23. Trung Thiền trong Trình tự Tu thiền

24 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 39206)
23. Trung Thiền trong Trình tự Tu thiền



Đức Đạt lai Lạt ma thuyết ngắn gọn về Trình tự Tu thiền theo Đại thừa Hiển tông dưới đây. Như đã nói trên, đây là bài thuyết giải về tác phẩm “Trình tự Tu thiền” của Đại sư Phật giáo người Ấn Độ Liên hoa giới Kamalashila.

stages_meditation_dalai_lama-content


Trong thiền định có ba trình độ: 1. Sơ thiền (First stage); 2. Trung thiền (Second or Middling stage) và; 3. Tam thiền hay Đại thiền định (Last or the Third stage.

 

Trong ba trình độ, Trung thiền được xem như dễ thông đạt, vì vậy thường được thuyết giảng cho đại chúng tu tập. Người có trí muốn mau chóng thành tựu tri giác, phải cố công ra sức tu tập đầy đủ nhân duyên.

 

 

Phần trình bày dưới đây là tóm lược bài giảng của đức Đạt lai Lạt ma, dựa theo bài Việt dịch của Hồng Như Thubten Munsel, đã hiệu đính chuẩn bị cho Pháp hội tại Sydney, 06/2008. Xin kính ghi công đức này của quý Thiện Tri Thức.

 

Riêng hai chương cuối: 9/ Thành Tựu Quán, và 10/ Hợp nhất Phương tiện và Trí tuệ rất dài, nhiều chi tiết, và có trình độ cao chuyên biệt. Do bởi nội dung phổ thông của quyển sách, tác giả chỉ xin tóm lược tiêu biểu vài câu. Quý độc giả cần tham khảo thêm kính mời sử dụng tài liệu ghi trên.

 

 

1/ Tâm là gì?

Trí toàn giác không thể không nhân mà có, vì nếu vậy thì bất cứ điều gì cũng có thể là toàn giác. Nếu sự việc sinh ra không tùy thuộc vào một điều gì khác thì mọi sự đều có thể hiện hữu không câu thúc, sẽ chẳng lý do gì không thể là toàn giác. Do đó vạn vật bắt buộc phải tùy thuộc nhân duyên. Trí toàn giác nhất định phải tùy thuộc nhân duyên.

2/ Luyện tâm

Cần chọn lựa và huân dưỡng nhân tố cho thật chính xác và đầy đủ. Không thể chọn lầm nhân vì sẽ phí công sức mà vẫn không đạt được mong cầu. Tương tự, nhân không đủ thì quả không thể phát sinh.

 

Đâu là nhân duyên tạo trí toàn giác? Đức Phật dạy rằng: “Này Kim Cang Thủ, này đấng Thế tôn Thâm Mật, trí toàn giác siêu việt lấy tâm đại bi làm gốc, sinh ra từ nhân là tâm vị tha, tâm bồ đề, và phương tiện thiện xảo.” Vậy, muốn trí toàn giác, ta cần hành trì ba điều sau đây: tâm đại bi, tâm bồ đề và phương tiện thiện xảo.

 

Bồ tát phát tâm đại bi và tâm bồ đề, lập thệ nguyện phổ độ chúng sanh, dụng phương tiện thiện xảo dấn thân hành trì. Nhờ vậy, tích tụ đầy đủ công đức trí tuệ rồi thì như nắm trí toàn giác trong lòng bàn tay. Kinh Chánh Pháp Tập Kinh nói: “Kính bạch Đức Phật, Bồ tát không cần hành trì nhiều pháp tu. Nếu Bồ tát có thể giữ một pháp cho thật đúng đắn, tu một pháp cho thật toàn hảo, thì vô lượng thiện đức của Phật sẽ nắm gọn trong lòng bàn tay. Nếu nói pháp ấy là gì, đó chính là tâm đại bi.”

 

4/ Phát triển đại xả, gốc rễ của đại từ:

Thiền quán tâm bi bắt đầu bằng quán tâm xả. Hãy cố gắng khởi tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sanh bằng cách đoạn diệt tham và sân.

 

Hãy quán niệm sâu xa rằng, từ vô lượng sanh tử đến giờ, không có chúng sanh nào không từng là thân nhân bằng hữu của ta hàng trăm lần rồi. Vậy chẳng có lý do gì tham luyến người này, oán hận người khác. Hãy khởi tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sanh. Bắt đầu thiền quán đại xả, từ bạn thân, đến người lạ, rồi đến kẻ thù. Để cho hạt giống bi mẫn gieo xuống, khi tâm thức đã thấm nhuần trong nước đại từ, thì hãy thiền quán đại bi.

