8. Khi Xì Thẩu Đoàn Tụ

27 Tháng Chín 200512:00 SA(Xem: 12218)
8. Khi Xì Thẩu Đoàn Tụ

Nguyễn Huỳnh Mai phỏng vấn
Việt Nam Hải Ngoại, San diego, California, HK 28-2-1981


NXB: Trước ngày mất nước, Nguyễn Huỳnh Mai đã phỏng vấn Chú Chảy về cách thức "làm ăn" dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, và bài "Tâm Sự Xì Thẩu" đã được đăng trên nhật báo Chính Luận ngày 18 tháng Ba, 1975. Nay Chú Chảy cùng với 25 thân nhân đi thẳng từ Việt Nam qua Mỹ trong đợt đầu tiên vào dịp Giáng Sinh 1980 để đoàn tụ với em vợ tại Los Angeles. Nguyễn Huỳnh Mai lại được dịp tái ngộ với Chú Chảy để tìm hiểu tâm sự của "Xì Thẩu" này sau năm năm sống dưới chế độ cộng sản Việt Nam.

Hộc Máu
- Ở pển, tất cả thức tỉnh hết dồi! Mấy thằng cha "Mặt Chận Giải Phóng" thấy lầm to. . . hộc máu hết dồi!
Chú Chảy nhổm người lên khỏi ghế, trợn to cặp mắt lồi, tay mặt vung lên khi được hỏi về tình hình bên nhà. Vẫn mái tóc trét đầy brillantine nhưng bạc và thưa hơn, Chú Chảy trông có vẻ phong trần, ốm, đen và già hơn lần phỏng vấn trước nhiều. Sau khi đặt đít ngồi lại như cũ, Chú Chảy nói tiếp:
- Chỉ là không có người châm ngòi thôi, chớ có người châm ngòi, nó nổ cho mà coi! Chính tụi công an nó còn nói: "Nội cái dân nổi lên là đủ chết đói. . ." Hy dọng Mỹ dề, hông thôi Chung Quốc qua đánh chết cha tụi nó luôn. . . Tới giờ chín muồi dồi. . . Nghe Kinh ông nào nói "năm nay pảy tháng gì đó. . ." Còn Kinh Hòa Hảo thì nói "Canh phia gà gáy máu đào mới ngưng". . .
Chú Chảy cho biết, trước khi chú rời Sàigòn hai tháng, tức tháng 10, 1980, chính mắt chú và bạn chú thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ dài khoảng trên một thước treo phất phới tại Xóm Chiếu. Một lần khác, vào lúc hai giờ trưa, mọi người nghe bắn rất nhiều. Tất cả đều mừng rỡ chạy ra đường. Chú Chảy cười nói:
- Mấy ông xích lô, tắc-xi nói dí tôi: "Đánh, đánh dồi! Đánh cho chết mẹ tụi nó hết đi!" Mà tôi đâu dám cười. Đâu có biết tụi nó thứ thiệt hay thứ giả. Thôi. . . suốt hai tuần lễ, tiệm "cà phê" đông dần dần. Người ta pàn tán hết xức, nhưng sau đó êm luôn. . .

