Dù người Miên có như thế nào đi nữa, tôi cũng cảm thấy có một cái quyến luyến đối với xứ Chùa Tháp, vì dù sao cũng vẫn có một số bạn người Miên tốt và trung hậu đối với chúng tôi.
Chiến tranh đã bắt đầu dày xéo đất Cao Miên làm tôi nhớ lại lời của những vì sư sãi. Các vì sư này nói rằng trong kinh Miên có nói: "Sau này chiến tranh sẽ xảy ra lại nước này, thây trôi đầy sông, trước thành vua máu ngập tới bụng ông Bồ (voi) và những người sống sót ngồi không giáp lưng cây lâm vồ.'' Lời tiên đoán này có đúng hay chăng? Chúng ta hãy chờ xem.
Cảnh chia tay bạn bè khi tôi rời xứ Chùa Tháp hồi hương mới buồn làm sao! Hôm cuối cùng tôi và Nguyệt đi lại con đường từ nhà tôi đến Lycée Descartes. Những hôm còn đi học, mỗi buổi sáng tôi dậy sớm để đi bộ đến trường, có hôm dậy trễ tôi gọi cyclo chỉ mất có 3 rịa (3 đồng tiền Miên). Nếu đi bộ tôi phải đi qua chợ Mới, thêm một khoảng đường rồi đến vườn hoa. Tôi thích nhất vườn hoa trước nhà thờ này mỗi khi đi ngang qua đây tôi thường bước những bước thật chậm, đôi khi ngồi lại trên băng đá vài phút để ngắm hoa lá còn đọng sương đêm dưới vài tia nắng đầu tiên.
Tại Phnom Penh có rất nhiều vườn hoa, mà vườn hoa nào cũng đẹp và rộng mênh mông cả. Trước cửa trường cũng có một vuờn hoa thật lớn; mỗi khi không có giờ học chúng tôi thường tụm năm tụm ba ngồi trên cỏ hoặc trên các băng đá để học bài hay trò chuyện. Tôi và Nguyệt đi ngang qua Petit Lycée rồi đến vòng rào cửa trường. Hôm đó là ngày Chủ Nhật nên quang cảnh vắng tanh chỉ nghe tiếng lá rì rào từ các cây cổ thụ trồng xung quanh trường. Khung cảnh đó có lẽ không bao giờ xóa nhòa trong trí óc tôi. Tôi nắm tay Nguyệt, chân chúng tôi dẫm lên những chiếc lá khô phủ đầy đường.
- Không biết chừng nào tụi mình mới gặp lại nhau, Mai thấy đó Nguyệt đâu có thân ai ngoài Mai đâu, đi rồi lúc vui buồn Nguyệt biết tâm sự với ai.
- Ủa! Bộ Nguyệt không về dưới sao?
- Chắc là không quá. Lúc đầu ba Nguyệt cũng định về dưới nhưng sau tính lại thôi. Gia đình Mai còn có bà con ở dưới Sàigòn còn gia đình Nguyệt đâu có quen ai. Ở trên này ba Nguyệt làm một tháng có mấy ngàn xài cũng tạm đủ, Nếu về dưới thì làm sao mà sống?
- Gia đình L. về không lẽ Nguyệt ở lại sao? (L. là vị hôn phu của Nguyệt).
- Chắc cũng không quá. Má nó tính lại rồi, Nếu về dưới thì L. phải đi lính.
Tôi à một tiếng rồi lặng thinh. Lúc bấy giờ tôi mới hiểu có nhiều gia đình Việt kiều không hồi hương là vì lý do này. Thật cũng buồn cười sợ con về dưới này đi lính, ở trên đó rồi dần dà con họ cũng bị dụ vô khu. Đi lính ở dưới này chẳng may tử trận còn được hay tin, thấy xác. Chứ còn vô khu chỉ còn có nước mỏi mòn chờ đợi vì có bao giờ họ lại báo tin tử trận cho gia đình chiến sĩ.
Khi viết giòng này để chấm dứt, tôi chỉ biết khấn nguyện có một điều là những người Việt kiều muốn hồi hương đều sẽ được toại nguyện. Dù tương lai ra sao là việc lớn, đối với tâm hồn tôi, tâm hồn Việt Nam, thì nếu có chết thà chết tại đất mình với đồng bào mình. Tôi càng xót xa khi nghĩ đến những đồng bào Việt kiều xấu số đã bỏ xác trôi dạt lều bều trên giòng Cửu Long nơi đất lạ quê người trong cơn bão tố xứ Miên. . .
Gửi ý kiến của bạn