 

5/ Nhận diện khổ đau:


Tâm bi là ước nguyện cho chúng sanh khổ đau đều thoát khổ. Chúng sanh trong ba cõi đều luôn bị hành hạ bởi ba loại khổ, thể hiện hằng hà sắc thái khác biệt. Trong ba cõi từ địa ngục, súc sanh, đến loài người, cho đến chúng sanh đều bị hành hà bởi đủ loại khổ.

 

Tam khổ tức khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Khổ khổ sanh ra do thân chúng sanh chịu đủ các loại khổ sanh lão bệnh, phiền não do gông cùm tham ái. Hoại khổ là do biến chuyển thay đổi, bệnh tật tử vong. Hành khổ do nghiệp và phiền não làm nhân tố tác động mà khởi sanh.

 

[…]

 

Thiền quán khổ làm phát sanh tâm từ bi, bắt đầu đối với người thân, rồi lan dần ra muôn loài chúng sanh. Huân tập trong đại bi, lấy đó làm nền tảng để từ đó thiền quán phát tâm bồ đề.

 

Tâm bồ đề có hai: qui ước và cứu cánh. Tâm bồ đề qui ước là sự huân dưỡng chí nguyện ban đầu, vì lợi ích của chúng sanh trầm luân trong biển khổ. Tâm bồ đề qui ước được huân dưỡng theo quá trình giải thích trong Giới luật, Kinh Bồ tát địa (Bodhisattvabhumi), trước nhất là thọ Bồ tát giới, và dốc sức nghiêm hành giới luật Bồ tát.

 

Khi tâm bồ đề qui ước đã phát khởi, cần huân dưỡng tâm bồ đề cứu cánh. Tâm bồ đề cứu cánh siêu việt mọi niệm khởi, cực kỳ trong sáng, là đối tượng cứu cánh không ô nhiễm, không lay động. Tâm này có được nhờ liên tục huân tập tâm thức bằng pháp tu chỉ quán trong thời gian dài. Kinh Giải Thâm Mật nói: “Này Bồ tát Từ Thị, hết thảy thiện pháp thuộc thế gian và xuất thế của Thanh văn, Bồ tát, hay Như lai, nên biết đều là thành quả do chỉ quán tạo ra.” Vì tất cả chánh định đều thuộc về chỉ quán, nên mọi hành giả đều nên siêng tu chỉ quán.

 

Tuy nhiên hành giả không thể tu thiền chỉ mà thiếu trí tuệ, vì chỉ có ánh sáng trí tuệ mới tận diệt tâm phiền não. Kinh Giải Thâm Mật có dạy: “Định có khả năng hủy diệt phiền não. Tuệ có khả năng triệt để hủy diệt tập khí phiền não.”

 

[...]

 

6/ Trí tuệ


Kinh Bảo Tích nói: “Nhờ Giới mà đạt Định. Đạt Định rồi thì tu Tuệ. Tuệ sẽ giúp đạt tri giác trong sáng. Nhờ tri giác trong sáng mà Giới sẽ toàn hảo.”

 

Định và Tuệ phải tu song hành. Kinh Đại Siêu Thoát Khổ có nói: “Chư Thanh văn không thấy được Phật tánh vì định mạnh mà tuệ yếu. Chư Bồ tát thấy được Phật tánh nhưng không thấy rõ, vì tuệ mạnh mà định yếu. Chỉ có Như Lai có thể thấy tất cả, vì định tuệ ngang nhau.” […] Vậy nên giữ lấy phương pháp song tu chỉ quán.

essential_practice_khenchen_thrangu_rinpoche-content

7/ Điều kiện tiên quyết tu chỉ quán


Cần hội đủ mọi điều kiện tu chỉ quán ngay khởi đầu để thành tựu.

 

Các điều kiện tiên quyết đó là: sống trong môi trường thuận tiện; thiểu dục tri túc; không gánh nhiều việc; giữ giới thanh tịnh; triệt bỏ lòng tham ái cùng mọi tư tưởng khái niệm khác. Cần nương dựa vào bậc thánh giả học rộng đa văn, khéo giảng chánh pháp, đầy lòng từ bi, giàu sức nhẫn nại. […]

 

Chư Bồ tát, khi hội đủ điều kiện, hãy bắt đầu tham thiền.

