6. East Dallas: Khu nhà lá của người tị nạn Á Châu (NV, 2. 4. 91)

29 Tháng Chín 200412:00 SA(Xem: 16476)
6. East Dallas: Khu nhà lá của người tị nạn Á Châu (NV, 2. 4. 91)

633800571405937500

Nguyễn Huỳnh Mai và Trâm, vợ anh Nguyễn Sĩ Đẩu cựu chủ tịch Ủy Ban chấp hành của cộng đồng VNQG tại Dallas tại khu thương mai của Dallas.


Buổi sáng tại khu North Garland, TX thật là yên tĩnh. Anh chị bạn dành cho tôi một căn phòng của cô con gái tên Titi vì anh chị nói khi đẻ Titi ra thì Titi bé lắm. Bây giờ cô bé lớn lên trông xinh đáo để và không có bé tí teo như tên cô nữa.

 

Tôi được ngủ trên giường của cô gái teenager có nhiều hoa và có kệ chất toàn gấu nhồi bông. Phòng Titi có cửa sổ vòng cung nhìn ra đường. Giờ này đã hơn 8 giờ sáng mà không có tiếng xe chạy ngang mà chỉ có tiếng chim kêu thánh thót. Thỉnh thoảng có một bóng chim bay ngang hoặc đậu trên cây cổ thụ mọc ngay cửa sổ. Ánh nắng ban mai rọi xuyên qua tàng cây in lên chỗ bàn viết tôi ngồi bóng những ánh lá chập chờn theo cơn gió sớm. Không gian và thời gian hình như đọng lại, thanh bình.

 

Tôi đến Dallas chỉ được một hôm mà thật ý nghĩa. Hôm qua vừa trên xe bus xuống thì vợ chồng anh Đẩu đã chạy tới tay bắt mặt mừng làm cho tôi cảm thấy bớt bơ vơ nơi thành phố lạ. Tôi biết anh Nguyễn Sĩ Đẩu trên 20 năm vì anh Đẩu học cùng với ông xã của tôi tại Đại Học Chính Trị Kinh Doanh. Tôi học về báo chí ở Đại Học Vạn Hạnh còn ông xã tôi và anh Đẩu học tại Đà Lạt. Chúng tôi quen nhau bẩy năm thì mới lập gia đình. Anh Đẩu thân với ông xã tôi vì hai anh sinh hoạt trong ban đại diện của trường.



Khi nghe mục đích chuyến viễn du "thăm dân cho biết sự tình" của tôi anh Đẩu và chị Trâm bèn đưa tôi ngay lại khu East Dallas. Đó là một khu rất nghèo nơi tập trung rất nhiều tệ trạng xã hội. Các hội thiện nguyện thường đưa những người mới được bảo lãnh đến đây đó, trong đó có những trẻ em lai Mỹ.

 

Khu nhà lá


Để cho độc giả Người Việt hiểu rõ hơn về khu East Dallas này tôi xin trích bài viết của ông Nguyễn Nam Quang viết trong Đặc San Mậu Thìn (1987) do Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tại Dallas và các vùng phụ cận phát hành:

 

"Đối với những cơ quan làm việc cho ngành tị nạn cũng như đối với người tị nạn đến Dallas những năm sau này, East Dallas là khu vực định cư đầu tiên bao gồm các zip codes 75204, 75206, 75214, và 75246 nằm phía đông kế cận trung tâm thương mại (downtown) Dallas. Nơi đây, vốn đã có rất đông dân Da Đen và Mễ sinh sống chưa đạt đến mức trung lưu.

 

Đây là nơi tập trung trên một diện tích nhỏ số đông người tị nạn Đông Nam Á với đa số là Cam Bốt và Việt Nam, một số ít hơn là người Lào. Vì lợi tức của số người này thường ở dưới mức bần cùng (line of poverty) nên có thể nói đây là Khu Nhà Lá của người tị nạn Á Châu, hay của dân tị nạn Việt Nam cũng vậy.

 

Theo một tài liệu ước tính do hội USCC vào năm 1985, city Dallas có độ 4,250 người Cam Bốt và 3,500 người Việt Nam. Lúc đó, có độ 500 người Việt Nam sống ở vùng North Dallas, và 3000 người ở phía đông city Dallas. Tuy nhiên đến nay cũng chưa có một cơ quan hay tài liệu nào cho biết con số đích xác người tị nạn Việt Nam hay Cam Bốt hiện ở khu East Dallas. Con số phỏng đoán là trên dưới 1000 người Việt Nam. (Chú thích: Hiện nay 1991 có khoảng 300 gia đình Việt Nam đang cư ngụ tại đây).

