9. Nhà Văn Việt Phương: Gia Đình Và Xã Hội Trong “Cô Bé Làng Hòa Hảo”

22 Tháng Năm 200712:00 SA(Xem: 5592)
9. Nhà Văn Việt Phương: Gia Đình Và Xã Hội Trong “Cô Bé Làng Hòa Hảo”

Kính thưa quý vị niên trưởng, quý anh chị và quý bạn,

 

Thoạt tiên, được anh Nguyễn Sĩ Đẩu mời lên phát biểu một vài cảm tưởng về tác phẩm “Cô Bé Làng Hòa Hảo” của chị Nguyễn Huỳnh Mai, tôi lấy làm lo lắng. Bởi vì chỉ vài phút giới hạn trong chương trình, không thể nào bày tỏ được tất cả những cảm tưởng về một cuốn sách dày gần 500 trang, nhất là làm thế nào để diễn tả được trung thực về giá trị của cuốn sách.

Tuy nhiên, tôi cũng xin được mạn phép trình bày một vấn đề nhỏ về “Gia đình và Xã hội” trong tác phẩm “Cô Bé Làng Hòa Hảo”.

Đọc Cô Bé Làng Hòa Hảo chúng ta không ai không khỏi ngậm ngùi, chia sẻ từng nỗi lo của người mẹ, của bà nội, bà ngoại trong tác phẩm. Tất cả những nhân vật đó hiển hiện rất thật. Thật như những đớn đau của Mẹ Việt Nam đã gánh chịu trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Quãng chiều dài đầy chiến tranh và chết chóc, đầy hận thù và phân hóa. Những ước mơ thật nhỏ nhoi của con người trong tác phẩm chỉ là những ảo tưởng khi cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt. Cuối cùng rồi chúng ta được gì? Toàn những đớn đau và chia cắt. Toàn những mất mát, lưu lạc.

Cô Bé Làng Hòa Hảo, cái tiêu đề ấy đã tạo cho chúng ta những cảm giác êm đềm. Êm đềm của một làng tôn giáo hiền hòa, nơi đó con người biết yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Không phải một sớm một chiều Cô Bé Làng Hòa Hảo bỗng lớn dậy, cảm chia được nỗi đau của đất nước. Đời sống nhiều khi có quá nhiều những sự bất như ý. Nhưng biết chấp nhận và bước tới là một điều đáng được học hỏi.

Hãy nghe chị Nguyễn Huỳnh Mai tâm sự: “Mình sẽ không là mình của ngày hôm nay nếu không có quá khứ dài trên 40 năm” (trang 287). Phải! Nếu không đi suốt chiều dài hơn 40 năm với biết bao chứng kiến đổi thay của “cuộc sống mất còn”, chiêm nghiệm được triết lý Phật Giáo “có có không không” thì tác giả sẽ không còn thừa kinh nghiệm để trải thế giới nội tâm của mình trên trang sách, và chia sẻ với người đọc như là một tài liệu có chút ít dự phần trong những ngày hấp hối của Việt Nam Cộng Hòa.

Bây giờ “cô bé” đã trở thành người mẹ, người bà trong gia đình. Nhưng những nỗi trăn trở về những mất mát ấy vẫn quá lớn, như không bao giờ có thể khâu vá được. Đó là kinh nghiệm của những người đi trước. Những người không bao giờ muốn thấy thế hệ con cháu mình càng ngày càng lún sâu vào trong những thảm họa của chiến tranh, của hận thù chia cắt. Không một cha mẹ nào lại muốn cho con mình khổ cực. Đó là chân ngôn. Giống như mẹ Việt Nam không bao giờ muốn đàn con của mình lớn lên trong đói khổ lạc hậu. Thật vậy, nỗi lo của tác giả là nỗi lo chung của những bà mẹ Việt Nam.

Suốt chiều dài của cuốn sách, chúng ta thấy phần nhiều tác giả viết theo dạng những bức thư, mà người nhận là nhân vật tên Trang, con gái nuôi của tác giả. Thật ra, theo tôi, Trang chỉ là một cái cớ để tác giả chia sẻ những cảm nghĩ của mình. Trang theo tôi, là cả một thế hệ trẻ mà những điều người mẹ nhắn nhủ, tâm tình trong những lá thư là những lời dạy dỗ rất quý báu. Người xưa thường nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.” Cuộc đời tác giả đã trải qua nhiều chặng đường, chúng ta thấy trong đó là những di chuyển không ngừng. Tác giả qua Mỹ lúc còn trẻ được học hành trở lại, nên hội nhập dễ dàng vào đời sống mới. Chính vì thế, chị có thừa kiến thức và kinh nghiệm để dạy dỗ khuyên bảo con cái nói riêng và nói chung cả tuổi trẻ Việt Nam lớn lên sau này.

