- Lời Giới Thiệu
- 1- Trên đường đến New York
- 2- Đây New York ! (NV, 28- 3- 92)
- 3- Trên đường đến downtown New York (NV, 29- 3- 92)
- 4- Manhattan và người đàn bà bán hàng rong (NV, 31- 3- 92)
- 5- Vòng quanh phố Manhattan ( NV,1- 4- 92)
- 6- Trường thời trang tại New York
- 7- Đời sống tại New York (NV, 4- 4- 92)
- 8- Đi Metro đến chợ Tàu New York
- 9- Một cộng đồng đoàn kết (NV, 5- 4- 92)
- 10- Một khuôn mặt phụ nữ Việt Nam tại New York: Bà Hồng Liên (NV, 7 - 4- 92)
- 11- Hội phụ nữ Việt Nam tại New York (NV, 8- 4- 92)
- 12- Vietnet, con đường trở về nguồn (NV, 9- 4- 92)
- 13- Gặp No Ho tại phố Tàu New York (NV 10- 4- 92)
- 14- No Ho đang tiến mạnh (NV, 11- 4- 92)
- 15- Vài sinh hoạt của người Việt tại New York (NV, 12- 4- 92)
- 16- Cuộc biểu tình trước trụ sở Liên Hiệp Quốc (NV, 14- 4- 92)
- 17- Trung Hoa lưu vong và Việt Nam tị nạn tranh đấu cho tự do dân chủ (NV, 15- 4- 92)
- 18- Liên đoàn Nắng Mới tại New York (NV, 16- 4- 92)
- 19- Thắng cảnh New York (NV, 17- 4- 92)
- 20- Viếng tượng nữ thần Tự Do (NV, 18- 4- 92)
- 21- Ellis, hòn đảo của người di cư (NV, 19- 4- 92)
- 22- Cảm nghĩ sau một chuyến đi (NV , 21- 4- 92)
Khi chúng tôi bước vào tiệm ăn Sài Gòn tại số 60 Mulberry chợ Tàu thì quý vị đại diện Cộng đồng Nữu Ước đã có mặt. Riêng chúng tôi mặc dù đi Metro, và phải đi bộ nhiều đoạn đường nhưng vẫn đến đúng giờ hẹn.
Điều đặc biệt là sự có mặt của quý vị đại diện phong trào NOHO và Ngọc Chương, ký giả tờ Thời Báo đến từ San José.
Có mặt đầy đủ
Sau đó chúng tôi di chuyển đến một căn phòng ăn lớn trên lầu của tiệm ăn Sài Gòn II ở gần đó cho rộng rãi và... ấm cúng hơn.
Tôi rất cảm động vì nhận thấy sự có mặt hầu hết của quý vị trong ban chấp hành như ông Dương Đệ Chủ tịch, chị Ly Lan phó chủ tịch nội vụ, ông Khưu Nhạc phó chủ tịch ngoại vụ vừa là chủ nhà hàng nơi chúng tôi dùng cơm, ông thủ quỹ Trần Thiện, chị Tổng thơ ký Hồng Liên và cựu Đại tá Hải quân Nguyễn Văn Thiện, cố vấn; anh Phạm Anh Tuấn, trưởng ban văn nghệ hội Thanh Thiếu niên Việt Nam.
Cô nàng Hồng Liên xinh tươi vui vẻ luôn luôn nở nụ cười. Hồng Liên vừa mới trở về sau chuyến đi Washington D.C. cùng với 70 người đại diện cho cộng đồng New York, tham dự buổi lễ vinh danh cựu chiến sĩ VNCH, và chào mừng "tù cải tạo" tại Quốc Hội Hoa Kỳ.
Quá trình thành lập
Qua các buổi điện đàm với Hồng Liên, tổng thơ ký trước khi đến Nữu Ước, tôi được biết Cộng đồng Việt Nam Tự Do vùng Nữu Ước gọi là The Greater New York Vietnamese American Community Association, Inc. được thành lập vào ngày 4 tháng Bảy, 1989.
NYVACA là một tổ chức bất vụ lợi, khởi đầu quy tụ được 58 thành viên, trong đó có 18 thành viên được bầu vào Hội đồng Lãnh đạo.
Được biết Cộng đồng này chưa nhận một sự tái trợ của bất cứ cơ quan nào. Hồng Liên cũng cho biết thêm là những chi tiêu cho việc tổ chức các lễ Trung Thu, Tết Nguyên Đán, ngày Hai Bà Trưng, Ngày tị nạn 30 tháng Tư... đều xuất từ sự đóng góp của các công thương kỹ nghệ gia có thiện chí muốn xây dựng cộng đồng.
Ngoài các buổi thuyết giảng về y tế Medicaid, Medicare cho đồng hương, Cộng đồng Nữu Ước còn liên kết với "Lawyers Commitee For Human Rights" kiện chánh phủ Hồng Kông về việc thanh lọc thuyền nhân không nghiêm chỉnh. Cộng đồng cũng được phỏng vấn trên đài truyền hình 5 Fox News về vấn đề băng đảng Việt Nam để xã hội Hoa Kỳ bớt ngộ nhận. Cũng như lên tiếng trên đài NBC về vấn đề kỳ thị màu da.
Cộng đồng đã tham gia đại hội Olympic VN kỳ thứ 17 tại Toronto Canada và tham gia thi Hoa hậu. Cô Mai Linh đã đoạt giải Á Hậu và các lực sĩ VN tại Nữu Ước đã mang về một mề đai vàng và một bạc.
