Giáng Sinh tại xứ Chùa Tháp

12 Tháng Mười Một 200412:00 SA(Xem: 22890)
Giáng Sinh tại xứ Chùa Tháp

Giáng Sinh tại xứ Chùa Tháp


Kỷ niệm tại nhà thờ Russey - Keo hiện ra trước mắt tôi. Năm ấy gia đình tôi ăn cái lễ Giáng Sinh đầu tiên tại xứ Miên. Tôi được thằng Phệ con của ông Năm Nón dẫn đi xem lễ tại nhà thờ này. Dạo đó chúng tôi còn bé. Hai đứa vừa đi vừa chạy tung tăng, tôi thấy cái gì cũng cho là lạ; thằng Phệ làm ra vẻ sành sỏi cắt nghĩa cho tôi nghe đủ thứ chuyện! Buổi lễ kéo dài quá, tôi buồn ngủ đòi về, nó cứ phải năn nỉ tôi ráng ở lại xem thiên thần. Thật vậy một lát sau, lúc tôi đang ngủ gà ngủ gật thì chuông đổ liên hồi, đèn nhà thờ bỗng tắt phụp, thiên hạ im thim thít thì có vô số thiên thần hiện ra bay vòng vòng trong ánh đèn ngũ sắc, tiếng đàn, tiếng hát vang lên. Cơn buồn ngủ của tôi bỗng tiêu tan đâu mất, tôi trố mắt nhìn các thiên thần rực rỡ với đôi cánh trên vai giống in như trong bức ảnh Chúa treo ở nhà thằng Phệ.
Buổi lễ chấm dứt trong sự luyến tiếc của tôi.

Từ đó về sau, mỗi năm vào dịp lễ Giáng Sinh ba tôi đưa cả gia đình đi nhà thờ xem lễ. Gia đình tôi không có đạo nhưng vì sống nơi đất khách quê người, không bà con, bè bạn nên ba tôi muốn tạo ra những niềm vui nho nhỏ cho chúng tôi. Lần nào ba tôi cũng dẫn chúng tôi vào xem hang đá cất bên cạnh nhà thờ. Mấy đứa em tôi thấy những đứa bé khác được vào hôn chân Chúa "Hài Đồng" cũng xin ba tôi vào hôn. Ba tôi cho mỗi đứa 10 đồng và dặn hôn Chúa xong là phải bỏ tiền vào hộp. Có một lần sau khi hôn chân Chúa, đứa em gái kế tôi lộ vẻ thắc mắc nhưng lặng lẽ không nói một lời nào. Lúc về đến nhà cô ta lại hỏi nhỏ ba tôi:
- Ba ơi, không có tiền có được hôn chân Chúa hông ba?
Ba tôi xoa đầu nó rồi cười xòa. Những kỷ niệm nơi xứ người thật khó quên. Hình ảnh khu nhà thờ bị tàn phá qua lời tả của má Hai làm tôi thấy lòng nao nao, buồn như khi hay tin một người bạn thời thơ ấu qua đời bởi chiến tranh.
Má tôi hỏi má hai về những người quen còn ở lại Nam Vang. Má hai vừa trả lời vừa lau nước mắt:
- Mấy bữa đầu cô ba Giáp chạy lên nhà tôi hoài như gà mắc đẻ vậy đó. Cô cứ nói: "Chắc mấy người ở Sàigòn cười mình dữ à hé cô Hai, thế nào họ cũng nói ai biểu mình ngu, ráng ở lại nên bây giờ mới khổ như vậy". Cô còn nói với tôi tại lúc trước cổ về dưới này chơi, cổ tuyên bố cổ sống ở trển như đế vương, tiền vô như nước, xài không hết. Mà chị ơi, giàu gì thì lúc này có chạy cũng tay không, lúc nầy lộn xộn tiền làm ăn kẹt chỗ nầy một chút chỗ kia một chút đâu có ai trả. À còn nhà sách lớn gần chợ Mới (Pasathmei), ông chủ là Việt dân Miên xui gia của một ông Hoàng mà cũng không thoát khỏi. Bao nhiêu sách đều bị tụi nó quăng ra đường chất từng đống đốt sạch vậy đó.
Nhà sách đó lớn cỡ nhà sách Khai Trí ở Sàigòn. Khi còn ở Nam Vang, mỗi lần bãi trường, lễ Giáng Sinh hoặc Tết, tôi thường dẫn các em đến mua sách hoặc chọn thiệp để gởi về những người thân. Ngang nhà sách là tiệm bán đồng hồ, nhà của thằng Bùng-Bình. Tôi biết thằng Bùng-Bình dạo học ở Lycée Descartes trên Nam Vang. Trường này học sinh cũng khá đông, gồm người Pháp, Miên, Tàu Hoa số còn lại là người Việt kiều nên dù không quen số học sinh Việt kiều cũng đều biết mặt nhau. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa biết tên thật của thằng Bùng-Bình là gì, tôi chỉ biết nó được mệnh danh như vậy là nhờ hai cái má thật phúng phính. Không phải chỉ riêng nó mà chúng tôi đứa nào cũng có một tên đặc biệt. Tôi thì gầy nên được gọi là "Mai ròm".

