- Lời Giới Thiệu
- 1. Một chuyến xa nhà (Người Việt, 21. 3. 91)
- 2. Thăm bạn tại Houston, Texas (NV, 27. 3. 91)
- 3. Quanh các khu thương mại Việt Nam tại Houston (NV, 29. 3. 91)
- 4. Shopping tại downtown Houston (NV, 30. 3. 91)
- 5. Du hành từ Houston sang Dallas (NV, 31. 3. 91)
- 6. East Dallas: Khu nhà lá của người tị nạn Á Châu (NV, 2. 4. 91)
- 7. Phỏng vấn cấp tốc các Trung Tâm Phục Vụ Cộng Đồng (NV, 3. 4. 91)
- 8. Vòng quanh Dallas, Texas (NV, 4. 4. 91)
- 9. Muốn đi xa phải mang hành lý nhẹ (NV, 5. 4. 91)
- 10. Đi thăm vựa cá tại Houston, Texas (NV, 6. 4. 91)
Sau khi thức sớm để đến bến xe bus ngồi 2 giờ đợi xe khởi hành và sau bốn tiếng ngồi trên xe từ Houston đến Dallas, mặt mày tôi còn "xơ xác" thì anh chị Đẩu đưa tôi đi "phỏng vấn" (!)
Tôi chỉ ở Dallas có ba hôm nên phải lợi dụng thì giờ tối đa. Tôi không có thì giờ để sửa soạn lại sắc đẹp "về chiều" của mình nên tự an ủi "Thôi kệ như vậy cho có vẻ ký giả" vì tươm tất quá thì giống như làm việc văn phòng. Vả lại trông vất vả vì đường xa thiên hạ "thương" mình hơn.
Thăm Trung Tâm Cố Vấn
Theo vợ chồng anh chị bạn thì các Trung Tâm phục vụ Cộng đồng phần lớn là nằm gần khu East Dallas để đồng bào mới đến chưa có phương tiện có thể đến dễ dàng hơn. Họ có thể đến các nơi này bằng cách đi bộ, đi xe bus hay quá giang.
Đầu tiên là chúng tôi ghé Trung Tâm cố vấn vùng Đông Dallas. Tôi được gặp ông Giám Đốc Nguyễn Hoàn và được đưa đi một vòng viếng trung tâm. Đó là một trung tâm khang trang nằm tọa lạc tại số 4306 Bryan St., Dallas Texas 75204.
Theo ông Hoàn thì trước kia tại đây là một khu phố đổ nát hư hỏng. Chi phí sửa chữa lại cho Trung Tâm là 70 ngàn đô la. Ông cho biết tất cả nguồn tài trợ cho trung tâm đều do các tổ chức tư như Dallas Foundation, The Meadows Foundation v.v... Riêng J. C. Penney cho 10 ngàn đô.
Ông Hoàn cho biết Trung Tâm này do cơ quan Dallas Challenge thành lập vào tháng Mười Một năm 1990 với mục đích phối hợp các dịch vụ và giúp đỡ các thanh thiếu niên cùng gia đình đang đau khổ vì sự tác hại của bệnh nghiện rượu và những vấn đề liên hệ với bệnh xì ke ma túy. Trung tâm có chương trình hướng dẫn bằng tiếng Việt, Miên, Lào, Tây Ban Nha cho các thanh thiếu niên và phụ huynh không thông thạo tiếng Anh. Tất cả các dịch vụ đều miễn phí và không phân biệt màu da và sắc tộc.
Trung tâm có cô thơ ký người Miên, có bàn bi da cho các em chơi trong khi chờ đợi và một phòng ăn và nhà bếp sạch sẽ cho các em đến ăn uống. Chương trình mở cửa đến 9 giờ đêm để các em và gia đình có thể đến sau giờ học và giờ làm việc. Chương trình được quyền hướng dẫn 20 em trong vòng sáu tháng. Nơi đây có phòng hướng dẫn từng nhóm hoặc cá nhân. Các cố vấn đều có văn bằng chuyên môn về tâm lý học.
