- ĐẶC TRƯNG CỦA PHẬT GIÁO TÂY TẠNG: TRUNG ẤM VÀ TÁI SANH.
Trung ấm, hay thân trung ấm (Bardo) là trạng thái giữa chết và đầu thai. Ở cảnh này vẫn có đủ ngũ ấm (sắc thọ tưởng hành thức). Tông Câu xá cho là không có Trung ấm, tông Thành thực cho là có. Đại thừa cho rằng vừa có, vừa không, không nhất thiết. Người cực thiện hoặc cực ác không có Trung ấm, cứ đến thẳng nơi được tới. Trung ấm kinh nói lên nghi thức độ vong 49 ngày sau khi chết, còn trong thời gian chưa đầu thai. Trong Phật giáo Tây Tạng lại chú trọng đặc biệt đến Trung ấm qua Tử thư Tây Tạng (Bardo thodol - Tibetan Book of the Dead).
Quán thân Trung ấm: phép thiền quán thân trong khoản giữa chết và tái sanh. Một trong sáu phép tu thuộc Na rô lục pháp (Six doctrines of Naropa) tức sáu phép thiền quán Du già vẫn còn được áp dụng trong Mật tông Kim cang thừa (Vajrayãna) Tây Tạng, trong phái Ca nhĩ cư (Kagyupa).
Tử thư Tây Tạng (Bardo thodol - Tibetan Book of the Dead): Kinh văn đặc truyền của Phật giáo Tây Tạng gồm các chỉ dẫn từ Liên hoa sanh (Padmasambhava) về các tiến trình, phép quán, nghi quĩ (sadhana), nghi thức về cái chết, cùng kỹ thuật tìm chỗ tái sanh hoặc đầu thai.
Từ pháp tu quán thân trung ấm, Phật giáo Tây Tạng đặc biệt phổ truyền hiện tượng “Chu cơ” hay “Tái sanh thân” hay “Hóa thân.”
Chu cô dịch âm từ Tạng ngữ “Tulku” (Anh ngữ: Reincarnated body) chỉ hiện tượng đặc thù, xuất hiện tại Tây Tạng và Mông Cổ. Tương ứng với từ “Ứng thân” trong Phạn ngữ “Nirmãnakãya”. “Chu cô” bắt nguồn từ Mông Cổ “Khutukhtu” (Hồ đồ Khắc đồ), có nghĩa là “Minh tâm kiến tính, sanh tử tự chủ”.
Truyền thống Phật giáo Tây Tạng dùng từ này chỉ các dòng tái sanh (Jãtimãla) và các vị tái sanh, tức là chết không quên bản tính, và đầu thai trở lại tiếp nối chức vị và nhiệm vụ hoằng hóa thuở trước.
Quan điểm này do đệ nhị Cát mã ba Cát ma Ba hi (Karmapa Karma Pakshi) (1204-1283) phát hiện tại Tây Tạng. Kinh điển Đại thừa xem các vị Bồ tát bát địa có khả năng tái sanh. Các vị tái sanh được dân Tây Tạng xem như “Hoạt Phật”.
Có bốn dòng Chu cô chính: 1. Đạt lai Lạt ma (Đạt lai Lạt ma) giáo chủ dòng Cách lỗ (Gelugpa); 2. Cát mã ba (Karmapa) giáo chủ dòng Ca nhĩ cư (Kagyupa); 3. Đôn châu (Dujom) giáo chủ dòng Ninh mã (Nyingmapa); và Tát ca ba (Sakyapa) giáo chủ dòng Tát ca (Sakya).