 

Vì sao và từ lúc nào người tị nạn Đông Dương đến đây để hình thành nên Khu Nhà Lá này? Căn cứ vào sự việc Chợ Bà Thạch khai trương vào năm 1976 và phòng mạch bác sĩ Tuân mở cửa năm 1977, có thể nói dân tị nạn đã đến đây sớm lắm là vào năm 1975. Những năm trước đây có đông người Lào, về sau người Lào dời đi các nơi khác, nên nay chỉ còn số đông người Việt và Cam Bốt.

 

Người tị nạn đến Mỹ qua sự bảo trợ của các Hội Thiện Nguyện được chia làm hai hạng chính: diện tự do (free case) và diện đoàn tụ gia đình (family reunification case). Những tị nạn đến theo diện đoàn tụ gia đình được thân nhân trực tiếp đưa về sống với gia đình và được Hội Bảo Trợ cấp cho mỗi đầu người một số tiền trợ cấp định cư nhiều ít tùy hội để trang trải những nhu cầu thiết yếu ban đầu. Như vậy, những dân tị nạn này không nhất thiết phải định cư tại East Dallas. Còn những người tị nạn gọi là "trường hợp tự do" thì được Hội Bảo Trợ trực tiếp lo cho về mọi nhu cầu định cư sơ khởi trong 90 ngày hoặc có thể lâu hơn nếu là trường hợp khó khăn đặc biệt.

 

Những hội lớn như USCC, IRC đều có trụ sở ở gần hoặc ngay tại khu này nên thường đưa người tị nạn đến định cư đầu tiên tại đây để tiện bề chăm sóc. Nơi đây đã có sẵn một số cơ quan bạn cung cấp dịch vụ, có trường học các cấp cho trẻ em, có nhiều tuyến bus, và có lẽ gần như không có sự kỳ thị màu da giữa dân địa phương và người tị nạn.



Xét về mặt tích cực, sự định cư người tị nạn vào một khu vực tập trung như East Dallas cũng có đôi cái lợi nhất là vào giai đoạn tiên khởi. Những cơ quan làm việc cho tị nạn sẽ dễ dàng làm việc hơn. Người tị nạn khi mới đặt chân đến đất Mỹ được gặp mặt ngay một số đông đồng hương ở lân cận cũng cảm thấy bớt cô đơn xa lạ và tất nhiên cũng nhận được sự giúp đỡ từ người đến trước. Nhưng nếu người tị nạn cứ trì hoãn lâu dài tại đô thị nhiều vấn đề có tính cách tiêu cực sẽ xảy ra.

 

Về mặt tâm lý, nhìn thấy người đồng hương đến trước mình đã lâu mà vẫn sống nghèo khổ -- ở chật chội bẩn thỉu, chầu chực xin thực phẩm thừa, quần áo cũ ở các nhà thờ, hàng tháng nhờ vào welfare và một trị giá foodstamp tương đương để sống -- người mới đến cảm thấy hoang mang giao động. Càng thất vọng hơn nữa là những người trước khi đến Mỹ tưởng tượng Mỹ là thiên đường, mọi việc đã sắp sẵn cho mình. Niềm thất vọng, chán chường này hình như là một nhận xét chung của dân tị nạn ở East Dallas.

 

Ở gần nhau, tất nhiên là người ta thường bắt chước lẫn nhau. Một số thanh niên cùng ở một trại tị nạn cùng đến Mỹ một lần nhưng khi đến Mỹ thì gặp những đồng hương sinh sống khác nhau. Người gặp được sinh viên Việt Nam nghe nói học đại học Mỹ dễ, được khuyên đi học, sau bốn năm ra trường tốt nghiệp kỹ sư, có nghề nghiệp tốt. Một số anh em khác gặp những đồng hương chỉ nói chuyện job, overtime, giải trí cuối tuần, cũng làm như vậy và cuối cùng chỉ có số không sau năm lần bảy lượt layoff từ hãng này đến hãng khác. Ở Khu Nhà Lá, người cũ cũng hay bày khôn dạy dại cho người mới. Một trong những điều tiêu cực mà người cũ thường bày cho người mới là xin welfare để sống cho nhàn nhã trong lúc mới đến.