Khi được hỏi có theo dõi đài phát thanh VOA không, xì thẩu này bèn mau mắn trả lời:
- Có chớ! Ở Sàigòn, mỗi đêm tui đều canh đài Hoa Thịnh Đốn từ 10 giờ 30 đến 11 giờ, nói tiếng Việt Nam, có ca hát nữa. Tin tức, thì tin Diệt Nam, Cam-pu-chê, Bắc Kinh, Thái Lan. . .
Nghe hỏi có sợ bị bắt không, Chú Chảy cười dòn tan:
- Pắt cái gì! Tụi nó còn dặn đài P.P.C. (BBC) nói tiếng Tàu dùm beng cả xóm nữa. Lúc đầu, mấy chả nói Diệt Cộng cấm không cho dặn nhưng sau họ lì quá mà, ai cũng dặn hết, piết pắt ai bây giờ. Mấy nhà không có la-dô, chừng nghe tân nhạc, họ kêu mình làm ơn dặn lớn lớn một chút, cho họ nghe dới...
Theo Chú Chảy, thì trước khi chú đi ba tuần, Đà Lạt và Tùng Nghĩa có đánh nhau. Đà Lạt thì lâu lâu giới nghiêm. Còn Tùng Nghĩa thì có lần đánh lớn quá nửa đêm, cả gia đình bà con của Chú Chảy phải chạy hết về Sàigòn. Riêng Ban Mê Thuột thì có đánh nhau xung quanh thành phố. Chú cho biết, bạn bè cũng như những tài xế xe hàng đường đi Đà Lạt hay miền Trung, đều gặp chiến sĩ kháng chiến ở dọc đường. Họ thường chận đường vào lúc ban đêm để nói chuyện, hoặc cho đồng bào đồ hộp Mỹ hay gạo sấy của Trung Cộng, hoặc cho các tài xế mấy bịch thuốc lá "ba số 5". Chú Chảy nói:
- Các chiến sĩ này đội nón, tóc để dài, mặc đồ dằn di Thủy quân Lục chiến hoặc đồ Dù, cầm súng M-18, chong đó có lọt một số người Thượng, biệt kích Fulro nữa. . .
Về phần tình hình miền Tây, Chú Chảy cho biết năm rồi có đánh nhau rất lớn tại Châu Đốc. Máy bay của cộng sản vào bắn và thả bom núi Thất Sơn đến mấy tháng, mà vẫn xâm nhập không nổi vùng này. Chú cho biết thêm, có một thời gian ở trong núi pháo ra rất dữ, nên dân ở Châu Đốc phải tản cư về Long Xuyên. Chú nói:
- Ôi! Chong đó có nhiều cờ lắm: cờ Hòa Hảo, cờ Ba Sọc Đỏ, cờ Rồng. . . đủ thứ cờ. Nè, mấy ông Hòa Hảo hoạt động mạnh dữ lắm nhe!

Ăn Tổ Mẹ Hơn Hồi Trước
Khi nghe hỏi đến công việc làm ăn, xì thẩu thành thật đáp:
- Có thể nói: níu ở lại Diệt Nam, tui kím mỗi tháng không dưới 1,000 đô la. Nhưng mà không piết khổ ngày nào. Tối ngủ không có yên, hể chó sủa hay ai gõ cửa là tui hồi hộp sửa soạn. . . "chốn". Tui qua đây đi làm một giờ ba bốn đồng cũng được, nhưng hai đứa con tui có tương lai.
Nghe hỏi đến nạn hối lộ ở Việt Nam hiện tại, Chú Chảy cười ha hả:
- Chời ơi! Pây giờ nó ăn. . . tổ mẹ hơn hồi chước! Mà pây giờ kỳ lắm: hễ quận nào thì chỉ piết có phường, khóm ấy thôi. Còn lính chung ương đưa xuống thì họ nói. . . hổng piết. Còn ở quê hả? Quân đội chung ương mà xuống thu mua thì phải năng nỉ xã ấp.

Nói đến vấn đề nhà in (nghề cũ của chú), xì thẩu, người đã từng trúng thầu in bích chương thời tổng thống Thiệu, tươi tỉnh hẳn ra, bày tỏ:
- Tui tưởng nghề in và mạ chữ dàng (vàng) của tui giải phóng dô là chết. Chời lất ơi! Ai dè cái gì nó cũng mạ dàng hết. Tụi nó xài phí lắm. Như lịch hồi đó in giấy thường như satiné, bây giờ nó in giấy nhập cảng của Nhựt Bổn. Tại sao nó phí? Hổng phải có tiền mà nó phí. Nó tịch thâu tất cả của người ta hồi trước đó!
Ngưng lại một lát để uống vài ngụm cà phê sữa, "cao thủ võ lâm" trong giới nhà in Chợ Lớn này giải thích thêm:
- Giải phóng dô chừng một tháng, ai cũng pán máy, pán mấy cuộn dàng. Tui thấy dẻ quá, tui mua lại, dì tui nghĩ: nếu tiền có xụt giá thì tui còn dậc chất. Tui giấu chỗ này một ít, chỗ kia một ít. Tui chả nhà lầu rồi  dọn dề xóm nghèo ở nhà cây, không ai để ý. Tụi cộng sản dô, nó đánh tư sản dữ quá. Nhà nào nó cũng sớt hết. Nhứt là mấy nhà có "ba tăng" bự, xứt nhập cảng, nhà hàng. . .
Nói đến đây, "nhà làm ăn gốc Chợ Lớn" mỉm cười hãnh diện tiếp:
- Ai dè, cái rụp, cái gì cũng mạ dàng hết! Mình mới chúng mối. Mấy cha nhà in kia hết làm dồi, "dã đám" dồi! Mấy ông nội mạ cho Quân đoàn, mạ cho Tổng nha, mạ cho Cảnh sát. . . (hồi trước) đốt bỏ giấy tờ hết, dì sợ bị lục ba tăng sẽ bị đóng thuế. Máy thì mấy chả bán, hoặc "dã da" chôn chỗ này một chút, chỗ kia một chút, sét hết dồi. . .

