2. Giáo Sư VŨ KÝ: Cảm nhận khi đọc “Cô Bé làng Hòa Hảo" và "Hồn Thiêng Dân Tộc", hai tác phẩm của nữ sĩ Nguyễn Huỳnh Mai

31 Tháng Ba 200512:00 SA(Xem: 5732)
2. Giáo Sư VŨ KÝ: Cảm nhận khi đọc “Cô Bé làng Hòa Hảo" và "Hồn Thiêng Dân Tộc", hai tác phẩm của nữ sĩ Nguyễn Huỳnh Mai

Chúng tôi đọc lại nhiều lần hai tác phẩm: “Cô Bé làng Hòa Hảo" và "Hồn Thiêng Dân Tộc" của nữ sĩ Nguyễn Huỳnh Mai từ khi hai cuốn sách này được xuất bản cách đây khá lâu, mà mỗi lần đọc lại, gợi cho tôi nhiều cảm nhận mới lạ như khi mới đọc lần đầu: nhiều ý tứ, nhiều xúc động, nhiều suy tư thiền định khá thâm trầm về Con Người, về Đời, về Đạo, về Thần Linh...

Tôi bỗng nhiên nghĩ đến một tư tưởng trở thành một chân lý đạo đức của triết gia Jean-Paul Sartre khi người suy tư về mục tiêu, về giá trị, và vị thế của con người đứng giữa cộng đồng nhân loại: “Tất cả mọi sự việc trên đời này đều được con người suy nghĩ đến hết, chỉ trừ cái sự việc nên sống như thế nào đây là không ai nghĩ đến mà thôi." (Tout a été pensé, excepté comment vivre). Bà Nguyễn Huỳnh Mai quả đã chứng minh bằng chính cuộc đời và tâm thức, tâm nguyện của Bà rằng Bà muốn phản nghịch ý nghĩa câu trên của triết gia Jean-Paul Sartre, để làm một châm ngôn về triết lý sống cao đẹp của mình. Đúng như Bà đã thuyết minh về ý hướng và tôn chỉ của mình ở trang bìa tác phẩm "Cô Bé làng Hòa Hảo":

"Tôi cầu nguyện Ơn Trên cho ngọn bút yếu mềm của tôi có thêm năng lực để phục vụ Quê Hương, Đạo Pháp, cùng góp sức với đồng bào, đồng đạo lấy lại quê hương Việt Nam, để được sống những ngày thanh bình, hòa lạc, trên đất nước thân yêu..." (trích Về Thánh Địa Dự Lễ, trang 164).

Hai tác phẩm đồ sộ này của cùng một tác giả là hai vòng khuyên rực rỡ kết thành của một chuỗi ngọc tượng trưng cho một chiều dài thực thể hoạt động trong kiếp nhân sinh ngắn ngủi mà con người muốn khám phá ra cho mình một lý tưởng trường sinh kéo dài bất diệt. "Cô Bé làng Hòa Hảo" là xây dựng hành trang vào đời, mà "Hồn Thiêng Dân Tộc" là hành trình cụ thể và tích cực đi vào Đạo, hay nói một cách khác, "Hồn Thiêng Dân Tộc" là sự tiếp nối hướng thiện của "Cô Bé làng Hòa Hảo", là sự hoàn thành tinh thần trí tuệ vững tiến vào Hành Đạo Hoằng Dương Giáo Lý của Đức Thầy Huỳnh Phú Sỗ.

Hãy nghe tác giả làm một cuộc phân tâm hướng nội để sau đó giải bày tâm trí của mình cùng các bạn đồng hành, đồng đạo, và độc giả thân yêu:

“Tôi đã tìm học những điều mà trước kia tôi không quan tâm, và tôi đến với những người bạn cùng thao thức suy tư cho vận nước, cho đời sống tâm linh của con người như tôi...