 

Ở Dallas, mỗi đầu người hưởng tối đa là $75 hàng tháng cộng với medicare. Những người độc thân hoặc gia đình có đủ vợ chồng chỉ được hưởng trợ cấp tị nạn mà thôi. Những gia đình chỉ có một gia trưởng hoặc chỉ cha, hoặc mẹ mà lại có con dưới 18 tuổi có thể xin AFDC. AFDC dành cho người Mỹ lẫn cho tị nạn không phân biệt. Khi người tị nạn mới đến mà đã xin welfare, họ thường bị Hội Bảo Trợ chống đối vì không muốn người tị nạn trở thành gánh nặng cho nhà nước.

 

Do đó, Hội thường buộc người tị nạn phải tìm việc làm trước khi cấp đủ số tiền trợ cấp định cư; nếu người tị nạn không ghi tên tìm việc ở cơ quan tìm việc được chỉ định, và nếu có việc mà họ không làm, Hội Bảo Trợ có thể gây khó khăn cho họ về sau khi họ xin welfare. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người tị nạn bất mãn đối với Hội Bảo Trợ. Dầu sao, nếu người tị nạn cố tâm xin welfare để sống thì sau thời gian treo giò vài tháng họ vẫn xin được welfare, nhất là người gia trưởng có tư cách được hưởng AFDC.

 

So sánh với các vùng khác, East Dallas là nơi có số người tị nạn Á Châu nhất là nữ giới hưởng AFDC nhiều nhất. Nếu ăn welfare vì già yếu, bệnh tật hoặc như là một phương tiện xoay trở tạm trong khi tìm việc, thì chả có vấn đề gì đáng nói nhưng nếu dựa vào welfare như một nguồn lợi lâu dài để trốn việc, sống nhàn, thì hậu quả ngay đối với bản thân người thụ hưởng là tinh thần lụn bại làm cản trở sự thích nghi với cuộc sống mới để làm lại cuộc đời.

 

Khu Nhà Lá còn có nhiều vấn đề nữa. Chẳng hạn vấn đề phạm pháp đã từng đôi lần xảy ra trước đây, khi có những băng đảng người Việt quy mô cỡ nhỏ lấy nơi đây làm tụ điểm để hành nghề. Vấn đề những thiếu niên bỏ học, hàng ngày đi du mục từ nhà này đến nhà khác phì phà ma túy để giải sầu đã và đang làm cho các bậc làm cha mẹ tuyệt vọng cùng cực."

 

Lãnh đạo "về vườn"


Anh chị bạn đưa tôi đến một công viên lớn của Thành phố. Trước kia có người thầu định xây cất nhưng sau khi đào đất lên thì ông ta bị phá sản. Mảnh đất bị đào lên sâu như cái hồ. Sau đó city mua lại làm thành một công viên, phía dưới đất có một hầm đậu xe cho nhân viên làm việc cho một cao ốc kế bên. Trên đường đi viếng thành phố Dallas, tôi hỏi anh về sinh hoạt của người Việt tại đây.

 

Anh Đẩu trước kia là chủ tịch Ủy Ban chấp hành của cộng đồng VNQG tại đây nhưng sau sáu năm hăng say hoạt động nay anh đã "về vườn". Khi được hỏi lý do "về vườn" của anh thì anh cho biết có nhiều người đã thay vì phục vụ quyền lợi chung cho quảng đại quần chúng thì lại đi vào quyền lợi cá nhân. Tôi hỏi tại sao các anh không tranh đấu, nếu ở đâu cũng bỏ cuộc thì làm sao cộng đồng Việt Nam mình phát triển mạnh mẽ được. Anh nói là người tâm huyết thì nhiều nhưng tiêu cực mà người lợi dụng thì danh nghĩa cộng đồng thì ít nhưng tích cực.

 

Qua các Đặc San Xuân của Cộng đồng NVQG do anh Đẩu là một trong những chủ biên. Những năm qua Cộng Đồng NVQG tại đây đã hoạt động tích cực trong các vấn đề ngoại giao, tương trợ xã hội hay văn hóa, văn nghệ. Quý vị đại diện Cộng Đồng cứ mỗi mùa Xuân đã tổ chức Hội Xuân tại Fairfax Dallas với sự tham dự của khoảng 15,000 đồng bào mỗi năm. Để biểu lộ lập trường, Cộng Đồng đã cùng với 12 hội đoàn khác nhau đã đồng ý tổ chức, nhiều cuộc xuống đường trong những ngày Quốc Hận 30 tháng Tư mỗi năm, tại tòa Đô Chánh Dallas, và các nơi khác.

