Một Đoạn Đường Mùa Đông

08 Tháng Ba 201612:08 CH(Xem: 7273)
Một Đoạn Đường Mùa Đông
nguyen-huynh-mai-luu-vong (1)
Nguyễn Huỳnh Mai
(trích Tùy Bút Lưu Vong)

Bỏ lại sau lưng gần hai mươi chiếc xe nối đuôi nhau xếp hàng. Thảo thở phào nhẹ nhõm thả từ từ cho xe vào bãi đậu, tắt máy. Chần chừ chưa chịu mở cửa, Thảo cứ luyến tiếc mãi hơi ấm trong xe. Tỳ khuỷu tay lên tay lái, hai bàn tay mang găng chụm lại nâng cằm, Thảo nhìn ra ngoài trời.

Gió rít thổi mang từng mảng tuyết vỡ bay cuồn cuộn, xoay tròn giữa mặt lộ, hoặc đỗ ấp lên những người đang đi bộ trên lề đường, làm những người nầy vừa đi vừa co rúm lại, đầu cúi thấp, hai tay kéo cao cổ áo, hoặc ghì chiếc nón xuống để che kín hai tai.

Thảo mỉm cười bảo thầm: ``Hôm nay các chàng và các nàng Mỹ mới thấm lạnh đấy." Thảo so vai nghĩ đến lúc mình phải bước chân ra khỏi xe và phải chịu đựng cái lạnh mấy chục độ dưới số không.

Thảo bỗng thèm được tắm biển làm sao. Thảo thích được nằm dài trên bãi biển ngập nắng, mặc cho sóng biển thỉnh thoảng len vào bờ ve vuốt, vỗ về cả thân người. Thảo thích nằm yên như thế, mặc cho nắng ấm ngấm dần vào cơ thể, mặc cho gió biển lướt nhẹ lên làn da, hít đầy hai buồng phổi mùi biển mặn, tai lắng nghe tiếng sóng biển rì rào. Những lúc đó, Thảo thấy trong lòng mình tràn ngập một niềm hạnh phúc, thứ hạnh phúc không bị phá quấy, thứ hạnh phúc khi thấy tâm hồn mình thanh thản.

Thảo bỗng thấy mình ngày nào tung tăng trên bãi sau Vũng Tàu trong bộ bikini hoa đỏ, tay ôm chặt vòng bánh xe nhảy theo từng lượn sóng, và mệt nhoài, bụng đói chạy lên vòi ba mẹ cho một đĩa cua rang muối. Úi chao! Cua rang muối lúc nầy mới thấy ngon làm sao! Thảo mút kỹ từng cái càng, gặm nhấm từng vỏ cua mà vẫn còn cảm thấy thèm thuồng khi hết đĩa.

Thảo nuốt nước bọt. Hơi lạnh đã bắt đầu ngấm dần vào xe. Thảo rút nhẹ xâu chìa khoá bỏ vào túi, kéo hai nón sau gáy trùm kín đầu, gài cái nút cuối nơi cổ áo quàng chiếc khăn len ngang miệng rồi vói tay kéo cái túi đựng sách vở, bước vội ra khỏi xe. Thảo như thấy mình bước vào không gian lạnh buốt, không nắng ấm, không có tiếng sóng biển rì rào, mà chỉ có tiếng gió rít từng cơn và tuyết bay mù mịt. Lầm lũi bước và để chống cái lạnh Thảo thở thật mạnh.

Rẽ vào con lộ chính chia đôi khu đại học, Thảo thấy dễ chịu hơn vì tuyết không còn tạt vào mặt nàng nữa. Thảo đưa đôi găng len lên vuốt mặt và chợt khám phá ra da mặt con người thật là tuyệt diệu. Chẳng phải mọi người khi ra lạnh, đầu đội nón, tay mang găng, chân hai ba lớp vớ, người thì mặc nhiều lớp quần áo, mà lại đưa cái mặt ra đó sao? Chỉ có Thảo là dở chịu lạnh nên phải quàng khăn ngang mũi. Thảo há miệng thở mạnh. Một làn khói trắng bay xuyên qua lớp khăn len, rồi nhiều ngụm khói trắng khác. Thảo cứ làm như mình đang hút thuốc lá. Thảo thường đùa như thế cho quên cái lạnh mỗi khi lội bộ.