Ông Nguyễn Hoàn trước 1975 làm việc cho bộ Dân Vận Chiêu Hồi. Khi biết tôi cộng tác với báo Người Việt thì ông nhắn lời hỏi thăm ông Giám Đốc Lê Đình Điểu vì trước kia hai ông có làm việc chung.
Ngọc Lê và Ngọc Hồ
Có lẽ biết bao tử tôi sắp "làm reo" nên anh chị Đẩu đưa tôi đến tiệm "Mai" để ăn trưa trước khi đi đến Trung Tâm Đa Văn Hóa.
Nhà hàng Mai nằm trên đường Ryan và Prairie, khu Downtown, Dallas. Tại khu thương mại này có tiệm vàng Đông Phương, nhà hàng tàu Jade Garden. Tôi ăn một tô hủ tiếu tôm và uống soda chanh để lấy sức đi tiếp.
Sau đó chúng tôi đến Trung Tâm Đa Văn Hóa do Liên Cộng Đồng lập ra. Tôi được gặp Giám Đốc của Trung Tâm Huấn Nghệ và Nhân Dụng là bà Hồ Quang Ngọc. Trung Tâm này nằm tại 1314 N. Munger #303, Dallas, Texas 75026.
Trung Tâm TT & EC (Texan Training & Employment Center) phục vụ đồng hương qua những chương trình như: chương trình JTPA, tìm việc làm tại các xí nghiệp. Chương trình OJT, tìm việc tại các xí nghiệp tập sự và nhận bồi hoàn tổn phí tương đương với một phần lương bổng nhân viên trong thời gian huấn luyện. CT huấn nghệ như lớp may, hay chương trình MORE hướng dẫn cung cách xin việc làm tại các xí nghiệp và công sở v.v...
Bà Ngọc trông nhanh nhẹn vui vẻ mặc dù hàng ngày phải đương đầu với các vấn đề khó khăn, nhất là vấn đề trẻ em lai. Bà cho biết các em trẻ nhất là 16 tuổi còn lớn hơn là có mọi lứa tuổi.
Nỗi bận tâm của bà Ngọc là trước kia con gái qua đây thì hay bị con trai cho mang bầu. Còn nay có nhiều bà mẹ tìm mối cho con cặp để lấy tiền. Bà kể cho tôi nghe một câu chuyện thương tâm về một bà mẹ và ba đứa con. Hai đứa lớn 19 và 17 là hai anh em ruột: đứa nhỏ nhất 13 tuổi có ba Việt Nam. Khi bà Lành có bầu em Hải thì gia đình không bằng lòng cho bà lấy Mỹ nên bà uống nhiều dầu nhị thiên đường. Vì thế nên bây giờ Hải rất lùn dưới 5 feet và chân chỉ có bốn ngón. Sau khi sanh Hải thì bà Lành được sống chánh thức với người chồng Mỹ và bà đẻ thêm cô con gái tên Hà. Khi mới qua Mỹ thì có một anh chàng Ả Rập 20 tuổi sang chơi, dụ Hà đi chợ rồi chở vào Hotel. Hắn dọa giết cô và cưỡng hiếp. Bà Ngọc nói khi chương trình biết được thì em mang bầu đã bốn tháng. Bà mẹ yêu cầu giúp phá thai nhưng vì thai đã lớn và vì vấn đề tôn giáo nên bà Ngọc không thể giúp được. Bà đề nghị là khi đẻ xong sẽ giới thiệu cho các cơ quan nhận em bé. Bây giờ thì em Hà đã có bầu 8 tháng thì cả nhà lại bắt đầu thương em bé và nhờ bà đặt tên.
