Đi hành hương Ấn Độ hay Nepal quả nhiên có nhiều khó khăn hơn đi thăm viếng nhiều nước trên thế giới vì phương tiện giao thông hay đời sống còn nghèo, nhưng sao tôi vẫn muốn trở lại những quốc gia này. Nhất là tôi mong có dịp được đi thăm Katmandu, kinh đô xứ Nepal. Được biết Phật giáo lần đầu tiên được vua A dục (Asoka) từ Ấn Độ đưa vào thung lũng Katmandu khoảng năm 250 trước dương lịch. Sau đó có nhiều người Tây Tạng di cư sang lập nghiệp tại đây, nhất là sau biến cố người Tây Tạng bị mất nước trong tay Trung cộng.
Một nơi khác mà tôi ao ước có duyên đi thăm viếng là Dharamsala, thủ phủ của chánh phủ lưu vong Tây Tạng do đức Đạt lai Lạt ma lãnh đạo. Dharamsala thuộc quận Kanga, thuộc tiểu bang Himachal Pradesh, Ấn Độ.
Đức Đạt lai Lạt ma hiện tại là vị Đạt lai Lạt ma thứ 14 của Tây Tạng, tên gọi là Tenzin Gyatso. Cậu bé lên hai Lhamo Drondup ở làng Takster thuộc tỉnh Amdo miền đông bắc Tây Tạng được xem là hóa thân của đức Đạt lai Lạt ma thứ 13, được đưa về Lhasa thọ giới tân tu năm 1935, đặt tên là Jamphel Ngawang Lobsang Yeshe Tenzin Gyatso; ngự tại Điện Potala vĩ đại, trong thủ đô Lhasa; và du nhập vào một cuộc đời tu học nghiêm túc.
Năm 1949, cộng sản Trung Quốc bắt đầu xâm lược Tây Tạng. Năm 1950, vị Đạt lai Lạt ma mười lăm tuổi được đưa lên làm lãnh tụ đạo và đời cho xứ Tây Tạng, hai năm sớm hơn thông lệ. Bốn năm sau, ngài thọ trọn tăng giới trước linh tượng của Phật Quán Thế Âm (Avalokitesvara), người Tây Tạng gọi là Chenrezig.
Năm 1959, đức Đạt lai Lạt ma phải bỏ xứ lưu vong sang Ấn Độ, thiết lập thủ đô tị nạn Dharamsala cho người Tây Tạng. Hiện nay, Dharamsala đã trở thành một thủ đô Phật giáo nổi tiếng, với hàng trăm ngàn tu sinh học trong các tự viện lớn nhất, và vẫn duy trì được truyền thống Phật giáo Tây Tạng tinh khôi suốt hơn ngàn năm.
Đức Đạt lai Lạt ma ngày nay được thế giới kính quý ngưỡng mộ, vì quá trình hoằng hóa và tranh đấu cho dân chủ tự do của Ngài trong suốt năm mươi năm. Ngài được trao tặng giải Nobel Hòa bình năm 1989, và tiếp tục tranh đấu không ngừng cho Tây Tạng đang sa vào ách thống trị của cộng sản Trung Quốc.
Những tu viện mà chúng tôi được thăm viếng thuộc phái Mũ vàng của Ngài. Được nhìn thấy tận nơi đời sống và sự chuyên cần tu học nghiêm túc của quý sư và các tăng sinh, tôi rất cảm phục. Tôi được chứng kiến một buổi thực tập tranh biện (debate) Phật pháp trong khuôn viên tu viện Gaden Sartse của tăng sinh vào ban đêm khi mọi người đã an giấc. Mỗi một câu hỏi của tăng sinh đều được nhanh nhẹn trả lời sau một tiếng vỗ tay cho thấy sự chăm chỉ tu học, rèn luyện tuy các ngài còn rất trẻ.
Chúng tôi cũng khó quên những hình ảnh sinh hoạt của người dân Tây Tạng trong các khu tái định cư vẫn còn nghèo khó mặc dù đã sống lưu vong đến 51 năm. Chúng tôi thấy cảm thông sâu xa với nỗi niềm xa quê hương và sống nơi xứ lạ quê người của họ. Cái cảm giác thật mạnh mình là họ và họ chính là mình.
Tuy nhiên, nếu nhìn dưới một góc cạnh khác thuần tôn giáo, và có phần lạc quan, thì biến cố lịch sử bi thương tại Tây Tạng, cũng như tại Việt Nam và các nước Á Đông, kể cả Nhật bản và Hàn quốc, phải chăng đã góp phần trong sự phát triển ngày nay của Phật giáo trên thế giới, nhất là tại Tây phương.