 

Trước tiên phải hoàn tất mọi pháp tu sơ khởi: giữ thân thể thoải mái ở nơi an tĩnh. Đặt ảnh tượng Phật hay Bồ tát trước mặt. Phát tâm tu thiền: “Tôi sẽ độ hết thảy chúng sanh vào Niết bàn giác ngộ.” Khởi tâm bồ đề, rồi quỳ lạy và toàn thân chạm đất đảnh lễ chư Phật và Bồ tát mười phương. Cần sám hối mọi tội chướng và tùy hỉ công đức của mọi người.

 

Hành giả ngồi kiết già hay bán già trên tọa cụ. Mắt không mở lớn, không nhắm kín, nhìn xuống chót mũi. Giữ thân thẳng, tâm xoay vào trong. Hai vai tự nhiên, đầu thẳng. Răng và miệng tự nhiên, chót lưỡi chạm hàm trên. Giữ hơi thở nhẹ, đều đặn, không phát tiếng động, không cố gắng, không ngắt quảng. Hô hấp tự nhiên tựa như không có.

 

8/ Hành trì thiền chỉ


Phải thành tựu thiền chỉ trước. Chỉ là cái tâm không tán loạn chạy theo ngoại cảnh, an trụ nơi đề mục một cách tự nhiên, liên tục, nhu nhuyễn khinh an. Tâm ở trong trạng thái của chỉ mà suy xét chính xác về tánh như, đó là quán. Kinh Bảo Vân nói: “Chỉ là nhất tâm bất loạn; quán là quán xét riêng biệt về chân tánh.”

 

[…] Khi Bồ tát đạt được tâm khinh an và an trú trọn vẹn nơi đó, thì sẽ diệt được tán tâm, nhập chánh định.

 

Hành giả muốn thành tựu, ngay từ đầu phải chú tâm để thấy rằng mười hai loại Kinh Phật, khế kinh, ứng tụng, vân vân… đều có thể tóm tắt được như sau: tất cả đều đang dẫn đến tánh như, sẽ dẫn đến tánh như, và đã dẫn đến tánh như.

 

Bồ tát nhiếp tâm vào một đề mục thiền chỉ và thường xuyên liên tục đặt tâm vào nơi đó, đồng thời kiểm soát tâm có đang bị chìm đắm hay bị quấy động vì ngoại cảnh hay không.

 

Tán tâm là điều cần đoạn diệt. Dùng sợi dây chánh niệm và tỉnh giác cột chặt tâm như voi điên vào gốc cây đề mục. Khi tâm thoát khỏi tán loạn chìm đắm, thì không cần cố gắng cũng tự nhiên chuyên chú nơi đề mục. Cần huân tập lâu dài trong thiền định như vậy.

 

9/ Thành tựu quán


Sau khi thành tựu chỉ, hãy nên thiền quán bằng suy nghĩ như sau: tất cả các giáo pháp của Phật đều là giáo pháp tuyệt hảo, đều trực tiếp hay gián tiếp làm hiển lộ tánh như và dẫn đường đến tánh như cực kỳ trong sáng. Nếu hiểu được tánh như sẽ thoát lưới tà kiến, như bóng tối tan khi ánh sáng xuất hiện. Phải dùng tuệ để quán tánh như cho đúng cách thì thanh tịnh được bản giác. Phải có tuệ mới chứng được tánh như, đoạn được chướng nghiệp.

 

Tánh như là chân tánh của vạn pháp, rằng rốt ráo đều là vô pháp ngã và vô nhân ngã. Điều này phải chứng bằng tuệ ba la mật, không có cách nào khác. […]. Vì vậy hãy từ trong chỉ mà quán tuệ.

 

[…]

 

Thiền quán các pháp vô ngã như sau: tất cả các pháp, nói tóm lại, đều bao gồm trong năm uẩn, mười hai xứ, và mười tám giới. Sắc tướng của uẩn, xứ, và giới chẳng qua chỉ là sắc tướng của tâm. Là vì nếu phân chia sắc thể ra thành từng hạt tử cực vi, xét tánh chất của từng hạt tử ấy, cũng chẳng thể tìm ra đặc tính của sắc.

 

Cho đến rốt ráo thì chính tâm cũng không có thật. Cái tâm này đây, chỉ biết nhìn vào hình tướng hư vọng của sắc, vân vân, để hiện thành nhiều sắc thái, tâm như vậy thì làm sao có thể có thật? […] Do đó ngay từ bản chất, tâm vốn hư huyễn.

