Phản ứng là một đầu mối quan trọng hay nói đúng hơn là mấu chốt của mọi sự va chạm, bất hòa làm nảy sinh ra một chuỗi hệ quả, thường thì từ nhỏ trở nên lớn hơn. Có khi trở nên một hố sâu ngăn cách giữa người với người, hay của các phe nhóm.
Phản ứng của một con người có được từ đâu? Phải chăng là qua lục giác, mắt tai mũi lưỡi thân ý?
Con người cần lục giác để có thể trở nên một con người và chính lục giác đã giúp con người tiến hóa, tu học hay trở nên hư hỏng, lụn bại, bệnh tật.
Con người sanh ra với lục giác trong sạch nhưng có phải chính là ta đã làm mờ đi tấm gương trong sáng đã giúp cho ta nghe thấy xung quanh, biết sờ mó, nếm vị ngọt mặn, biết sống như một con người.
Lục giác không nhơ uế mà chính ta mới làm cho chúng nhơ uế, thành kiến, ngon dở xấu tốt.
Vậy thì lục giác chỉ là phương tiện, còn ta mới là thủ phạm cho tất cả những phản ứng dây chuyền.
Tu tập phải chăng là lau bụi, phủi bụi cho tấm gương lục giác được trở lại sáng trong không thành kiến, không chủ quan, không tự kỷ ám thị, không ghét thương.
Khi lục giác ta được trở lại trong sáng miễn nhiễm thì mỗi khi ta bắt gặp điều gì, nhận được điều gì, nghe thấy điều gì, thì ta sẽ không còn trái tai gay mắt, hay bị “sốc” vì nó trái ý ta, hay làm ta khó chịu đến nỗi phải lập tức có phản ứng.
Khi lục giác sáng trong ta sẽ nhìn, nghe, thấy sự việc “như là” (as is) với tâm an nhiên tự tại.
Chỉ có lục giác sáng trong mới không tạo xúc động hay phản ứng nơi ta vì ta sẽ không suy diễn, lập luận, tạo nên sự buồn bã giận hờn rồi phản ứng lời qua tiếng lại hay hành động bất thường, nói năng thiếu suy nghĩ tạo nên những hố sâu hay vết hằn làm tổn thương người khác.
Khi lục giác được trong sáng, sự bình an đương nhiên phải có.
Mọi sự việc đi qua như cơn gió thoảng.