“Con đường “tôi tìm tôi" trải dài mấy mươi năm thoáng qua như một thoáng chốc, một khoảnh khắc thời gian. Ngày hôm nay ghi lại mấy dòng chữ này, tóc tôi đã điểm sương...” (Con Đường Văn Hóa - Hồn Thiêng Dân Tộc). Và sau khi tự vấn, tự kiểm, tác giả đi đến một quyết định quyết liệt: “và giá trị của con người, của Đạo, của mọi chủ nghĩa đều nằm trọn ở chỗ, chỗ quyết định, quyết định cho mình một con đường để theo đuổi... Tôi đã quyết định bẻ bút để chọn cho mình một con đường... sẵn sàng hy sinh cho công cuộc chiến đấu cho quê hương... "

Rồi tác giả tỏ bày chân thành đến các bạn trẻ một lời tâm huyết được xem như là một thông điệp khẩn cầu đầy tinh thần ái quốc, ái dân:

“Hiện nay, con đường của các anh đang thực hiện là xây dựng văn hóa dân tộc. Đó là con đường nhằm đưa Việt Nam đi đến sự trường tồn mà không một chính sách nào, dù tàn độc hay hung bạo đến đâu cũng không phá hủy nổi. Tôi gặp các anh nơi đây, và xin chia sẻ với các bạn trẻ những cảm nghĩ của mình được ghi lại trong những giây phút quán chiếu trở về với chính mình để viết lên tất cả những tâm tư hướng về Đạo, về Dân tộc Việt Nam thương yêu... "

(Con Đường Văn Hóa - Hồn Thiêng Dân Tộc).

"Cô Bé làng Hòa Hảo" không phải là một hồi ký, càng không phải là một trình bày khoa trương theo thời thượng như ta thấy phổ biến hiện nay ở nước ngoài, mà đó là một bản tự kiểm trung thực đầy đạo vị gồm nhiều mẩu chuyện đơn sơ, mộc mạc rất cảm động, với nhiều tình tiết, biến cố dạt dào về con người thuở ấu thơ mà mình đã sống có khi không bình lặng giữa nếp sống gia đình và môi trường tao loạn của đất nước. Bên dưới các sự kiện là cái nền tình cảm sâu nặng của mối tình nhà, tình nước, tình đồng loại, được chói lòa ánh sáng tâm linh huyền diệu của Đạo Pháp. Để truyền giáo trước hết cho các con cháu của mình, sau đến thế hệ hậu sinh những khuyên nhủ, kinh nghiệm về tiếp vật, xử thế, ứng sự, có khi thành công, nhưng có khi cũng nếm mùi thất bại (!) của một con người mà cuộc sống thế nhân chưa đi trót nửa phần đời ngắn ngủi là chính tác giả.

Cũng như tác giả, ai không từng nói đến Cha, đến Mẹ, mà không dậy sóng thâm sâu mối tình phụ tử, mẫu tử, nhưng ở đây có cái gì bất diệt, quặn thắt con tim người đọc, rất khác lạ với muôn nơi, muôn thuở... Bài Thơ cho Ba trong "Cô Bé làng Hòa Hảo" là một khúc tình ca gây xúc cảm vô cùng, vô cùng cho độc giả, cho những ai đã mất một người cha yêu quí, người cha đã từng lăn lốc trên cuộc đời ly hương sóng gió vì chính trị, vì lý tưởng giữa một thời cuộc nhiễu nhương đầy biển dâu, tang tóc, chia lìa...

“Con chưa viết được chữ nào mà nước mắt con đã ràn rụa tuôn rơi... Con nhớ ba quá... Những nỗi lo âu sóng gió hơn cả những lần phải xa quê hương lưu vong thời Đệ Nhất Cộng Hòa lên Nam Vang, bị lính kín Cao Miên làm khó theo dõi, những ngày mình chạy vào lúc mất nước, những lúc đau buồn lặng câm của ba mẹ khi phải sống xa quê hương lần thứ hai. Ba thường than thở: "Trước kia ở Nam Vang mình còn thấy được ngày về, còn bây giờ thì..." Rồi ba lặng thinh... Con còn nhớ bài thơ "Giấc Mơ Cố Hương" của ba khi mình rời trại Fort Chaffee, Arkansas, để qua Minnesota sinh sống vào năm 1975. Ba hay ngâm:

Canh tàn rồi lại canh tàn

Nửa mê, nửa tỉnh theo hồn mộng du

Về đâu? Ơi hỡi! Về đâu?

Không là du mục, cũng Do Thái rồi.

