Đại diện 5 tôn giáo: Cao Đài, Thiên Chúa, Phật giáo, Tin lành,
Phật Giáo Hòa Hòa Hảo đang cầu nguyện cho Hòa Bình Việt Nam
tại thính đường Aula Magna thuộc đại học Giáo Hoàng La Mã ngày 6- 10- 1992
1- Bảy Ngày Tại Vatican
Tôi tự đặt câu hỏi mình có khả năng diễn đạt được những cảm nghĩ, những xúc động, những cảm tình được mà tôi đã nhận được trong chuyến hành hương tạm gọi là “Cuộc hành hương cho Hòa bình” này không?
Tất cả chỉ xảy ra trong bảy ngày. Bảy ngày thường qua đi rất nhanh trong đời sống hàng ngày của tôi. Những bảy ngày tại Rome rất dài, và các giây phút ngày đêm trôi qua thật là bổ ích và quý báu mà trí óc bình thường của tôi phải làm việc rất nhiều để ghi lại mọi dữ kiện ở những nơi tôi đặt chân đến.
Khung cảnh trang nghiêm, bỡ ngỡ của buổi gặp gỡ sơ giao giữa các phái đoàn tôn giáo tại Casa International Del Clero để thảo luận về thông cáo chung và chương trình cộng tác vào hôm đầu tiền thứ Hai ngày 5-10-1992. Buổi lễ cầu nguyện cho Hòa bình Việt Nam tại Đại học Thần học Urnaniana, những lời chào mừng của Đức Ông Trần Văn Hoài, của Đức Hồng Y Francis Arine, Đức Hồng Y Josef Tomko, cùng sự ưu tư của quý ngài đối với đất nước Việt Nam đã xóa tan đi mọi dư luận xuyên tạc vào những tuần lễ trước chuyến đi của tôi.
Cũng ngày hôm đó, thứ Ba 6-10-1992, đại diện các phái đoàn tôn giáo: Phật Giáo, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, Tin Lành, và Công Giáo đều đưa ra niềm ưu tư đối với sự đau khổ triền miên của dân tộc Việt Nam và đồng nói lên sự quyết tâm đóng góp xây dựng bằng mọi cách cho tự do và bình đẳng của người dân Việt Nam. Tất cả đều đồng lòng ngồi lại, san bằng mọi dị biệt, và mở một cánh cửa cho ánh sáng hòa bình tràn vào đánh tan mọi u tối, đau khổ mà những người ruột thịt cùng màu da và dòng máu đã phải chịu dưới thể chế độc tài của chính quyền Việt Nam hiện tại.
Những bài hát Việt Nam Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy được cả hội trường gần ba trăm người say sưa hát với niềm xúc động nghĩ về quê hương mình. Rồi đến các bài tác động của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang như Việt Nam Quê hương Ngạo nghễ, Về Với Mẹ Cha... làm hâm lại bầu nhiệt huyết của mọi người đang có mặt. Tất cả đều vỗ tay đánh nhịp hát vang:
Nhìn non sông tả tơi,
Nhìn quê hương đầy vơi,
Người thanh niên Việt Nam ngậm ngùi.
Chờ chi không vùng lên,
Thiết tha với dân lành
Cứ co ro ngồi sao đành...
Có nhiều lần tôi được tham dự lễ ở nhà thờ nhưng chưa bao giờ được chứng kiến phái đoàn Công Giáo dâng hương trước bàn thờ Tổ Quốc nên hết sức xúc động. Tôi cũng được may mắn chứng kiến phái đoàn Cao Đài trong áo dài trắng đồng phục làm lễ trước bàn thờ.
Đối với tôi chưa bao giờ tôi lại được nhìn thấy những chiếc y vàng của quý hòa thượng, thượng tọa lại lộng lẫy như ngày hôm đó lúc quý Thầy đọc kinh cầu nguyện. Kinh tiếng Phạn vang rền hội trường cùng tiếng mõ chuông, trước bàn thờ khói hương nghi ngút thơm lừng khiến cho không khí trang nghiêm của hội trường hôm đó thật đặc biệt.
Vị đại diện phái đoàn Tin Lành đã rơi nước mắt khi đọc bài thơ diễn tả nỗi khát vọng được ăn một cục kẹo của một tù nhân trong trại học tập cộng sản cho đến khi nhắm mắt sau bao ngày đau khổ từ thể xác đến tinh thần.
Những lời khấn nguyện của vị đại diện Phật Giáo Hòa Hảo đối với Ơn Trên Thầy Tổ phò hộ cho dân tộc Việt Nam mau thoát khỏi nạn cộng sản, cho những đồng bào tỵ nạn mau thoát cảnh cưỡng bức trở về sống dưới chế độ độc tài vô thần.
Có lẽ giây phút rộn ràng nhất khiến cho mọi con tim cùng hòa nhập là lúc quý vị đại diện tôn giáo ký bản Thông Cáo Chung. Mọi người nắm tay nhau cùng hát:
Gần nhau trao cho nhau
Yêu thương tình loài người
Gần nhau trao cho nhau
Tin yêu đừng gian dối
Gần nhau trao cho nhau
Ánh mắt nhân loại này
Tình yêu thương trao nhau
Xây đắp trên tình người.
Kế tiếp ngày cầu nguyện cho Hòa Bình Việt Nam là ngày mà bao nhiêu người già cũng như trẻ đều náo nức rộn ràng mong đợi giây phút được diện kiến Đức Giáo Hoàng John Paul II. Bao nhiêu sự vui mừng đều phát ra từ ánh mắt nụ cười đến bàn tay đưa ra mong được bắt tay lúc Ngài đi qua.