21- Ellis, hòn đảo của người di cư (NV, 19- 4- 92)

29 Tháng Chín 200412:00 SA(Xem: 23060)
21- Ellis, hòn đảo của người di cư (NV, 19- 4- 92)

Đảo Ellis ở gần bãi biển New Jersey và cạnh đảo Liberty nơi có tượng Nữ Thần Tự Do. Thuở xưa đảo này tên là Kioshk hay Gull Island, nơi chỉ có chim chóc bay nhảy sinh sống. Đảo chỉ rộng có ba mẫu và toàn là đất sét và sình lầy.

Đảo của người di cư
Năm 1630 ông thống đốc thuộc địa Nieuw Amsterdam đã mua lại của một người Mỹ da đỏ và người Đan Mạch gọi là The Little Oyster Island vì có rất nhiều hào trên cát. Người cuối cùng làm chủ đảo này tên Samuel Ellis.
Sau khi Elles chết đảo này trở thành nơi tồn trữ khí giới đạn dược cho quân đội trước khi trở thành nơi thu nhận thanh lọc người di cư.
Được biết có hơn 12 triệu người đã qua sự thanh lọc tại đây vào khoảng thời gian 1892 đến 1954 để đi tìm quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và cơ hội làm ăn để có một đời sống đẹp đẽ hơn.

The Island of Tears
Khu nhà chính tại đảo Ellis có hai phòng lớn trưng bày những hình ảnh lịch sử. Đó là phòng The Great Hall hay phòng ghi danh. Cạnh đó là phòng xét hỏi xem họ có đủ tiêu chuẩn vào Mỹ không. Chỉ cần một câu trả lời sai lầm là họ có thể bị nhốt tạm hay bị trả về nước. Trên áo mỗi người có dấu phấn trắng của bác sĩ có nghĩa là người di cư này bị bệnh gì.
Có khoảng 98 phần trăm được đậu qua vài giờ thanh lọc. Nhiều người rất sợ hãi bị rớt sẽ xa thân nhân và bị trả về. Họ đặt đảo Ellis là "The Island of Tears". Mỗi ngày có khoảng 5,000 người qua kỳ thanh lọc và họ được đối xử rất nhân đạo.
Bức tường danh dự
Phòng triển lãm được chia ra làm nhiều khu vực. Nơi này nói về lịch sử của người di cư. Nơi khác là cảnh họ đang bị thanh lọc, làm giấy tờ, khám sức khỏe v.v.. Tại đây cũng có phòng ghi âm hay thư viện lưu trữ tài liệu, hình ảnh, băng ghi âm những cuộc phỏng vấn.
Ngoài ra có một vách tường danh dự gắn tên của gần 200,000 người di cư. Mỗi người muốn ghi tên cho ông bà mình phải đóng góp 100 đồng cho tiền bảo trì và tu bổ hòn đảo. Nếu đóng 1,000, 5,000 hay 10,000 thì tên mình hay ông bà mình sẽ được gắn nơi danh dự.

Phim lịch sử di cư
Chúng tôi lên tầng trên của tòa nhà này để xem một cuộn phim ngắn do nhà làm phim nổi tiếng Charles Guggenheim thực hiện. Cuốn phim tên Island of Hopes, Island of Tears nói về lịch sử của người di cư.
Theo phim này thì trước khi quyết định ra đi cả gia đình đều cùng nhau thảo luận. Phần nhiều mọi người đi làm để dành tiền cho một người trong nhà đi rồi người đó qua Mỹ đi làm để dành tiền để mua vé tàu cho những người thân qua.
Bên Âu Châu có nhiều người từ làng đi xe lửa, đi bộ hay cởi lừa ra bến tàu, ở đó có khi cả tháng để làm giấy tờ hay đợi chuyến tàu qua Mỹ. Mỗi người phải trả lời 29 câu hỏi, phải có tối thiểu 30 đồng, và qua kỳ khám sức khỏe và chích ngừa. Sau đó hành khách được xếp hạng nhứt, hạng nhì hay hạng bét ngồi bó gối ở dưới hầm tàu cho đến khi qua đến Mỹ.

