- 1. 1970: Viết Trước Một Ngày, Đọc Sau Một Ngày Bầu Cử Bán Phần Thượng Viện
- 2. Đi Xem Nghị Sĩ Thề
- 3. 1001 Chuyện Ly Kỳ, Quái Đản Trong Cuộc Chạy Đua Vô Hạ Viện
- 4. 1001 Mốt Hứa Ly Kỳ, Rùn Rợn Của Các Tay đua Tranh Vô Hạ Viện
- 5. Rạch Giá thành phố cổ đang chuyển mình
- 6. Rạch Giá trên đường phát triển Kỹ nghệ Ngư nghiệp
- 7. Tâm sự Xì Thẩu
- 8. Khi Xì Thẩu Đoàn Tụ
Ký sự của Nguyễn Huỳnh Mai
Nhật Báo Chính Luận: 2-11-1972
Với 513.742 mẫu đất chiếm 2.95% diện tích toàn quốc, tỉnh Kiên Giang nhìn từ máy bay, là một tấm thảm xanh mượt ửng vàng, rực rỡ dưới những cụm mây trắng xóa.
Dính liền với bờ biển, tấm thảm khổng lồ đã bị cắt thành từng mảnh nhỏ bởi những con sônghoặc nhiều kinh đào, và được kết ren bằng các loại cây cối xum xuê với những nóc nhà trắng đỏ san sát bên nhau. Trước đây, nhà lợp tôn dọc theo ven bể là những hàng dừa, bầu, phía sau là những liếp rau xanh um được xếp cạnh nhau như những chiếc lược thưa.
Sau 45 phút rời Sàigòn, du khách đặt chân xuống phi trường. Khác với vẻ tươi mát của đồng ruộng bao la, phi trường Rạch Giá trông xơ xác nghèo nàn. Tại một góc tường ẩm ướt, rác rến, mùi hăng hắc xông lên làm cho du khách ngoại quốc nhăn mặt. Từ phi trường, du khách đi theo con đường liên tỉnh để vào thị xã Rạch Giá, một thi xã tân lập (5-1971).
Hai bên đường các cô thôn nữ đang thoăn thoắt gặt những bó lúa nặng trĩu chín vàng. Xa xa ẩn hiện màu trắng của vài ngôi mộ cô đơn.
Vào Rạch Giá
Theo một bà lão 60 tuổi, sinh trưởng tại đây, thì tên Rạch Giá bắt nguồn từ triều vua Gia Long. Thời đó nơi đây có mọc rất nhiều "cây giá" (dùng làm cũi) và không có nhà cửa như hiện nay.
Bà cho biết, "Vua Gia Long có điều binh tận đây và có ra đảo Phú Quốc."
Xen kẽ, cũng có một vài căn phố lầu cao. Một vài dãy phố cũ tối tăm, lở lói, đen đủi, trông như những hàm răng hư. Đường phố của thị xã có rất nhiều ổ gà và vũng nước ứ đọng nặng mùi. Khu sạch sẽ và tương đối đẹp nhất của thị xã Rạch Giá là khu Lăng Ông Nguyễn Trung Trực gần dinh tỉnh trưởng.
Vào đến thị xã du khách nào cũng không khỏi ngạc nhiên bởi quá nhiều quán ăn cất dọc theo kinh Nhánh, hai dãy giữa đại lộ Phó Cơ Điều (giống đường Nguyễn Huệ ở Sàigòn) và rải rác khắp nơi trong thị xã. Điểm ngạc nhiên thứ hai là rất nhiều xe jeep lưu thông và khác hơn Cần Thơ, Long Xuyên có xe lôi, tại đây có xe xích lô đạp với giá tiền lên xuống đắt gần bằng Sàigòn.
Thị xã bị cắt bởi kinh Nhánh và kinh Rạch Giá (Lòng Lạch). Một buổi sáng bên bờ kinh Nhánh gần cầu Đúc, cách bờ biển khoảng 100 thước, hai cô gái Rạch Giá xinh xắn, tươi mát, quần vo tận gối đang ngồi giặt quần áo cho biết: "Nước ở đây ngọt và trong như nước mưa, chảy qua từ Long Xuyên, chỉ hơi lờ lợ vào mùa nước lớn."
Hương vị
Hiện nay Rạch Giá là vùng được nhiều nhà doanh thương Việt Nam cũng như ngoại quốc chú ý đến nhờ số hải cảng càng ngày càng gia tăng. Một kỹ sư Tây Đức đã tiết lộ mục đích sang Việt Nam trong vòng vài tuần lễ của ông là để về Rạch Giá nghiên cứu tôm và cá thu.