 


Nhằm mục đích đào tạo các con em trở nên những thành phần tốt trong xã hội, Cộng Đồng đã đứng ra thành lập đoàn hướng đạo và đã phối hợp với hội cựu chiến binh Hoa Kỳ để tổ chức những buổi sinh hoạt, huấn luyện và cắm trại cho các đoàn sinh.

 

Theo anh Đẩu thì việc thành lập đoàn hướng đạo nhằm vào việc hướng dẫn các em con lai đã qua Mỹ từ năm 1896. Huynh Trưởng Đẩu cho biết là đã gặp rất nhiều khó khăn. Đoàn hướng đạo cộng đồng này đã được sự chấp thuận của Boy Scout of America tuy nhiên phương thức sinh hoạt hướng đạo hoàn toàn thuần túy Việt Nam. Đoàn lấy tên là Quang Trung và chia làm ba hội là Hắc Hổ, Bạch Hổ và Đại Bàng.

 

Khi được hỏi về sinh hoạt của đoàn Quang Trung hiện nay anh Đẩu thở dài. Cộng Đồng tan thì mọi sinh hoạt cũng tan theo. Tôi không hiểu anh Đẩu sẽ "về vườn" được bao lâu vì tôi được đọc bài của anh viết có tựa đề "lãnh đạo và cộng đồng" đăng trong Đặc San nhân dịp bầu cử Hội Đồng Quản Trị CĐNVQG nhiệm kỳ II 1986-1988, thì thấy anh còn rất nhiệt tâm. Tôi xin trích một đoạn của bài viết nói lên tâm tư của anh:

 

"Việc xây dựng thành phần lãnh đạo, hoặc cơ sở thượng tầng, bao giờ cũng tùy thuộc vào những yếu tố căn bản của hạ tầng. Thiếu căn bản hạ tầng là một cơn bệnh trầm kha của giới lãnh đạo miền Nam trong quá khứ. Chiêm nghiệm lại lịch sử, cơ sở căn bản hạ tầng bao giờ cũng xuất phát từ quần chúng. Cả hai bao giờ cũng đi song song, hỗ trợ lẫn nhau. Sức mạnh quần chúng có thể tạo dựng một quốc gia, nhưng sức mạnh quần chúng cũng có thể làm sụp đổ cả một quốc gia.

 

Vấn đề trước tiên của thành phần lãnh đạo là vận dụng quần chúng. Con đường vận động quần chúng thật đầy dẫy những trở ngại khó khăn. Nhưng nếu đầy đủ thành thật và kiên trì thì chắc chắn sẽ được thành công. Quần chúng không đòi hỏi sự thành công nhất thời, và quần chúng không trách cứ sự thất bại. Nhưng quần chúng không bao giờ chấp nhận sự lãnh đạo sai lầm, thiếu chân chính.

 

Thành phần lãnh đạo phải biết vươn mình lên để tự tạo lấy quyền lực cho chính mình, như vậy chẳng khác nào tạo dựng uy tín và sức mạnh cho chính dân tộc, quần chúng mà thành phần ấy đại diện vậy. Những nhà lãnh đạo có đầu óc quốc gia không bao giờ trở thành công cụ của quyền lực nào khác ngoài quyền lực nơi quần chúng. Tuy vậy, một thành phần lãnh đạo sáng suốt có thể lợi dụng những quyền lực ngoại cảnh để củng cố nền an sinh thịnh vượng của quần chúng mình.

 

Thành phần lãnh đạo bao giờ cũng đưa quần chúng lên hàng đầu. Nếu không, những tham vọng cá nhân dễ đưa đến những sai lầm tai hại và những sai lầm chồng chất sẽ đưa đến sự sụp đổ hoàn toàn.

 

Ngoài ra, vai trò lãnh đạo không thể nào xem như một việc tuần tự như "Con vua thì vẫn làm vua, con sãi ở chùa vẫn quét lá đa" được. Quần chúng phải có bổn phận và trách nhiệm lựa chọn thành phần lãnh đạo mới để bớt đi gánh nặng cho thành phần lãnh đạo cũ.

 

Trong lúc thời điểm của cơ hội chủ nghĩa đã lui vào quá khứ và mầm móng căn bản dân tộc đang bừng sống dậy như ngọn đuốc sáng rực đêm tối, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần để đóng góp vào vai trò lãnh đạo, hoặc quần chúng để gầy dựng lại cơ đồ đổ vỡ. 


(Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Năm 2006(Xem: 42063)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 43025)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 49182)
03 Tháng Tư 2005(Xem: 42754)
01 Tháng Tư 2005(Xem: 36767)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41750)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41425)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43372)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39774)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45678)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40349)
1,863,880