Trường hợp bà Lành đã được báo Mỹ địa phương tường thuật. Theo ký giả Steve Blow thì gia đình bà Lành đã tìm được người cha Mỹ của các con bà. Ông ta có đến thăm một lần. Sau đó bà có nói chuyện một vài lần với ông ta và mấy tháng gần đây gia đình bà được những người đầu giây bên kia cho biết là ông ta đã dọn đi nơi khác.
Bà Ngọc lại kể cho chúng tôi nghe một trường hợp thương tâm khác về một cô bé con lai mồ côi vừa câm, vừa điếc chỉ mới 15 tuổi. Cô qua Mỹ với cha mẹ nuôi và bị cho mang bầu mà không ai hay cả.
Theo bà giám đốc thì gia đình nào mới qua Mỹ thường có nhiều người bu lại cho đồ. Khi không lợi dụng được thì họ đến chở hết đồ về. Bà cho biết lúc xưa bà lo cho con gái bây giờ lo cho con trai hút sách. Điều đáng ngại nhất là các cậu bảnh trai là bị dụ vào các nhóm gay.
Với nụ cười luôn nở trên môi, bà Ngọc nói:
"Mấy em gọi tôi bằng "má" vì tôi gả cưới. Tôi lại sắp làm bà ngoại nữa. Các em thường hay tâm sự vui buồn với tôi. Mỗi khi có em nào mua được xe là kêu tôi nói "Má lên con chở má một vòng" hay nếu lãnh được check đầu tiên là các em mời tôi đi ăn một bữa. Tôi thường khuyên các em bỏ check vào trương mục mỗi tháng một lần. Tôi dạy các em bỏ vô mà không có dạy ký check lãnh ra nên có em để dành được bạc ngàn. Thường thì mỗi lần lãnh lương các em chỉ biết đem đến tiệm cash tiền mặt ra xài."
Rồi Trung Tâm Đa Văn Hóa anh chị Đẩu đưa tôi đến gặp một bà Ngọc thứ hai. Đó là bà Lê Thị Lam Ngọc. Cũng như bà Ngọc Hồ, bà Ngọc Lê cũng duyên dáng dễ thương. Bà làm việc cho cơ quan Dallas County Community Action Committee. Chương trình này nhằm giúp đỡ những người có lợi tức thấp gặp những trường hợp bị mất job bất thình lình không có tiền trả tiền điện, tiền nhà hay đau ốm bất ngờ. Chương trình chỉ giúp một lần cho qua cơn khốn khó. Nếu gặp trường hợp những người thật sự gặp khó khăn thì chương trình có thể giúp đôi lần cho đến khi họ có việc làm mới vững chắc hơn. Theo bà Ngọc thì chương trình này do một bà Mỹ đen tranh đấu cho ngưòi Mỹ đen nhưng hiện nay nhằm phục vụ người Á Châu tại vùng East Dallas.
Sau khi từ giã bà Ngọc thì tôi "xin" anh chị bạn cho tôi về nhà anh chị tại Garland vì "anh hùng đã thấm mệt" rồi.
(Còn tiếp)
Vì các ngày ở tại Dallas tôi đi liên miên nên bây giờ ngồi trên xe bus trở lại Houston, tôi cảm thấy "ê ẩm" cả người. Tối hôm qua thấy tôi ngồi viết đến khuya, anh chị Đẩu cười bảo: "Tụi tôi tưởng chị đi cả ngày về chắc phải lăn quay ra ngủ." Tôi nói: "Phải viết mới kịp mỗi ngày một bài. Nếu ngưng lại một ngày thì không được. Những chi tiết mới lại đến."
Vậy mà có hôm tôi ngủ lăn quay ra thật, nhưng lại thức sớm viết bù hai bài. Chắc giờ này Sương, chị Phú, Yến và chị Hương theo dõi bài và cười "rúc rích" với nhau vì tính tôi hay diễu. "Cậu Hoàng", Tổng Thơ Ký thì bỗng thấy đặc phái viên không kêu gọi về gì nữa cả. Chớ nào hay là tôi phải đi vòng vòng ngoài đường nào là ghé shop may quần áo, tiệm Ba Lẹ, phở Bằng, chợ Hong Kong, nhà hàng Mai rồi nhà các bạn bè thân hữu v.v...
