27. Thăm các ngôi chùa Việt Nam tại Bồ đề Đạo tràng

24 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 46970)
27. Thăm các ngôi chùa Việt Nam tại Bồ đề Đạo tràng

 

chua_viengiac_an_do
 Chùa Viên Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ

Sau khi phát chẩn xong, chúng tôi đi xe lôi đến chùa Viên Giác do thầy Hạnh Tấn trụ trì gần đó. Cách đây mười hai năm, thầy Hạnh Tấn và thầy Hạnh Nguyện đã tổ chức chuyến hành hương cho chúng tôi đi, vậy mà bây giờ quý thầy đã xây cất được một ngôi chùa rất khang trang có chánh điện rộng lớn trang nghiêm. Chùa có nhiều phòng dành cho khách hành hương tạm trú.

 chua_viengiac_ando


Theo Đặc san Hành Hương năm 2003, đức Đạt lai Lạt ma từng đến thăm chùa Viên Giác trước đây, nhân một chuyến thuyết giảng tại Bồ đề Đạo tràng. Ngài quyết định thăm viếng bốn chùa một lúc: chùa Thái, chùa Đài loan, chùa Trung Quốc và cuối cùng là chùa Viên Giác.

 

Sư hiện diện trong chùa vào ngày hôm đó có thầy Minh Tánh, thầy Hạnh Sa, thầy viện trưởng tu viện Sera, thầy Ngawang, và quý sư cô Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, cùng quý tăng trẻ.

 

Khoảng gần 2:00 giờ trưa, đức Đạt lai Lạt ma đến chùa trên một chiếc xe hơi trắng từ ngoài chạy thẳng vào sân chùa, trong âm thanh chuông trống xen lẫn ngân nga, và trong sự nghênh đón của chư tăng ni. Hàng chục nhân viên Tây Tạng và cảnh sát Ấn Độ bao vây xe để bảo vệ an ninh cho ngài.

 

Thầy Ngawang đã giới thiệu ban trị sự chùa, sau đó ngài Đạt lai Lạt ma tiến dần vào để bắt tay chào hỏi quý thầy cô đang đứng làm hàng rào và khoác khăn trắng lên cổ mọi người. Ngài đi đâu cũng nắm chặt tay chư tăng và dìu nhau bước lên những bậc thang lầu vào chùa.

 

Trong chánh điện, ngài lễ Phật và tụng một thời kinh cầu an. Đại chúng ngồi xung quanh, chắp tay, lắng nghe những bài chú rất hào hùng. Ngài vừa tụng vừa rải gạo lẫn hoa cúng Phật lên người chư tăng ni ban phước. Sau buổi cầu an ngắn, chư tăng dâng phẩm vật và tịnh tài cúng dường.

 

Sau đó ngài vào thư viện viếng thăm và dùng trà Việt Nam. Tại đây, ngài chuyện trò vui vẻ hồn nhiên cùng chư tăng ni, dùng trà và bánh mứt Việt. Ngài còn biết được đa số Phật tử Việt Nam tu Tịnh Độ và niệm A Di Đà Phật. 



vn_phat_quoc_tu_an_do

Việt Nam Phật Quốc Tự tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ

Rời chùa Viên Giác, chúng tôi đi taxi đến viếng Việt Nam Phật Quốc Tự của thầy Huyền Diệu. Cách đây 12 năm, chùa đang cất dang dở ngôi chánh điện mà nay cũng đã hoàn tất cao rộng chạm trổ đẹp mắt theo truyền thống Phật giáo. Theo hai người thợ từ Việt Nam sang làm việc cho biết tất cả hoa văn đều chạm bằng tay, không có mua đồ làm sẵn.