Thảo bỗng thích thú với ý nghĩ "đố ai biết mình là con trai hay con gái". Nầy nhé, hôm nay trời lạnh quá nên Thảo mặc áo loại "Dao" của ba. Áo nầy phồng to và có ngấn, mặc vào trông như quảng cáo vỏ xe hơi. Đầu Thảo trùm cái nón dính liền với áo. Cái nón nhọn hoắc trông không giống ai, nhưng ấm mỏ ác lắm. Thảo mặc quần jeans, loại quần mà Thảo mặc suốt mùa đông. Mỗi khi tuyết tan, đường lầy lội bùn sình thì hai ống quần của Thảo trông phát khiếp. Nhứt là khi vào lớp nó khô lại, hai ống quần có những lớp đen và trắng do bùn và chất muối rải đường pha trộn, trông lem luốt như tranh sơn thủy. Nếu có ai để ý lắm mới thấy đôi giày Thảo mang, thon và nhọn hơn loại "bốt" đàn ông.

Thảo chợt thấy mười đầu ngón chân của mình lạnh buốt, tê cóng mặc dù Thảo đang mang đôi giày loại tốt. Thảo đưa chân lên xem, đôi giày còn nguyên đế vẫn chưa mòn. Thảo nghi chắc hơi lạnh thấm vào chân qua các khe chỉ. Những khe hở nhỏ nhít như vậy mà tai hại ghê. Hai chân Thảo bắt đầu tê cứng và buôn buốt như bị muôn ngàn mũi kim châm. Thảo có cảm tưởng mình đang di chuyển trên hai cây nước đá.

Cái lạnh qua mùa Đông thứ ba đã làm cho ý muốn định cư tại Minnesota của gia đình Thảo lung lay. Mùa Đông đã làm cho trẻ con thích thú với các trò chơi, các môn thể thao ngoài trời, thì lại làm cho người già phải vật lộn với sự đau nhức của các khớp xương, các đường gân. Hình ảnh hôm nọ ba trợt chân té trong tuyết và mẹ vì đơ các khớp xương không gượng được khi vấp chân, lăn tuốt xuống hầm đã làm cho Thảo lo ngại. Với cái lạnh như thế vào mùa Đông mà ba mẹ không quên những buổi lễ ngoài trời vào những ngày lễ Phật hoặc những ngày rằm lớn. Nhìn ba mẹ run lập cập đứng khẩn nguyện trước bàn thờ khói nhang nghi ngút, Thảo thấy xúc động và tự thẹn vì mình không có một đức tin và lòng thành như thế.

Hôm qua, Thảo nhận được thư của một cậu em họ bên nhà. Hoàng kể cho Thảo nghe một câu chuyện mà Hoàng bảo đảm có thật một trăm phần trăm. Hoàng nói:

"Vì "thiên tai và nhân tai" nên mùa màng thất bát. Dân ở Bến Tre mới lập bàn hương án để cầu nguyện Phật Trời. Hai tên bộ đội đi ngang, cho rằng mê tín, một tên giơ súng lên bắn trời, một tên ra bộ đưa nón ra... hứng máu trời. Hai tên đó đã bị trời trồng đến chết và dân chúng đã đổ xô đến xem xác rất đông"

Thảo lấy làm lạ tại sao Hoàng dám kể chuyện ấy trong thư với lời lẽ rất hả hê...

Thảo rất thích dọn các lễ vật vào nhà mỗi khi ba mẹ làm lễ xong và tàn nhang. Chậu hoa cúc mẹ sợ trời lạnh quá héo đi, nên mẹ đã lấy bao ni lông trùm kín. Thảo cẩn thận nhẹ nhàng dỡ ra từ từ. Chậu cúc vẫn còn nguyên tươi rói, hoa vẫn vàng, lá vẫn xanh nhưng... cứng đơ. Khoảng chừng mươì phút sau, như có phép lạ, chậu cúc đổi màu, hoa lá rũ xuống. Thảo thử đụng mạnh thì nó rơi rụng tã tơi. Cả đĩa trái cây cũng biến thành nước đá. Thảo tiếc rẻ cắn thử, tưởng rụng cả răng. Thảo hay tinh nghịch lấy mấy chùm nho cho các bé con ăn, làm chúng nhăn nhó rùng mình. Từ khi còn bên nhà, mẹ thường để dành nước cúng Phật để uống cho mạnh giỏi. Ở đây nước cúng đông thành những viên đá cục. Mẹ cười bảo thôi ngậm đỡ cũng tốt vậy.