Chú Chảy cho biết thêm, các nhà in có "ba tăng" đang làm việc đều bị tổ hợp hết, và một số người đã mua máy in vô, rồi hối lộ phường khóm của mình để lập nhà in lậu. Điểm buồn cười là những nhà in lậu lại in đồ cho chánh quyền, vì các nhà in quốc doanh làm việc lè phè, không đủ cung ứng cho nhu cầu. Các nhà in đó, như Vĩnh Lệ Hằng, Sàigòn Ấn Quán, Trần Phú (trước là Kim Lai Ấn Quán). Tại đây, lương kỹ sư từ 90 đến 100 đồng; thư ký trên 30 đồng; trong khi, theo Chú Chảy thì một miếng bánh mì buổi sáng đã trên 1 đồng; trưa ăn cơm lại bị trừ thêm tiền. Nhân viên được trả lương chết đói nên lơ là công việc. Kế hoạch nhà nước đưa ra phải in xong trong một tháng, mà nhà in để đến ba bốn tháng. Còn nhà in lậu trả lương cao, nên nhân viên hăng hái làm việc. Chú Chảy cho biết Bộ Ngoại giao của Hà Nội "mạ vàng" một lần mấy trăm ngàn số thông hành cho cán bộ đi Nga, đi Tiệp Khắc, đi Ba Lan và các nước khác. . . Riêng các nhà băng thì họ mạ vàng một lần mấy chục ngàn sổ tiết kiệm, vì chính quyền khuyến khích dân để dành tiền. Có nhiều người sợ mang tiếng ngoan cố nên chỉ gởi tiết kiệm có 1 đồng, nhưng cũng được phát một sổ tiết kiệm, dĩ nhiên cũng. . . mạ vàng. Chú Chảy tính ra thì chính quyền lỗ. Gia đình Chú Chảy tám người, đã bỏ vào tiết kiệm 10 đồng cho mỗi người, và "người Trung Hoa có tinh thần" này đã trúng mối in sổ tiết kiệm cho nhà băng.

Lo Xa
Khi cộng sản vừa chiếm miền Nam, Chú Chảy biểu người em vợ, hiện là người bảo trợ cho ông qua Mỹ đoàn tụ, đi xin việc làm cho một hãng tàu để tìm đường đi. Qua đầu năm 1976, chủ hãng tàu tổ chức cho bốn năm gia đình - có khoảng 70 người - đi, và lo lót cho tỉnh trưởng Đà Nẵng 300 cây. Thường thì tàu đi từ Đà Nẵng sang Hồng Kông chỉ hơn hai ngày là tới, nhưng chuyến tàu đó đi dọc đường gặp bão, nên phải tấp vào đảo Hải Nam. Tàu Trung Cộng kèm họ vào và Hải quân Trung Cộng phát cho mỗi người trên 16 tuổi một mảnh giấy và một cây bút chì, và biểu viết từ đâu đi, lý do đi, rồi đi đâu. Kể đến đây, Chú Chảy vỗ tay đánh đét một cái rồi cười lớn:
- Chừng xem xong giấy chả lời Hải quân Chung Cộng nói: "Sao mấy người Chung Hoa mà hổng có người nào đi Chung Quốc hết dậy? Ai cũng đòi đi Hồng kông! Mấy người không có tinh thần tổ quốc gì hết!" Mấy ông Hải quân điều cha kỹ lắm. Họ hỏi chánh quyền cộng sản ở bển đối với Hoa kiều da sao? Tình hình thế nào? Gạo bán bao nhiêu? Mấy cha nội này đâu dám nói là đã cho cộng sản ăn 300 cây! Ai cũng nói là đi chốn hết. Sợ nói thiệt dồi mấy ông này nói "cộng sản ở bển ăn 300 cây; tụi tui chỉ ăn 150 cây thôi". . . thì chết cha luôn!
Theo Chú Chảy thì sau khi Hải quân Trung Cộng sửa chữa máy móc, cho thực phẩm, thuốc men, phát quà cho trẻ em, thì chỉ đường cho tàu của em ông đi Hồng Kông. Sau khi ở tại đây một thời gian, em trai ông sang định cư tại Los Angeles.