Đến nơi nào cũng "bị ăn". Mấy hôm ở Houston tôi thấy có vẻ hơi "lên cân" nên bây giờ đi đến đâu tôi cũng ăn cho "có hương có hoa" chứ không dám ăn thật tình. Nếu ăn thật tình thì lúc trở về sợ không có quần áo vừa để mặc.
Nghề may tại Dallas
Khác với Houston người Việt Nam mình thường làm về grocery, tại Dallas, Arlington, và Forth Worth người đồng hương phần nhiều sống nhờ nghề may. Tôi có đến shop may của anh Th., trạc độ trên 30. Anh có khoảng 15 người nhận may đồ cho anh tại nhà. Tại shop anh có khoảng 5 nhân viên Việt và Mễ. Tôi thấy anh treo nhiều sơ mi đàn bà. Một anh đang đứng ủi và bên căn phòng bên cạnh có một số nữ nhân viên đang ráp áo. Trước ở Việt Nam anh học luật và khi qua Mỹ anh học ngành Electrical Engineering tại PA. Sau đó anh dời qua Houston rồi qua Dallas. Vì cứ dời chỗ, anh gặp khó khăn về tài chánh nên chuyển sang nghề may. Hiện công việc làm ăn anh đã vững, anh cưới vợ có hai đứa con nhỏ và tậu được căn nhà 65,000. Căn nhà này theo tôi nghĩ có lẽ trị giá 250 ngàn tại California.
Theo anh C. cũng làm nghề may thì đời sống tại đây dễ thở hơn ở Cali. Nếu làm đồng lương 4.50 một giờ vẫn sống được. Tại Houston cũng như Dallas người làm ăn và sống với không khí gia đình nhiều hơn giới ăn chơi. Các phòng trà tại Houston chỉ mở cửa mỗi tuần một ngày thứ Bảy chứ không mở ba ngày cuối tuần như ở Cali. Ở Cali đời sống đắt đỏ lại hội hè đình đám, "chén tạc chén thù" nhiều nên rất khó dư dả.
Tôi đi đây đi đó nhiều cũng nhờ cô Phổ. Tôi và cô quen biết nhau nhiều lần khi cô qua Cali chơi. Cô Phổ là một khuôn mặt quen thuộc của giới sinh hoạt cộng đồng tại Dallas. Trước kia cô là người cầm cờ Việt Nam đi diễn hành trong ngày văn hóa Quốc tế được tổ chức tại Dallas. Trước cô bán Insurance nhưng cô đổi sang nghề sửa quần áo. Hỏi tại sao cô bỏ nghề cũ cô cười để lộ hàm răng đều như hạt bắp nói:
-- Tại họ hay đụng xe quá.
Lúc trước cô Phổ có ý định dời qua Cali. Tôi có đưa cô đi tìm việc nhưng cô không dọn qua Cali vì tại Dallas nghề sửa áo quần này được trả lương cao hơn. Cô cho biết nghề này lương tối thiểu khoảng 12 đồng. Hiện cô làm cho Men’s Warehouse được trả lương cao hơn. Cô giải thích thường thì các tiệm quần áo sửa miễn phí khi lên lai quần hay lai tay áo. Có những tiệm quảng cáo bán rẻ thì lại tính tiền sửa cũng vậy thôi. Tuy nhiên họ không trả cho cô tiền over-time. Nếu cô dư giờ thì họ để dành trả cho cô vào tuần khác.
Tìm báo không ra
Tội nghiệp cô Phổ đã đưa tôi đi rất nhiều chỗ, chạy ngược chạy xuôi trên xa lộ. Cô nói ở đây buổi sáng đi làm cũng kẹt xe lắm nhất là xa lộ 75. Cô cho biết các hội đoàn thường tổ chức văn nghệ hay hội họp tại đại học UTA ở Arlington vì trường này có rất đông sinh viên Việt Nam.
