- Lời Giới Thiệu
- 1- Trên đường đến New York
- 2- Đây New York ! (NV, 28- 3- 92)
- 3- Trên đường đến downtown New York (NV, 29- 3- 92)
- 4- Manhattan và người đàn bà bán hàng rong (NV, 31- 3- 92)
- 5- Vòng quanh phố Manhattan ( NV,1- 4- 92)
- 6- Trường thời trang tại New York
- 7- Đời sống tại New York (NV, 4- 4- 92)
- 8- Đi Metro đến chợ Tàu New York
- 9- Một cộng đồng đoàn kết (NV, 5- 4- 92)
- 10- Một khuôn mặt phụ nữ Việt Nam tại New York: Bà Hồng Liên (NV, 7 - 4- 92)
- 11- Hội phụ nữ Việt Nam tại New York (NV, 8- 4- 92)
- 12- Vietnet, con đường trở về nguồn (NV, 9- 4- 92)
- 13- Gặp No Ho tại phố Tàu New York (NV 10- 4- 92)
- 14- No Ho đang tiến mạnh (NV, 11- 4- 92)
- 15- Vài sinh hoạt của người Việt tại New York (NV, 12- 4- 92)
- 16- Cuộc biểu tình trước trụ sở Liên Hiệp Quốc (NV, 14- 4- 92)
- 17- Trung Hoa lưu vong và Việt Nam tị nạn tranh đấu cho tự do dân chủ (NV, 15- 4- 92)
- 18- Liên đoàn Nắng Mới tại New York (NV, 16- 4- 92)
- 19- Thắng cảnh New York (NV, 17- 4- 92)
- 20- Viếng tượng nữ thần Tự Do (NV, 18- 4- 92)
- 21- Ellis, hòn đảo của người di cư (NV, 19- 4- 92)
- 22- Cảm nghĩ sau một chuyến đi (NV , 21- 4- 92)
Sau khi đưa chúng tôi đi đến khách sạn Việt Nam, xem khu bán quần áo và chợ hoa, chúng tôi vào một tiệm ăn Tàu uống nước nghỉ mệt. Lúc đó đã hơn năm giờ chiều. Trời khá lạnh.
Mặc cho chúng tôi mời mọc, cô sinh viên Việt Nam duy nhất của trường Fashion Institute of Technology tại đường số 7 New York cũng lắc đầu từ chối. Cô bảo:
- Sắp đến giờ cơm ở trường rồi. Em về trường ăn kẻo uổng. Mình đã đóng tiền rồi mà.
Lo đoàn tụ
Nga tâm sự, cô đã vượt biên qua đảo cách đây vài năm và bà dì đã bảo lãnh hai chị em Nga. Chị Nga bịnh nên Nga phải lo một mình vừa đi học vừa đi làm để trả tiền nhà.
Nga không ngờ là đã thi đậu vào trường này và theo cô thì thi không khó lắm. Cô cho biết ở trong trường toàn là Mỹ nên học nói tiếng Anh nhanh hơn là đi học chung với bạn học Việt Nam.
Nga tỏ ra rất lo lắng cho tương lai vì đang lo đoàn tụ gia đình. "Ông bồ" của Nga đã tiếp tay lo giấy tờ đoàn tụ chớ nếu chỉ một mình Nga thì không đủ tiêu chuẩn. Nga nói:
- Hè này em phải đi làm để dành tiền mướn nhà khi gia đình em qua. Em lo quá không biết có tiếp tục học nổi không.
Khu nội trú
Chúng tôi phải đưa bằng lái xe cho anh chàng Cuba mập mạp, vui tính có râu mép, đứng gác cửa cho các cô sinh viên nội trú rồi mới được bước qua cánh cửa thấp.
Các cô sinh viên Mỹ vô ra tấp nập, cười nói vui vẻ. Nga cho biết có thể xin được cho bạn hay bà con ở lại ngủ nhưng phải trả năm đồng một đêm.
Chúng tôi đi thang máy lên tầng trên. Trên mỗi cửa phòng đều có gắn kẹp để giữ message. Chỉ có một cái điện thoại duy nhất cho một căn lầu. Nga nói hễ ai nghe điện thoại reng thì bắt lên và gọi dùm, nếu không có nhà thì ghi lời nhắn xong gắn lên cửa.
Căn phòng nơi Nga ở ngăn đôi ra bằng một tấm vách mỏng. Phần của Nga vừa đủ để kê cái giường chiếc, một cái bàn viết, một cái tủ có nhiều ngăn, một cái ghế và một cái tủ máng quần áo. Không có tủ lạnh vì không có quyền nấu ăn. Mọi người đều phải xuống nhà ăn dùng mỗi ngày ba bữa đã trả tiền trước.
Trên vách Nga có dán nhiều hình các kiểu áo do Nga vẽ. Căn phòng nhỏ nhưng gọn, khá tươm tất. Vì gần qua giờ ăn nên chúng tôi từ giã Nga và đi quanh viếng trường.
Đại Học Cộng Đồng
Trường Fashion Institute of Technology được thành lập năm 1944 để đáp ứng nhu cầu phát triển của kỹ nghệ thời trang tại New York. Năm 1951 trường đã trở nên một trong những đại học cộng đồng của hệ thống State University of New York.
Từ năm 1975 đại học này đã được quyền cấp chứng chỉ cử nhân và cao học năm 1979. Các chứng chỉ cao học trong các ngành Gallery and Retail Art Administration; Museum Studies: như Applied Arts và Costume and Textiles. Một chương trình cao học ngành thời trang cũng đang được soạn thảo.