Cộng đồng đã đi họp với cảnh sát về vấn đề các thanh niên VN bị bắn chết để tìm giải pháp ngăn ngừa cũng như truy lùng kẻ sát nhân. Ngoài ra Cộng đồng cũng phối hợp chặt chẽ với các sắc dân trong các vấn đề xã hội, văn hóa, để người Á Châu cùng tiến trong xã hội đa diện tại Nữu Ước.
Chủ tịch của Chủ tịch
Tuy là lần đầu được tiếp xúc nhưng ông Dương Đệ đã gây cho chúng tôi nhiềm cảm mến. Ông Cam Bảo Dương Đệ ăn nói rất nhỏ nhẹ và từ tốn. Ngoài chức vụ Chủ tịch của Cộng đồng VN Tự Do tại New York, ông còn là giám đốc Trung tâm Nhân lực China Town và là giám đốc chương trình dạy nghề cho người tị nạn Đông Dương.
Đáp câu hỏi tại sao ông Dương Đệ được gọi là Chủ tịch của Chủ tịch, chị Ly lan phó nội vụ tươi cười hăng say cho biết:
- "Hôm nay chị gặp ban chấp hành của Cộng đồng là được xem như chị gặp hết các đại diện của cộng đồng rồi đó".
Với sự giải thích của Ly Lan thì mỗi thành viên của cộng đồng là đại diện hay Chủ tịch của đoàn thể tại Nữu Ước. Thí dụ như Ly Lan là Chủ tịch Hội Phụ Nữ, ông Bùi Quang Nghĩa, Chủ tịch hội Cựu Chiến sĩ, ông Khưu Nhạc đại diện Việt Miên Lào, chị Hồng Liên đại diện Mặt trận Dân tộc Dân chủ, ông Trần Thiện và Nguyễn Văn Thiện đại diện Liên Minh Dân chủ, ông phó Chủ tịch tài chánh Trần Đăng đại diện hội Cựu Quân nhân Công chức v.v...
Ông Vương Đệ cho biết thêm: "Trước kia, mỗi khi chính quyền địa phương muốn tiếp xúc với người Việt Nam. Tuy họ biết ở đây có nhiều đoàn thể, nhưng họ không biết người nào đại diện cho người VN tại thành phố New York hoặc tiểu bang New York này. Khi có điều gì cần thì họ gởi thơ cho Cộng đồng rồi Cộng đồng họp, thông báo cho toàn thể. Thí dụ: Vấn đề chính trị thì có các đoàn thể chính trị sẽ phụ trách. Vấn đề xã hội, các cơ quan, đoàn thể phục vụ xã hội sẽ đảm trách. Như vậy thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết hữu hiệu và nhanh chóng hơn."
Kết nghĩa với Cộng đồng bạn
Ông Dương Đệ cho tôi biết, Cộng đồng Việt Nam Tự Do vùng Nữu Ước đã đứng ra tổ chức buổi lễ kết nghĩa với Cộng đồng Massachussets và Philadelphia vào ngày 10 tháng Mười Một, 1991 tại China Town.
Theo ông thì mục đích của buổi lễ là để nối vòng tay lớn giữa các CĐVN ở Hoa Kỳ, để có một tiếng nói chung mạnh mẽ; đồng thời cũng chỉ rõ không có đặt vấn đề thống thuộc giữa các cộng đồng, sự kết nghĩa là một quan hệ hàng ngang, tránh xảy ra hiểu lầm và tập trung nỗ lực ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền.
Trong chiều hướng này ông mong rằng sự kết nghĩa sẽ lan rộng ra toàn Hoa Kỳ và có dịp làm lễ ra mắt chung như đề nghị của Chủ tịch CĐ Nam Cali Trần Văn Nhựt và CTCĐ Washington DC. Trần Nhựt Thăng.
Đáp câu hỏi có dự định bầu ra một Cộng đồng Trung ương không thì ông đáp là không. Ông nói:
- "Tôi hoàn toàn đồng ý với Chủ tịch CĐ Cali là nên làm một Letter Head chung. Letter Head đó để làm gì? Theo tôi thì để người ta biết Cộng đồng Việt Nam có bao nhiêu người kết hợp trong đó. Chúng tôi đề nghị là sắp xếp theo tên tiểu bang hay theo tên tuổi của Cộng đồng. Nhưng chúng tôi chưa tổ chức được buổi ra mắt chung. Anh Trần Nhựt Thăng thì hy vọng tổ chức tại Wash. D.C., thủ đô Hoa Kỳ.
Lúc trước chúng tôi có bàn là kết hợp Đông Bắc Hoa Kỳ trước rồi sau sẽ từ từ lan rộng ra. Tôi nghĩ việc này trong năm 1992 có thể thực hiện được".
Lấy kinh nghiệm làm việc với các đoàn thể, và cộng đồng bạn tại Nữu Ước, ông Chủ tịch Dương Đệ bày tỏ thêm:
"Ở New York mỗi khi có việc gì ảnh hưởng đến người Việt Nam hay Đông Dương hoặc chính sách cưỡng bách hồi hương. Trước khi ký tên Letterhead thì tôi hỏi ý kiến các cộng đồng khác và các cộng đồng làm việc theo dân chủ đa số. Tôi thấy như vậy thì các cộng đồng sẽ không có cảm nghĩ Cộng đồng này dưới Cộng đồng kia. Như vậy sẽ không phân hóa và thiếu đoàn kết".