Hoặc:

Giấc mơ chợt tỉnh, bàng hoàng

Bỗng dưng nước mắt dâng tràn nửa đêm

Xót xa thân phận đỗ quyên

Mái đầu đã bạc, truân chuyên vẫn nhiều.

Mỗi lần hồi tưởng lại, con thương ba vô cùng! Thân ba gian truân, chìm nổi nơi xứ lạ quê người, nhưng vẫn luôn luôn nghĩ đến bổn phận đối với quê hương. Ba khổ sở, buồn rầu, có lúc con nghe ba ngâm:

Lạy trời mau tắt loạn ly

Cho bao nhiêu kẻ đã đi tìm về

Rồi trong những buổi chiều quê

Ngồi trên bến cũ, lắng nghe tiếng lòng."

(CBLHH trang 182-183)

Một người cha mà người viết bài này đã xem như một chính khách đầy sĩ khí liêm chính, một mẫu kẻ sĩ đáng tôn vinh còn sót lại giữa thời đại vàng thau lẫn lộn của chúng ta, mà trong một bài tưởng niệm trước đây, chúng tôi đã hết lời ca ngợi.

Rồi Bà nói đến Mẹ với giọng điệu đầy tình lý chân thành, không ai viết gây chấn động hơn, để cuối cùng liên hệ mối tình yêu mẹ với ngôn ngữ Đất nước mến yêu ta phải bảo tồn với bất cứ giá nào: giữa Mẹ và Quê hương là một công thức cân bằng quí trọng:

“Chúng ta được sanh sản và lớn lên bởi bầu sữa mẹ Việt Nam. Chúng ta được nuôi dưỡng bởi những ngọn rau, những dòng sông ngọt ngào của đất nước Việt Nam ở nơi đó. Có ai thương yêu mẹ mà không thương yêu quê hương của mình, vì mẹ là mảnh đất đã mang lại sự hiện diện của ta trên mặt đất này. Nếu chúng ta quên cội, quên nguồn, bỏ quê hương mình, thì tiếc thay cho sự hy sinh, đau đớn, banh da xẻ thịt của mẹ để có ta.

Mẹ là sự hiện diện của cả một quá khứ Việt Nam đau thương, của cả những kỷ niệm bình yên, đẹp đẽ của quê hương tôi. Mẹ và tôi cả hai thế hệ đều sống trong chiến tranh Việt Nam. Tôi không quean được những lũy tre già, buồng cau, vườn trầu, những buổi tối quanh quẩn dưới cây trứng cá. Những buổi sáng tôi nhìn ánh bình minh trên sông Tiền Giang, ánh nước lóng lánh, những chiếc ghe, xuồng ngược xuôi, những người dân quê mộc mạc trong chiếc áo đen, tay vịn chiếc nón lá, miệng nở nụ cười hiền hòa. Tôi nhớ mãi những buổi trưa ôm thân cây chuối lội bì bõm dưới sống, hay ngồi trên sạp tre, ăn bắp rang, nhìn con heo nái mập bự đang cho đàn heo con bú."

Mẹ là nền văn hóa Việt, chớ không phải mẹ khắn khít với nền văn hóa Việt. Dưới ngòi bút của Nguyễn Huỳnh Mai, đó là một điều khẳng định, chắc nịch hơn một chân lý nữa:

"Tôi biết một ngày nào đó mẹ tôi sẽ mất, nhưng sự hiện diện của mẹ vẫn còn mãi mãi. Đó là sự hiện hữu của đất nước Việt Nam.

Tôi sẽ noi gương mẹ để cho đất nước tôi mãi mãi được tồn tại, lớn mạnh bằng cách truyền đạt tình yêu thương của một người mẹ, của quê hương Việt Nam cho hai con tôi. Chúng sẽ không cảm nhận được tình yêu quê hương nếu chúng chưa cảm nhận được tình yêu của mẹ chúng. Chúng không rung động được khi nghe những bài hát, lời nói bằng tiếng Việt Nam, nếu chúng không nói, không hiểu và không đọc được ngôn ngữ Việt Nam. Sự không nói, không nghe, không đọc được ngôn ngữ Việt Nam khiến chúng có mặc cảm, và từ mặc cảm đó chúng tách rời cộng đồng Việt Nam...”