Chuyến hải hành
Những chiếc tàu chạy bằng hơi nước đưa người di cư này thu được rất nhiều tiền từ những người nghèo hay hành khách hạng cá kèo. Vì tuy mỗi đầu người chỉ đóng có 30 nhưng mỗi chuyến có đến 1,500 đến 2,000 người. Họ thu được mỗi chuyến từ 45 đến 60 ngàn đồng. Vào thuở đó mỗi ngày một người chỉ tốn 60 xu tiền ăn cho ba bữa một ngày.
Đối với họ cuộc hải hành như một cơn "ác mộng". Vì họ bị dồn ngồi chui rúc dưới hầm tàu chen chúc, ngộp và thiếu vệ sinh. Chuyến đi kéo dài từ 10 ngày đến 1 tháng tùy theo thời tiết.
Một người Đức kể lại rằng khi nhìn thấy Tượng Nữ Thần Tự Do tại New York. Ông tưởng đó là một trong những kỳ quan của thế giới. Một người Phần Lan thì tâm sự "Pho tượng chế ngự tâm hồn chúng tôi. Bà như một nữ thần tượng trưng cho sự lớn mạnh của quốc gia tương lai của chúng tôi."

Thanh lọc tại đảo Ellis
Khi mới vào hải cảng New York dân di cư phải qua sự kiểm dịch trên tàu xem họ có bị bệnh không. Những hành khách hạng nhất hay hạng nhì được khám xét rất nhanh chóng và nhã nhặn rồi được chuyển qua New York để gặp thân nhân hay được tự do ngay. Trong khi các hành khách hạng bét bị đưa qua đảo Ellis để thanh lọc.
Sau khi lên đảo các người di cư nghèo này lại phải bị qua các thủ tục phỏng vấn, khám sức khỏe khác xem họ có mắc bệnh truyền nhiễm không. Nhiều người bị bắt đi... tắm bằng nước thuốc để sát trùng. Những người bị bệnh nặng phải trở về xứ. Cảnh khóc lóc bịn rịn thường xảy ra.
Đảo Ellis lúc bấy giờ tràn ngập đủ thứ ngôn ngữ. Mỗi thông dịch viên thường trung bình biết sáu thứ tiếng, có người nói được 15 thứ tiếng khác nhau.
Sau cùng những người được phát giấy phép vào Mỹ được đến khu đổi tiền họ mang qua từ Âu Châu, hay vàng bạc ra Mỹ Kim. Họ bắt đầu mua vé qua bắc, vé xe lửa để về nơi định cư và được phát một hộp đồ ăn.
Mặc dù kẻ đi nơi này người đi nơi khác khắp nước Mỹ nhưng tim họ đập rộn rã một niềm vui mới vì trước mắt họ là một đời sống tốt đẹp hơn bên trời Âu.
Được biết hiện nay có khoảng 100 triệu người Mỹ có họ hàng với những người đã đặt bước chân đầu tiên lên đảo Ellis này. Có nhiều người rất thành công và nổi tiếng trên thế giới trong các ngành như phim ảnh, âm nhạc, kinh doanh, nghệ thuật v.v... Muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mìnhy, họ chỉ cần trở lại đảo Ellis là có thể xem được hình ảnh tài liệu về ông bà cha mẹ của họ ngay.
Tại đảo Ellis còn có "America Family Album" bằng hệ thống điện toán. Chỉ cần gởi cho họ tấm ảnh gia đình, chi tiết nguồn gốc về gia đình địa chỉ v.v... hình của bạn sẽ được hiện lên màn ảnh truyền hình ngay mỗi khi bấm đúng tên họ của bạn.
(Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Năm 2006(Xem: 42063)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 43025)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 49182)
03 Tháng Tư 2005(Xem: 42754)
01 Tháng Tư 2005(Xem: 36767)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41750)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41425)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43372)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39774)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45678)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40349)
1,863,880