Nguyễn Huỳnh Mai
(Nhật ký Tâm Linh 10: Trích Sức Mạnh Tánh Không )
Trống không là không suy nghĩ hay trống không là suy nghĩ, thấy biết mà không bị ảnh hưởng?
Một câu hỏi khó và giải thích tùy theo kinh nghiệm sống đạo.
Nếu cho rằng trống không là không nghĩ gì cả thì con người lúc đó có còn cảm giác gì không? hay không có cảm giác? có biết thời tiết nóng lạnh, mùi hương thoang thoảng, tiếng động xung quanh?
Hay là trống không có nghĩa là vượt, là suy nghĩ mà không bị ảnh hưởng của nghĩ suy. Biết lạnh, biết nóng, biết rõ từng hơi thở, nghe được tiếng chim kêu, tiếng xe chạy, biết được nhiệt lượng trong người, biết dòng điện của mình thông các huyết mạch, nhanh, chậm, các đầu ngón tay ngón chân, những khớp xương lúc đó ra sao, tim đập nhanh hay chậm, hay đập nhẹ nhàng như không đập?
Có phải sự trống không khi thiền quán liên tục tức là biết rõ mọi việc và đồng thời không bị ảnh hưởng bởi mọi suy nghĩ thấy biết của chính mình?
Nếu thấy biết mà không phản ứng thì không có sự kềm chế hay chạy theo cảm nghĩ, cảm xúc. Không kềm chế thì không đè nén, ta có thể biết mà như không biết, thấy mà như không thấy và cảm giác mà như không cảm giác.
Cái trống không của người tu là vượt cái thấy biết. Mà chỉ vượt được cái thấy biết đồng bộ mới có thể định liên tục. Nếu cố gắng đạt hư không trong chốc lát thì sẽ liên tục khi thì định – lúc không định, giống như đứng lên té xuống cả ngày.
Hoặc cho rằng mình đạt được chân như rồi đi đứng vấp váp té nhào không hay.
Cái thấy biết của cảm giác phải đồng bộ với định hay trống không mới thật, vì cái trống không, cái định này mới thật sự là đại định, vì sự song hành này mới đủ khả năng giúp hành giả sống đạo và giảm khó khăn trong đời sống không bị bên tả hay bên hữu, mặt đời và mặt đạo đối nghịch nhau.
Nếu hai mặt đời và đạo cứ mãi đối nghịch thì bước đi của ta sẽ bị quàng xiên liên tục, làm gì và nghĩ gì cũng bị nội chiến, gây đau khổ nội tâm và chắc chắn sẽ gây xáo trộn trong đời sống. Đại định là thấy biết rất rõ trong sự trống không đầy cảm giác.
Gửi ý kiến của bạn