Cuộc sống gia đình của tác giả đã là một bài học khiến chúng ta suy gẫm. Nào là vừa đi học, đi làm để gánh bớt gánh nặng gia đình trong những ngày mới đến Mỹ; nào là lo cho chồng cho con, lại thêm con nuôi và các cháu. Một điều đáng nói nữa là tác giả có hai bà mẹ cùng sống dưới một mái nhà: một mẹ ruột và một mẹ chồng. Hai cụ được cung phụng và săn sóc chu đáo như nhau. Trong khi đó, trên xứ Mỹ này, có thiếu chi những gia đình hục hặc vì chuyện mẹ chồng con dâu. Hoặc con cái bỏ mặc ba mẹ để cho các cụ sống trong cô đơn buồn tủi.

Hơn thế, tình cảm và thì giờ của tác giả lại một lần nữa, san sẻ cho tất cả những người Việt còn trong các trại tị nạn Đông Nam Á. Nhất là sau chính sách “cưỡng bách hồi hương” tàn bạo ở các trại tị nạn bên Hồng Kông, Thái Lan, Mã Lai Á, Phi Luật Tân... tác giả đã không ngừng hô hào, vận động bằng đủ mọi hình thức làm chương trình trên các đài truyền thanh, truyền hình, viết bài gởi đi hàng trăm tờ báo hải ngoại, tác giả còn điều động con cái của mình đi xin từng chữ ký một để vận động chống cưỡng bách hồi hương, mặt khác để yểm trợ tinh thần của đồng bào ta đang đến kỳ kiệt quệ, dở sống dở chết sau những hàng rào trại cấm. Tác giả không khỏi làm người đọc xúc động khi dẫn Thịnh và Cường (con chị) đi xin chữ ký từng người ở rạp hát trong lúc những người khác thì đến đó để thưởng thức chương trình văn nghệ. Quý vị sẽ cảm động khi nghe một cậu bé được sinh ra và lớn lên trên nước Mỹ đã nói với mẹ khi vừa xin được khoảng 250 chữ ký: “Phải hai ngàn mới được mẹ à, tuần tới con với mẹ ra Phước Lộc Thọ ở đường Bolsa xin nhe.” (trang 427).

 

Kính thưa quý vị,

 

Tôi xin được mở một dấu ngoặc ở đây (sở dĩ tôi phải trực tiếp nói đến tác giả, là nhân vật chính, nhân vật xưng mình, xưng mẹ trong truyện, bởi vì đây không phải là một tiểu thuyết hư cấu, mà là những chuyện rất thật xảy ra trong đời sống hàng ngày của chị. Tác giả viết theo dạng hồi ký, nhật ký...). Do đó, tác giả trang trải tình cảm rất thực của mình lên từng trang sách, khiến không đọc không khỏi bồi hồi. Tình cảm của chị đối với gia đình, đối với tha nhân đã làm cho người đọc trong một phút nào đó, gấp trang sách và nhìn lại mình. Từng lon sữa Guigoz khi con còn bé, đến những lúc lo con bị suyễn, bị dị ứng, lo con mập, con ốm, là những tình cảm rất “con người” rất “sống”, bày tỏ được tấm lòng vô biên của một người mẹ Việt Nam.

Trong gia đình, tác giả là một người vợ hiền, biết thông cảm chồng, tiết kiệm cho chồng; biết đứng sau lưng chồng những lúc cần thiết. Đối với những bậc sinh thành, tác giả là một người con có hiếu. Đối với con cái, tác giả là một người mẹ đầy tình thương, lo cho con từng li từng chút. Ngoài những việc trong gia đình, tác giả còn phải lăn xả vào xã hội với tinh thần bất vị lợi để giúp đỡ những người còn kẹt trong trại tị nạn, những em lai mới đến Mỹ... Theo tôi, những việc chị làm là cả những hy sinh to lớn, và sự hy sinh đó sẽ thiếu đi ý nghĩa nếu không có sự cảm thông, sự tiếp tay của gia đình, nhất là chồng con chị.

Tóm lại, “Cô Bé Làng Hòa Hảo” là một bài học về gia đình và xã hội giá trị, trong đó chuyên chở cả bài học yêu thương.

Xin cảm ơn và trang trọng kính chào quý vị. 

 

VIỆT PHƯƠNG

 (Trích bài phát biểu trong buổi ra mắt sách “Cô Bé Làng Hòa Hảo” của nhà văn Nguyễn Huỳnh Mai tại Dallas, Texas, ngày 27-5-1995.)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Ba 2005(Xem: 26019)
21 Tháng Chín 2004(Xem: 45684)
1,863,880