Khu đại học F.I.T. này nằm ở giữa của Manhattan, phố chính của tiểu bang New York nơi có tất cả những hãng xưởng, văn phòng chính của ngành kiểu mẫu thời trang, nghệ thuật trang trí, hội họa v.v... và cũng là trung tâm phát xuất, phân phối hàng hóa của các ngành liên hệ.
Hiện có khoảng 12.000 sinh viên Mỹ và ngoại quốc đến từ các nước theo học hàng năm vào ban ngày ban đêm, kể cả các khóa mùa đông và các khóa hè.
Các lớp học và các phòng thí nghiệm tại đây được trang bị đủ loại máy móc tân kỳ để phục vụ cho sinh viên tùy theo các ngành học. Chẳng hạn như ngành trang trí hệ thống ánh sáng. Có 400 ngọn đèn đủ loại được điều khiển bằng hệ thống computer về màu sắc cũng như ánh sáng để sinh viên có thể thực tập.
Trường cũng có Katie Murphy Amphitheatre với 300 chỗ ngồi và Morris W. & Fannie B. Haft Auditorium với 800 chỗ ngồi để sinh viên trình diễn các màn vũ, kịch hay trình diễn thời trang, phim ảnh v.v...
Ngoài ra Shirley Goodman Resource Center là một thư viện nổi tiếng với tất cả những tài liệu, hồ sơ, hình ảnh từ thời xa xưa của các ngành mỹ thuật. Thư viện có cả những mẫu vẽ của hãng Vogue từ 1919 hay Harpers Bazaar năm 1967, Gazette du Bon Ton năm 1912 hay Les Idées Novelles de la Mode năm 1922.
Nơi đây có cả các mẫu vẽ của Muriel King về quần áo của Katherine Hepbur, Ginger Rogers (1932); Lady Duff-Gordon (1908, nổi tiếng thế giới); Whittingham và Humphseys (1888); Cardinal Fashion Studio, Berley Studio v.v...
The Edward C. Blum Design Laboratory tại đây được xem là lớn nhất thế giới và phòng triển lãm của trường cũng có một sắc thái hết sức đặc biệt do các sinh viên và giáo sư tại trường triển lãm các thời trang thay đổi theo mỗi mùa.
Nội trú
Có ba khu vực nhà ở dành cho 1300 sinh viên nội trú ngay cạnh trường. Có phòng hai người, ba người hay loại cho bốn người ở chung. Các cố vấn và phụ tá ở ngay tại đây để canh chừng và hướng dẫn cho sinh viên về đời sống tại New York.
Sinh viên phải ký hợp đồng cho hai khóa mùa thu và mùa đông để ở và mỗi tuần được dùng 20 bữa ăn.
Những sinh viên nội trú có thể xin ở lại vào mùa đông nhưng phải ăn uống bên ngoài. Vào mùa hè sinh viên của trường hoặc những người thân đến viếng có thể mướn khu Alumni Hall Suites hoặc Co-ed Dorm Room.
Vì số phòng có giới hạn nên các sinh viên mới nhập học hoặc ở ngoài New York được nhận ưu tiên khi xin ở nội trú. Sinh viên phải đóng 100 đồng phòng ngừa làm hư hỏng phòng ốc và nếu đổi ý không mướn nữa thì phải chịu mất 50 đồng. Ngoài ra hạn chót nộp đơn cho khóa mùa thu là một tháng Hai và một tháng Chín cho khóa mùa xuân.
Học phí
FIT được sự bảo trợ của Bộ Giáo Dục Tiểu Bang New York và thuộc hệ thống State University of New York do đó tiền học phí hạ. Hai phần ba học phí toàn niên do thành phố và tiểu bang New York trả.
Tiền học cho một sinh viên thường trú tại đây là 875 đồng một lục cá nguyệt và 2075 đồng cho sinh viên ở ngoài tiểu bang. Sinh viên theo học chương trình cử nhân phải trả 1075 mỗi lục cá nguyệt nếu là thường trú hay 2275 đồng nếu ở ngoài tiểu bang.
Nhà trường cho biết tiền sách khoảng từ 600 đến 900 mỗi lục cá nguyệt. Tiền xài từ cao đến 1.000 cho mỗi khóa.
Thi tuyển
Sinh viên muốn xin vào chương trình AA. Art and Design phải gởi Porfolio cùng đơn xin theo học về Fashion Instutete fo Technology, Seventh Avenue at 27 street. New York City 1001-5992.
Nếu muốn học ngành Fashion Design, sinh viên phải gởi mười kiểu mẫu mà mình đã phác họa và thực hiện theo sự sáng tạo riêng tư. Có thể gởi thêm những tác phẩm nghệ thuật khác như đồ gốm hay điêu khắc.
Sinh viên phải mang theo ba bộ quần áo mà mình đã may để chứng minh khả năng may vá và sáng tạo của mình.
Về ngành trang trí hay triển lãm. Khi đi đến để phỏng vấn sinh viên phải mang theo họa đồ, hình vẽ và các hình chụp những nơi mình đã trưng bày hay triển lãm.
Ngoài ra tại đây còn có các ngành khác như trang trí nhà cửa, làm nữ trang, quần áo đàn ông, nhiếp ảnh, hội họa, tranh ảnh v.v...
Ngành nào sinh viên cũng phải qua một kỳ thi và dẫn chứng bằng những hình ảnh hay những kinh nghiệm cụ thể để chứng minh năng khiếu của mình.