 

Tôi gặp một vị sư hiền lành, lớn tuổi từ thiền viện Trúc Lâm do hòa thượng Thích Thanh Từ làm viện trưởng ở Đà Lạt sang làm công quả. Vị sư tên Kiến Huệ cho biết mùa hành hương tại Ấn Độ từ tháng 10 đến tháng 3 thì hết vì tháng 3 không có máy bay đến Bồ đề Đạo tràng. Vào mùa hành hương chùa có mở các khóa tu học. Những tháng 3, 4, 5, 6 trời nóng và tháng 7 trời mưa nhưng bớt nóng. Sư nói chỉ ở vài tháng lo công việc chùa tiếp thầy Huyền Diệu, khi visa hết hạn sư phải trở về Việt Nam.

 

 

Sư Kiến Huệ cho biết Hòa thượng Thích Thanh Từ, thiền viện Trúc Lâm ở Đà lạt, vừa xuất bản sách mới là quyển Tiến Thẳng Vào Thiền Tông.

 

Cương Lĩnh Tu cho biết Chân tâm có ba phần. Phần thứ nhất, qui sáu căn về Chân tâm. Phần thứ hai, tu khi nhận ra Chân tâm. Phần thứ ba, thể nhập Chân tâm.

 

Thứ nhất là Qui Sáu Căn Về Chân Tâm.


Về giới, ba căn đầu sử dụng lúc tiếp xúc bên ngoài và khi ngồi Thiền: 1. Mắt biết thấy là Chân tâm, 2. Tai biết nghe là Chân tâm, 3. Thân biết xúc chạm là Chân tâm.

 

Ba căn sau chỉ sử dụng khi ngồi Thiền: 4. Mũi biết ngửi là Chân tâm; 5. Lưỡi biết nếm là Chân tâm; 6. Ý biết pháp trần là Chân tâm.

 

Thứ nhì là Tu Khi Nhận Ra Chân Tâm.


Về định có 3 phần: 1. Tu khi nhận ra Chân tâm thì đi, đứng, nằm, ngồi đều nhẩm đi nhẩm lại câu “Chân tâm hiện tiền.”; 2. Đến lúc nào trong đầu nhớ liên tục “Chân tâm hiện tiền”thì chuyển qua giai đoạn III ở dưới.

 

Thứ ba là Thể Nhập Chân Tâm.


Về tuệ: 1. Định nghĩa: Chân tâm là “thường biết rõ ràng mà không niệm.” 2. Tập mãi cho đến khi thuần thục, chỉ còn hai chữ “không niệm.”Buông luôn hai chữ “không niệm” thì tâm thênh thang và còn mãi.

 

Hòa thượng Thích Thanh Từ là một vị thiền sư cao tăng tại Việt Nam, mỗi lần ngài thuyết pháp có hàng ngàn chư tăng ni Phật tử đến nghe. Luận giảng của ngài in ra nhiều thứ tiếng cho hàng vạn Phật tử trong nước và trên thế giới. Ngài cho biết sắp nhập thất dài hạn để rốt ráo hành thiền.

 

Tại nước ngoài có Hòa thượng Thích Nhất Hạnh cũng là một vị Thiền sư nổi tiếng của thời đại. Thầy Nhất Hạnh đã tạo ra trường phái riêng của mình từ năm 1965, dòng Tiếp Hiện, dành cho cả tăng sĩ lẫn các Phật tử thế tục có ý thức về sự cần thiết của việc dấn thân vào xã hội. Lưu vong năm 1966 tại Pháp, năm 1982, Thầy Nhất Hạnh thành lập Village des Pruniers (Làng Mai), nơi trú ngụ của nhiều trăm người tu, Âu châu lẫn Việt nam. Các buổi thuyết giảng của Thầy dành cho người Tây phương không ngớt tăng dần từ nhiều chục năm qua. Tại các trung tâm Làng Mai mỗi mùa hè đều tổ chức các thời pháp và khóa thiền lớn. Thầy Nhất Hạnh cũng thành lập hàng trăm nhóm tu học tại Hoa kỳ, và thuyết pháp cho các cử tọa rộng lớn. Hiện Thầy Nhất Hạnh có đạo tràng ở nhiều nước trên thế giới với hàng vạn Phật tử đủ quốc tịch tu thiền theo pháp của ngài. Nhà văn, nhà thơ, viết truyện, triết gia, Thích Nhất Hạnh đã viết hơn tám mươi tác phẩm, trong đó có khoảng hai mươi quyển được dịch sang Pháp văn và Anh văn. Cùng với Đạt lai Lạt ma, trên thế giới hiện nay Thầy Thích Nhất Hạnh đang là biểu tượng khuôn mặt lớn nhất của Phật giáo thời đại, dấn thân và nhân bản.