Thảo bước vào một tòa nhà cũ dùng làm văn phòng lo về tài chánh cho sinh viên. Thảo thường hay vào đấy nghỉ chân cho bớt lạnh rồi lại tiếp tục đi đến lớp. Đứng cạnh máy sưởi cũ kỷ lộ thiên đặt sát vách cạnh những cánh cửa ra vào, lơ đãng nhìn ra ngoài trời suy nghĩ. Khoảng thời gian gần đây Thảo nhận thấy mình có nhiều tư tưởng lạ lùng. Thảo không hiểu đó là những tư tưởng đi lên hay đi xuống, nhưng có điều Thảo chắc chắn rằng nó sẽ làm cho việc học của Thảo khó tiến triển được.

Năm rồi, khi bắt đầu trở lại đại học, Thảo đã cố gắng bằng mọi cách để gia tăng số vốn Anh ngữ của mình. Thảo đã tập cho mình thói quen mỗi ngày bỏ mấy tiếng ra đọc báo Mỹ. Ở trường, lúc có giờ rảnh cũng tìm đọc thêm sách và báo. Lúc ở trên xe, Thảo luôn luôn vặn radio để nghe tin tức. Thảo rất hăng say và thích thú với thói quen mới nầy. Thảo tra tự điển, ghi lại, phiên âm, tìm thêm những chữ đồng nghĩa và phản nghĩa của từng từ ngữ mới. Những tờ báo Thảo vứt đi đều nát lằn mực. Thảo nghĩ rằng học theo lối nầy vừa mau khá Anh văn vừa biết thêm tin tức và biết được nhiều điều mới lạ nơi xứ người.

Nhưng...nhưng không biết từ lúc nào, Thảo đã bỏ quên thói quen hữu ích nầy và bắt gặp mình lúc nào cũng đến trường với cái túi đầy ắp những sách báo Việt ngữ. Thảo say sưa trở lại khu rừng cũ vơí những từ ngữ mẹ đẻ. Thảo vui đó rồi buồn đó với những đoản văn, những bài báo đến từ các tiểu bang, từ các xứ khác.

Thảo thích nhất là khi cầm trong tay một cuốn báo mới toanh còn thơm mùi mực. Như bé Thảo ngày nào bụng đói ngồi trước dĩa cua rang muối còn đủ mấy cái càng đầy thịt cua, nước sốt. Thảo say mê với từng tiết mục như gặm nhấm từng miếng vỏ cua. Thảo xem từng mục quảng cáo, từng hàng rao vặt. Thảo thích thú khi khám phá ra trong danh sách tòa soạn dài thượt với nhiều tên mà chỉ có một người, như Sức Mấy rồi Đinh Từ Thức, hoặc Phạm Kim Vinh rồi Trương Tử Phòng rồi lại Tiêu Lang, hay phía trên Ngọc Dũng rồi phía dưới lại thêm họa sĩ Tuýt. Tháng nầy nhà báo ở trong danh sách nầy, vài tháng sau lại thấy xuất hiện ở báo khác. Thảo đang đi vào cái thế giới riêng của mình giữa các bạn không cùng chủng tộc. Đôi lúc thấy Anh văn của mình nghèo hẳn đi. Thảo trở về thói quen cũ, lấy một tờ báo nhà trường trước khi vào lớp. Nhưng rồi, tờ báo ấy sẽ bị bỏ lại ở một góc nào đó, hoặc nằm yên trong túi sách vài hôm, không một nếp nhăn. Thảo thấy mình không ngăn mình đựơc nữa.

