Ngày. . . tháng 4 - 1970.
Sáng nay, mình nghe mấy người ở từng trên kể lại rằng hồi tối lính xét nhà bà Bảy lấy được một cuốn sổ gì đó nên mới bắt bà ta. Nguyên do là tại vợ chồng ông Năm ở phố trước mặt điềm chỉ. Ông bà này thật là tệ, họ đã chỉ rất nhiều nhà Việt Nam cho lính Miên làm tiền để chia cho họ.
Thật họ không còn chút lương tri nào mà! Gia đình này đã vô dân Miên được hai năm nay. Họ đã cố tạo để trở thành một thứ Miên rặc nhứt là trong những lúc gần đây. Thằng con của ông Năm phơi nắng cho đen thui, tóc thì uốn quăn quịu sắt vô da đầu, hàm răng không hư cũng "ráng" đi bịt cho mấy cái "vàng chóe" thấy mà sợ! Mỗi lần gặp mình nó cười trông thật nham nhở làm sao ấy.
Ông Năm hay đánh vợ, chẳng những bà Năm không khóc mà còn nằm rung đùi, hút thuốc. Mình nghe nói bà ta có "ngải", biết "gồng". Ông Năm có cái tật thật buồn cười: tật sợ nước. Ít khi nào ông chịu tắm, đầu cổ thì không chịu gội bao giờ. Khi nào ông thấy tóc quá dơ, ông ta bèn lấy lược dầy chải đất rồi sức dầu thơm nực nồng. Có lẽ vì tiếp tục như vậy mãi mà đầu óc ông đã quên mất cội nguồn rồi chăng?
Mình nghe ông Quan Năm người Miên có vợ Việt Nam là bạn của má mình kể lại rằng ông ta đã thấy tận mắt lính Miên tàn sát người Việt tại nhiều nơi. Ông ta rất bất nhẫn trước những hành động "không là người" đó, nhưng "tụi nó" quá đông, nên ông không ngăn cản nổi. Theo lời ông thì tại Phnom Penh có khoảng tám trại tập trung (ở nhà thờ Russey Keo, trường bà Providence, nhà thờ Hoa Lan, chùa Ông, trường Mitche, trường Tàu v.v. . .). Người Việt bị nhốt tại những nơi này bị bỏ đói khát, nhiều người chịu không nổi đã phải hứng nước tiểu uống đỡ.
Đàn bà đến thời kỳ sanh nở vẫn không được cho ra ngoài nên phải đẻ ngay tại chỗ, thiếu cả thuốc men, dụng cụ. Ông lại thấy lính Miên xả súng giết biết bao nhiêu Việt kiều trong một trại tập trung nọ hết sức vô lý. Họ vào trại vừa hỏi " Ai theo Việt Cộng thì đứng lên", vừa đập báng súng vào lưng Việt kiều. Những người này bị đòn đau đến phải nhảy nhổm dậy, thế là lính Miên rỉa súng vào giết hết. Nghe nói trong số đó có hai ký giả mà mình quên không hỏi là người gì. Càng nghĩ, mình càng xót xa vừa thương cho đồng bào, vừa băn khoăn cho số phận mình rồi đây biết có. . .
Vợ ông quan Năm cũng bồn chồn như mình. Bà ta than muốn bỏ Nam Vang đi, vì không chịu được những lời đàm tiếu, hăm dọa của những người Miên ở quanh nhà. Ông chồng nhất định không cho và bảo thêm rằng dầu bà có bỏ ông mà về Sàigòn, ông cũng sẽ cưới vợ Việt Nam chứ không bao giờ cưới vợ Miên.
Mình thấy phần đông các ông lớn, những người có tai mắt ở Cao Miên này đều có vợ Việt Nam, nên trước tình cảnh này họ rất lo âu. Dầu thế lực cách mấy, họ cũng không thể ngăn cản được lũ người "man rợ" mà cứ tưởng rằng mình là tiến bộ văn minh. Theo mình biết, thì những vụ đập phá nhà cửa của Việt kiều là do học sinh Lycée Sisowath và sinh viên khởi xướng. Mình nghĩ số người được gọi là "tinh túy" của dân tộc Khmer mà còn có những hành động như thế, thì việc lính Miên tàn sát dân Việt cũng không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm.
Các vị sư sãi Miên ngày xưa có tiên tri rằng: "Khi nào dân Khờ me hơi khôn, là nước Miên sẽ có chiến tranh.'' Phải công nhận là họ có hơi khôn, hơi văn minh thật! Cách đây 10 năm họ còn ăn bằng 10 ngón tay, ngày nay họ đã biết dùng muỗng nĩa, nói rành tiếng Tây, tiếng Nga rồi còn gì?
Lúc gia đình mình còn sống những năm đầu tiên tại xứ Chùa Tháp, có một hôm má dẫn mình đi may áo "đầm xòe" (dạo đó làm gì có "mi ni ríp"!) Mẹ con mình đến tiệm may nhằm bữa cơm nên bà chủ mời ngồi chơi ngoài nhà. Lúc ấy mình còn bé mà sao tò mò lạ!
Mình ngồi không yên nên làm bộ đi quanh phòng ngắm kiểu áo nhưng thật tình mắt liếc vào nhà trong. Mâm cơm được dọn ngay xuống sàn ván, thức ăn đựng trong những lá sen to, chỉ có món canh chua là được để trong tô. Bữa cơm bắt đầu khi mọi người đã xới cơm vào lá sen của họ xong. Tất cả đều ăn. . . bốc một cách ngon lành. Mình nhìn tô canh, lòng băn khoăn không biết họ sẽ ăn bằng cách nào vì trong mâm không có một cái muỗng. Thì ơ kìa! Bà chủ. . . thò tay vào tô canh chua. . . rồi đến lượt những người khác. Có người lại cho tô lên húp sùm sụp!
Bữa cơm chấm dứt, bà chủ tu vội tô nước, ra nhà sau, rồi mới trở lên đo áo cho mình. Mình cảm thấy hơi khó chịu vì "bắt" được một mùi là lạ! Nhìn kỹ lại hai bàn tay bà ta thì, ôi thôi, mắm "bò hóc" còn lưu dấu vết trong các móng tay của bà! Thật không biết tả như thế nào những giây phút nặng nề "khó ngửi" đó. Mình như đứng chết trân, không dám thở mạnh, chỉ mong cho khổ hình mau chấm dứt. Nói thế không có nghĩa là mình chê mắm người mà khen mắm ta; mình chỉ muốn nói đến cách ăn thôi. Vì "mắm ai thơm mũi nấy" mà lỵ!