(Nguyễn Huỳnh Mai, Cô Bé làng Hòa Hảo, trang 174)

Và nhất là trước cuộc sống xô bồ, vật chất trên đất Mỹ, Bà có những lời khuyên vô cùng nghiêm khắc đối với các con mình... vô số lời căn dặn dầy tình thâm mẫu tử ấy rất bổ ích, còn làm kinh nhật tụng cho các thế hệ đàn em...

"Mission Viejo, 29-3-1992

Trang thân, nếu một ngày nào đó con muốn hành đạo, giúp đời, trước tiên con phải hiểu nghĩa hai chữ hy sinh. Hy sinh ở đây phải là thật sự, nghĩa là hy sinh chỉ mình mình biết, hay nhiều lắm là người thân mà thôi. Nếu ta để cho mọi người biết, hay cố ý khoa trương, thì không phải là thật sự hy sinh, mà chỉ vì mục đích danh lợi, tiếng tăm, hay địa vị. Hy sinh thật sự là âm thầm làm việc và quên cái tôi của mình. Nếu cái tôi của mình to lớn quá, tự ái mình cao quá, thì dù có muốn hy sinh hay đóng góp gì, mình cũng không có cơ hội để thực hiện.”

Và hãy nghe tác giả trình bày ngắn gọn về triết lý sống và phương thức đấu tranh của mình để truyền sự hiệu nghiệm cho các con của Bà:

"Mình phải khổ mới hiểu được cái khổ của người khác. Khi thấy các con phung phí mình giận quá, ước muốn cho chúng nó phải trải qua một cuộc sống cam go, phải vượt biển, đói khổ như các thuyền nhân, để biết giá trị của “sự sống”, của hột cơm, miếng nước.

Người ta không thể học hỏi, thấm thía, qua cái đau, cái đói của người khác...”

Do đó mà những cùng cực thập tử nhất sinh của thuyền nhân Việt Nam trong các trại, nhất là ở các trại cấm, trại Bạc Đầu ở Hongkong bị đuổi về Việt Nam, đã làm tê điếng tâm hồn đầy phúc thiện của Bà, và trở nên mục tiêu đấu tranh cứu trợ tích cực của người phóng viên dấn thân cho lẽ sống của họ là Bà Nguyễn Huỳnh Mai. Trong mấy năm liền từ Mỹ đi đi về về các trại tị nạn ở Đông Nam Á xa xôi, để rồi Bà đi đến một nhận định minh bạch và rắn rỏi:

“Thường thường người ta chỉ tranh đấu cho đời sống và mạng sống của "chính mình" chứ ít ai tranh đấu thật sự cho mạng sống “người khác”. Dù thật tâm, người ta cũng không thể hết lòng khi nợ cơm áo vây quanh. Sự tranh đấu cho lý tưởng phải triền miên chứ không thể chỉ đôi ba giờ vào ngày cuối tuần trong những buổi tiệc thịnh soạn. Sự tranh đấu không thể là những ánh nến lập lòe mà phải là ngọn đuốc phừng phực cháy, càng lúc càng mạnh, càng lúc càng sáng."

Điều làm cho mọi người vô cùng ca ngợi ở nhà hành đạo, nhà văn trẻ tuổi này, là trong lúc mọi người chao đảo ngửa nghiêng với lập trường chính trị tùy thời, đáng khinh của họ, chỉ vì một cái nhìn cận thị, vụ lợi cá nhân, thì Bà nhất quyết đấu tranh đến cùng, giữ vững quan điểm của mình, để hoàn thành lẽ tất thắng cho chính nghĩa quốc gia dân tộc. Một điểm son ở người phụ nữ dấn thân này làm cho ta hết lòng ngưỡng mộ sự kiên định về chính kiến của Bà: "To Be or Not To Be", câu nói của Shakespeare mà mình nghe lặp đi lặp lại trong phim Star Trek VI, The Undiscovered Country. Thật sự là phải như vậy. Phải có sự lựa chọn, một là đi đường chánh, hai là đi đường tà, chứ không thể vừa chánh, lại vừa tà. Một là cộng sản, hai là "không cộng sản", chứ không thể vừa theo bên này, lại vừa núp lén bắt tay với bên kia, để bên nào thắng mình cũng hưởng lợi..."