 

[…]

 

Cứ như vậy, vận dụng trí tuệ để quán chiếu tìm một vật, vẫn không thể chứng thấy vật ấy vốn có thật, hành giả khi ấy nhập định vô niệm. Và như vậy chứng được sự vô đặc tánh của vạn pháp.

 

[…] Chỉ hành giả nào tham thiền quán xét cho thật rốt ráo mới nhập định vô tướng. […] Nhờ nơi vận dụng tuệ quán xét rốt ráo chân tướng của sự vật mới nhập định vô niệm. Cũng không thể đạt định bằng cách trú ở cõi thế gian và xuất thế gian, vì đó là sắc… đều không thể nhận biết. Định này gọi là định vô trú.

 

Hành giả này được gọi là tuệ giác vô thượng, vì khi dùng tuệ giác quán xét đặc tánh của vạn pháp, hành giả sẽ chẳng tìm thấy gì. Điều này được nói trong Kinh Không Tạng và Kinh Bảo Ngọc Vương Đỉnh, vân vân…

 

[…]

 

10/ Hợp nhất Phương tiện và Trí tuệ


Đến khi chỉ quán cân bằng, hãy giữ tâm tịch lặng. Hễ thân tâm còn thoải mái thì cứ giữ như vậy. Nếu thân tâm bắt đầu khó chịu, hãy nhìn toàn cõi thế gian như huyễn, như mộng, như bóng trăng, như ảnh hiện. Nghĩ rằng: “Tất cả chúng sanh đang vô cùng khốn khổ trong cảnh luân hồi vì họ không có được trí tuệ thậm thâm này.” Rồi phát tâm đại bi và tâm bồ đề, nghĩ rằng: “Tôi phải nỗ lực giúp cho họ hiểu được tánh như.” Nghỉ ngơi, rồi trở lại nhập chánh định vô tướng như cũ. Đây là con đường tu tập kết hợp định tuệ, nhiếp tâm vào đề mục bằng khái niệm và vô niệm.

 

[…] Hành giả hành thiền về tánh như độ một tiếng hay lâu hơn tùy theo thoải mái. Sau đó, nếu muốn xuất định, thì khi chân còn xếp bằng, hãy suy nghĩ như sau: “Mặc dù xét theo chân đế tất cả các pháp này đều không có đặc tánh, nhưng xét theo tục đế các pháp vẫn hiện hữu. Bằng không làm sao có nhân quả?”

 

[…]

 

Tiếp theo, chầm chậm xả thế kiết già, đảnh lễ mười phương chư Phật và Bồ tát. Cúng dường và tán dương chư Phật và Bồ tát… Sau đó nỗ lực tích tụ công đức trí tuệ bằng cách thực hành hạnh thí, vân vân… bao gồm đầy đủ tinh túy của tánh không và đại bi.

 

Làm như vậy sẽ từ trong định chứng được tánh không với đầy đủ mọi thiện đức tối thượng. Kinh Bảo Ngọc Vương Đỉnh dạy: “Khoác áo giáp đại từ, an trú trong đại bi, nhập chánh định trực chứng tánh không bao gồm đầy đủ mọi thiện đức tối thượng. Thế nào là tánh không bao gồm đầy đủ mọi thiện đức tối thượng? Là tánh không không rời hạnh thí, không rời hạnh giới, không rời hạnh nhẫn, không rời hạnh tấn, không rời hạnh định, không rời hạnh tuệ, và không rời phương tiện.”

 

Trí toàn giác bao gồm đầy đủ mọi thiện đức tối thượng, trí này có thể đạt được nhờ thực hành hạnh thí cùng các hạnh phương tiện. Vì vậy Đức Phật nói rằng, trí toàn giác có được là nhờ phương tiện. Nên Bồ tát cũng phải thực hành hạnh thí cùng các hạnh ba la mật khác chứ không thể chỉ biết đến tánh không.

 

[…]

 

Đường tu của Bồ tát là con đường hành trì pháp tu hợp nhất trí tuệ và phương tiện. Đường tu này siêu việt, thấm nhuần tâm đại bi hướng về toàn thể chúng sanh.

 

Cho nên Đức Phật dạy: “Trí toàn giác siêu việt lấy tâm đại bi làm gốc, tâm bồ đề làm nhân, trở nên toàn hảo nhờ phương tiện thiện xảo.”

harmony_emtiness_tsong_khapa-content

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Chín 2004(Xem: 41528)
1,863,880