Tính Tổng Hợp Và Hài Hòa Của Phật Giáo Việt Nam

30 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 60224)
Tính Tổng Hợp Và Hài Hòa Của Phật Giáo Việt Nam
  • TÍNH TỔNG HỢP VÀ HÀI HÒA CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam đã được các vị thiền sư người Việt bản địa hóa, khiến Phật giáo hòa mình vào lòng dân tộc tạo nên một sắc thái đặc biệt của riêng Việt Nam. Phật giáo đã cùng sinh tồn cùng dân tộc. Điểm này dễ dàng nhận thấy trong những thời đại hưng thịnh của đất nước như Đinh, Lê, Lý Trần đều là những lúc Phật giáo cũng song hành hưng thịnh và các vị thiền sư có vị trí quan trọng trong các triều đại đó.

 

Tổng hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng truyền thống: người Việt Nam đưa các vị Thần, Thánh, Mẫu, thành hoàng thổ địa, anh hùng dân tộc... vào thờ trong chùa. Đa số các chùa còn để cả bia hậu, bát nhang cho các linh hồn đã khuất.

 

Tổng hợp giữa các tông phái Phật giáo: các tông phái Phật giáo Đại thừa sau khi du nhập vào Việt Nam trộn lẫn với nhau. Thiền tông còn kết hợp với Tịnh Độ tông như là trong việc tụng niệm Phật A Di Đà và Bồ Tát. Các chùa miền Nam còn có xu hướng kết hợp Tiểu thừa với Đại thừa. Nhiều chùa mang hình thức Tiểu thừa (thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, sư mặc áo vàng) nhưng lại theo giáo lý Đại thừa; bên cạnh Phật Thích Ca Mâu Ni còn có các tượng Phật nhỏ khác, bên cạnh áo vàng còn có áo nâu, áo lam.

 

Tổng hợp giữa Phật giáo với các tôn giáo khác: Tín ngưỡng truyền thống đã tiếp nhận Phật giáo ngay từ đầu Công nguyên. Sau đó Phật giáo cùng tín ngưỡng truyền thống tiếp nhận Đạo giáo. Rồi tất cả cùng tiếp nhận Nho giáo để làm nên "Tam giáo đồng nguyên" (cả ba tôn giáo có cùng một gốc) và "Tam giáo đồng quy" (cả ba tôn giáo có cùng một mục đích).

 

Tính chất hài hòa linh hoạt: Phật giáo Việt Nam còn có một đặc điểm là rất linh hoạt, mà nhà Phật thường gọi là "tùy duyên bất biến; bất biến mà vẫn thường tùy duyên" nghĩa là tùy thuộc vào tình huống cụ thể mà người ta có thể tu, giải thích Phật giáo theo các cách khác nhau. Nhưng vẫn không xa rời giáo lý cơ bản của nhà Phật. Ví dụ: Các vị Bồ tát, các vị hòa thượng đều được gọi chung là Phật hay Bụt, Phật Bà Quan Âm, Phật Di Lặc (vốn là bồ tát)… Ngoài ra hình tượng và tôn hiệu Phật ở Việt Nam có khi mang tính cách hiền hòa và dân dã: ông Bụt Ốc (Thích Ca tóc xoăn), ông Nhịn ăn mà mặc (chỉ Thích Ca Tuyết Sơn),... Trên đầu Phật Bà Chùa Hương còn có lọn tóc đuôi gà rất truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

 

Phật giáo vốn có sẵn trong lòng dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa, và ngày nay cho dù trải qua bao biến động lịch sử, vẫn tiếp tục triển khai trong nước và lan rộng khắp nơi trên thế giới, theo bước chân của người Việt lưu vong. Nhiều vị cao tăng và thiền sư danh tiếng của thời đại tiếp tục hoằng dương Chánh Pháp trong và ngoài nước, tiếp nối bước chân của các Đại Sư Việt Nam từ thời cổ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Chín 2004(Xem: 41533)
1,863,880