Khi đến Rạch Giá, các du khách ngoại quốc thường xuất hiện ở bến Hoàng Diệu, bến Bạch Đằng, và phía sau chợ Rạch Giá, là những nơi đông dân cư và có một sinh hoạt rộn rịp nhất thị xã vào buổi sáng. Bên mặt phía sau chợ là nơi chiếm ngụ của các bạn hàng cá đồng, bên trái là nơi bán cá tôm biển cùng các loại hải sản khác. Nơi đây khu chợ được kéo dài theo bờ Lòng Lạch giáp nối với Bến Bạch Đằng, và Bến Hoàng Diệu (mé biển). Hàng trăm tàu đánh cá đủ loại cặp theo hai bến này để chuyển cá tôm lên các vựa hoặc nghỉ ngơi sau những ngày dài lênh đênh ngoài biển cả. Khi đi ngang hai bến này các du khách từ Sàigòn đều không khỏi cảm thấy thoang thoảng đâu đây "hương vị" chợ cá Trần Quốc Toản.
Kỹ nghệ Hải sản
Rạch Giá là vùng Kỹ nghệ Hải sản của miền Tây nên có rất nhiều công ty được thành lập. Một số chuyên sản xuất bột cá làm thực phẩm nuôi gia súc. Hai công ty đã đóng cửa là VINACA và BOCACO, các công ty HATICO (Hà Tiên Công ty) và INCOMAP (Công ty Quốc tế Biến chế Hải sản) hiện đang hoạt động nhưng chỉ sản xuất một số lượng nhỏ.
Ngoài ra, trước nhu cầu gia tăng xuất cảng để thu hồi ngoại tệ trong chính sách Kinh tế hiện nay của chính phủ, các công ty tân lập thường chú trọng về tôm. Như Kiên Gang Công ty trước chuyên sản xuất bánh phồng tôm Sa Giang rất nổi tiếng hiện đã hợp tác với Đại Cửu Long Công ty để xuất cảng tôm đông lạnh sang xứ ngoài. Riêng công ty FIDECO đang bắt đầu thiết lập một nhà máy ướp lạnh hải sản. Một công ty tân lập khác là PASEFOCO (Thái Bình Hải sản Công ty) chuyên xuất cảng tôm chín đông lạnh. Đây là một kỹ nghệ mới có sự trợ giúp của chuyên viên Tây Âu.
Đừng quên bún nước lèo
Từ xưa đến nay Rạch Giá vẫn nổi tiếng món bún nước lèo và các loại bánh. Bún Rạch Giá rất khéo, tráng dai và nhỏ sợi. Nước ăn bún ngọt và thơm. Muốn ăn bún ngon thì đến quán bà Ba, còn bánh ngon thì đến bà Mập. Hai bà cùng bán gần chợ. Người Cao Miên cũng có món bún nước lèo tương tự như vậy, nhưng cá lóc lại dầm nát ra chứ không để nguyên như bún nước lèo Rạch Giá, và có nêm thêm mắm bồ hóc.
Một buổi sáng, người viết bài đã chứng kiến hai du khách ngoại quốc đang sùy sụp thưởng thức món bún nước lèo. Hai ông vừa ăn vừa húp cả nước lẫn cái, vừa khen lấy khen để: "Ngon hơn soupe chinoise (hủ tiếu) nhiều!"
Người dân Rạch Giá có một đời sống tương đối dễ dãi là "làm việc và ăn nhậu." Buổi sáng cũng như chiều, tại các quán điểm tâm, giải khát, ăn nhậu đều tấp nập thực khách ra vào.
Buổi tối, quán cà phê được giới trẻ hâm mộ nhất là quán Hương Xưa mà khi vừa đặt chân khách thưởng thức nhạc tưởng chừng như bước vào một chiếc hộp bí hơi. Khung cảnh tại đây có vẻ như một quán nhậu vì nhiều cô cậu vừa nghe nhạc vừa nói chuyện thật thoải mái trong thế ngồi kiểu "nước lụt" (ngồi rút hai chân). Tại các góc quán, một vài ông nhỏ tuổi đang phạch ngực lim dim tiêu thụ những hũ bạch phiến nhỏ mua tận các ngõ ngách của đường Ngô Quyền.
Thị xã tân lập này có khá nhiều ngân hàng, ba công ba tư, nhưng chỉ có một rạp hát. Một giới chức tâm sự: "cả thị xã không có một tiệm sách nào cho ra hồn."
Theo cô Hoa, con bác sĩ Trần Lũy, một gia đình có tiếng tại Rạch Giá, thì có rất nhiều đảo, hòn ngoài khơi thích hợp đi du ngoạn. Tại đây có nhiều bãi cát trắng phau, nước biển trong xanh, đẹp hơn Vũng Tàu nhiều.