Dạo nầy Thảo lại còn thêm cái tính kỳ cục là hay tránh nói chuyện với người Mỹ, mặc dầu những người Thảo quen rất tốt và dễ mến. Tránh nói chuyện với họ, không phải là vì Thảo sợ hoặc ghét họ, mà là vì Thảo rất khó chịu với cái lịch sự thái quá của họ. Thảo sợ những câu chào hỏi của họ. Thảo sợ những lời họ hỏi thăm từng người một trong gia đình Thảo. Thảo sợ như phải sắp nghe hoài một đĩa hát cà lăm. Họ cũng dễ thương, hay hỏi thăm những tin tức bên nhà. Khi nghe Thảo nói đến những cái đau buồn mà đồng bào của Thảo phải hứng chịu, mặt họ bí xị, mắt họ buồn xo, hai tay nắm lại, họ nói rằng họ rất... sorry. Nhưng sau đó một vài cái tích tắc, như cuốn phim quay qua một màn khác, họ lại bừng lên, họ vui vẻ kể cho Thảo nghe những chuyện vui của họ, của gia đình họ. Thật khó mà quen nổi cái lối sorry quá nhanh nầy.

Khóa học mùa Đông năm nay Thảo có một bà giáo trẻ rất xinh và rất dễ thương. Hôm nọ, nghe bà ta khen một cô Mỹ chải mái tóc đẹp quá, Thảo quay lại nhìn. Mái tóc của cô nàng Mỹ quăn quýt chải hết ra phía trước, che gần hết khuôn mặt. trông không khác một ổ rơm. Tự nhiên Thảo thấy ngượng ngập cho lời khen đó và đâm ra nghi ngờ về những lời khen mà bà thầy đã dành cho nàng. Mỗi lần phải cám ơn về những lời khen của người Mỹ, Thảo phải khó khăn lắm mới kéo được hai tiếng "thank you" ra khỏi miệng. Tiếng "thank you" nhỏ xíu, như nói vì phải nói, mà không muốn cho chính mình nghe. Thảo nhớ có một lần vào tiệm vải, Thảo lỡ đụng một đống vải rơi xuống đất. Một bà Mỹ tiếp Thảo lượm hết đống vải lên, rồi bà ta cứ đi qua đi lại nhìn Thảo hoài như để chờ đợi một lời cám ơn. Thảo cứ phớt lờ. Bà ta có vẻ khó chịu, bỏ đi. Thảo không hiểu mình bướng bỉnh như vậy để làm gì và để thỏa mãn cái gì.

Thảo đẩy mạnh cánh cửa kiếng, băng qua khu công viên ngập tuyết. Cũng chẳng còn bao lâu nữa khi mùa Xuân đến tuyết tan, người ta lại đến đào bới, đổ thêm phân, thêm đất, và trồng lên các loại hoa lá cây cỏ. Cảnh vật lại đổi màu. những cái áo đi tuyết dày cộm được thay bằng các loại áo mỏng đủ màu sặc sỡ. Các nàng và các chàng Mỹ lại đua nhau mặc các kiểu áo quần mùa xuân. Càng về hè trời càng nóng, các mảnh vải càng nhỏ càng hẹp dần. Các chàng vừa nằm phơi nắng vừa ăn, vừa học, vừa âu yếm, tâm tình hoặc túm nhau lại nghe anh Mỹ già vừa đàn vừa hát nhạc dân ca. Thảo thấy sao giới trẻ của xứ người sống cuộc đời thật dễ dãi.

Lời trách móc cuối năm vừa rồi của một tờ bán nguyệt san về sự ăn chơi thái quá của một số người Việt tị nạn, nhất là giới trẻ, đã làm cho Thảo buồn không ít. Vì nhà báo nhắc nhở và cho biết những cái vui hơi lố nầy đã làm chậm trễ không ít sự chấp thuận cho nhập cảnh những người đi sau tại các trại tị nạn ở rải rác khắp nơi. Thảo không buồn vì các lời đó đúng, nhưng buồn vì nó làm cho Thảo nghĩ đến những mặc cảm mà tuổi trẻ Việt Nam phải mang lấy do chiến tranh. Ăn một bữa ăn sang, mặc một cái áo đẹp, đi một chiếc xe mới, hay xem xinê, bát phố vào ngày cuối tuần, làm một cái gì, nhất nhất một thanh niên Việt Nam có ý thức đều mang mặc cảm. Mặc cảm hưởng thụ. Mặc cảm với các anh chiến sĩ ngoài trận tuyến. Những ánh mắt đang vui, bỗng lúng túng ngượng ngập nhìn đi nơi khác của những học sinh, sinh viên, khi chạm phải ánh nhìn của các anh thương phế binh. Mặc cảm ơi, sao cứ đeo đẳng mãi tuổi trẻ Việt Nam!