Dù sao thì tác phẩm "Cô Bé làng Hòa Hảo" chỉ là cái nhìn hình nhi hạ của một nhân sinh quan đặc biệt rọi vào phần thực chất nguyên trạng của cuộc sống thế nhân. Đó mới là phần nhập thế. Đến "Hồn Thiêng Dân Tộc" mới là phần siêu hình tâm linh của con người tác giả được thăng hoa để thể hiện thành hành động, và văn chương, tư tưởng... Đó là sợi chỉ vàng vô hình buộc chặt tâm thức của tác giả vào hành động của người vào Đạo, từ một tiềm thức trở thành một vô thức ám ảnh siêu nhiên trường lực của tác giả. Nói như con nhà Phật thì đây phải chăng là cái rực sáng của tiền kiếp, duyên nghiệp của tác giả, xem đó như ngọn hải đăng buộc vào mọi hành động phục vụ tha nhân, thỉnh thoảng chớp lòa kết tinh thành những đột xuất diễn giải tư tưởng thâm sâu trong suốt nội dung của “Hồn Thiêng Dân Tộc". Điều tôi thưa với các bạn ở trên quả thực khó hiểu, nhưng với ít nhiều thiền định trầm mặc suy tư nào đó, chúng ta có thể cảm nhận qua nội dung đạo vị của tác phẩm: Nào giáo lý nhiệm mầu của Đức Phật, nào những Sấm giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ, những danh ngôn về tình người (có đến 300 câu), nào những vấn đề tâm linh như tâm bình an, nào thức giác, tịnh tâm, nhân quả, dứt nghiệp, thiện ý, nào diệt ngã, nào hòa hợp tâm linh và vật chất, nào tri giác nhất thể, vân vân và vân vân, còn nhiều nữa. Tuổi đời của tác giả chưa giàu có lắm, nhưng đọc tác phẩm “Hồn Thiêng Dân Tộc", ta tưởng chừng như đang nghe một vị đại lão Hòa thượng, một vị Bồ tát đang thuyết pháp để cảm hóa, khuyến đạo chúng sanh... Và không có đề tài, kinh giải, biến pháp, kinh quyền nào mà tác giả không bàn tới và gợi ý.

"Sự phát triển của tâm linh không bao giờ ngừng nghỉ. Những trạng thái lâng lâng chỉ thoáng chốc với sự vật vã triền miên của tâm thức. Nó luôn luôn đến đích và đồng thời cũng không đến. Bài học mới luôn luôn có từ ngày này qua ngày khác mãi mãi với thời gian, không gian và con người. Bài học ở mỗi hơi thở, mỗi chớp mắt, và ở mỗi nhịp đập của con tim. Con người và vũ trụ sống nhịp nhàng, cùng nhau chuyển động, linh động, đối chiếu và phản chiếu.

Nếu muốn sống cho đúng nghĩa thì đừng bỏ rơi giây phút nào. Sự sống đầy đủ trọn vẹn đó giúp cho ta biết ta, biết mọi chuyển động chung quanh để ứng phó kịp thời và phát triển theo nhịp độ của thiên cơ."

Có những nhà văn viết độc đáo, kỳ tài, nhưng không thoát khỏi được cái là đà của nhân thế, có những nhà văn viết thông thường nhưng đạt đến cái siêu nhiên thâm hậu rất liễu chứng đầy thiện nhân thiện quả. Bà Nguyễn Huỳnh Mai ở vào số ít nhà văn sau đó vậy.

