Vĩnh biệt Tôn Thất Thiện (Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)

09 Tháng Mười 201412:00 SA(Xem: 6455)
Vĩnh biệt Tôn Thất Thiện (Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)

ton_that_thien_thong_luan-content
GS Tôn Thất Thiện


Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
(trích thongluan.org)

“…Tôn Thất Thiện là một học giả lớn, có lẽ là một trong những nhà nghiên cứu chính trị rất hiếm hoi của Việt Nam trong nửa sau thế kỷ 20. Ông cũng là một trí thức chính trị đúng nghĩa và một người hoạt động chính trị có uy tín…”


Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đau đớn báo tin cùng quí thân hữu: Ông Tôn Thất Thiện, huynh trưởng gia đình Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã từ trần ngày 03 tháng 10/2014 tại Ottawa, Canada, thọ 90 tuổi, sau một cuộc đời dài và phong phú.

Sinh ngày 22/09/1924 tại Huế, Tôn Thất Thiện đi vào tuổi hai mươi trong một giai đoạn lịch sử đầy những biến cố quan trong mà ông đã góp phần. Sau khi Nhật đảo chính chấm dứt sự đô hộ của người Pháp năm 1945, chính quyền Việt Nam đầu tiên được thành lập với Trần Trọng Kim làm thủ tướng. Tôn Thất Thiện dù mới 21 tuổi đã được chọn làm chánh văn phòng cho bộ trưởng thanh niên Phan Anh. Sau Cách Mạng Tháng 8/1945 ông Phan Anh trở thành bộ trưởng quốc phòng trong chính phủ Hồ Chí Minh và Tôn Thất Thiện vẫn tiếp tục làm chánh văn phòng cho ông Phan Anh. Trong chức vụ này Tôn Thất Thiện làm việc gần gũi với Tạ Quang Bửu, vốn là giáo sư toán của ông, Võ Nguyên Giáp và cả Hồ Chí Minh. Có lúc ông đã làm việc trong văn phòng chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôn Thất Thiện đã là người thành lập ra đài phát thanh tiếng Anh đầu tiên tại Việt Nam, ông cũng đã từng làm thông ngôn tiếng Anh nhiều lần cho chính Hồ Chí Minh.

Khi chiến tranh bùng nổ và chính phủ Hồ Chí Minh triệt thoái khỏi Hà Nội Tôn Thất Thiện cũng dự định đi theo kháng chiến nhưng ông đã được chính Tạ Quang Bửu khuyên thầm không nên đi theo. Chính Tạ Quang Bửu, lúc đó là thứ trưởng quốc phòng, cũng đã ngờ vực chủ nghĩa cộng sản. Đây là một bí mật mà Tôn Thất Thiện chỉ tiết lộ cho một số rất ít bạn bè.

Sau khi trở lại Huế, Tôn Thất Thiện đi du học Anh năm 1947 và tốt nghiệp trường London School of Economics. Sau đó ông sang Thụy Sĩ học về chính trị quốc tế và đậu cao học. Năm 1953 khi sắp sửa trình luận án ông gặp ông Ngô Đình Diệm và quyết định theo ông Diệm về nước, làm tùy viên báo chí tại phủ thủ tướng, rồi phủ tổng thống.

Cuối năm 1955 ông lại xuất ngoại. Sau một thời gian ngắn làm việc tại tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Paris ông sang Mỹ giảng dạy tại đại học Michigan và trường hải quân Mỹ trong chương trình hợp tác Việt Mỹ.

Năm 1959 ông trở lại Genève học tiếp vể chính trị quốc tế. Năm 1963, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ chính trị học, ông về nước làm tổng giám đốc Việt Tấn Xã đồng thời giữ vai trò một cộng sự viên gần gũi của tổng thống Ngô Đình Diệm.

Sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ ông dạy học trong các trường đại học Sài Gòn và viết báo, chủ yếu là những báo tiếng Anh như Saigon Daily News, Vietnam Guardian và The Economist, The Far Eastern Economic Review. Ông cũng đã góp phần tích cực thành lập Trường Đại Học Vạn Hạnh. Ông đã chỉ trở lại chính trường trong một thời gian ngắn năm 1968 với chức vụ bộ trưởng thông tin rồi từ chức vì không đồng ý với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Từ đó ông dành trọn thời gian dạy học và viết báo. Vài ngày trước khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ ông di tản ra nước ngoài cùng với nhóm ký giả của The Economist và tỵ nạn tại Canada.

Tại Canada, Tôn Thất Thiện dạy về dịch thuật Anh – Pháp tại đại học Trois Rivières ở Québec. Một bí mật cá nhân của Tôn Thất Thiện trong giai đoạn này là ông đã dành thì giờ để học Toán, một môn mà ông vẫn thích nhưng chưa có thì giờ để học trong tuổi thanh niên.

Từ năm 1984, do sự giới thiệu của Nguyễn Trọng Kha, em vợ ông và một trong những sáng lập viên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, Tôn Thất Thiện hợp tác với nguyệt san Thông Luận và sau đó trở thành thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Ông không giữ một vai trò lãnh đạo nào trong tổ chức cả nhưng đã đóng góp đáng kể trong cố gắng xây dựng tư tưởng và đường lối của Tập Hợp cũng như tranh thủ hậu thuẫn cho Tập Hợp. Ông cũng là một tấm gương sáng để anh em noi theo trong hoạt động và một sợi dây tình cảm gắn bó các chí hữu với nhau.

Tôn Thất Thiện đã viết nhiều cuốn sách và rất nhiều bài báo. Phần lớn bằng tiếng Anh, một số nhỏ bằng tiếng Pháp. Những bài viết bằng tiếng Việt của ông thường dành cho Thông Luận và Thế Kỷ 21.

Tôn Thất Thiện là một học giả lớn, có lẽ là một trong những nhà nghiên cứu chính trị rất hiếm hoi của Việt Nam trong nửa sau thế kỷ 20. Ông cũng là một trí thức chính trị đúng nghĩa và một người hoạt động chính trị có uy tín. Không ai có thể biết ông mà không khâm phục sự uyên bác và nhân cách cao thượng của ông.

Toàn thể chí hữu Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nghiêng mình kính cẩn tiễn đưa một người anh cả kính mến mà tổ chức rất tự hào.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41784)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42730)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48852)
03 Tháng Tư 2005(Xem: 42436)
01 Tháng Tư 2005(Xem: 36492)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41439)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41145)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43054)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39468)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45070)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40053)
1,863,880