Từ lúc gia đình tôi sống lưu vong tới bây giờ tôi phải thay đổi trường, đổi chương trình liên miên, tính đến bây giờ tôi đổi từ chương trình Việt sang chương trình Pháp và từ trường Pháp đổi sang trường Việt có đến bốn lần (ở Nam Vang chỉ có cấp tiểu học chương trình Việt). Trước khi vào Lycée Descartes, tôi được học ở trường Bando Vichia do Bà Vellas làm giám đốc. Mỗi tuần lớp tôi đều có giờ Miên ngữ do bà hoàng Sisowath dạy. Không hiểu sao lúc đó tôi lại ghét học tiếng Miên ghê, mỗi lần có giờ bà dạy là tôi lẻn ra sân chơi. Ba tôi có gặp Bà một vài lần trong các bữa tiệc, nên bà thường gọi tôi lại hỏi thăm về gia đình. Bà nói tiếng Việt thật thông thạo, Ba tôi thường khen bà giỏi và bặt thiệp. Cùng học một trường với tôi có hai đứa con út của ông Hoàng Sihanouk đang lưu vong hiện nay. Hai ông "hoàng con" này được bà Vellas dạy riêng trong một phòng cách biệt với chúng tôi, có một người hầu nước ngọt, bánh kẹo vào giờ cuối (đúng là con vua có khác!).
Lúc đó, hai Hoàng tử đều còn nhỏ (dưới 10 tuổi), cả hai không có vẻ người Miên tí nào, mà lại giống như những đứa bé Việt Nam lai Pháp. Nghe nói ông Sihanouk cưng hai đứa con nầy lắm. Vài năm sau tôi đọc báo thấy tin ông đưa hai đứa con đó đi du học bên Nga mặc dù chúng hẳn còn nhỏ. Chúng nói tiếng Pháp thật giỏi, tôi nhận thấy phần đông những người sống tại Nam Vang đều biết ít nhứt hai thứ tiếng. Ba tôi có một ông bạn Tàu lai Việt Nam, vợ ông ta là người Tàu lai Miên, mấy đứa con từ đứa lớn nhứt đến đứa bé nhứt 5, 6 tuổi đều nói thạo ba thứ tiếng. Khi thì tôi nghe tụi nó nói tiếng Miên, khi thì đứa này nói tiếng Tàu, đứa kia trả lời tiếng Việt, nói chuyện lung tung mà xem chừng tụi nó quen như vậy rồi. Ông bạn ba tôi lại cho chúng học trường Pháp, thành ra không cần học nhiều mà tụi nó đã biết tới bốn sinh ngữ.

Má Hai tôi đang kể chuyện thì ba tôi về tới. Ba tôi hỏi má Hai vượt biên giới như thế nào và cực khổ ra sao?
- Tôi đi tới bốn bữa mới về tới dưới này. Khi thì đi bộ, khi thì đi xuồng, lúc thì đi xe. Ta nói đi Honda ôm bụi mịt mù, đầu cổ mình mẩy mặt mày bụi không vậy đó. Lúc đi mặc áo ngắn với quần đen, mấy người đi chung bàn nên mặc "xịp" (váy Miên), nhưng xịp ở đâu mà bận giữa đường, vì tôi đi mình không, chỉ xách có cái giỏ. Tôi mới ghé chợ mua vải "xà rông". Tôi phải túm hai ống quần cột lên bắp chân rồi mới mặc xịp ở ngoài. Người ta đi chung cũng đông, nhưng mấy người đàn ông đều bị giữ lại hết. Dọc đường bị xét nhiều chặng lắm, hễ đi được một đoạn đường chừng vài cây số là bị xét một lần.
Hôm tôi đi nhằm ngày Chausachnam (Tết Miên) nên hễ bị lính Miên hỏi là tôi làm bộ chỉ vào giỏ nhang đèn, trái cây đem theo rồi nói với họ bằng tiếng Miên: "Ông làm ơn cho đi vì mỗi năm tôi đều đi chùa vào ngày này". Tụi nó tưởng tôi người Miên mới cho đi đó. Lúc vượt sông qua bên này, xuồng vừa cập bến thì tôi nghe một loạt súng, dòm lại chiếc xuồng qua sau bị trúng đạn, thiên hạ ngửa ra chết ngổn ngang. Thật không thể nào tưởng tượng. Đã vậy về tới dưới này, kêu tắc xi về nhà mà ông tắc xi lại nói đường Hồng Thập Tự mới bị pháo kích. Tôi hết hồn trái tim muốn rớt vậy đó. Mình tính bỏ nhà cửa về đây, còn có một cái nhà để nương thân mà bị pháo kích luôn chắc chết quá. Bây giờ ngồi đây nghĩ lại đoạn đường đã qua thật giựt thịt chớ phải chơi đâu.
Má tôi muốn tạo không khí vui, nên chỉ ba tôi rồi nói:
- Ổng nghe người ta tính mở Casino ở ngoài Cấp nên lúc này nhắc bà hoài.
Mọi người đồng cười xòa vì tuy không nói ra, nhưng ai cũng liên tưởng tới lúc còn ở Nam Vang, thỉnh thoảng gia đình tôi và gia đình má hai rủ nhau đi Bokor chơi. Người Việt Nam mình gọi Bokor là núi Tà Lơn. Núi Tà Lơn ở gần tỉnh Cần Giọt.

Hình trên: Ông bà Nguyễn Long Thành Nam và các con (trước thành vua tại Cao Miên

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Năm 2006(Xem: 42063)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 43025)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 49182)
03 Tháng Tư 2005(Xem: 42754)
01 Tháng Tư 2005(Xem: 36767)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41750)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41425)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43372)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39774)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45678)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40349)
1,863,880