Vào tháng 7, 1979, em vợ ông gửi giấy "sinh hoạt bảo đảm" (kèm đơn xin đoàn tụ gia đình) về Việt Nam cho ông. Giấy tờ chia ra ba hộ. Một hộ cho cha mẹ vợ và em vợ chú. Một hộ cho vợ chú. Và một hộ cho chị vợ chú. Chú Chảy, vì là anh rể, không liên hệ trực tiếp nên không có tên trong danh sách. Chú cho biết, chú nghe người ta bàn tán về nhân quyền, nhân đạo rất nhiều, nên khi đi nộp giấy tờ tại phường, chú kèm đại đơn của chú vào. Chú Chảy nói:
- Con thơ ký nó hỏi tui sao không có tên trong danh sách mà nộp đơn. Tui nói: bà này là dợ tui mà. Cái này, nhân quyền, nhân đạo, cho xum họp gia đình, mà tại sao hổng cho tui xum họp? Bộ muốn chia dẽ gia đình tui hả? Nó con gái, đâu biết mẹ gì. Nó thấy tui làm dữ, nên nó sợ luôn. Thành ra nó mới cho tui đăng ký. Lúc đó tui nộp đơn, mà nghi chắc là không được. Hồi đó, điều kiện đâu có dễ như bây giờ!
Cuối tháng 10, gia đình chú được kêu đi lăn tay và chú phải nộp đủ loại giấy, như giấy không thiếu thuế, giấy thổ trạch, không nợ ngân hàng v.v... Chú nói: "Có tiền là muốn giấy gì cũng có hết".
Ba tháng sau, chú có giấy xuất cảnh. Chú vội chụp bản sao gửi qua cho em chú để ông ta gửi qua tòa đại sứ Mỹ ở Thái. Và từ Thái Lan, họ đánh điện về Việt Nam. Chú Chảy kể tiếp:
- Sau đó, tui phải lên Thủ Đức cho ông Mỹ phỏng dấn. Ông này nói tiếng Diệt Nam giọng Bắc dành lắm. Nếu muốn chắc ăn, nên đem theo hình của thân nhân bên Mỹ gởi về để chứng minh.
Ra vẻ thành thạo, Chú Chảy giải thích:
- Mỹ họ đưa danh sách người nào trước đi lính cho Mỹ, làm sở Mỹ, được đoàn tụ. Cộng sản đưa danh sách những người đủ điều kiện được đi, trong đó có kèm những người mà họ đã lấy tiền dồi, có ký tên Phạm Văn Đồng, mà Mỹ phải chấp thuận. "Chao đổi" mà!
Khi được hỏi về những đường dây để hối lộ cho giấy tờ đoàn tụ mau chóng, Chú Chảy vội xua tay:
- Pí mật mà! Nói "da". . . pể hết!

Lộ Trình
Đại gia đình Chú Chảy đi được 26 người, gồm 18 người bà con trực tiếp và 8 người bà con xa. Tất cả rời Việt Nam trong ba chuyến. Chú Chảy đi vào chuyến thứ nhì trong danh sách 268 người. Nhưng giờ chót 8 người thuộc gia đình của một nhà hàng Tàu nổi tiếng trong Chợ Lớn bị gạch sổ, vì kẹt giấy tờ. Nghe nói số người này sau đó được đi vào chuyến thứ ba tức vào ngày 25-12-1980.

