1- Phân Khoa Văn Học Và Khoa Học Nhân Văn

30 Tháng Năm 200612:00 SA(Xem: 16598)
1- Phân Khoa Văn Học Và Khoa Học Nhân Văn

vanhanhtruoc75-content

 

Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn chú trọng đến việc xây dựng một nền Quốc học vững mạnh và việc phục hưng giá trị truyền thống dân tộc, trao đổi và thâu hóa văn hóa quốc tế, khuyến khích tinh thần sáng tạo của cá nhân và tập thể sinh viên. Thượng tọa Viện trưởng cho biết:

“Sứ mệnh của các Văn khoa là đào tạo những người tha thiết cho tự do, cho lý tưởng nhân loại chứ không phải sản xuất ra hạng người vâng vâng, dạ dạ, sợ hãi chạy theo thế quyền hay thần quyền, phủ nhận nền văn hóa Việt Nam. Những sinh viên Văn khoa phải là lớp người can đảm, không chỉ biết thụ hưởng mà cần biết suy tư, biết lựa chọn con đường cho mình, bà chịu trách nhiệm trước sự lựa chọn đó.”

Thật vậy, phân khoa Văn học đã và đang cố gắng phát huy cho sinh viên rõ vẻ đẹp của nền văn hóa dân tộc, nhịp cầu nối kết mọi người dân Việt Nam. Phân khoa cũng dạy cả văn hóa các nước khác với ý hướng tạo cho sinh viên một nền giáo dục phổ quát và giúp đỡ họ làm giàu cho nền văn hóa dân tộc.

Văn khoa Vạn Hạnh gồm có các ban: Văn học Việt Nam, Triết học, Tâm lý thực nghiệm, Đông phương học, Sử Địa, Văn học Anh Mỹ, và Báo chí. Chương trình cử nhân Văn khoa gồm có 4 năm, năm thứ nhất sinh viên học chung, chỉ chia ban bắt đầu từ năm thứ hai.

Ngay trong năm đầu sinh viên được chia ra thành nhiều nhóm. Các giáo sư đưa ra nhiều đề tài cho sinh viên chọn lên thuyết trình từng nhóm một. Giáo sư hướng dẫn những buổi nói chuyện này và sau đó phê bình những ưu và khuyết điểm của các thuyết trình viên. Nhờ vậy mà sinh viên không bị mặc cảm xa cách đối với giáo sư và cũng không cảm thấy bị lạc lõng trong môi trường Đại học.

Đặc biệt trong niên khóa tới có giáo sư Dương Thiệu Tống, trưởng ban Văn học Anh Mỹ đã tăng cường một lực lượng giáo sư hùng hậu, trong đó có hai giáo sư Mỹ để dạy và luyện giọng cho sinh viên ban này.

Chúng tôi xin đặc biệt giới thiệu ngành Báo chí học, một ngành học được coi như là mới mẻ tại Việt Nam.

Ban Báo chí học do Giáo sư LêThái Bằng làm trưởng ban. Tuy là một môn học mới nhưng đã thu hút một số rất lớn sinh viên Văn khoa. Sinh viên ban Báo chí chọn Anh văn làm sinh ngữ chính.

Năm thứ hai sinh viên được học ba môn thuộc kiến thức tổng quát như: chính trị, kinh tế, triết học hiện đại; và ba môn thuộc kiến thức chuyên môn như: lịch sử báo chí, luật báo chí, và săn tin viết tin. Sang năm thứ ba, sinh viên có ba môn: chính trị Việt Nam, lịch sử thế giới hiện đại, và xã hội học là những môn tổng quát; và bốn môn: quảng cáo và giao tế nhân sự, kỹ thuật báo chí, các hãng thông tấn và cơ quan thông tin, tổ chức và quản trị tòa soạn, là những môn học thuộc về báo chí.

Cũng năm này, sinh viên được thực tập một tờ báo của trường, và được sử dụng nhà in của Viện. Cuối năm nhà trường sẽ giới thiệu cho sinh viên thực tập tại các cơ quan thông tấn và tại các tòa báo.