 

 

Khung cảnh chùa Việt Nam Phật Quốc Tự thật yên tịnh. Khi sư Kiến Huệ đưa chúng tôi lên đến sân thượng thì Thầy Huyền Diệu đang tiếp hai vị khách. Trông thầy không già đi nhiều so với mười một năm về trước. Thầy rất vui vẻ, hiếu khách hòa nhã và tự tin, không kiểu cách mà lại bình dân và thoải mái khi tiếp xúc.

 

Cũng vẫn nụ cười luôn nở trên môi và giọng nói trong trẻo, thầy tâm sự là qua sự tu tập nhiều năm, điều thầy khám phá là sức mạnh lớn nhất của tình thương. Thầy rất thương người Ấn Độ và Nepal và họ cũng rất thương thầy. Khi chiến tranh xảy ra ở Nepal giữa phe hoàng tộc và quân phiến loạn, thầy đã xin gặp nhà vua và khuyên ông không nên để chiến tranh. Thầy cũng vào mật khu để gặp quân phiến loạn và khuyên họ buông súng. Trước khi đi thầy trì tụng kinh Phổ Môn.

 

Thầy Huyền Diệu là tác giả những quyển sách như Metta Karuna Pranna, Những Điều Mầu Nhiệm, Khi Hồng Hạc Bay Về, Lòng Tri Ân Sức Mạnh và Mầu Nhiệm, Nepal-Peace is at Hand, và quyển Tình Thương và Lòng Khoan Dung : Sức mạnh và sự mầu nhiệm mới xuất bản.

 

Trong quyển sách viết bằng Anh ngữ, Thầy Huyền Diệu có đăng lại lá thơ ngày 12-6-2004 gởi cho nhà vua Gyanendra của xứ Nepal và lãnh đạo các đảng phái chánh trị lẫn lãnh đạo kháng chiến quân cộng sản. Thầy kêu gọi ngừng chiến tranh và đề nghị hãy cùng đến ngồi thiền tại vườn Lâm tì ni, nơi Đức Phật đản sanh để tìm giải pháp cho hòa bình.

 

Himalayan News Service và Katmandu Post vào ngày 12-6-2004 đều đưa tin lời kêu gọi của thầy Huyền Diệu, người thành lập ngôi chùa quốc tế tại Lâm tì ni và là chủ tịch Hội Phật giáo Quốc tế. Qua bản tin thầy rất quan tâm về việc chiến tranh leo thang, sự chết chóc gia tăng và người dân hết sức lo sợ bất an và đau khổ. Trong cuộc họp báo thầy Huyền Diệu cho rằng người Nepal đã quá may mắn được có được Lâm tì ni, hãy hành theo lời dạy bất bạo động của Đức Phật.

 

VIỆT NAM PHẬT QUỐC TỰ - Bồ Đề Đạo Tràng
Địa chỉ: P.O. Box 31, Boudha Gaya, P.C. 824231,
Dist. Gaya, Bihar, INDIA
Tel: (+91) 631 2200733 hoặc (+91) 631 2201023
Mob:(+91) 9431 256763
Email: vietnamphatquoctu@gmail.com

image140

Thầy Thích Huyền Diệu (phải) trụ trì chùa Việt Nam

Phật Quốc tự tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ đang tiếp

khách trên sân thượng chùa.

 

image142

Chùa Việt Nam Phật Quốc tự tại Bồ Đề Đạo Tràng,

tỉnh Biha Miền Bắc Ấn Độ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Chín 2004(Xem: 41533)
1,863,880