Thảo như xé cả ruột gan. Bao giờ, bao giờ thì tuổi trẻ Việt Nam mới thực sự là tuổi của màu hồng?

Thảo chạy lên các bậc thang của tòa nhà nơi có lớp học, phóng nhanh vào cửa, bỏ lại sau lưng bức màn tuyết trắng xóa.

Tuyết ơi, tuyết đẹp lắm, nhưng thôi giã từ, tuyết nhé!

Minnesota, cuối Đông 78


IMG_2490
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Chín 20151:24 CH(Xem: 8487)
Tâm ảnh hưởng đến tánh và ngược lại tạo nên một chuỗi dây chuyền buồn giận thương ghét, xúc động, sầu đau. Tâm và tánh ảnh hưởng bộ óc và ngược lại tạo ra nhiều sai lầm trong đời sống do những vết thương lòng bị lập đi lập lại hằn sâu khó gỡ.
18 Tháng Chín 20151:03 CH(Xem: 7975)
Có những nghiệp dai dẳng khiến ta mãi lo lắng ưu tư nhưng một phút nào đó chỉ chợt tỉnh, ta cứ như rũ bỏ một gánh nặng ngàn cân. Gánh nặng ngàn cân này, có khi không phải nó đeo đẳng ta mà do chính ta đeo đẳng nó. Nhìn lại bao nhiêu u sầu, rầu lo, bực mình như rớt lại sau lưng.
18 Tháng Chín 201512:41 CH(Xem: 8204)
Lắng nghe không phải chính mình mà đủ, mà lắng nghe tiếng vọng của người dân, của dân tộc, của người cùng thời. Sự khao khát của họ, nguyện vọng của họ, những đau thương và uất ức của họ.
07 Tháng Bảy 201510:49 SA(Xem: 5810)
Cái phép lạ phải chăng là sự thức tỉnh giác ngộ về những gì mình mang nặng canh cánh trong lòng nay sực tỉnh và thấy tất cả đều nhẹ nhàng phù du hơn là những gì bao quanh ta, hay của tiền, quyền lực.
05 Tháng Mười 201412:00 SA(Xem: 7083)
Những người muốn đi vào con đường Hoằng Pháp mà có tham vọng, dù là tham vọng chánh trị, hay quyền lực tôn giáo, kinh doanh, hay danh vọng, đều sẽ bị bế tắc.
05 Tháng Mười 201412:00 SA(Xem: 6147)
Tư tưởng dù hay thế mấy mà không gần với con người không gần với quần chúng, không đi vào lòng người thì đều không có giá trị thực tiễn, không áp dụng được, thì rồi tư tưởng đó cũng sẽ mai một, cũng sẽ đi qua.
05 Tháng Mười 201412:00 SA(Xem: 8367)
Chính cái tâm lực và nội lực mạnh mẽ là bức tường thành kiên cố bảo vệ ta không bị xâm nhập hay quật ngã trước sự đổi thay của thời gian hay môi trường sống.
19 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 9804)
Phản ứng là một đầu mối quan trọng hay nói đúng hơn là mấu chốt của mọi sự va chạm, bất hòa làm nảy sinh ra một chuỗi hệ quả, thường thì từ nhỏ trở nên lớn hơn. Có khi trở nên một hố sâu ngăn cách giữa người với người, hay của các phe nhóm.
16 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 12648)
Nếu có đứng tại La Mã để nghe Bát Nhã Tâm Kinh của quý Thượng tọa, Đại đức tụng vang trong đại giảng đường, có dịp nhìn Thánh Thượng Cao Đài, một biểu tượng hợp nhất các tôn giáo, sắc tộc, màu da, cũng như tấm Trần Dà màu nâu của Phật Giáo Hòa Hảo. Đứng đó để nhìn và nghe những lời cầu nguyện, những bản thánh ca của Công Giáo, Tin Lành. Nhìn quý cha trong lễ phục dâng hương trước bàn thờ tổ quốc, chúng ta mới thấy sự mầu nhiệm của tinh thần hợp nhất trước Đấng Tối Cao của loài người.
06 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 12790)
Hôm nay tôi cảm thấy nên viết một bài tự kiểm. Con người nếu không biết dừng lại nhiều lần trong đời sống để tự kiểm thảo lấy mình thì chính mình đã tự đánh mất rất nhiều hạnh phúc bình an.
1,863,880