Thuyền nhân Philippines đến Mỹ (Nguyễn Ngọc Chấn & Brian Đoàn, Nguoiviet)

05 Tháng Mười 200512:00 SA(Xem: 19019)
Thuyền nhân Philippines đến Mỹ (Nguyễn Ngọc Chấn & Brian Đoàn, Nguoiviet)

Tuesday, September 27, 2005
Sau 16 năm, ông Diệp Bảo Minh
cuối cùng được đoàn tụ với người thân.
(Hình: Benjamin Vũ/NV)

LOS ANGELES, California - Sau 16 năm chờ đợi, những thuyền nhân Việt Nam còn lại tại Philippines đã được đặt chân lên vùng đất mà họ hằng mơ ước. Tiếng reo hò, những giọt lệ hạnh phúc, và những cái nắm tay bùi ngùi làm xôn xao cả Tom Bradley Terminal của phi trường Los Angeles, quen gọi là phi trường LAX.

Nhóm người tỵ nạn đầu tiên đẩy hành lý đi ra vào lúc 8 giờ 30. Đó là lúc cảnh tượng huyên náo diễn ra. Người đầu tiên bước qua lằn ranh băng vàng, dang rộng hai tay chào một vòng. Gia đình ông Nguyễn Hoàng Minh bị mọi người nhảy vào hỏi han mừng rỡ. Nhân viên IOM, cơ quan hướng dẫn tị nạn yêu cầu bà con và các phóng viên mở đường cho nhóm này tiếp tục đi tới trạm chuyển tiếp, họ chỉ có một giờ đồng hồ để đáp chuyến bay khác đến phi trường người bảo lãnh. Các phóng viên lẽo đẽo theo từng người vừa đi vừa hỏi.

Những người Mỹ đang chờ đợi thân nhân tò mò muốn biết đây có phải là một cuộc tiếp đón “tài tử điện ảnh” nào đó, khi được biết chi tiết họ cũng hòa mình reo vui cùng gần 100 người Việt có mặt tại phi trường. Những nhân viên an ninh phi trường vốn lạnh lùng nghiêm khắc hôm nay bỗng dưng trở nên cởi mở lạ thường, tất tả tới lui thông báo cho mọi người biết người tỵ nạn sẽ được lần lượt đi ra từ cổng nào.

Đây là chuyến bay đầu tiên do IOM thuê bao của hãng hàng không ATA chuyên chở 229 trong số 1,600 người Việt tỵ nạn tại Philippines sẽ được định cư tại Hoa Kỳ trong vòng bốn đến sáu tháng tới. Anh Minh Nguyễn đi cùng con trai xúc động nói, “Mười sáu năm qua, mỗi đêm cõng đứa con trai 6 tuổi ngủ vùi trên lưng, hai tay xách hai giỏ bánh mì lang thang bán dạo trên đường phố, tôi hằng mơ đến ngày hôm nay. Bắt đầu từ giây phút này, con trai tôi đã có tương lai.” Anh Lâm Kim Tài, chủ tịch hội cộng đồng người Việt ở Philippines, trong email tâm sự, “viết xuống hai chữ cám ơn cũng không đủ hết ý nghĩa cho việc vận động định cư của các anh chị ở hải ngoại dành cho chúng tôi.”

Chín giờ tối, nhóm thứ hai đến, họ có một thời gian dài hơn, có thì giờ tiếp xúc với truyền thông và đồng hương. Gia đình ông Lê Bá Khuê, được bảo lãnh sang tiểu bang Virginia, cho Người Việt biết “gia đình có hai vợ chồng và hai đứa con”. Hai vợ chồng lúc đến Philippines còn độc thân, trong cuộc sống bấp bênh, không ai sống riêng lẻ được, ông bà gặp nhau, lập gia đình và gầy dựng từ hai bàn chân đất. Ông Khuê nói thêm, “Thoạt đầu chúng tôi ở trong làng Việt Nam, xoay trở đủ việc, buôn bán, làm thuê, làm mướn nhưng dân địa phương còn nghèo hơn mình, việc đâu mà làm! Chúng tôi phải trốn ra tỉnh làm ăn, bán dạo mà sống”.

Một thuyền nhân khác, ông Diệp Bảo Minh, đến đảo một mình ở tuổi thiếu niên, 16 năm sau đã thành người lớn có gia đình, tâm sự: “Tôi vẫn tưởng như giấc mơ, vẫn ác mộng nướng bánh mì bán dạo kiếm tiền nuôi gia đình. Tôi phải cám ơn Trời Phật và tất cả đồng bào đã giúp cách này hay cách khác để chúng tôi có ngày hôm nay. Chúng tôi cũng không quên những người còn kẹt lại bên Phi Luật Tân. Niềm vui chưa trọn vẹn nếu hàng trăm người vẫn chưa có ngày đặt chân đến bến bờ tự do”.

Nhiều người bạn cũ đã từng sống với nhau qua các trại tạm cư, tò mò ra phi trường, bất chợt họ nhận ra nhau, đó là lúc những tiếng gào thét, mừng rỡ làm quặn thắt lòng người.

Trong ngọt ngào hạnh phúc cũng còn có vị đắng cay, hàng trăm người Việt tỵ nạn lập gia đình với dân bản xứ và những người con lai đã bị loại ra khỏi danh sách phỏng vấn của cơ quan di trú Hoa Kỳ. Anh Huỳnh Đức Minh, người có ba đứa con với người vợ Philippines nghẹn ngào qua email, “Thật không công bằng và bất hạnh cho chúng tôi, vì chúng tôi cũng chờ đợi suốt 16 năm qua như bao nhiêu người khác, tuổi đã lớn thì phải lập gia đình, có ai ở đây ngoài người bản xứ. Nay mọi người ra đi còn chúng tôi phải ở lại. Đời sống bây giờ còn buồn tủi hơn cả ngàn lần.”

Luật sư Trịnh Hội, người đi đầu trong công cuộc vận động định cư, hứa sẽ tiếp tục mở cửa văn phòng làm việc của anh tại Manila thêm một năm. Vào lúc này, hàng ngày những người Việt tuyệt vọng đến yêu cầu anh giúp đỡ. Nhưng tất cả còn “tùy thuộc vào ý Trời,” anh nói.

Ra đón con cháu, ông Võ Thiết nói: “Có trúng số cũng không sung sướng bằng.” Hai ông bà Võ Thiết và Đặng Thị Thủy đã ngoài 70 tuổi, qua Mỹ du lịch thăm gia đình người con gái Võ Thị Thu Hằng đã di tản từ năm 1975. Một người con gái khác, bà Võ Thị Kim Du, vượt biên với gia đình và đã bị kẹt tại đây hơn 16 năm. Bất ngờ, điện thoại bà Thu Hằng reo, Sở Di Trú báo tin, mời ra đón gia đình bà Kim Du, từ Philippines đến định cư tại Hoa Kỳ.

Tối nay, bà Đặng Thị Thủy khóc hết nước mắt, ôm rịt lấy người con lưu lạc, bị dày vò suốt 16 năm trên đất Phi. Bất ngờ trong chuyến thăm con ở Mỹ, gia đình ông bà lại được đi đón người con ở xa hơn vừa được đoàn tụ tại Mỹ.


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Tư 2014(Xem: 10470)
23 Tháng Tám 2010(Xem: 54175)
25 Tháng Chín 2006(Xem: 31317)
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41779)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42728)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48849)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41432)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41141)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43050)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39464)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45056)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40044)
1,863,880