ phải trải qua vô vàn chướng ngại, thử thách trong một thời gian lâu dài, có khi cả một đời người. Nhưng rớt khỏi chánh đạo là việc xảy ra trong tích tắc.
Chỉ trong thời gian một tích tắc, thì dù người tu mặc áo tu sĩ hay người tu tại gia, sẽ chẳng khác gì nhau, khi không còn giữ được chánh tâm, chánh niệm và chánh định.
Chỉ cần một tia chớp tham sân si, hỉ nộ ái ố dâng tràn khởi dậy khiến hành giả mất chánh niệm, hoặc bất ngờ không kềm hãm nổi, để cho chúng làm chủ tâm thân ý của mình, thì tòa nhà bát chánh kiên cố có thể sụp đổ toàn diện. Đó là giây phút thử thách chớp nhoáng xảy đến cho một người tu, để nhận diện đó là một chân tu hay giả tu, một chân nhân hay ngụy chân nhân.
Để tránh một cơn sấm sét bất chợt có thể đánh tan bao công trình tu tập, công đức huân tập trên con đường chánh đạo hướng đến sự giác ngộ, hành giả cần luôn tự xét mình, không chểnh mãng, không lay chuyển, với quyết tâm kiên cố và ý chí vững mạnh.
Người tu phải biết chọn theo đúng hướng đi chân chánh, và quyết tâm quyết chí tiến bước trên con đường đạo, dù nhanh hay chậm cũng một mực không dời đổi, vì những lý do nội tại hay ngoại tại.
Con đường đi dù gặp sông rạch hay thác ghềnh, hành giả cũng phải vững tay chèo, không gác mái buông xuôi, bỏ mặc thuyền quay về chốn khởi hành, mà phải đi đến nơi đến chốn, trước khi lìa cuộc đời giả tạm chốn hồng trần.