Có một điều lạ là suốt ba ngày cuối tuần ở tại Dallas tôi không tìm được tờ báo Việt Nam nào tại các chợ cũng như các tiệm ăn mà tôi chỉ thấy toàn báo Tàu. Tôi lấy được một tờ báo Phi tên Philippine Sentinel. Tờ báo này quảng bá khá rộng rãi ở các chợ, quán cà phê hay nhà băng của người Á Đông tại các vùng Houston, Dallas, Forth Worth, San Antonio, Browsville v.v... Tuy nhiên tại nhà hàng Arc-En-Ciel tôi tìm được một quyển niên giám lớn hơn bàn tay và một vài flyer quảng cáo khai thuế, bảo hiểm hay buổi dạ vũ của đài truyền hình Việt Nam Dallas - Forth Worth KFWD-52. Tấm quảng cáo cho biết đài truyền hình trình diện khán giả với lời chào mời:
"Kính mời quý đồng hương, các bạn trẻ nam thanh, nữ tú đến "quay cuồng" theo điệu nhạc quyến rũ do ban The VEE’s (Houston). Cùng với sự góp mặt của nhạc sĩ Từ Công Phụng và ca sĩ Phương Hồng Ngọc. Nhóm ca sĩ nổi tiếng tại địa phương là: Thu Vân, Bích Lê, Vina, Nhật Tùng và Hà Nhật Linh. Ban tổ chức là bà Phạm Văn Chất và ông Đặng Văn Đức."
Ngoài ra tại Phở Bằng, khi tôi hỏi báo thì nhân viên của tiệm phở có cho tôi mượn tờ Ngày Nay của giáo sư Nguyễn Ngọc Linh. Tờ này tôi có xem ở Cali và có thấy ở Houston. Tôi chỉ muốn xem báo tại Dallas thôi. Khi nghe tôi khen tờ Ngày Nay một người bạn nói: "Ổng giàu quá rồi nên ổng không cần, mỗi nửa tháng ổng chỉ ra một kỳ thôi."
Tôi biết giáo sư Nguyễn Ngọc Linh qua các kỳ hội thảo giữa phân khoa báo chí của Đại Học Vạn Hạnh và Đà Lạt. Tôi còn nhớ có một lần tôi ở trong thuyết trình đoàn của hai phân khoa mà tôi run quá nên nói nhỏ xíu. Tính ra cũng hai mươi năm trôi qua. Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh, trưởng ban BC của Đại Học Đà Lạt thì còn tiếp tục nghề nghiệp của mình còn giáo sư Lê Thái Bằng trưởng ban của chúng tôi thì còn bên quê nhà. Các bạn học cùng môn của tôi bên ấy thì chẳng có viết lách gì...
Trái cầu của thành phố Dallas
Tối hôm thứ Bảy tôi được anh chị bạn đưa lên ngồi uống nước trên Trái Cầu (Reunion Tour) của thành phố. Trái cầu này cao nhất thành phố Dallas. Ban đêm khi bật đèn của trái cầu lên thì trông nó chẳng khác nào một con nhím. Ngồi trong bar uống nước của trái cầu có thể nhìn hết thành phố Dallas và các vùng phụ cận xa vài chục dậm. Bar này nằm trên một cái trục quay tròn nên mình chỉ ngồi yên mà có thể nhìn quanh thành phố. Tại Los Angeles cũng có một cái tại Bon Aventure. Cuối tuần mà muốn lên tiệm đó ngồi phải xếp hàng cả nửa giờ. Tại Trái Cầu Dallas này tiền nước cocktail có cả cái ly hình chiếc giày bốt giá $7.50. Nếu không muốn để rượu vào thì được bớt một đồng và nếu không muốn lấy cái ly về thì được bớt thêm một đồng nữa. Tôi khuyên bạn chỉ nên uống nước đừng lấy ly vì tôi đang "đau khổ" là trong vali của tôi có thêm hai cái ly nặng chịch. Cái ly này cứng lắm rớt không vỡ nhưng chẳng may nó trúng vào chân thì rất khổ.