Anh Đinh Khắc Duyên, sinh viên năm thứ ba (69-70) đã cho chúng tôi biết trong kỳ hè vừa rồi có 20 sinh viên thực tập tại Việt Nam Thông Tấn Xã; 1 người ở Hòa Bình; 1 người ở Thời Đại Mới; 1 ở hãng thông tấn S.T.A., 2 ở Dân Chủ Mới; 1 ở Trắng Đen; và 1 ở Chính Luận. Hiện tại đã có 1 sinh viên làm việc luôn cho nhật báo Trắng Đen, và 2 sinh viên khác cho Dân Chủ Mới. Riêng năm thứ hai cũng có 1 sinh viên đang thực tập tại Chính Luận, và 2 tại tuần báo Đời Nay.

Lên đến năm thứ tư, sinh viên được dạy nhiều về những môn học kiến thức chuyên môn như: nhiếp ảnh và điện ảnh, kỹ thuật báo chí, tốc ký Việt, tốc ký Anh; và 2 môn tổng quát như: văn học hiện đại, và những vấn đề trọng đại của Việt Nam. Những vấn đề trọng đại này sẽ do các nhân vật có thẩm quyền thuyết trình.

Ngoài ra trong chương trình hội thảo, ban Báo chí cũng đã tổ chức một buổi hội thảo giữa sinh viên liên ban Báo chí học Đà Lạt - Vạn Hạnh với đề tài “Tương lai người sinh viên Báo chí” để gây tình thân hữu giữa sinh viên Vạn Hạnh và sinh viên các Đại học khác.

Một trong những sinh hoạt hứng thú nhất của ban Báo chí là được dự thính các hội nghị quốc tế về báo chí tổ chức tại Việt Nam. Điển hình là Hội nghị Báo chí Á châu 70, do Hiệp hội Phát triển Bang giao Quốc tế tổ chức hồi trung tuần tháng 3-1970 tại phòng họp của khách sạn Hoàn Mỹ.

hoi_thao

Sinh viên BC ĐH Vạn Hạnh và BC ĐH Đà Lạt hội thảo về báo chí
tại đại học Vạn Hạnh ( Huỳnh Mai đang thuyết trình)



Một số sinh viên cũng được tham dự chuyến thăm viếng Vũng Tàu và Huế của phái đoàn ký giả ngoại quốc trong khuôn khổ hội nghị nói trên. Đây là những cơ hội tốt để sinh viên làm quen với không khí hội nghị và sinh hoạt tập thể, nhất là có dịp tiếp xúc với các nhà báo ngoại quốc ngỏ hầu học hỏi nơi các bậc đàn anh kinh nghiệm trong nghề, cũng như duy trì một sự liên lạc tốt đẹp về sau.

Thêm vào đó, giáo sư Lê Thái Bằng đã mời một số ký giả tiếng tăm đến viếng thăm ban Báo chí Vạn Hạnh cùng thuyết trình về những vấn đề liên quan đến báo chí tại Việt Nam và tại xứ họ. Chẳng hạn như giáo sư Jacques Léauté có chân trong UNESCO, và cũng là giám đốc Trung tâm Giáo dục Báo chí tại Strasbourg, Pháp; ký giả Tân Tây Lan Nicholas Turner đã từng cộng tác với hãng thông tấn xã Reuter tại Việt Nam; nhất là sự có mặt của vợ chồng một nhà báo rất vui tính, ông bà O.K. Armstrong, hai biên tập viên nòng cốt của tờ Reader’s Digest tại Hoa Kỳ.

Kể từ niên khóa 1970-1971, Văn khoa Vạn Hạnh sẽ thiết lập văn bằng cao học, và hiện đang chuẩn bị cho sinh viên 3 phòng: phòng nghiên cứu và viết báo, phòng đánh máy, và phòng rửa phim tráng phim. Trong tương lai, 3 phòng này sẽ được trang bị đầy đủ dụng cụ cho sinh viên thực tập. Ngoài ra Viện còn trợ cấp cho sinh viên môn Báo chí một số tiền để tiếp tục ra tờ Tin Tức và Sinh Hoạt Vạn Hạnh.


hoi_thao

cung_cac_ban_bao-content

Sinh viên Báo Chí Đại Học Vạn Hạnh đi thực tập

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41783)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42729)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48850)
03 Tháng Tư 2005(Xem: 42435)
01 Tháng Tư 2005(Xem: 36489)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41438)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41144)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43053)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39467)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45068)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40051)
1,863,880