Theo số liệu thống kê của Adherents (vào năm 2005) thì số người theo đạo Phật trên toàn thế giới là 376 triệu, chiếm khoảng 6% dân số thế giới.
Cũng theo thống kê Adherents, 10 nước có đông người theo Phật giáo nhất là:
Trung Quốc 102.000.000 người
Nhật bản 89.650.000 người
Thái lan 55.480.000 người
Việt Nam 49.690.000 người
Myanmar 41.610.000 người
Sri Lanka 12.540.000 người
Hàn quốc 10.920.000 người
Đài loan 9.150.000 người
Campuchia 9.130.000 người
Ấn Độ 7.000.000 người
Đạo Phật ở các nước Tây phương:
Hoa kỳ: Theo World Almanac năm 2004 có khoảng 2-3 triệu người theo đạo Phật. Đạo Phật đứng hàng thứ 5 ở đây. Tỉ lệ tăng số người theo đạo từ 1990 đến 2000 là 170%.
Theo Australian Bureau of Statistics của Úc thì số người theo đạo Phật có tỉ lệ tăng nhanh nhất nước này từ 1996 đến 2001 (hơn 150%). Năm 2002 có đến hơn 360.000 người theo Phật giáo.
Theo Pluralism Project thì trong năm 1997 ở Pháp có khoảng 650.000 và ở Anh có 180.000 tín đồ Phật giáo.
Những con số này tuy hơi cũ và không thật sự chính xác nhưng phản ánh được phần nào sự gia tăng mạnh mẽ của con số Phật tử ngày nay trên thế giới. Do bởi đặc tính khiêm cung và trầm lặng của người học Phật, con số thống kê trên thực tế có thể cao hơn nhiều. Chẳng hạn, tại Việt Nam, với hơn 80 triệu dân số, được ước tính có tỷ lệ 90% theo Phật giáo, thì số Phật tử phải cao hơn con số khoảng 50 triệu được đưa ra ở trên. Cho dù dưới chế độ xem như “vô thần” nhưng trên thực tế người Việt càng va chạm nghịch cảnh càng tăng trưởng niềm tin vào đấng thiêng liêng. Tại hải ngoại, số Phật tử người Việt rất đông. Với con số nhiều triệu người Việt Nam lưu vong tản mác trên thế giới, với khoảng 3 triệu tại Hoa kỳ, có hơn phân nửa là Phật tử. Do đó, con số 2-3 triệu Phật tử tổng cộng tại Hoa kỳ ghi trên ắt hẳn nhiều thiết sót, vì ngoài cộng đồng Việt hải ngoại, các cộng đồng người gốc Á khác (Hoa, Nhật, Hàn, Thái, vân vân…) đa số theo Phật giáo. Đó là chưa kể con số Phật tử người Tây phương.
Dù vậy, chỉ cần dựa phần nào vào các con số thống kê trên, cũng đủ thấy sự phát triển của Phật đạo trên thế giới, đặc biệt là tại Tây phương. Diễn đạt một cách khác, do các biến cố lịch sử khốc liệt từ sự triển khai triệt để của vật chất hóa, Phật giáo nói chung, và đặc biệt là Phật giáo Tây Tạng, từ một tôn giáo ẩn kín trên đỉnh núi cao, trong quá khứ được xem như là thần bí, ngày nay đặt chân trên khắp thế giới, cung ứng những lời dạy siêu diệu của đấng Toàn Giác đến cùng các bậc thức giả của các quốc gia có nền văn minh (kỹ thuật) hàng đầu, đem đến niềm an lạc và hạnh phúc mới như cứu cánh giải thoát khỏi sự nô lệ của kỷ nguyên vật chất.
Xin cầu nguyện Ơn Trên, Mười Phương Chư Phật phò hộ cho người dân Tây Tạng được sớm trở lại quê hương của họ. Cũng xin nguyện cầu cho chính đất nước nhỏ bé Việt Nam của chúng ta được trường tồn và tinh thần dân tộc vươn lên mạnh mẽ để bảo vệ quê hương tránh họa mất nước như Tây Tạng. Nhất là người dân Việt Nam được hưởng hạnh phúc ấm no dân chủ công bằng để có thể ngẩng mặt lên cùng các nước bạn trên thế giới.