Một người địa phương cho tôi biết nếu đi từ thành phố Dallas đi về hướng Đông thì có cảnh đẹp, như Vườn Hồng Tyler (khoảng 87 miles). Nếu tiếp tục đi qua thành phố Kilgore thì có mỏ dầu và nếu đi thêm 12 dặm nữa sẽ gặp một mỏ dầu nữa tại Longview. Nơi đây có khoảng 40 gia đình Việt Nam phần đông làm nghề may.
Từ Dallas đi về hướng Tây đến Forth Worth bằng freeway 30 W. Tại đây có rất đông người Việt Nam làm nghề may, grocery. Có Sở Thú, Vườn Nhật và là Trung Tâm du lịch gọi là Six Flags over Texas, nhỏ hơn Disneyland tại Cali. Trung tâm này gồm có Arlington Stadium, Southwest Historical Wax Museum, The Fire Museum of Texas, White Water, Wet and Wild, The Texas Sports Hall of Fame and The International Wildlife Park.
Tôi cũng có đi qua công trường Kennedy và nhìn lên chỗ núp của tên ám sát ông ta. Tuy nhiên vì ban đêm nên tôi không xuống chụp ảnh ở đài kỷ niệm của ông.
Vợ đi vắng xa
Chỉ còn mười phút nữa là xe Bus Grey Hound đến downtown Houston. Ngồi trên xe viết ký sự, thỉnh thoảng nhìn đường hoặc leo xuống mua nước uống vì chuyến đi về không có bus Express. Giọng nói của người Texas nghe là lạ vui tai. Khi tôi mua một cái hot dog và một ly coke thì cô bán hàng nói:
-- Tu ô pha (hai đồng năm xu).
Tôi cũng lật quyển Việt Nam Thương Mại Niên Giám do Vinam Printing Co. phát hành tại Dallas có nhiều bài cũng vui vui. Chẳng hạn như một mẹo vặt rất là "huề vốn" như sau:
"Để tránh các bợn trà và cà phê trên ly tách, nên rửa "càng sớm càng tốt" sau khi dùng." Hay mục "Đoán điềm - giải mộng" với câu "Đố ai nằm ngủ không mơ?"
Nào là mơ thấy chăn, chăn có rận, chăn rách, hay mơ thấy gương lớn, gương nhỏ, đập vỡ gương. Rồi mơ thấy bị ngã như ngã xuống bùn, ngã xuống giếng v.v... Lại mơ thấy yêu. Nếu mơ thấy yêu ai tha thiết thì sắp có chuyện xích mích với người ấy. Còn yêu người mình ghét thì bị người đó ghét hay khinh bỉ. Còn yêu một người "thật xấu" thì được giải là: Khôn lắm thì dại nhiều, sở khanh bị lột mặt nạ, tú bà thất thế mất cả vốn lẫn lời.
Mục đoán mộng thì còn rất nhiều nhưng có một điềm mộng rất là hy hữu có liên quan đến áo. Hễ nằm mộng thấy áo lót mình bị rách thì được giải mộng là: "vợ đi vắng xa."
Không biết ông xã tôi có nằm chiêm bao như vậy không mà tôi lại đi đến tận miền Nam nước Mỹ này. Chỉ biết cuối tuần này khi điện thoại về thì bà nội mấy đứa nhỏ báo cáo "Thằng Tư" bị đứt tay còn hai thằng cháu thì dọn dẹp chùi nhà. Nghe hai cu cậu dọn dẹp nhà cửa, dù không biết có được thật sạch không tôi cũng thấy rất vui lòng.
(Còn tiếp)