Chú Chảy rời Sàigòn chiều 18-12-1980, tới Thái Lan vào lúc 5 giờ chiều; đến 8 giờ tối mới xong các thủ tục. Lúc đầu, chú tưởng được ở khách sạn, nhưng không ngờ được cho đến một trại di chuyển của Liên Hiệp Quốc. Trại này nằm ở giữa các trại tị nạn đang chứa những người vượt biển sắp được đi đến nước thứ ba. Chú cho biết, hai bên chỉ được nhìn nhau chứ không được nói chuyện. Chú nói:
- Tụi tui dô chại không được đi đâu hết. Còn mấy chại kia, có người Việt và người Hoa. Mấy người đi chung với tui gặp bà con của họ ở bên kia, mừng quá. Họ đợi mấy thằng an ninh đi khỏi, họ diết giấy gói dào cục đá liệng qua. Bên trại kia cũng diết giấy liệng lại chả lời. Có nhiều người bên kia hổng có tiền, thì bà con họ bên này liệng tiền qua cho. ..
Chú Chảy cho biết trại của chú tạm trú không có điện, không có cửa và cũng chẳng có giường ngủ. Mỗi người được phát một cái mền; hai người một cái chiếu và bốn người một cái mùng. Sáng 9 giờ ăn cơm; bữa chiều là 5 giờ. Mỗi người được xài hai lít nước trong một ngày. Vào giờ cơm, mọi người được phát một tờ plastic. Chú nói:
- Họ mang cơm lại trong một thùng bự. Tụi tui sắp hàng lãnh cơm dồi bước qua lấy canh. Canh thì canh cải, thịt nạc thì tụi nó uất hết dồi, chỉ còn mỡ và da chút xíu thôi. Năm mười miếng cho có dùng vậy mà! Theo lẽ, Liên Hiệp Quốc cho ăn đúng tiêu chuẩn lắm, nhưng qua tay tụi Thái Lan thì. . . vậy đó!

Chú cho biết, hôm sau, chú phải mua đồ ăn Câu lạc bộ của bà con cảnh sát người Thái Lan, hoặc người tiều làm chủ, để ăn thêm. Lúc đầu, một tô hủ tiếu 5 đồng bath; nhưng sau đó lên giá 10 đồng. Một ly cà phê sữa 5 đồng. Khi rời Việt Nam, Chú Chảy cũng như mọi người được phép mang theo 20 đô và 3 chỉ vàng. Chú để đầy thuốc lá trong va-li; hễ bị xét, chú liệng vào kẹt mấy gói là xong. Chú nói: "Phải chi piết xét dễ như dầy thì tui mang theo nhiều nhiều dồi!"
Sau đó, Chú Chảy được cho đi khám sức khỏe và chích ngừa. Nhóm của chú được chia làm ba tốp và lần lượt được đưa đi Mỹ ngay trước ngày 24-12, vì phải có chỗ trống cho những người đi chuyến thứ ba, khởi hành ngày 25-12-1980 tại Sàigòn.

Chú Chảy rời Thái Lan ngày 23-12-1980, qua Hồng Kông ngủ khách sạn một đêm; 8 giờ sáng hôm sau chú được đưa ra sân bay; 11 giờ, chú đáp máy bay qua Đông Kinh; 9 giờ đêm hôm đó, chú đi Hạ Uy Di và làm thủ tục nhập nội Mỹ tại đây. Xong, chú qua San Francisco và từ đó chú về Los Angeles. Chú Chảy lắc đầu chép miệng:
- Nội đi máy pay, lên xuống cũng đủ mệt.
Chú Chảy hiện đang lo giấy tờ tùy thân và lo chỗ để định cư. Tuy mới đến Mỹ mấy hôm, nhưng chú cũng đánh hơi được các nơi đang phát triển về việc làm ăn. Chú đã tới lui khu phố Sàigòn ở Westminster, nơi được xem là khu thương mại của dân tị nạn, đến mấy lần. Khu này đã được đài truyền hình 50 cũng như đài NBC đến thu hình phỏng vấn trong một phóng sự đặc biệt, được phát hình vào tối 3-1-1981,.

Trước khi chia tay với Chú Chảy, người viết bài có nhắn nhủ chú đừng quên Việt Nam như một số người Việt gốc hoa, mới qua đây đã vội xưng mình là "Tàu Hồng Kông". Chú Chảy xua tay nói:
- Tui piết! Tui nhớ chớ! Diệt Nam là quê hương thứ hai của tui mà!

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41779)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42728)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48849)
03 Tháng Tư 2005(Xem: 42432)
01 Tháng Tư 2005(Xem: 36487)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41432)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41141)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43050)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39464)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45056)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40044)
1,863,880