Từ mấy năm nay, nhất là ở trong hiện tại, CSVN dã man đàn áp rất bạo tàn các tôn giáo, nhất là Phật giáo Hòa Hảo ở quốc nội, thực hiện con đường tiêu diệt tôn giáo đúng với chủ thuyết tam vô của chúng, nhưng nhất định chúng sẽ thất bại nhục nhã trước sự kháng cự anh hùng của toàn khối dân Việt duy linh truyền thống. Do đó mà một đệ tử trung kiên của Đức Thầy, một con người ái quốc như tác giả, Bà Nguyễn Huỳnh Mai đã cống hiến gần phân nửa tác phẩm "Hồn Thiêng Dân Tộc" để mạnh mẽ nói lên sự nham hiểm độc ác của CS đối với các tôn giáo như Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Phật giáo, Công giáo, vân vân. Cũng như trước kia Bà chống đối kịch liệt mạnh mẽ sự cưỡng bức hồi hương các đồng bào tị nạn ta ở các trại Hong Kong. Ta cũng không nên quên rằng chính Bà Nguyễn Huỳnh Mai là Tổng thư ký của tạp chí Đuốc Từ Bi, cơ quan ngôn luận chính thức của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo toàn thế giới.

Bà đã nói rất đúng khi nhìn về phản tỉnh chủ quan về ước vọng, nguyện cầu cho Đất Nước an lạc thái bình của mình ở một đoạn văn sau:

"Suy tư và viết về Đạo, về con người, đất nước quê hương, về tuổi trẻ, đối với tôi là những đề tài bất tận. Sau bảy chương vừa qua, tôi cảm thấy vẫn chưa nói lên hết tâm tư của mình để chia sẻ cùng độc giả mến yêu.

Cầu nguyện Ơn Trên, Hồn Thiêng Sông Núi hỗ trợ cho con dân Việt mau chóng chấm dứt họa diệt vong, sớm có ngày trở về quê hương cùng góp sức phục hoạt Đạo Pháp, xây dựng lại Tình Người cho con Hồng cháu Lạc được sống trong yên bình hạnh phúc và tự do dân chủ..."

(Nguyễn Huỳnh Mai - Hồn Thiêng Dân Tộc)

Cái đạo tâm của Bà là nội lực trường thiên sôi lên cường độ cho cảm hứng triền miên của tác giả trong "Cô Bé làng Hòa Hảo" và "Hồn Thiêng Dân Tộc", hai tác phẩm chính của Bà. Bà còn muốn viết nữa, viết nhiều hơn về Đạo, về Đời, muốn thao thao biên luận, suy tư tuôn trôi theo giòng bút, theo nguồn suối tâm linh, thanh thoát, dễ dãi như ánh mặt trời... không bao giờ tắt.

"Cô Bé làng Hòa Hảo" là hành trình xây dựng tâm Đạo chuẩn bị phụng sự tha nhân, còn "Hồn Thiêng Dân Tộc" chính là diễn trường thực thi chí nguyện đối với Đời, với Người, với Đạo, với Thiêng Liêng mà mình hằng mộng ước. Để biểu thị toàn phần các thực thể hiện sinh liên quan đến thời gian (l’Être et le Temps) mà triết gia Đức Martin Heidegger đã lập thuyết rất lỗi lạc lưu lại hậu thế. Cũng để góp phần xây dựng Đạo làm người, theo tâm học Đông phương đối với Đời, với Quê hương, Dân tộc và Trời Đất, đúng với chính lý của Dịch Kinh:

Hình nhị hạ dã vị chi khí

Hình nhi thượng dã vị chi Đạo

(Từ cái hình chất trở xuống gọi là khí,

(hữu hình, vật chất, thể chất)

(Từ cái hình chất trở lên gọi là Đạo,

(siêu hình, tinh thần, thần thánh).

Có, có tất cả những cái thâm hậu ấy của Đông phương và của Việt Nam truyền thống ta trong hai tác phẩm nói trên. Bà Nguyễn Huỳnh Mai không phải chỉ là một nhà văn hóa, một nhà văn, nhất là trong tác phẩm sau, "Hồn Thiêng Dân Tộc", chúng tôi còn muốn xem Bà là một nhà truyền giáo nữa. Hành động và tâm chí của Bà giải đáp và cải chính phần nào câu tư tưởng của Jean-Paul Sartre được xem như là một chân lý tâm linh mà tôi đã nêu ở đầu phần bài viết:

"Tất cả mọi sự việc trên đời này đều được con người suy nghĩ đến hết, chỉ trừ cái sự việc nên sống như thế nào đây là không ai nghĩ đến mà thôi."

VŨ KÝ

Tháng 7/2000

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Ba 2005(Xem: 26690)
21 Tháng Chín 2004(Xem: 46578)
1,863,880